Tiểu thương Việt ở California lao đao vì Covid

Thứ Sáu, 20 Tháng Mười Một 20206:00 SA(Xem: 2419)
Tiểu thương Việt ở California lao đao vì Covid
voatiengviet.com

Tiểu thương Việt ở California lao đao vì Covid

VOA Tiếng Việt

Sau ba lần đóng cửa chống sự lây lan của virus corona, các chủ kinh doanh nhỏ gốc Việt ở tiểu bang California tỏ thái độ bất tuân và cho biết ‘họ không còn sợ Covid nữa’ mà giờ đây điều họ sợ hơn hết là ‘không làm ăn kiếm tiền được’, theo tìm hiểu của VOA.

Hồi tuần trước, California đã trở thành tiểu bang thứ hai ở Mỹ sau Texas vượt qua mốc một triệu ca nhiễm virus corona. Trước đó, vào mùa hè, dịch bệnh gia tăng đột biến khiến tiểu bang này một lần nữa ra lệnh đóng cửa các cơ sở không thiết yếu. Tuy nhiên, khi tình hình cải thiện sau đó thì các quận hạt đã dần chuyển sang hoạt động bình thường trở lại.

Giới chức y tế tiểu bang cho biết cả số nhập viện và số bệnh nhân vào phòng chăm sóc đặc biệt vì Covid-19 đều gia tăng. Thống đốc Gavin Newsom tuyên bố sẽ ‘phanh khẩn cấp’ việc tái mở cửa nền kinh tế để chống dịch.

“California đang chứng kiến sự gia tăng nhanh nhất các ca nhiễm mà chúng tôi từng thấy – nhanh hơn những gì chúng ta đã trải qua vào giai đoạn đầu dịch hay thậm chí hơn cả mùa hè vừa qua,” ông Newsom cho biết trong một thông cáo báo chí.

Theo ông Newsom tại một cuộc họp báo hôm 16/11, số ca nhiễm hàng ngày đã tăng gấp đôi trong 10 hôm trước đó. Tuần đầu tiên của tháng 11 đã chứng kiến số ca nhiễm mới tăng 51%, cũng theo ông Newsom.

Ông Newsom cho biết giới chức tiểu bang đang cân nhắc áp dụng lệnh giới nghiêm, nhưng còn phải nghiên cứu tình hình của một số nước đang áp dụng biện pháp tương tự để xem hiệu quả đến đâu.

‘Cần phải kiếm sống’

Bà Võ Thị Thái Nhã, chủ tiệm làm móng Number One ở thành phố Fountain Valley, quận Cam, nói với VOA là theo lệnh mới thì tiệm của bà chỉ được hoạt động ở mức 25% công suất.

Tuy nhiên, bà cho biết giới hạn này ‘không ảnh hưởng gì hết đến tiệm của bà’ vì từ đầu mùa dịch đến nay, tiệm bà đã giảm số thợ làm việc xuống còn phân nửa và đa phần là tiếp khách đặt hẹn trước.

Do đó, bà cho biết tiệm làm móng của bà vẫn hoạt động bình thường mà nếu giới chức có xuống kiểm tra phát hiện có vi phạm thì ‘họ cũng không phạt mà sẽ cảnh báo trước’.

“Họ có xuống thì cũng chỉ cảnh cáo mình thôi vì đâu có ăn cướp gì của người ta đâu. Cùng lắm thì mình nói với họ là mình không có tiền nên phải đi làm,” bà nói.

Bà nói nếu lần này mà giới chức tiểu bang bắt bà phải đóng cửa tiệm để chống dịch thì bà ‘sẽ bất tuân’.

“Nếu nghỉ thì tiền đâu tôi sống? Bao nhiêu thứ tiền đều nhờ vào tiệm này,” bà phân trần và cho biết trong lần phong tỏa đầu tiên hồi mùa xuân, bà chỉ đóng cửa tiệm có một tuần rồi ra làm lại.

Lúc đó, giới chức thành phố có xuống làm việc, bà Nhã cho biết, và sau đó bà ‘phải kéo khách về nhà làm’. “Nhờ vậy mà tôi có được một số khách, chứ đóng cửa đến giờ thì chết luôn,” bà nói.

‘Hết sợ rồi’

Cho đến đợt phong tỏa thứ hai vào mùa hè, bà Nhã ‘vẫn mở tiệm vì hết sợ rồi’. “Xung quanh có người chết vì dịch ở đâu không biết, chứ mình đóng cửa thì mình chết chứ ai lo cho mình,” bà nói và ví von là giờ đây bà ‘đã lì rồi’.

“Kinh tế chết tới nơi mà suốt ngày Covid hoài,” bà nói lý do vì sao bà không ủng hộ lệnh đóng cửa chống dịch của chính quyền tiểu bang.

“Vụ này cứ đóng mở, đóng mở hoài. Lúc đầu người ta còn hoang mang. Bây giờ gần 1 năm trôi qua, nếu như cứ đóng cửa theo lệnh chính quyền thì người ta lấy gì sống?” bà Nhã bức xúc.

“Ngày nào tôi cũng sinh hoạt ngoài đường, ngày nào cũng phục vụ khách, ngày nào cũng tụ tập gặp bạn bè mà trong những người tôi biết chẳng có ai bị hết,” bà cho biết và cáo buộc con số lây nhiễm và tử vong ‘đã bị thổi phồng’.

“Bệnh dịch cũng có chứ không phải không, nhưng không phải nhiều như vậy,” bà nhận định. “Tại sao ông Tổng thống Trump hơn 70 tuổi ổng nhập viện rồi ổng lại ra?”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn