Mậu Thân 1968, cả Mỹ lẫn Bắc Việt đều thất bại

Thứ Bảy, 10 Tháng Hai 20186:00 SA(Xem: 6008)
Mậu Thân 1968, cả Mỹ lẫn Bắc Việt đều thất bại
Kính Hòa RFA

Binh sĩ Mỹ bị thương tại Huế trong trận Mậu thân. Ảnh chụp ngày 6/2/1968.
Binh sĩ Mỹ bị thương tại Huế trong trận Mậu thân. Ảnh chụp ngày 6/2/1968.Ngày 31 tháng 1 năm 2018, đánh dấu tròn 50 năm ngày lực lượng cộng sản tấn công toàn miền Nam trong một chiến dịch mà họ gọi là Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu thân.

Nhân dịp này một cuộc hội thảo mang tên Bài học sau 50 năm trận đánh Mậu thân được tổ chức tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ.

Thất bại của cả hai bên

Tôi là một trong 9 nhân viên dân sự có mặt trong Tòa Đại sứ Mỹ vào đêm 31 tháng 1 năm 1968, khi cuộc tấn công vào Tòa Đại sứ bắt đầu. Tôi phải mất một thời gian ngắn để biết chuyện gì đang xảy ra. Một nhóm Việt cộng bắn vào tòa nhà và tìm cách xâm nhập. Nhưng lực lượng thủy quân lục chiến gác tòa đại sứ đã nhanh chóng phản ứng, khóa kín đường vào, và Việt cộng không thể xâm nhập được.”

Đó là hồi ức của ông Allan Wendt, cựu Đại sứ Mỹ tại Slovenia kể lại với chúng tôi tại cuộc hội thảo về cuộc tấn công của một nhóm đặc công cộng sản vào Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Theo ông bài học từ trận đánh Mậu thân là những thông tin tình báo phải chính xác, sự chuẩn bị của quân đội phải kỹ lưỡng để có thể đương đầu với mọi cuộc tấn công.

Việt cộng tin rằng dân chúng sẽ nổi dậy khi họ tấn công. Điều đó thật là ngu xuẩn.
-Ông Bing West.

Chiến dịch Mậu thân mà những người cộng sản phát động vào mùa xuân năm 1968 được xem như là một thất bại lớn, vì cả hai mục tiêu mà họ đưa ra đều không thực hiện được, đó là tiêu diệt lực lượng kẻ thù, và kích động một cuộc nổi dậy của dân chúng. Không những vậy, điều mà những người cầm quyền Bắc Việt không hề nghĩ tới, là các lực lượng quân đội cộng sản lại bị tổn thất rất nặng nề, chuyện người dân miền Nam mở cửa đón bộ đội “giải phóng” không hề xảy ra.

Một diễn giả của buổi hội thảo là ông Bing West, từng làm trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ thời Tổng thống Reagan, cho rằng không chỉ phía miền Bắc, mà phía Mỹ cũng thất bại, vì sau đó Washington đã đưa ra một quyết định chính trị quan trọng là ngồi vào bàn hội nghị với đối phương mà không tiếp tục cuộc chiến, và đó là bài học lớn nhất của người Mỹ từ trận đánh Mậu thân 1968.

“Quyết định lớn nhất đó trong cuộc chiến lại chỉ được một số ít người quyết định, họ chẳng hỏi ai, mà chỉ bàn bạc với nhau. Trong lịch sử đã từng diễn ra như vậy, những nhân vật vĩ đại quyết định vận mệnh của cả đám đông, của thể chế chính trị. Điều làm tôi sửng sốt nhất đó là sự thất bại của cả hai phía khi nhóm lãnh lãnh đạo cao cấp nhất quyết định. Việt cộng tin rằng dân chúng sẽ nổi dậy khi họ tấn công. Điều đó thật là ngu xuẩn. Phía chúng ta cũng thế. Chúng ta có vị Tư lệnh lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam, là tướng Westmoreland có một ý tưởng kỳ lạ là nhảy vô rừng đánh với Việt cộng, nơi mà họ chiến đấu rất giỏi. Rồi khi Tết Mậu thân xảy ra ông ấy viết rằng điều đó là để kéo lực lượng chúng ta ra khỏi Khe Sanh, một nơi heo hút.”

