Vì sao nhiều ngư dân Việt Nam vẫn phải đi vào vùng biển nước khác để đánh cá?

Thứ Bảy, 15 Tháng Tám 20208:00 CH(Xem: 4284)
  • Tác giả :
Vì sao nhiều ngư dân Việt Nam vẫn phải đi vào vùng biển nước khác để đánh cá?

RFA
2020-08-14

Vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì khó mà thuyết phục châu Âu gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản của Việt Nam.”

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc hôm 13/8/2020 với ngành thủy sản.

Vì sao nhiều ngư dân Việt Nam vẫn phải đi vào vùng biển nước khác để đánh cá?

Việt Nam bị EU rút ‘thẻ vàng’ cảnh cáo đối với hải sản từ tháng 10 năm 2017, vì nạn đánh bắt cá trộm ở vùng biển nước ngoài. và nếu trong 6 tháng không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) thì sẽ có nguy cơ không thể xuất khẩu thuỷ sản vào EU. Sau hai lần kiểm tra không đạt, Việt Nam vẫn bị EU áp thẻ vàng cho đến nay.

Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở vùng biển các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines… tuy đã giảm bớt nhưng cũng không thể bỏ được án phạt thẻ vàng của EU. Đơn cử như năm 2018, số lượng ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ do vi phạm vùng biển nước này đã giảm gần 50% so với năm 2017. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có 47 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ.

Cạn kiện nguồn cá gần bờ

Theo Tổng cục Thủy sản, thời gian gần đây, tàu đánh cá của ngư dân các địa phương ven biển đã phải nằm bờ ngày càng nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nguồn lợi hải sản đã bị khai thác quá mức, các chuyến đi biển của ngư dân thua lỗ do ít cá. Các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, nơi đâu cũng phát hiện những vụ việc vi phạm về đánh bắt hải sản, sử dụng ngư cụ cấm, đánh bắt sai vùng biển.

Đôi khi tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc ép qua lằn ranh bên khi để vi phạm và bắt, cho nên nó cũng có tính chất chính trị hơn là ngư dân cố tình vi phạm.
-Trần Văn Lĩnh

Theo các cơ quan chức năng, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt do công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển của các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vì lực lượng khai thác ven bờ phát triển quá nhanh. Trong khi đó, một số ngư dân bất chấp quy định không tiến hành đăng ký, đăng kiểm; sử dụng phương tiện khai thác theo tính hủy diệt mà không quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng.

Theo Quỹ Công lý Môi trường EJF – Environmental Justice Foundation, Việt Nam có một trong những đội tàu đánh cá phát triển nhanh nhất trên thế giới, với kích thước tàu cá tăng hơn 160% từ năm 1990 đến 2018. Sự bùng nổ về số lượng tàu cá này đã dẫn đến việc đánh bắt quá mức và làm cạn kiệt nhanh chóng số lượng cá. Báo cáo mới của EJF được thực hiện dựa trên cuộc khảo sát 239 thuyền viên từ 41 tàu cá Việt Nam bị Thái Lan bắt giữ khi đang đánh bắt trong vùng biển nước này.

Tranh chấp về vùng chồng lấn và sức ép từ Trung Quốc

Việt Nam với bờ biển trải dài trên 3.260 km từ Bắc tới Nam có vùng biển đối diện với nhiều quốc gia. Giữa Việt Nam và một số quốc gia hình thành những chồng lấn về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế với nhiều nước Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan…

Các vùng chồng lấn trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng dẫn đến việc nhiều ngư dân đi đánh bắt cá ở các vùng nước mà họ đinh ninh là của mình, nhưng lại bị nước khác bắt như trường hợp Indonesia.

Indonesia và Việt Nam hiện vẫn còn một vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn chưa phân định gần đảo Hòn Cau của Việt Nam và phía bắc đảo Natuna của Indonesia. Hai nước đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới thềm lục địa chính thức vào năm 2003, nhưng chưa đạt được thoả thuận về phân định vùng đặc quyền kinh tế.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, nhận định thêm liên quan vấn đề này:

“Ranh giới vùng biển Việt Nam và nước ngoài chia làm 2 loại, một loại có ranh giới rõ rệt, còn một loại thì thiếu sự rõ rệt. Thí dụ như vùng biển Vịnh bắc bộ giáp Trung Quốc cũng không rõ ràng. Đôi khi tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc ép qua lằn ranh bên khi để vi phạm và bắt, cho nên nó cũng có tính chất chính trị hơn là ngư dân cố tình vi phạm. Như vùng biển Hoàng Sa chẳng hạn, theo Chính phủ Việt Nam thì đây là vùng biển của mình, là ngư trường truyền thống, nên vẫn đánh bắt. Nhưng Trung Quốc thì vẫn bắt và nói tàu Việt Nam vi phạm chủ quyền của họ. Có lẽ ở miền Nam thì sự vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài thì rỏ ràng hơn, còn ngư dân miền Trung và miền Bắc thì có khi Trung Quốc nói vi phạm chứ chưa chắc là vậy.”

Ngoài ra theo ông Trần Văn Lĩnh, ngư dân Việt Nam tuy được trang bị hệ thống định vị, nhưng sự trang bị này không đầy đủ lắm, nên họ cũng không có phương tiện để định vị chính họ. Trong khi đó, dưới lực ép của nhà nước Trung Quốc, đặc biệt là trong mùa cấm đánh bắt cá này, tàu Việt Nam có khi chỉ cần đến gần ranh giới thì Trung Quốc đã ép về phía họ để bắt giữ và nói mình vi phạm. Ông Lĩnh cho biết theo lời kể của ngư dân mà ông biết, đôi khi phía Trung Quốc còn bắt tàu Việt Nam trong vùng biển Việt Nam, tắt định vị và bắt ngư dân ký giấy đã vi phạm. Ông Lĩnh nói:

“Trung Quốc họ muốn chiếm lĩnh biển Đông cho nên họ có một thủ đoạn rất rõ ràng, đó là họ đánh bại ngư dân mình cả động lực lẫn ý chí. Về động lực thì sau mỗi mùa đánh bắt, Trung Quốc đã đổ xuống hàng vạn tàu, đánh bắt với mắt lưới nhỏ và đánh bắt với ánh sáng cực lớn, mục tiêu là để triệt tiêu nguồn lợi thùy sản trên biển đông, làm cho ngư dân mình không có cá để ra đánh bắt. Còn về ý chí thì họ thường xuyên cho các tàu giả dạng tàu cá xua đuổi cướp bóc tàu của mình, đôi khi có cả tàu của cơ quan chức năng của họ. Dẫn đến ngư dân Việt Nam sống càng ngày càng nghèo đói, và không yên ổn trong vùng biển của mình. Vì vậy đôi khi đi theo luồn cá, họ phải đi về phía nam, nơi mật độ ngư dân Trung Quốc ít hơn và sự đe dọa của cơ quan chức năng cũng ít hơn, và khi làm ăn xa bờ như vậy, theo luồn cá thì đôi khi họ vi phạm hải phận như Indonesia chẳng hạn. Chứ thực ra ngư dân chẳng ai muốn đi xa, vừa nguy hiểm vừa tăng chi phí…”

Để tìm hiểu thêm, RFA liên lạc Anh Nguyễn Chí Thạnh, một ngư dân, một thuyền trưởng ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và được anh cho biết về tình thực tế khi đi đánh bắt xa bờ:

“Tôi lưới ở vùng biển đó là vùng biển nước Việt Nam mình, chứ xâm phạm vùng biển nước nào đâu. Riêng Hoàng Sa thì Trung Quốc nó cứ lấn tới lấn tới… nó ốp chỗ của Việt Nam mình… đuổi tới đuổi lui. Còn các nước khác cũng không đáng kể, vì ranh giới thì đôi lúc tàu làm qua lại… cũng không bao nhiêu, chỉ mấy chiếc… làm thì phải có vùng biển chênh lệch qua lại, nước nào cũng vậy… nhưng tỷ lệ ít, đôi khi có những ngư dân họ ưng tham, họ lấn qua biển khác họ làm.”

Mặc dù luật mới để ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp đã được ban hành tại Việt Nam vào năm 2018, nhưng các cuộc điều tra của Quỹ Công lý Môi trường EJF – Environmental Justice Foundation, một năm sau đó cho thấy các quy định luật pháp liên quan vấn đề này vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ và nạn ngư dân Việt đánh bắt trộm trong vùng biển các nước lân bang vẫn không được cải thiện.

Chính phủ Việt Nam hỗ trợ gì cho ngư dân?

Việt Nam chưa có hỗ trợ gì lớn lao, trong khi nghề biển là một nghề rất nguy hiểm, tầng số rủi ro cao, chưa kể ngoài thiên tai còn có nhân tai là đe dọa của phía Trung Quốc.
-Trần Văn Lĩnh

Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 14 tháng 8 năm 2020 liên quan vấn đề này, cho biết:

“Nhà nước quy định như thế nào thì hội vận động bà con nhân dân chấp hành, trước hết là chấp hành Luật Thủy sản không đánh bắt bất hợp pháp. Thứ hai là cùng với các hội địa phương, vận động bà con đánh cá theo đoàn đội, để thực hiện chính sách có tương trợ lẫn nhau. Đồng thời giúp nhau thực hiện đúng pháp luật, không vi phạm pháp luật. Ngoài ra hội cũng yêu cầu chính phủ và các địa phương cũng phải đáp ứng để bà con ngư dân có điều kiện đầu tư đóng tàu, vốn sản xuất, cũng như điều kiện hậu cần như cảnh, địa điểm thu mua…”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, ngoài ra, các cơ quan nhà nước phải tạo thuận lợi trong việc cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản cho bà con ngư dân. Từ những việc vừa nêu, ông Thắng cho rằng, bà con ngư dân sẽ có điều kiện đánh cá tốt hơn, hiệu quả cao hơn, thì việc phải đi ra nước ngoài đánh cá nguy hiểm, vi phạm pháp luật từ từ sẽ giảm. Tuy nhiên theo ông Thắng, cũng có thể tình hình mỗi địa phương nỗi khác, nhưng nhìn chung là cùng góp sức thực hiện chính sách của nhà nước về Luật Thủy sản.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, chính phủ Việt Nam chỉ có một vài sự hỗ trợ, ví dụ như như nghị định số 7 trước đây cho ngư dân vay tiền với lãi suất hơi thấp, chứ ngoài ra nhà nước Việt Nam cũng không hỗ trợ gì nhiều. Ông nói tiếp:

“Ngoài ra thì nhà nước giúp cho họ một nửa số tiền mua bảo hiểm, nếu họ chuyển đổi một số ngành nghề không khuyến khích thành ngành nghề khuyến khích, ít đi xa, ít va chạm với nươc ngoài… Việt Nam chưa có hỗ trợ gì lớn lao, trong khi nghề biển là một nghề rất nguy hiểm, tầng số rủi ro cao, chưa kể ngoài thiên tai còn có nhân tai là đe dọa của phía Trung Quốc. Những gì nhà nước hỗ trợ không đáng kể so với các rủi ro đó.”

Hôm 11/11/2019, Quỹ Công lý Môi trường EJF – Environmental Justice Foundation, vừa công bố báo cáo cho thấy tình trạng đánh bắt cá trái phép của Việt Nam vẫn không thuyên giảm, EJF cho rằng điều này có thể dẫn đến nguy cơ Việt Nam có thể bị phạt “thẻ đỏ” – cấm hoàn toàn xuất khẩu thuỷ sản sang các nước châu Âu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn