Phiên tòa xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng đã kết thúc với bản án 13 năm tù giam. Ông Trịnh Xuân Thanh qua 2 phiên tòa nhiều khả năng bị án tù chung thân. Một loạt phiên tòa khác sẽ tiếp tục cho đến trước sau Tết âm lịch.
Có thể nói các phiên tòa này là dịp tốt để khảo sát và sát hạch, đánh giá nền tư pháp của nước Việt đã tiến bộ, đã có đổi mới ra sao, theo những chuẩn mực nào.
Tuy các phiên tòa có vài tiến bộ về hình thức và nội dung tranh tụng, có ít nhiều tranh cãi, những hạn chế của phiên tòa là: phòng xử quá chật, không đủ chỗ cho nhân dân muốn tham dự, không có chỗ cho đội ngũ báo chí, phải ngồi ở phòng bên cùng một số khách nước ngòai, theo dõi trên màn truyền hình thường phát chậm chừng 3 phút để kiểm duyệt, có khi mất hình, mất tiếng hoặc có hình mất tiếng.
Một điều rất dở là đã không cho bà luật sư Schlagenhauf của Trịnh Xuân Thanh vào dự phiên tòa mặc dù bà đã đến sân bay Nội Bài, chứng tỏ chế độ còn sợ dư luận thế giới, thú nhận rằng phiên tòa sẽ không theo chuẩn mực của một nền tư pháp dân chủ hiện đại.
Qua phiên tòa có những việc quan trọng, Hội đồng xét xử đã cố tình bỏ qua, không dám đặt ra, như việc điều tra Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài bằng con đường nào, do ai giúp và trở về nước bằng con đường nào, do ai giúp, tự nguyện trở về đầu thú hay bị bắt cóc như phía CHLB Đức khẳng định? Đây là một vấn đề then chốt, - cái đinh của vụ án, mà phiên tòa có vẻ như bắt buộc phải bỏ qua, câm lặng. Cho nên các phiên tòa này vẫn chỉ là trò diễn kịch!
Mức án cho Đinh La Thăng ai cũng đã rõ. Trường hợp Trịnh Xuân Thanh đặc biệt hơn.
Ông Nguyễn Phú Trọng hẳn đã rất căm Thanh dám công khai tuyên bố « không còn tin ở Tổng bí thư, xin ra đảng », lại còn bỏ trốn, tham ô đến hàng chục tỷ đồng, xứng đáng tội tử hình vì ngoan cố, nhưng sau khi Thanh nói lên sự hối hận, xin lỗi tổng bí thư, gọi ông Trọng bằng Bác xưng là cháu, xin « Bác tha tội cho cháu đã phạm sai lầm… » thì Thanh quả nhiên đã thoát tội tử hình. Đây cũng là tính toán để cố giảm căng thẳng với CHLB Đức, nơi đã bỏ án tử hình và rất lo cho ông Thanh lâm vào tội chết, khi mới ở tuổi 52 đầy sinh lực.
Diễn biến và kết thúc của 2 vụ đại án cho thấy, tuy việc xét xử có tiến bộ, diễn ra gần 2 tuần lễ, có tranh tụng kéo dài, có tranh luận giữa công tố viên và luật sư trên căn cứ bình đẳng, dựa theo các điều khoản của pháp luật, các bị cáo đều có lời cuối cùng trước khi nghị án… nhưng về cơ bản việc xét xử công minh vẫn bị nhiều hạn chế theo chuẩn mực của nền tư pháp dân chủ, hiện đại.
Điều này khó tránh khỏi, vì Bộ tư pháp do đảng Cộng Sản lãnh đạo, Hội đồng xét xử là các thẩm phán đảng viên cấp cao, một số luật sư thuộc Luật sư Đoàn do đảng Cộng Sản lãnh đạo, việc họ phải theo chỉ đạo hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, ngấm ngầm của Bộ Chính trị và Tổng bí thư là tất yếu, theo phương châm đảng lãnh đạo công khai, toàn diện, thường xuyên, liên tục, ở mọi nơi, mọi lúc, không sót một nơi một lúc nào.
Tóm lại vẫn là những vụ xử án của đảng Cộng Sản, của một ông Vua Tổng bí thư, nắm toàn quyền sinh sát dù cho có ít nhiều cải tiến khôn ngoan, thức thời, nhỏ nhặt, theo lối « xin – cho » của chế độ độc đoán. Bị cáo nào biết điều, khai báo đúng trong phạm vi như lãnh đạo mong muốn, cuối cùng « xin lỗi Bác », tỏ ra ăn năn hối cải, còn tâng bốc Tổng bí thư rất bao dung, nghiêm khắc, nhân văn, còn khóc lóc kể lể về thảm cảnh gia đình, thì sẽ được nhẹ tay. Có điều đáng để ý ở các lời cuối của các bị cáo: Không xin lỗi nhân dân, không xin được tòa xem xét công bằng mà chỉ xin Bác Trọng thương! Cả không khí của phiên tòa nổi lên điều nổi bật là Tổng bí thư là nhân vật số 1 chủ tọa Hội đồng xét xử trên thực tế.
Các vụ xử án coi như nội bộ đảng trên đây – đảng xét xử đảng viên của mình - trái hẳn với việc xét xử các nhà dân chủ đòi nhân quyền, kiên cường chống bành trướng, như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh-Mẹ Nấm, Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Đài… với cung cách xét xử qua loa, hình thức, quan tòa, công tố viên, luật sư tranh tụng với nhau như những người điếc đặc, không ai nghe ai, vì bản án, ai cũng biết, đã nằm sẵn trong túi áo của đồng chí « Chánh án ».
Theo nền tư pháp độc đảng dưới quyền cá nhân của ông Trọng, tội chống bá quyền Trung Quốc là tội lớn nhất phải bị trừng trị nặng nhất dù đó là phụ nữ chân yếu tay mềm, có mẹ già con dại, bản thân có nhiều bệnh nhưng vẫn hiên ngang ngẫng cao đầu khẳng định yêu nước thương dân là vô tội.
Do đó có những phiên tòa diễn ra trong một buổi, không có luật sư, không tranh tụng, để rồi Tổng bí thư tự khen « dân chủ đến thế là cùng! »
Dư luận trong và ngoài nước đã lên tiếng mạnh mẽ đòi bỏ hẳn các phiên tòa của những người điếc chống các nhà dân chủ yêu nước thương dân, vì nó tàn ác quá, dã man quá, bị thế giới văn minh tới tấp lên án, chê cười.
Bùi Tín ( VOA )