Điểm lật 2008

Thứ Bảy, 10 Tháng Hai 20188:00 SA(Xem: 5549)
Điểm lật 2008
rfa.org
Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA 2018-01-31

Chúng ta đang bước vào năm Mậu Tuất với tràn trề hy vọng khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế vừa đưa ra những tiên báo khả quan hơn cho hai năm tới, sau mười năm đình trệ kể từ vụ khủng hoảng năm 2008. Diễn đàn Kinh tế sẽ trở lại thời điểm 2008 đó để tiên báo về những gì có thể xảy ra…

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong một buổi phát thanh vào cuối năm âm lịch và đầu năm dương lịch. Thưa ông, chúng ta sắp bước qua năm Mậu Tuất với hy vọng tăng trưởng khả quan hơn theo báo cáo cập nhật của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và đấy là yếu tố đáng chú ý nhất nếu mình nhớ lại nạn Suy Trầm Toàn Cầu cách nay đúng 10 năm, vào năm 2008. Thực hiện chương trình kỳ này, Nguyên Lam phải trở ngược về năm 2008 đó và thấy là trong một chương trình cuối năm 2007 với ông Việt Long của đài Á Châu Tự Do, ông đã đưa ra những dự báo bi quan về viễn ảnh 2008. Bây giờ nhìn lại thì ông thấy sự thể ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có viễn cảnh dài và các biến động ngắn hạn hơn làm cơ sở cho những dự báo của mình. Tuy nhiên, những gì xảy ra cho năm 2008 là kết quả hay hậu quả của nhiều chuyển động sâu xa từ trước đó và tôi gọi đó là “điểm lật”, từ đấy, tình hình kinh tế thế giới sẽ chẳng còn như xưa. Bây giờ với dự báo khả quan hơn của kinh tế toàn cầu như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế vừa công bố trong phúc trình mới nhất, chúng ta nên nhìn ngược lại mà không quên rằng các thị trường cổ phiếu của thế giới đã bị chấn động trong vài ngày qua vì phân lời trái phiếu gia tăng đột ngột. Giữa sự hồ hởi chung về viễn ảnh 2018, ta thấy có cái gì bất thường đang xảy ra. Như vậy, làm sao mình tiên đoán được tương lai ngắn và dài hạn? Kỳ này, chúng ta sẽ cố gắng nhìn ra những yếu tố đó.

Nguyên Lam: Chúng ta khởi đi từ bối cảnh ngắn và dài hạn như ông vừa nói mà không quên là trong khi chúng ta thực hiện chương trình này, Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ sẽ đọc bài diễn văn về Tình hình Liên bang đầu tiên của ông trong đại sảnh của Hạ viện trước lưỡng viện Quốc hội để nói với quốc dân và thế giới. Xin mời ông mở đầu.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin trình bày khung cảnh suy luận của mình như một cơ sở giải đoán sự tình và dự báo tương lai. Vụ khủng hoảng tài chính 2008 và nạn suy trầm khởi sự từ cuối năm 2007 đã giúp ông Barack Obama đắc cử Tổng thống dù chưa từng có kinh nghiệm chính trị ở cấp liên bang. Sau tám năm cầm quyền với những chính sách cải tạo của ông, tình hình chưa khả quan nên cử tri lại dồn phiếu cho một nhân vật tương tự mà ở cánh hữu, là người cũng chưa hề có kinh nghiệm chính trị, đó là ông Donald Trump. Như vậy, chúng ta cần hiểu vì sao lại có những nghịch lý đó khi người ta dự báo viễn ảnh tốt đẹp của 2018?

Những gì xảy ra cho năm 2008 là kết quả hay hậu quả của nhiều chuyển động sâu xa từ trước đó và tôi gọi đó là “điểm lật”

- Tôi xin trở lại điểm lật 2008. Sinh hoạt kinh tế có thể lên xuống theo chu kỳ và bị suy trầm như kinh tế Hoa Kỳ đã bị từ cuối năm 2007 tới Tháng Bảy năm 2009. Khốn nỗi khối hậu công nghiệp Tây phương với sản lượng kinh tế bằng phân nửa toàn cầu lại có nhiều chuyển động ngấm ngầm và mãnh liệt mà giới thượng lưu và ưu tú không nhìn ra. Người ta ca tụng trào lưu toàn cầu hóa và quy luật tự do của thị trường mà ít thấy nạn nhân của hiện tượng đó là giới trung lưu có lợi tức thấp vì lương bổng không tăng mà việc làm bấp bênh do sức cạnh tranh của các nền kinh tế mới nổi. Thành phần bị thất thế đó, tại Hoa Kỳ là dân da trắng, ít học và lớn tuổi tại các tiểu bang nằm kẹt ở giữa, trong khu vực Trung Tây và Đông Nam, tại Âu Châu là nhiều quốc gia ở miền Nam.

- Tai họa kinh tế dẫn tới phản ứng xã hội và chính trị: người ta oán hiện tượng toàn cầu hóa, di dân và tầng lớp thượng lưu giàu có cứ ngợi ca toàn cầu hóa. Thành phần bị thất thế không tin vào giải pháp của các đảng phái chính trị truyền thống, theo xu hướng trung tả hay trung hữu, và tìm người lãnh đạo ở vòng ngoài. Ông Obama và Trump là loại người đó vì chưa hề sinh hoạt trong chính trường cổ điển. Tại Âu Châu cũng thế, các đảng phái nhỏ, có tinh thần quốc gia, cũng đều thắng phiếu ở nhiều nước và đặt lại vấn đề với cơ chế Liên Âu.

Nguyên Lam: Nếu như vậy thì những gì xảy ra cho thế giới từ năm 2008 có những nguyên nhân sâu xa hơn và để lại nhiều hậu quả lâu dài cho tới nay vẫn chưa dứt, thưa ông có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trộm nghĩ như vậy và trên diễn đàn này đã nhiều lần nói đến khủng hoảng của niềm tin vào các chính đảng hay giải pháp truyền thống, cổ điển. Ngày nay ta đang kiểm chứng lại hiện tượng đó, nhưng xin nói thêm rằng truyền thông báo chí cổ điển, thuộc dòng chính, cũng chẳng thấy ra và bị bất ngờ, như đã tiên đoán sai về việc Vương quốc Anh ra khỏi Liên Âu hay ông Donald Trump vượt qua 16 ứng cử viên trong đảng Cộng Hòa và đắc cử.

- Nhìn ra ngoài khối kinh tế Âu-Mỹ, ta cũng thấy sự lầm lạc đó. Chính trường và Quốc hội Hoa Kỳ phản đối Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, nên vừa nhậm chức, Tổng thống Donald Trump triệt thoái khỏi Hiệp ước này. Vì vậy, người ta vội kết luận là ông Trump và Hoa Kỳ đang lui về khuynh hướng bảo hộ mậu dịch mà không thấy Trung Quốc, Ấn Độ hay thậm chí nước Pháp cũng có phản ứng bảo hộ. Ngược lại, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tuần trước, ông Trump lại mập mờ cho biết rằng Hoa Kỳ có thể đàm phán lại về Hiệp ước TPP của 11 quốc gia còn lại. Trên diễn đàn này, khi nói về TPP, tôi cũng đã nêu ra kịch bản đó. Thật ra, lối xoay chuyển lập trường như vậy sẽ là chuyện bình thường sau này vì chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh bất thường!

Nguyên Lam: Nguyên Lam không ngờ là sự tình lại rắc rối phức tạp như vậy mà có lẽ truyền thông báo chí không theo kịp nên có thể tường thuật và dự báo sai. Như vậy, ông kết luận thế nào về cái mà ông gọi là “điểm lật 2008”?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng chúng ta quá chú ý đến kinh tế hay tốc độ tăng trưởng sản xuất mà ít thấy ra các yếu tố xã hội và chính trị bên dưới. Sau vụ Tổng Suy Trầm 2008-2009, các nước đều ào ạt tăng chi và hạ lãi suất để bơm tiền kích thích kinh tế. Ngày nay, người ta mừng rằng kinh tế toàn cầu đã phục hồi và sẽ có đà tăng trưởng cao hơn kể từ cả chục năm nay mà không thấy là vụ 2008 đã thấm sâu vào xã hội và dội lên chính trị khi dị biệt giàu nghèo gia tăng và nền tảng chính trị lại phân hóa hơn trước. Nhờ chính sách kích thích sau năm 2008 thành phần thượng lưu lại giàu hơn xưa và giới ưu tú vẫn cứ ngợi ca toàn cầu hóa hay nền văn hóa phóng túng trong khi tầng lớp trung lưu thất thế và dân nghèo thì lui về chủ nghĩa quốc gia dân tộc và cánh hữu. Đôi bên tả hữu coi nhau cứ như đối thủ.

Khi so sánh thì mình thấy các chế độ độc tài mới gặp nhiều rủi ro hơn, và rủi ro cũng bất ngờ bùng nổ thành khủng hoảng, trong khi chế độ dân chủ thì nói tới khủng hoảng hàng ngày mà không tan rã!

- Trong các nước đang phát triển cũng thế, dù ngợi ca toàn cầu hóa và mậu dịch tự do, xứ nào cũng muốn bảo vệ quyền lợi của mình và mặc nhiên áp dụng chế độ bảo hộ mậu dịch. Sau cùng thì biết đâu rằng tiến bộ quá nhanh về thuật lý hay technology đã đảo lộn thế giới – khiến cho có người được mà có người thua - nhưng lớp người tạo ra dư luận hay làm chính sách lại theo không kịp?

Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, phải chăng là những tiến bộ ấy mới lại là chuyện khó dự đoán nhất?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi e là như vậy. Nhìn từ 60 năm về trước thì tiến bộ về kỹ thuật vận chuyển hàng hải và phát minh của Hoa Kỳ với thùng containers có thể chất cả tấn hàng bên trong làm thay đổi chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu và cho các nước đang phát triển tại Đông Á cơ hội tham gia tiến trình sản xuất đó từ thập niên 60 trở đi. Đi theo trào lưu này, các quốc gia đang phát triển đã mau chóng công nghiệp hóa và có sức cạnh tranh rất cao. Đấy là mặt tích cực của hiện tượng toàn cầu hóa, nhưng các nước đã phát triển lại cạnh tranh không kịp và thấy bị thua thiệt. Sau đó, nạn lão hóa dân số tại các nước tiên tiến cũng dẫn tới nhiều phát minh khác, như người máy tự động hay kỹ thuật robotics, hoặc trí thông minh nhân tạo, artificial intelligence. Chuyện rắc rối là sự tiến bộ ấy không tập trung vào một lĩnh vực mà lan tỏa khắp quy trình giao dịch toàn cầu, làm thay đổi phương thức thông tin và quản lý, và tạo ra một thế cạnh tranh khác.

Nguyên Lam: Nếu như vậy thì làm sao chúng ta dự báo được tương lai?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng trong các yếu tố dẫn đến thay đổi thì tiến bộ về thuật lý là hiện tượng có ảnh hưởng nhất mà cũng khó đoán nhất, nên chúng ta mới bị bất ngờ như đã thấy. Ngày nay, tiến bộ thuật toán, algorithm hoặc sản xuất trong không gian ba chiều hay 3D printing cũng có thể đào thải cả một thành phần trung gian của tiến trình sản xuất kể cả trong các lĩnh vực dịch vụ, thí dụ như y tế hay bảo hiểm, v.v…. Bây giờ, chúng ta còn gặp hiện tượng mới lạ hơn nữa, là các mạng xã hội social media trong việc truyền bá thông tin thật và giả, và cả những tiến bộ trên không gian điện não, như loại tiền mật mã Bitcoin, v.v… Vào hoàn cảnh đó, các chính trị gia và giới làm luật thường hụt hơi chạy theo và lúng túng. Họ không thể hứa hẹn một tương lai sáng láng hơn cho mọi người khi kết quả của tiến bộ sẽ nâng cao lợi tức cho quần chúng đông đảo ở dưới. Và quần chúng thì không kiên nhẫn chờ đợi được. Tuy nhiên, dù khó dự đoán tương lai, tôi vẫn thấy ra hai trào lưu đáng kể cho sau này.

Nguyên Lam: Xin ông kết thúc cho chương trình kỳ lạ ngày hôm nay và giải thích về hai trào lưu đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói chung thì ta thấy ra sự đối lập của hai xu hướng, bên cánh tả thì vẫn là lý tưởng toàn cầu hóa đang suy sụp, bên cánh hữu là chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Sau cùng, ta nên thấy sự khác biệt về chế độ chính trị. Trong các nước dân chủ, nhiều người bất ngờ đắc cử khi hứa hẹn phép lạ, như ta đã thấy tại Hoa Kỳ với hai ông Obama và Trump. Nhưng cơ chế dân chủ có những ràng buộc và giới hạn khiến một cá nhân khó phá rào và làm đổi thay tất cả. Tình trạng ấy có biểu hiện hỗn loạn và ách tắc nhưng thật ra cũng có đưa tới thay đổi. Trào lưu thứ hai là trong các nước độc tài, lãnh tụ phải nhân danh quyền lợi quốc dân mà tập trung quyền lực để cải cách theo yêu cầu của tình thế mới, thí dụ là Tập Cận Bình tại Trung Quốc, hoặc trường hợp như Ả Rập Xê Út mà chúng ta đã nói tới khi lý giải về chuyện “khắc phục hậu quả” tại Việt Nam. Khi so sánh thì mình thấy các chế độ độc tài mới gặp nhiều rủi ro hơn, và rủi ro cũng bất ngờ bùng nổ thành khủng hoảng, trong khi chế độ dân chủ thì nói tới khủng hoảng hàng ngày mà không tan rã!

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài tổng kết và dự báo này và xin kính chúc quý thính giả một năm Mậu Tuất an lành thịnh vượng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn