Tự do báo chí Karl Marx: Nhà báo – nhà hoạt động “rận chủ” mà bạn chưa biết

Thứ Bảy, 16 Tháng Giêng 20211:00 CH(Xem: 3704)
Tự do báo chí Karl Marx: Nhà báo – nhà hoạt động “rận chủ” mà bạn chưa biết

“Báo chí Đức là thứ tổ chức yếu đuối nhất, thờ ơ nhất, nhút nhát nhất dưới ánh mặt trời.

Sự bất công kinh hoàng nhất có thể diễn ra ngay trước mắt chúng, nhưng rồi cả một nền báo chí vẫn im bặt giấu giếm.

Nếu một người không tình cờ biết được sự thật, họ đừng mơ nghe được sự thật từ nền báo chí này.”

Karl Marx, 

Một bài quan điểm trên Báo Neue Rheinische Zeitung

Trước khi được biết đến như một trong những triết gia lừng danh nhất thế kỷ 20, Karl Marx là một nhà báo, và là một nhà… hoạt động dân chủ – danh xưng thuộc hàng bị kỳ thị nhất trong nền chính trị Việt Nam đương đại.

Bằng chứng rõ ràng nhất của Karl Marx – nhà báo dân chủ?

Ông là người sáng lập, tổng biên tập và điều hành hai tờ Rheinische Zeitung và Neue Rheinische Zeitung: Organ der Demokratie (tạm dịch là “Nhật báo xứ Rhine” và “Nhật báo mới xứ Rhine: Cơ quan Dân chủ”). Cái tên không thôi cũng thật đáng ngờ!

Trong hơn sáu năm điều hành hai tờ báo này, từ khoảng 1842 đến 1849, Marx thể hiện quan điểm của mình về quyền tự do báo chí (freedom of the press) và quyền tự do thông tin (freedom of communication) với một thái độ rõ ràng và một cường độ đáng kể.

*** 

Cách ông lập luận và phản bác pháp luật Đức (trong giai đoạn này còn gọi là Prussia, hay nước Phổ) về tự do báo chí cũng không khác mấy với tư duy và phương thức phản biện mà những người thường bị chụp mũ “rận chủ” ở Việt Nam ngày nay đang làm.

Vào giữa thế kỷ 19, quy định pháp luật Đức trao cho các cơ quan chức năng thẩm quyền xác định và giới hạn quyền thực hành báo chí, bao gồm cả việc xác định ai là người có đủ “phẩm chất” và “năng lực chuyên môn” để trở thành một biên tập viên.

Marx mỉa mai: “Thứ tốt hơn kiểm duyệt là việc những quý ngài công chức – với lực lượng đông đảo và trí não thiên tài – tự mình đứng ra làm báo, đè chết bọn cầm bút thảm hại vừa không đa năng, vừa thiếu chuyên môn”.

Thậm chí tương tự với các diễn ngôn báo chí Việt Nam hiện nay, pháp luật Đức còn đưa ra sự phân định giữa nền báo chí “tốt đẹp, tích cực” và nền báo chí “xấu độc”.

Marx phản pháo rằng nền báo chí tự do luôn tốt ngay cả khi tự thân sản phẩm của nó tồi, bởi vì những sản phẩm báo chí tồi là các phế phẩm không thể tránh khỏi của một nền báo chí tự do.

Trong khi đó, nền báo chí bị kiểm duyệt thì luôn tệ hại ngay cả khi xuất hiện những sản phẩm tốt. Các sản phẩm tốt hiếm hoi này đại diện cho phần tự do sáng tạo ít ỏi còn sót lại, tồn tại lẻ tẻ trong môi trường kiểm duyệt hà khắc.

Điểm đặc biệt nhất cần chú ý trong các luận điểm của Marx là ông phân tích tự do báo chí không phải qua lăng kính nền tảng và điều kiện kinh tế – xã hội, hay còn được gọi là “duy vật biện chứng”, vốn là thứ làm nên tên tuổi của Marx trên bản đồ triết học thế giới.

Cụ thể, ông không cho rằng cần có một điều kiện hạ tầng cơ sở cụ thể nào thì tự do báo chí mới có thể được phát triển hay bảo vệ. Dù giàu hay nghèo, dù văn hóa thấp hay dân trí cao, dù chế độ chính trị là gì, sự tồn tại của một nền báo chí độc lập, hay thậm chí là đối lập (oppositional press), là luôn cần thiết.

Với tư cách của một nhà báo – một nhà hoạt động, Marx lý giải cách tiếp cận này khi cho rằng quá trình theo đuổi đến cùng một sự thật, hay tìm hiểu điều kiện xã hội thực tế, chỉ có thể chính xác nếu nó tách rời và không lệ thuộc vào hạ tầng cơ sở lẫn thượng tầng kiến trúc.

Thú vị hơn, theo quan sát của Giáo sư Hanno Hardt, Đại học Iowa, Marx dường như vận dụng cả lý thuyết luật tự nhiên (natural law) để bảo vệ quyền tự do báo chí. Ông nhìn nhận rằng việc dán nhãn báo chí chính là thách thức quyền tự do báo chí. Chỉ có công nhận tự do báo chí tuyệt đối mới là công nhận quyền tự do nói chung của loài người.

Kiểm duyệt, mà chưa nói đến việc trừng phạt các nhà báo, vì vậy tương tự như chế độ nô lệ. Nó có thể được ghi nhận thành luật (law), nhưng không bao giờ có thể xem là hợp pháp (legal).

***

Mối quan hệ giữa báo chí và nhân dân của một quốc gia, theo Marx, là mối quan hệ cốt yếu giữa tinh thần và vật chất của đời sống thường nhật.

Báo chí là một phần không thể tách rời của xã hội. Nó không chỉ thể hiện ý tưởng hay ý thức hệ, mà còn cần phản ánh sự tham chính và hoạt động của người dân. Báo chí và nhân dân có sự gắn bó mật thiết, không tách rời nhau. Vì vậy, báo chí tự do có quyền hàm chứa trong nó những mâu thuẫn, sai lầm, sự phóng đại, sự công kích cá nhân, hay thậm chí là bóp méo sự thật… Đó cũng là những đặc điểm giúp cho một nền báo chí có thể trưởng thành và hoàn thiện.

Cách tiếp cận vấn đề báo chí của Marx khác biệt rõ ràng với cách mà Lenin cùng các học trò cộng sản của ông sau này thực hiện.

Suy nghĩ của Marx về một nền báo chí xã hội chủ nghĩa thực thụ khá tự do và phóng khoáng. Trong khi đó Lenin và các học trò, sau khi chiếm hữu và cải biên ý tưởng của Marx, lại xây dựng nền báo chí xã hội chủ nghĩa theo mô hình Soviet khác xa với ý tưởng ban đầu của tiền nhân.

Marx có thể phê phán báo chí tư bản phương Tây vào thời kỳ của ông, nhưng thứ ông nhắm đến rõ ràng là một nền báo chí tự do nơi không có kiểm duyệt, không có yêu cầu và rào cản pháp lý để phân định ai là nhà báo, ai không phải là nhà báo, cơ quan nào được xem là báo chí và cơ quan nào không được xem là báo chí.

Theo ông, chỉ một nền báo chí như vậy mới đạt được yêu cầu giải phóng con người (human emancipation). Đây cũng là lý do mà Marx luôn dành hết lời ca ngợi hiện tượng báo chí Hoa Kỳ.

Ngược lại, mô hình báo chí toàn trị của chính quyền Soviet và hàng loạt các nhà nước anh em của nó sau này gần như không có bất kỳ điểm chung nào với những tư duy của Marx – một nhà báo thực thụ.

Ở đó, sự giải phóng con người thực sự bị đánh đổi bằng định hướng tư tưởng của nhà nước cùng việc áp đặt xã hội chủ nghĩa qua những sắc lệnh và luật thành văn.

Marx là người khiến xã hội chủ nghĩa trở thành hiện tượng toàn cầu. Nhưng trong cả cuộc đời làm báo của mình, ông chưa từng cầm được “thẻ nhà báo” hay được xét đủ tiêu chuẩn đạo đức để viết báo, để biên tập.

Gần hai trăm năm sau, các hậu duệ của ông lại đang không ngừng bắt bớ những nhà báo không thẻ với tội danh vi phạm pháp luật cộng hòa xã hội chủ nghĩa.

Trớ trêu thay.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn