Cục Diện 2018

Thứ Bảy, 10 Tháng Hai 20187:00 SA(Xem: 6587)
Cục Diện 2018

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Các sinh viên tham sự cuộc diễu hành ngày 24 tháng 12 năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh để đánh dấu việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Các sinh viên tham sự cuộc diễu hành ngày 24 tháng 12 năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh để đánh dấu việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
icon-zoom AFP

Năm 2018 sẽ có những gì là đáng chú ý trong lĩnh vực kinh tế? Diễn đàn Kinh tế sẽ khởi sự loạt bài tổng kết và dự báo như sau, với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do….

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong một buổi phát thanh cuối năm. Thưa ông, là tư vấn kinh tế cho ban Việt ngữ đài RFA từ ngày đài thành lập vào dịp Tết Đinh Sửu năm 1997, ông thường tổng hợp tình hình kinh tế cuối năm và đưa ra một số dự đoán về viễn ảnh kinh tế cho năm sau. Vì là người Việt Nam, chúng ta lại thừa hưởng hai tấm lịch âm dương cho nên việc tổng kết và dự đoán trải từ dương lịch qua âm lịch, từ Giáng Sinh rồi Tết Tây đến Tết Ta, năm nay sẽ vào giữa Tháng Hai năm 2018. Vì vậy, sau khi mọi người đã mừng Giáng Sinh 2017, kỳ này Nguyên Lam xin được đề nghị ông trình bày về viễn ảnh toàn cầu cho năm tới, ông nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta hay nói bộ môn kinh tế là một khoa học u ám vì thiên hạ chỉ chú ý đến nó khi tình hình kinh tế có khó khăn. Bản thân tôi lại có xu hướng thực tiễn và không thích nước đường nên chú ý vào những gì bất lợi có thể xảy ra trong tương lai để cảnh báo. Vì vậy, xin được nói trước rằng tôi sẽ không tô hồng thực tế! Về đề tài kỳ này, tôi xin tóm lược là chúng ta đã thấy những chấn động trong hệ thống quốc tế suốt năm 2017 đang kết thúc, nhưng thật ra thì trạng thái bất thường ấy đã xảy ra từ năm 2008, là năm tôi gọi là “điểm lật”, cho nên qua năm 2018 chúng ta còn thấy nhiều đổi thay bất ngờ khác.

Nguyên Lam: Bây giờ nói về viễn ảnh 2018, xin đề nghị ông trở lại cái “điểm lật” từ năm 2008.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Năm 2008, vụ khủng hoảng tài chánh manh nha từ lâu đã bùng nổ vào Tháng Chín và gây ra nạn “Tổng suy trầm” hay “Suy trầm Toàn cầu” 2008-2009. Biến cố thật ra chẳng bất ngờ làm rung chuyển trật tự được các nước xây dựng từ nhiều thập niên trước đó. Hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế bị chấn động và dù chưa sụp đổ thì cũng khiến nhiều nước phải nghĩ tới một trật tự khác. Đấy là lý do cơ bản mà nhiều nước bị xoay chuyển bên trong, và quan hệ an ninh cùng kinh tế giữa các nước cũng có thay đổi. Qua năm 2018, chiều hướng ấy sẽ còn tiếp tục vì những động lượng hay “momentum” của nhiều năm qua. Đấy là bối cảnh chung để chúng ta nhìn ra viễn ảnh 2018.

Nguyên Lam. Qua nhiều năm theo dõi, thính giả của chúng ta đã quen với cách tiên báo của kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa khi trở về những bối cảnh xa xưa, lần này từ 10 năm trước. Thưa ông Nghĩa, Nguyên Lam xin đề nghị là chúng ta cùng khởi đi từ đó.

Nguyễn-Xuân Nghỉa: - Tôi xin tóm lược rất sơ sài như sau. Năm 2008 là khi Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với những kỳ vọng lớn lao. Năm đó, Trung Quốc cũng bước vào thế giới văn minh khi khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh vào ngày tám Tháng Tám 2008, Cùng ngày đó, Liên bang Nga lại tiến quân tấn công nước Cộng hòa Georgia trong khi Hoa Kỳ bị rung chuyển về vụ khủng hoảng tài chính thật ra đã manh nha từ cuối năm 2017 tại Âu Châu. Khi các nước Tây phương bị khủng hoảng thì nhiều người lầm tưởng rằng tư bản chủ nghĩa sắp sụp đổ, nhưng sự thật lại khác: khối dân chủ bị khủng hoảng chính trị khiến các đảng phái truyền thống mất niềm tin của quần chúng và đây đó xu hướng cực đoan nổi lên mà ít ai thấy rằng Trung Quốc mới lâm đại họa tài chánh vì ào ạt bơm tiền kích thích kinh tế từ cuối năm 2008 và nay chưa biết xoay trở ra sao với cái núi nợ chất ngất dó. Còn Liên bang Nga có ra sức tung hoành ở bên ngoài từ những năm 2008 tại Georgia qua 2014 tại Ukraine và 2015 tại Syria thì cũng chỉ để khỏa lấp nhiều khó khăn kinh tế chống chất ở bên trong. Đấy là bối cảnh chung.

Nguyên Lam: Thưa quý thính giả, ông Nghĩa vừa tóm lược toàn cảnh từ những năm 2008 để chúng ta nhớ lại những chuyển động lớn trên địa cầu. Nguyên Lam xin đề nghị ông tiếp tục  phân tích sự chuyển động ấy trong từng khu vực địa dư..

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được bắt đầu bằng Hoa Kỳ, một siêu cường vẫn còn ảnh hưởng toàn cầu. Vụ khủng hoảng 2008 khiến Hoa Kỳ lâm vào nạn ách tắc chính trị kéo dài. Di sản ách tắc đó vẫn còn, nhưng lại bị đánh giá sai. Lý do là nền dân chủ tạo ra sự phân quyền để Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp ràng buộc và kềm hãm nhau. Một số báo chí cứ quy tội cho Tổng thống Donald Trump là gây ra phân hóa và ách tắc, sự thật lại khác. Hiện tượng bế tắc đã có từ trước và các thành phần thất thế trong xã hội Mỹ giúp ông Trump đắc cử đề ngày nay đang đề nghị giải pháp khác mà ta sẽ lần lượt thấy trong năm tới.

- Các quốc gia độc tài lại không có sự chọn lựa đó, như ta sẽ thấy trong năm 2018 này, điển hình là tại Trung Quốc hay Liên bang Nga. Ta nên nhớ đến một nghịch lý là khi các thế lực chính trị của một xứ dân chủ kềm chế nhau một cách khá ồn ào thì cũng là lúc người dân và nền kinh tế tiếp tục vận hành trong một không gian và môi trường khác. Ngược lại, sự ổn định bề ngoài của chế độ độc tài lại tích lũy nhiều bài toán không có giải pháp.

Nguyên Lam: Nhiều thính giả và chính Nguyên Lam thắc mắc về việc Hoa Kỳ ngày nay không còn đề cao nguyên tắc tự do mậu dịch và có vẻ gây khó khăn cho Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mà chính nước Mỹ đã góp phần xây dựng từ nhiều thập niên trước. Ông giải thích thế nào về chiều hướng này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ đã giúp các nước tái thiết và phát triển, rồi qua gần nửa thế kỷ sau đó còn cổ võ giá trị của kinh tế thị trường và tự do thương mại với tối thiểu hạn chế như một giải pháp đối nghịch với hệ thống tập trung quản lý theo kế hoạch của các nước cộng sản độc tài. Kết quả là hai đà phát triển khác nhau, là sự sụp đổ của hệ thống cộng sản và việc một số chế độ độc tài phải cải cách theo quy luật thị trường.

- Nhưng hậu quả sau đó là các chế độ tôi xin gọi là “phi cầm phi thú”, “nửa dơi nửa chuột” đó chỉ cải cách nửa vời trong khi vẫn duy trì vai trò chỉ đạo kinh tế trong tay đảng và nhà nước. Các thí dụ điển hình chính là Trung Quốc, Liên bang Nga và Việt Nam, họ đều gia nhập WTO mà vẫn giữ chế độ bảo hộ mậu dịch trong thực tế để bảo vệ quyền lực và quyền lợi cho một thiểu số. Đấy là một.

Nguyên Lam: Khi ông nói đấy là một thì có lẽ còn nhiều vấn đề khác nữa mà chúng ta sẽ thấy trong năm 2018. Thưa ông, những vấn đề ấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện thứ hai, từ thời Chiến tranh lạnh cho tới gần đây, Hoa Kỳ vẫn chấp nhận thua thiệt về kinh tế trong giao dịch với các nước để có đồng minh về an ninh. Nhưng hoàn cảnh thay đổi khiến sự thua thiệt kinh tế trong tiến trình ta gọi là toàn cầu hóa làm nhiều người Mỹ bất mãn. Họ thấy là bị cạnh tranh bất chính với các nền kinh tế mới nổi vì mất việc làm trong khu vực chế biến, lợi tức bị sút giảm trong khi Hoa Kỳ vẫn phải bảo vệ an ninh cho các đồng minh chống các đối thủ như Liên bang Nga tại Âu Châu hay Trung Quốc tại Châu Á.

- Vì vậy, không chỉ có ông Trump mà đảng Dân Chủ cũng hoài nghi lời cam kết cải tổ kinh tế xã hội như quy định trong Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP và dù bên Cộng Hòa vẫn đề cao kinh tế tự do thì ưu lo về khả năng bảo vệ an ninh của nước Mỹ. Cả hai đảng đều nêu vấn đề từ hai giác độ trái ngược và trào lưu đó kết tụ vào vai trò của tổ chức WTO lẫn nhưng cam kết kinh tế đa phương. Trong năm 2018, ta sẽ thấy mâu thuẫn và tranh chấp kinh tế gia tăng, nhưng chìm bên dưới hồ sơ kinh tế vẫn là vấn đề an ninh.

- Cụ thể và gần gũi là Việt Nam đạt xuất siêu với Mỹ, bị nhập siêu với Tầu và muốn Mỹ yềm trợ về an ninh chống sức ép từ Bắc Kinh mà vẫn duy trì ách độc tài chính trị, bảo vệ sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế, không chấp nhận sự hiện hữu của các công đoàn độc lập, không tôn trọng luật lệ về môi sinh hay tác quyền, v.v… Người dân và Quốc hội Mỹ khó chấp nhận được những nghịch lý đó. Vì vậy, năm 2018 sẽ còn thấy nhiều mâu thuẫn kinh tế giữa Hoa Kỳ với nhiều quốc gia bị gọi là trục lợi bất chính.

Nguyên Lam: Thưa ông, sau Hoa Kỳ, ông thấy gì về cục diện Đông Á là nơi có hai nước mà chúng ta đều quan tâm, là Trung Quốc và Việt Nam?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tại khu vực này. ta thấy chế độ độc tài Trung Quốcg được củng cố với lãnh tụ Tập Cận Bình, nhưng bên cạnh là Nhật Bản đang ra sức vươn lên với Thủ tướng Shinzo Abe và bên kia là Ấn Độ cũng vậy với Thủ tướng Narendra Modi. Ba lãnh tụ Á Châu này đều có quần chúng của họ và năm nay sẽ lao vào một cuộc tranh đua với trục Nhật-Ấn sẽ ưu tiên vận động các quốc gia Đông Nam Á. Dù vướng bận vào hồ sơ Bắc Hàn, Hoa Kỳ vẫn nhập cuộc tại Đông Á với sự hỗ trợ của Úc.

- Vì vậy, cục diện 2018 mở ra cơ hội cho các nước Đông Nam Á trong khi ưu tiên của Bắc Kinh vẫn là mâu thuẫn kinh tế và chính trị bên trong. Họ phải cải cách để tránh khủng hoảng tài chính, gia cư và môi sinh trong khi vẫn cần tái phân lợi tức cho các khu vực và thành phần cùng khốn để khỏi loạn. Nhu cầu cải cách đó khiến họ Tập sẽ tiếp tục thanh trừng những ai cưỡng chống và gây ra nhiều mối thù khác ở bên trong. Năm 2018 cho thấy Trung Cộng không mạnh như thiên hạ lầm tưởng mà chỉ là năm đầu của nhiều khó khăn tiếp nối…

Nguyên Lam: Khi phân tích tình hình Trung Quốc, hình như ông Nghĩa có cái nhìn khác truyền thông Tây phương và nói trước nhiều năm các biến cố xảy ra về sau này. Ông giải thích thế nào về sự kiện ấy mà nói trước năm 2018 chỉ là năm đầu của nhiều khó khăn tiếp nối?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi chỉ theo dõi tình hình Trung Quốc từ đã lâu và tổng hợp được các dữ kiện kinh tế để đặt vào phương trình văn hóa chính trị của lãnh đạo Bắc Kinh. Họ có thấy ra và nói tới các khó khăn ấy từ chục năm trước mà không giải quyết nổi và lại chồng chất thêm vấn đề mới, kể cả nạn tham nhũng mọc rễ trong cơ chế kinh tế chính trị. Năm năm qua, giới lãnh đạo chóp bu hiểu ra sự tình nên mới chấp nhận cho Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực sau các đợt thanh trừng đối thủ. Ngày nay, Trung Quốc có bộ máy chính trị độc tài tuyệt đối, nhưng trong khi biểu dương khí thế ra ngoài thì vẫn phải ưu tiên xử trí các bài toán nan giải bên trong. Cái nghịch lý nội/ngoại đó cho thấy ách độc tài duy ý chí khó khai thông những bế tắc kinh tế của một xứ quá lớn và có quá nhiều mâu thuẫn lẫn khác biệt. Những khó khăn kế tiếp từ năm nay sẽ lại thách đố quyền lực của Tập Cận Bình nên ông ta càng phải dựa vào công an và quân đội để dẹp nội loạn khi kế hoạch cải cách không đem lại thành quả chờ đợi. Việt Nam rất nên theo dõi chuyện ấy để thấy ra sự chọn lựa của mình.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích cuối năm và xin kính chúc quý thính giả một năm 2018 an lành và thịnh vượng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn