Chuyện cứu hộ miền Trung: Miệng quan trôn trẻ

Chủ Nhật, 25 Tháng Mười 202010:00 SA(Xem: 4223)
Chuyện cứu hộ miền Trung: Miệng quan trôn trẻ
fb Lâm Viên - Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: “Vừa rồi chúng tôi phát hiện một số lãnh đạo địa phương (cấp cơ sở) chia lương khô cứu trợ cho cán bộ như làm quà, vì thứ này ngon. Như thế là hỏng hết. Lương khô này gửi cho dân. Người dân đang cần”.
a-9188-1603343849
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Phát biểu của tướng Chiêm sau khi cho biết Bộ đã cấp 22 tấn lương khô cho các tỉnh miền Trung bị lũ lụt. Tuy nhiên chỉ một ngày sau phát biểu dậy sóng này, ngày 23-10-2020, tướng Chiêm ‘nói lại’ đây là việc từng xảy ra trong quá khứ và “đó là bài học kinh nghiệm phải chấn chỉnh, đề phòng, không để lặp lại”.

Ông nhắc đến sự việc này là để chỉ đạo chung các lực lượng Quân khu, Biên phòng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh… “Những lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phải chú ý quản lý hàng cứu trợ, đưa đến tận tay người dân bị lũ lụt”, Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh (*).

Theo tường trình của báo Tuổi Trẻ, “trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 23-10, thượng tướng Lê Chiêm, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết trong bão lũ quân đội phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đã tham gia tích cực vào công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân vùng lũ.

Tuy vậy, là người trực tiếp nhiều năm tham gia khắc phục lũ lụt ở nhiều cấp, nhiều địa phương, ông Chiêm cảnh báo ở một số địa phương có tình trạng sử dụng không đúng mục đích, hàng cứu trợ đưa đến người dân không đúng đối tượng, từng xảy ra ở nhiều đợt lũ lụt trước đây.

Đơn cử như lương khô sử dụng cho cán bộ làm quà, bánh kẹo trong các nhiệm vụ khác từng có tình trạng này diễn ra ở những đợt cứu trợ lũ lụt trước đây. Hàng hóa cứu trợ để trong kho sau lũ mới phân phát cho dân, nên chất lượng xuống cấp.

“Đây là vấn đề cảnh tỉnh và cần chấn chỉnh ngay về việc bớt xén chứ không riêng gì địa phương nào. Mục đích là để tất cả hàng hóa của nhân dân, quân đội cần được cấp tới đúng người dân cần hỗ trợ”, tướng Chiêm nhấn mạnh” (**).

Rõ ràng đây là lỗi diễn đạt thật đáng tiếc khi tướng Chiêm còn là một đại biểu Quốc hội.

Cũng theo báo Tuổi Trẻ Online, phát hành vào trưa 23-10 ở bài báo “Đã nhận được lương khô cứu trợ của Bộ Quốc phòng đâu mà nói chia nhau?”, cho biết, “Ông Hà Sỹ Đồng – phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết đã nắm thông tin trên mạng cho rằng thượng tướng Lê Chiêm – thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nói “cán bộ cơ sở chia nhau lương khô cứu trợ của Bộ Quốc phòng”.

Ông Đồng khẳng định đó là sự hiểu nhầm ý của thượng tướng Lê Chiêm và thực tế đến thời điểm này Quảng Trị chưa hề nhận được lương khô cứu trợ của Bộ Quốc phòng nên không thể có chuyện cán bộ chia nhau.

“Việc này cần nói rõ ràng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà hảo tâm đến chia sẻ với người dân Quảng Trị sau lũ”, ông Đồng nói.

Có ý kiến đây là câu chuyện của “miệng nhà quan…”.

Lỗi này còn gặp ở các quan chức ngạch dân sự.

Số là ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch huyện Hải Lăng (Quảng Trị) hôm trung tuần tháng 10-2020, đã ký văn bản về tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ với ý là cần phải quy về đầu mối do chính quyền quản lý, nếu có đoàn nào tự ý đi mà chưa có sự đồng ý của chính quyền thì cần lập danh sách để theo dõi.

Trả lời báo chí, ông Lê Đức Thịnh cho hay thời điểm ông ký văn bản, nước lũ dâng cao, việc di chuyển bằng thuyền hoặc ca nô rất nguy hiểm. Việc ông ký ban hành văn bản trên không phải “gây khó” cho các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm mà chỉ với thiện ý là đảm bảo an toàn cho người đi cứu trợ.

“Kênh tiếp nhận và phân bổ hàng hóa cứu trợ là do Mặt trận tổ quốc huyện phụ trách. Tuy nhiên, do cơ quan này ít người nên Ủy ban nhân dân huyện rất nóng ruột, mong muốn làm sao kịp thời tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ đến tận tay người dân trên tinh thần đảm bảo việc điều tiết hàng cứu trợ một cách hợp lý, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn cứu trợ”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, trên tinh thần đó, Ủy ban nhân dân huyện đã lập Tổ tiếp nhận có danh sách điện thoại kèm theo. Tổ tiếp nhận này do một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm tổ trưởng, còn đại diện Mặt trận tổ quốc huyện là tổ phó. Trong khi đó, theo Nghị định 64, Mặt trận tổ quốc là cơ quan tiếp nhận và phân bổ, nên Ủy ban nhân dân huyện điều chỉnh lại Tổ tiếp nhận do đại diện Mặt trận tổ quốc làm Tổ trưởng để điều hành, còn chính quyền giúp hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho người đi cứu trợ.

“Chúng tôi cũng nói thật là thực tế có nhiều chỗ các đoàn cứu trợ đến quá nhiều, nhưng nhiều chỗ không có ai, nên cũng rất mong muốn làm sao các đoàn thông tin qua huyện để huyện hỗ trợ thông tin về điểm cần cứu trợ. Đồng thời, trong lúc đoàn cứu trợ đi thì có người dẫn đường, hướng dẫn đi cho an toàn, xuống đến xã thì phối hợp với Mặt trận xã để có danh sách. Tất cả chỉ với mong muốn bà con nào khó khăn đều nhận được hỗ trợ từ các đoàn thiện nguyện, chứ không phải nơi nhận quá nhiều, nơi thì không có”, ông Thịnh nói.

“Ý của chúng tôi là như thế, nhưng nhiều lúc trong câu từ, văn bản cũng diễn đạt chưa hết ý, và chúng tôi cũng như các ban ngành sẽ giải thích thêm. Chúng tôi rất cầu thị và mong các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hiểu và chia sẻ.

Hiện nay, nước lũ cơ bản rút rồi nên xe ô tô đi được, chỉ còn một số nơi bị ngập. Các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm cần phương tiện ô tô vận chuyển hàng cứu trợ trong nội bộ huyện đến các xã, Ủy ban nhân dân huyện sẽ điều động phương tiện, điện cho xã để có danh sách người dân cần hỗ trợ và bố trí người dẫn đường về xã, địa điểm hỗ trợ”, ông Thịnh cho biết thêm.

Nếu chấp nhận cách giải thích của ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch huyện Hải Lăng (Quảng Trị), cho thấy ngoài chuyện ‘đọc – hiểu tiếng Việt’ của viên chức lãnh đạo, cần thiết xem xét lại đội ngũ hành chánh văn thư ở chính quyền từ cấp xã cho đến cấp huyện, tỉnh. Bởi một khi “bút đã sa…”, thì các biện minh kiểu “thì – mà – là” sau đó cũng chỉ là giải quyết các hệ lụy một cách hình thức mà thôi.

Lâm Viên
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn