bbc.com

Anh: Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth 'đã sẵn sàng'

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tàu HMS Queen Elizabeth

Anh Quốc chính thức có vị thế cường quốc sở hữu hàng không mẫu hạm sau khi tàu HMS Queen Elizabeth sẵn sàng các sứ vụ vì an ninh biển trên thế giới, giới chức nước này cho biết hôm đầu tuần.

Hải quân Hoàng gia Anh (Royal Navy) chính thức công bố Lực lượng Tấn công với hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth là tàu chủ lực đã hoàn tất các cuộc chạy thử và diễn tập.

Hôm 04/01/2020, Anh Quốc xác nhận nước này sẵn sàng cử mẫu hạm 65 nghìn tấn cùng đội tàu hộ tống “xuất quân” với thời gian chuẩn bị chỉ 5 ngày sau khi có lệnh.

Cuối 2020, HMS Queen Elizabeth đã hoàn tất cuộc diễn tập với các phi cơ F-35 của hải quân Anh và Mỹ tại vùng Biển Bắc.

Lực lượng Tấn công (Strike Group) do tàu HMS Queen Elizabeth chỉ huy sẽ có các phi cơ tàng hình F-35, trực thăng vũ trang, tàu khu trục hộ tống, tàu ngầm và tàu hậu cần cùng đi khi được triển khai.

Trang CNN nói dù chưa rõ đội tàu của Anh sẽ đến vùng biển nào trong 2021, “Trung Quốc đang chờ xem động thái của Anh là gì”.

Phó Đề đốc Steve Moorhouse, Tư lệnh Lực lượng Tấn công với HMS Queen Elizabeth là tàu chủ lực viết trên Twitter:

“Về mặt kỹ thuật, Lực lượng Tấn công dưới quyền của tôi nay đặt mức độ Sẵn sàng Tác chiến cao nhất. Chúng tôi sẵn sàng triển khai sau 5 ngày khi nhận lệnh để phản ứng lại các sự kiện toàn cầu, nhằm bảo vệ quyền lợi của Anh.”

Đây là nhóm tác chiến hải quân lớn nhất mà Anh Quốc xây dựng được từ 25 năm qua và mục tiêu của lực lượng này là giúp Anh Quốc “đảm bảo an ninh quốc tế”, ông Moorhouse viết.

Bản thân ông Steve Moorhouse từng là thuyền trưởng tàu HSM Queen Elizabeth trong thời gian chạy thử và diễn tập.

Cuối năm 2020, Bộ Quốc phòng Anh thông báo ông Moorhouse, cựu phi công và sĩ quan hải quân, lên làm tư lệnh Lực lượng Tấn công, còn ông Angus Essenhigh được phong làm thuyền trưởng chiếc tàu.

'Sẽ qua Biển Đông'

Hồi 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Anh khi đó, ông Gavin Williamson nói chuyến hải hàng đầu tiên từ Anh của tàu HMS Queen Elizabeth “sẽ tới châu Á-Thái Bình Dương và qua Biển Đông”.

Cũng trong năm 2017, Anh đóng xong chiếc mẫu hàng thứ nhì, tàu HMS Prince of Wales.

Giới quan sát quân sự cho rằng sau Brexit, Anh phải tìm lại vị thế riêng trên trường quốc tế, cả về an ninh và hàng hải.

Hiện Anh vẫn là thành viên chủ chốt của Nato tại châu Âu và có các đối thoại an ninh với EU nhưng quan tâm của Anh tại vùng Biển Baltic và Biển Đông khiến nước này có tầm nhìn khác nhiều quốc gia EU khác.

Việc Anh rời EU cũng khiến cho EU chỉ còn một nước thành viên là Pháp giữ tư cách cường quốc sở hữu hàng không mẫu hạm.

Hồi tháng 9/2018, Trung Quốc đã phản ứng gay gắt khi Anh Quốc cho tàu HMS Albion vào sát quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh gọi là Tây Sa và cho xây cất các cơ sở quân sự, bất chấp sự phản đối từ các nước khác gồm Việt Nam.

Phía Trung Quốc cử một tàu khu trục và hai trực thăng ra chặn, Reuters tường thuật vào thời điểm đó.

"Hải quân Trung Quốc đã xác định và nhận dạng chiếc tàu chiến theo đúng luật, và đã cảnh cáo yêu cầu tàu rời khỏi khu vực Tây Sa," phía Trung Quốc cho biết.

Hải quân Hoàng gia Anh đáp trả bằng thông điệp "Tàu HMS Albion thực thi quyền tự do đi lại, hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế".

Được biết một quan chức quân sự Trung Quốc hồi cuối 2020 đã cảnh báo Anh không được cho HSM Queen Elizabeth "vào Nam Hải", theo Tân Hoa Xã.