Căn cứ Khe Sanh nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Trị, ngay phía dưới vĩ tuyến 17 phân chia ranh giới hai miền Nam và Bắc Việt Nam trước đây. Quân đội Mỹ đã thiết lập một căn cứ quân sự ở đây vào năm 1962. Ngày 21 tháng Giêng 1968, lực lượng cộng sản tấn công Khe Sanh, 10 ngày trước khi cuộc tấn công Tết Mậu Thân bắt đầu. Cuộc chiến ở đây kéo dài 77 ngày.

Tướng Westmoreland cho rằng cuộc tổng tấn công của lực lượng cộng sản vào các thành thị miền Nam chỉ là cuộc nghi binh để họ tiếp tục đánh căn cứ Khe Sanh. Điều này sau đó được chứng minh là không đúng.

Theo ông James Robbins, một diễn giả khác của buổi hội thảo thì ngay cả Tổng thống Mỹ là Lyndon Johnson cũng tin vào điều ông Westmoreland suy tính, vì ông Johnson bị ám ảnh bởi một cuộc thất bại kiểu Điện Biên Phủ, một căn cứ quân sự trên rừng núi tương tự như Khe Sanh của lực lượng Pháp, đã bị thất thủ vào năm 1954, kết thúc cuộc chiến tranh Việt-Pháp 1946-1954.

Tuy nhiên một diễn giả khác lại không có cùng quan điểm với ông Bing West là ông Erik Villard làm việc ở Trung tâm lịch sử quân đội Hoa Kỳ, ông cho rằng việc ông Westmoreland chọn Khe Sanh để đặt một căn cứ quân sự lớn là điều đúng vì nó sẽ chận con đường tiếp liệu của quân đội cộng sản miền Bắc vào Nam.

Suy tính của phe cộng sản

Người nghiên cứu về chiến lược và những quyết định của chính phủ Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là chiến dịch Mậu thân 1968, là Giáo sư Pierre Asselin ở Đại học San Diego, California. Ông nói tại buổi hội thảo:

“Điều tôi muốn nghiên cứu là xem những nhà lãnh đạo phía bên kia nghĩ gì. Bên phía Mỹ, những toan tính và hành động của các Tổng thống đều được ghi nhận khá đầy đủ. Tôi dựa nhiều vào tài liệu lưu trữ của phía Việt Nam, và đó là điều rất khó khăn vì không phải tài liệu nào cũng có thể tiếp cận được. Nhưng qua 20 năm cố gắng, cộng với cả những cuộc nói chuyện với nhiều người Việt Nam, chúng ta có thể nói rằng có những điều chúng ta tưởng rằng chúng ta đã biết. Hồ Chí Minh là một huyền thoại, nhưng ông ta đã bị ra rìa cùng với Võ Nguyên Giáp vào những năm đầu của thập niên 1960. Mọi quyết định tập trung vào tay Lê Duẩn. Mậu thân chính là quyết định của Lê Duẩn.”

Theo nghiên cứu của ông Asselin, ông Lê Duẩn có thể được so sánh với những người cầm quyền độc tôn ở các xứ cộng sản khác như ông Mao Trạch Đông bên Trung Quốc, hay ông Kim Nhật Thành bên Bắc Hàn, và đến giữa những năm 1960 ông Lê Duẩn đã mất kiên nhẫn vì cuộc chiến tranh du kích ở miền Nam không có kết quả, ông muốn một chiến thắng lớn.

Ông Asselin cho rằng ông Lê Duẩn là một nhân vật cứng rắn nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam, lúc đó gọi là Đảng Lao động. Ông Lê Duẩn muốn thắng bằng quân sự để thiết lập sự cai trị cộng sản trên toàn Việt Nam, và qua đó tạo nên một chiến thắng cho phe cộng sản quốc tế.

Kết quả thất bại Mậu thân cũng là sự thất bại của ông Lê Duẩn, nhưng theo ông Asselin, bộ máy tuyên truyền của cộng sản giấu đi sự thật, không cho người dân miền Bắc biết rằng “Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân’ là một thất bại lớn về mặt quân sự lẫn chính trị.

Báo chí và kết quả tâm lý bất ngờ

Một điểm quan trọng mà nhiều diễn giả đã nêu ra trong buổi hội thảo là vai trò của báo chí Mỹ đã làm thay đổi thái độ của nước Mỹ đối với cuộc chiến tranh. Cựu Đại sứ Allan Wendt nói với chúng tôi:

Tôi nghĩ là báo chí (Hoa Kỳ) đã tường thuật sai chuyện gì đã thật sự xảy ra. Có nghĩa là cuộc tấn công Tết Mậu thân là một thất bại của Việt cộng. Nhiều bài báo đã nói rằng Việt cộng đã thành công trong các trận đánh, có nghĩa hàm ý là chúng ta đã kém chuẩn bị, nhưng thực ra Việt cộng đã đại bại.

Ông James Robbins, người nghiên cứu về báo chí Mỹ trong chiến tranh Việt Nam cho rằng những bình luận về chiến tranh của các nhà báo Mỹ, đặc biệt trường hợp nhà báo Walter Conkite của hãng CBS, được xem như là nhà báo được tin tưởng nhất nước Mỹ, chuyển từ khá tích cực sang rất tiêu cực sau Mậu thân. Điều này tạo thành một hiệu ứng tâm lý phản đối chiến tranh sau khi Mậu thân xảy ra. Nhưng ông Robbins cũng nói rằng điều này có phần trách nhiệm của những phân tích tình báo.

Ông Robbins giải thích rằng trước khi trận tấn công xảy ra, các phân tích tình báo của CIA cho rằng nếu cuộc tấn công Mậu thân của phe cộng sản xảy ra thì đó chỉ là một trận đánh có tính biểu trưng, để gây nên một hiệu ứng tâm lý chiến. Nhưng ông Robbins nói rằng điều đó không nằm trong dự tính của những nhà hoạch định chiến lược cộng sản.

Ông James Robbins đưa ra các con số thăm dò thái độ của người dân Mỹ sau khi cuộc tấn công diễn ra. Các con số cho thấy mặc dù có sự sụt giảm trong việc ủng hộ chiến tranh của dân chúng, nhưng phần lớn người Mỹ vẫn ủng hộ sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam. Nhưng, ông Robbins nói tiếp là Tổng thống Johnson đã không quan tâm đến những thăm dò đó mà kêu gọi Bắc Việt Nam ngồi vào bàn hội nghị, để tiến tới việc kết thúc chiến tranh.

Hiệu ứng tâm lý trên đất Mỹ sau Mậu thân 1968 là điều mà những người cộng sản không hề dự tính.
-Ông James Robbins.

Cuối buổi hội thảo, ông Nguyễn Mậu Trinh, một trong duy nhất hai người Việt Nam đến dự hội thảo nói với chúng tôi:

Người Mỹ họ biết rõ những điều khác với quần chúng bên ngoài. Ví dụ thăm dò ý kiến hồi đó cho thấy có 65% dân Mỹ ủng hộ chiến tranh chứ không phải chống lại như là Hà Nội tuyên truyền.”

Nhưng sự ủng hộ đó đã nhanh chóng biến mất vì Tổng thống Lyndon Johnson đã quyết định chấm dứt chiến tranh, điều mà ông Bing West gọi là không đủ dũng khí để tiếp tục. Ông James Robbins cũng nói rằng cá nhân ông không than phiền báo chí hay bất cứ ai, mà người chịu trách nhiệm chính là Tổng thống Johnson.

Buổi hội thảo kết thúc với hầu như không có câu hỏi nào mà những người đến tham dự là để chia sẻ những kinh nghiệm mà họ đã sống qua trong cuộc chiến Mậu thân.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn