Các lãnh đạo Việt Nam dự hội nghị Asean ở Hà Nội ngày 12/11

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Các lãnh đạo Việt Nam dự hội nghị Asean ở Hà Nội ngày 12/11

Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ khai mạc cuối tuần này.

Đây là Hội nghị cuối cùng của nhiệm kỳ khoá XII trước khi Đại hội Đảng 13 khai mạc ngày 25/1.

Tại Hội nghị, Trung ương sẽ quyết định "trường hợp đặc biệt" và nhân sự chủ chốt khoá mới.

Vào lúc này, đang có những đồn đoán liệu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có gây "bất ngờ" khi ở lại tiếp tục lãnh đạo Đảng.

Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Victoria ở Wellington, New Zealand, là người theo dõi các diễn biến chính trị Việt Nam.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Khắc Giang chia sẻ đánh giá cá nhân về các khả năng sắp xếp nhân sự của Đảng cho Đại hội 13.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Nguyễn Khắc Giang: Nếu ông Trọng tiếp tục giữ chức vụ Tổng bí thư, thì đó là một điều bất thường, bởi từ sau khi kết thúc chiến tranh, điều lệ Đảng quy định cá nhân không được giữ chức vụ này quá 2 lần.

Lần gần nhất Đại hội có hiện tượng "bất thường" như thế là vào Đại hội 7 (1996), khi BCHTW không thể thống nhất vị trí lãnh đạo, và phải hơn 1 năm sau mới bầu ông Lê Khả Phiêu giữ chức Tổng bí thư ở một kỳ hội nghị trung ương. Nếu ông Trọng tiếp tục nắm quyền, điều đó có nghĩa Bộ Chính trị nói riêng và BCHTW nói chung chưa thống nhất - hay chưa tin tưởng - đội ngũ lãnh đạo kế cận để chuyển giao như đã xảy ra ở ĐH7.

Ông Trọng, với uy tín chính trị của mình, dễ dàng ổn định tình hình để tìm kiếm người thay thế phù hợp, vừa tránh xáo trộn trong bộ máy, lại vừa đảm bảo di sản của mình không bị gạt sang một bên.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của phương án này là tính ổn định của thể chế - dù có thể ông Trọng có tâm ý tốt, không ai có thể đảm bảo các lãnh đạo về sau không cố gắng dẹp bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập thể của Đảng, sửa điều lệ, hay vin vào "trường hợp đặc biệt" để tham quyền cố vị.

Đây là vấn đề "hoàng đế tồi" mà bất kỳ thể chế chuyên quyền nào cũng gặp phải. Phá bỏ thể chế thì dễ, nhưng xây lại thì rất khó.

BBC: Nhìn lại một nhiệm kỳ sắp kết thúc, ông ghi nhận TBT, CT Trọng, bên cạnh chiến dịch đốt lò, đã có một số biện pháp gì đáng chú ý trong công tác xây dựng Đảng "trong sạch, vững mạnh"?

Nếu xét về số lượng đảng viên bị kỷ luật - từ cấp cơ sở cho đến ủy viên Bộ Chính trị - có thể thấy Đảng dưới nhiệm kỳ 2 của ông Trọng thực sự tạo được ấn tượng trong công tác làm sạch nội bộ.

Tất nhiên, việc chống tham nhũng có đi liền với thanh trừng các đối thủ chính trị hay không là vấn đề để ngỏ mà chúng ta chưa biết được câu trả lời xác đáng. Mặt khác, những nỗ lực "đốt lò" của ông Trọng xuất phát từ trên xuống, bằng cách tập trung nhiều hơn quyền lực cho các cơ quan thanh tra, giám sát như Ủy ban Kiểm tra TW hay Thanh tra Chính phủ. Hệ lụy của việc tập trung quyền lực này sẽ rất lớn, nếu không có ai "giám sát người giám sát".

Tình thế lưỡng nan này có thể giải quyết bằng việc tạo điều kiện cho quá trình giám sát từ dưới lên - sự tham gia của người dân và các tổ chức dân sự. Nhưng trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, chưa có nhiều biến chuyển cho thay đổi này: Luật về Hội sau hơn 20 năm thảo luận vẫn chưa được đưa ra Quốc hội, trong khi môi trường báo chí - truyền thông đang có xu hướng bị siết chặt.

BBC: Trong phát biểu gần đây, ông Trọng nhấn mạnh thời gian tới "Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả..." Vậy các phương án nhân sự đang được bàn tới có mang tinh thần "đổi mới" hay không hoặc mới tới mức nào?

Vì chúng ta chưa có thông tin chính xác cách thức lựa chọn các ứng viên nên rất khó đánh giá một cách cụ thể.

Tuy nhiên, dựa trên thông tin chính thức từ Đảng, công tác nhân sự vẫn thực hiện không khác gì nhiều so với quy trình của Đại hội 12, chủ yếu dựa trên Quy chế bầu cử 244 với nguyên tắc "tập trung dân chủ": nghĩa là cá nhân không được phép tự ứng cử hay nhận đề cử, mà phải tuân thủ theo quyết định của "cấp ủy" - với các lãnh đạo cấp cao là Bộ Chính trị.

Điều này thực tế tăng thêm quyền sắp xếp nhân sự của Tổng bí thư. Ở các tổ chức Đảng cấp cơ sở (xã hoặc tương đương) và trên cơ sở (huyện hoặc tương đương), đã có thử nghiệm rộng rãi việc bầu cử trực tiếp tại đại hội Đảng. Tuy nhiên, ở cấp toàn quốc lần tới - điều này sẽ khó xảy ra.

BBC: Ông có nhận xét gì vào giờ chót này, quanh các nhân vật được xem là ứng viên Tứ Trụ?

Xét trên lý thuyết, toàn bộ các ủy viên Bộ chính trị hiện tại, không chịu hình thức kỷ luật nào, đều được coi là ứng viên cho vị trí Tổng bí thư. Tuy nhiên, khi xét kỹ từng ứng viên, hầu như ai cũng có những điểm "chưa hoàn hảo" về hồ sơ như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra trước đây.

Nếu ông Trọng muốn tiếp tục ở lại, thì đây rõ ràng là điểm mà ông ấy tận dụng để thuyết phục Bộ Chính trị và BCHTW.

Tuy nhiên, cần hiểu là dù đang là lãnh đạo có quyền lực nhất của Việt Nam kể từ sau Lê Duẩn, ông Trọng vẫn phải thuyết phục BCHTW và sau đó là Đại hội Đảng chấp nhận phương án của mình.

Đây không phải là điều dễ dàng. Khi Bộ Chính trị dưới sự điều hành của ông Trọng muốn kỷ luật "đồng chí X" vào năm 2012, BCHTW đã phủ quyết.

Đó là rủi ro không cho nhỏ phương án ông Trọng tiếp tục giữ chức TBT nhiệm kỳ thứ 3.

BBC: Nếu cơ chế cho 1500 đại biểu bầu trực tiếp chọn ra lãnh đạo cao nhất là một "bước tiến lớn" trong dân chủ hoá trong Đảng, cơ chế đó, giả sử được áp dụng lần này, có tác động đến nhu cầu tạo đà tăng trưởng, phát triển kinh tế ở một giai đoạn mới hay không?

Với cách tiếp cận rất thận trọng về cải cách chính trị của ĐCS, tôi không cho rằng ĐH sắp tới - và cả ĐH năm 2026 - sẽ áp dụng phương pháp bầu cử trực tiếp như đang áp dụng thử nghiệm ở đại hội cấp dưới. Tuy nhiên, nếu được thực hiện, thì đó thực sự là bước đột phá lớn.

Việc mở rộng "cơ sở phiếu" sẽ khiến việc thao túng phiếu bầu hay áp đặt quan điểm của một số lãnh đạo sẽ khó hơn nhiều, tạo cơ sở cho việc thiết lập một cơ chế trách nhiệm giải trình thực sự cho vị trí lãnh đạo - nếu anh làm không tốt, không đạt được "lời hứa tranh cử" đề ra, thì sẽ không được bầu lại lần nữa.

Các đại biểu ĐH Đảng thực tế đại diện cho từng nhóm lợi ích kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương riêng, và để hút phiếu bầu từ họ, các ứng viên sẽ phải thể hiện được năng lực điều hành thực sự, chứ không phải chỉ biết "trồng cây gì, nuôi con gì".

Nhiều lý thuyết gia của ĐCS cho rằng Việt Nam đang cần một "Đổi mới 2.0" - sau 35 năm đổi mới kinh tế, cần đổi mới về mặt chính trị để tạo bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế, vốn có dấu hiệu chững lại trong những năm qua. Bầu cử trực tiếp trong Đảng - nếu thực hiện ở cấp tỉnh và trung ương - sẽ là khởi đầu đáng kỳ vọng cho quá trình Đổi mới 2.0 đó.