Emmanual Lafont

Nguồn hình ảnh, Emmanual Lafont

Vào tháng 4/1960, chiếc máy tính điện tử kỹ thuật số phổ thông đầu tiên sản xuất hoàn toàn tại nội địa Trung Quốc - dòng máy Model 107 - ra mắt.

Bà Hạ Bồi Túc (Xia Piesu), kỹ sư thiết kế chiếc máy, đã làm nên lịch sử.

Sau nhiều thập niên trải qua cuộc chiến với Nhật và cuộc Nội Chiến Trung Hoa đầu Thế kỷ 20, Trung Quốc tụt hậu rất xa so với các nước phát triển trong lĩnh vực công nghệ.

Sau đó, bị cuốn vào cuộc đấu chính trị trong thời Chiến tranh Lạnh, nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa non trẻ bị cắt nguồn viện trợ và hàng hoá xuất khẩu từ các nước tư bản phương Tây.

Giới khoa học gia Trung Quốc chịu phụ thuộc hoàn toàn từ nguồn cung thiết bị phần cứng và kiến thức chuyên môn từ Liên Xô để xây dựng nên nguồn lực điện toán của mình.

Khi quan hệ với Liên Xô đổ vỡ vào năm 1959, Trung Quốc lại một lần nữa bị cô lập và buộc phải tự thân vươn lên trong một thế giới điện toán hoá không ngừng phát triển.

Chỉ trong vòng một năm sau khi Liên Xô cắt viện trợ, bà Hạ đã cho ra đời máy Model 107 - viên gạch đầu tiên trên con đường độc lập dựng xây nền khoa học máy tính của Trung Quốc.

Ngày nay, Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sản xuất máy tính.

Trong năm 2011, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia dẫn đầu thị trường thế giới về máy tính cá nhân. Dự kiến trong năm 2020, chỉ tính riêng phân khúc máy tính để bàn của nền công nghiệp máy tính Trung Quốc đạt doanh thu trên 6,4 tỷ đô la Mỹ (tương đương 4,9 tỷ bảng Anh).

Song chỉ sản xuất máy tính không thôi thì chưa đủ. Để thiết lập một nền công nghiệp máy tính và lĩnh vực công nghệ mới lấy khoa học máy tính làm nền tảng, Trung Quốc cần đào tạo nguồn nhân lực. Vì thế, sự đóng góp của bà Hạ là vô cùng quan trọng.

Người tiên phong

Bà đã giúp định hình chiến lược cho các viện điện toán và khoa học máy tính đầu tiên của Trung Quốc, và soạn thảo giáo trình đào tạo cho các viện này.

Bà là người dạy khóa học lý thuyết máy tính đầu tiên ở Trung Quốc. Trong suốt sự nghiệp của mình, bà Hạ Bồi Túc đã khuyến khích hàng trăm sinh viên bước chân vào lĩnh vực khoa học máy tính còn rất non trẻ của Trung Quốc.

Giữa những khó khăn do hậu quả chiến tranh và những biến động chính trị, bà Hạ đã định hình một lĩnh vực khoa học mới và một nền công nghiệp mới ở Trung Quốc.

Qua những sáng chế công nghệ và sự nghiệp đào tạo của mình, sức ảnh hưởng của bà Hạ Bồi Túc đã để dấu ấn rộng khắp trên nền tảng điện toán Trung Quốc ngày nay.

Hạ Bồi Túc sinh ra trong một gia đình trí thức sống ở phía đông nam thành phố Trùng Khánh vào ngày 28/7/1923 nên bà được đi học từ sớm.

Bốn tuổi bà đã được học vỡ lòng và lên tám tuổi có gia sư dạy kèm. Bà đạt thành tích xuất sắc ở Trường Trung học Cơ sở Nam Dục (Nanyu) và tốt nghiệp thủ khoa trường Trung học Quốc gia Số 9 vào năm 1940.

Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai kéo dài suốt tám năm đã tàn phá Trung Quốc và cướp đi mạng sống của hàng triệu dân thường.

Chiến tranh nổ ra vào năm 1937 khi Nhật chiếm đóng Nam Kinh, thủ đô thời bấy giờ của Cộng Hoà Trung Hoa.

Trùng Khánh, nơi gia đình bà Hạ ở, trở thành nơi sơ tán của dân tị nạn bỏ chạy khỏi Nam Kinh.

Thành phố này cũng là nơi sơ tán của Đại học Quốc lập Trung ương. Bất chấp hoàn cảnh chiến tranh, trường vẫn tiến hành giảng dạy dù phải di dời khỏi Nam Kinh. Vào năm 1941, Hạ Bồi Túc trở thành sinh viên theo học ngành kỹ sư điện của trường.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Quê hương của bà Hạ, Trùng Khánh, Trung Quốc dưới làn mưa bom không kích của Nhật Bản vào năm 1940

Bà Hạ tốt nghiệp và trở thành cử nhân ngành kỹ sư điện vào năm 1945.

Cũng trong năm đó, bà gặp gỡ ông Dương Lập Minh (Yang Liming), cựu sinh viên và giáo sư vật lý ở của trường đang phải sơ tán trong chiến tranh Nam Kinh lúc bấy giờ.

Họ yêu nhau trong suốt thời gian bà Hạ học thạc sỹ tại Học viện Viễn thông thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải và ông Dương đi du học tại Đại học Edinburgh dưới sự hướng dẫn của Max Born, nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 1954.

Theo học tại Anh

Hai năm sau, bà Hạ gặp lại ông Dương khi bà đến Đại học Edinburgh để làm nghiên cứu tiến sĩ ngành kỹ sư điện.

Trong luận án tốt nghiệp của mình, "Dao động trong tham biến mạch điện và phân tích hệ thống phi tuyến tính qua đồ hoạ", bà đã phát triển các phương pháp giúp dự đoán các dao động trong tần số và cường độ các hệ thống điện chính xác hơn, qua đó có thể ứng dụng rộng rãi trên bất kỳ hệ thống nào sử dụng tần số điện: từ đài radio, tivi cho đến máy tính.

Bà Hạ Bồi Túc nhận bằng tiến sĩ năm 1950.

Sau đó, cũng trong năm 1950, bà kết hôn với ông Dương tại Edinburgh.

Cùng chung hoài bão khoa học và khát khao đóng góp kiến thiết đất nước, vợ chồng bà trở về Trung Quốc vào năm 1951. Cả hai người làm việc tại Đại học Thanh Hoa, nơi bà Hạ nghiên cứu về viễn thông.

Nguồn hình ảnh, Wikimedia Commons

Chụp lại hình ảnh,

Bà Hạ Bồi Túc đã chuyển hướng, từ kỹ sư điện trở thành nhà sáng chế máy điện toán phổ thông nội địa đầu tiên của Trung Quốc

Tuy nhiên, khi vợ chồng bà trở về, Trung Quốc đã có sự đổi thay.

Nội Chiến kết thúc năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc giành được chính quyền từ Quốc Dân Đảng Trung Hoa, buộc chính quyền Trung Hoa Dân Quốc phải chạy sang Đài Loan, và Trung Quốc trở thành Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa do Chủ tịch Mao Trạch Đông lãnh đạo.

Cuộc chiến Trung-Nhật lần thứ hai và việc giành giật quyền lực giữa các đảng phái chính trị đã khiến cho nền kinh tế, công nghiệp và hạ tầng của Trung Quốc trở nên lạc hậu, thụt lùi so với nhiều nước phương Tây.

Cuộc chiến Trung-Nhật lần hai đã huỷ hoại nghiêm trọng đất nước.

"Về cơ bản, mọi trường học trên mức phổ thông, mọi trung tâm tài chính, trung tâm sản xuất trọng yếu và chính phủ Trung Quốc đều buộc phải sơ tán, đầu tiên là đến thành phố Vũ Hán, sau đó khi Vũ Hán thất thủ thì chạy về Trùng Khánh ở vùng Tứ Xuyên rất hẻo lánh, nghèo nàn," Tom Mullaney, sử gia tại Đại học Standford và là tác giả cuốn "Máy tính Trung Hoa" sắp xuất bản, nói.

"[Chính quyền Trung Quốc] lúc bấy giờ chỉ đơn giản là cố gắng để tồn tại được, tuyệt nhiên không có đủ tiềm lực để phát triển kỹ thuật điện, thiết kế vũ khí," ông nói thêm.

Khi lên nắm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng hồi phục cơ sở hạ tầng. Nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng khi Mỹ ủng hộ phe Quốc Dân Đảng trong cuộc Nội Chiến, và cùng với những quốc gia tư bản phương Tây khác đã khước từ viện trợ, không xuất khẩu hàng hoá cho nhà nước cộng sản còn non trẻ này.

Ông Mao và Đảng Cộng sản Trung Quốc quay sang nước láng giềng phương Bắc là Liên Xô.

Nhận ra cơ hội đưa Trung Quốc vào khối cộng sản phương Đông, Liên Xô thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc, đồng ý hỗ trợ Trung Quốc phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ, bao gồm cả ngành điện toán.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Năm 1950, Liên Xô và Trung Quốc bắt tay trở thành đồng minh, một mối quan hệ tạo dấu ấn trực tiếp lên ngành công nghiệp điện toán của Trung Quốc

Bà Hạ trở nên gắn bó mật thiết với quan hệ đối tác Trung-Xô khi nhà toán học Hoa La Canh (Hua Luogeng) ghé thăm nơi làm việc của bà tại Đại học Thanh Hoa và mời bà tham gia vào nhóm nghiên cứu máy tính của ông tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS).

Bà là một trong ba thành viên sáng lập nhóm nghiên cứu máy tính đầu tiên của Trung Quốc. CAS là cái nôi của nền công nghệ điện toán và nghiên cứu khoa học, và bà Hạ trở thành hạt nhân của viện.

Học hỏi từ Liên Xô

Mặc dù nhóm nghiên cứu của ông La Canh và bà Hạ đã theo đuổi dự án của họ để chế tạo ra máy tính điện tử trong suốt ba năm, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc không hề công nhận chính thức lĩnh vực công nghệ này cho tới tận năm 1956, khi "Nghị định dài hạn phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia từ năm 1956 đến năm 1967" - tức kế hoạch 12 năm - giữa hai nước Trung-Xô được ký kết.

Cùng với các chuyên gia Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc và CAS xác định công nghệ điện toán là một trong bốn lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng yếu để xây dựng tiềm lực quốc phòng.

Máy tính điện tử sẽ được ứng dụng rộng rãi để hỗ trợ cơ sở hạ tầng và quốc phòng cho Trung Quốc, trong đó bao gồm phát triển và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, quản lý hệ thống giao thông phức hợp quy mô lớn và phát triển chương trình vệ tinh hoặc chương trình ngoài không gian, ông Mullaney nói.

"Tất cả những điều này, cùng nhiều thứ khác, là trọng tâm mà các cường quốc như Liên Xô, Mỹ, Anh và sau đó là Pháp đều đẩy mạnh thông qua việc phát triển điện toán điện tử. Và Trung Quốc biết rằng họ cần phải bước vào lĩnh vực này thì mới có thể cạnh tranh được trên phạm vi toàn cầu cả về kinh tế lẫn quân sự."

Lúc đó, Trung Quốc vẫn còn cả chặng đường dài nữa mới có thể làm ra được một chiếc máy tính.

Nền công nghiệp điện toán đòi hỏi nền tảng từ nhiều lĩnh vực, như toán học, kỹ thuật và vật lý. Những kiến thức này cần được kết hợp nhuần nhuyễn, và lực lượng lao động cần phải được đào tạo sẵn sàng trước khi họ có thể làm ra được một chiếc máy tính.

Với những kiến thức sâu rộng về điện tử và máy tính, bà Hạ là lựa chọn lý tưởng để triển khai kế hoạch này.

Năm 1956, bà Hạ có mặt trong nhóm công tác đến Moscow và Leningrad học hỏi, nghiên cứu, sản xuất và đào tạo về lĩnh vực công nghệ máy tính của Liên Xô.

Sự nghiệp nghiên cứu vào đào tạo

Cùng năm đó, khi trở về, bà đã dịch sang tiếng Trung bản thiết kế máy tính của Liên Xô, bao gồm tài liệu hướng dẫn dài 1.000 trang, về sau trở thành thành tài liệu giảng dạy môn điện toán Liên Xô cho sinh viên Trung Quốc.

Cũng trong năm đó, dưới sự bảo trợ của Viện Toán và Viện Vật lý thuộc CAS, bà Hạ thuyết giảng cho lớp lý thuyết máy tính đầu tiên ở Trung Quốc.

Bà cũng hỗ trợ CAS trong những bước đi quan trọng đầu tiên, phối hợp với Viện Công nghệ Máy tính (ICT) thành lập chuyên ngành khoa học máy tính.

Không bao lâu sau, CAS thành lập trường Đại học Khoa học và Công nghệ. Bà Hạ tham gia xây dựng giáo trình giảng dạy các lớp khoa học máy tính tại cả hai nơi với vai trò là người phát triển chương trình đào tạo kiêm giảng viên. Một tay bà đã cho đào tạo hàng trăm sinh viên trong ngành từ năm 1956 đến năm 1962.

"Điều mà Trung Quốc cần nhất lúc bấy giờ là chương trình đào tạo," ông Mullaney lưu ý. Và bà Hạ đã đem đến cho họ một chương trình đào tạo.

Đến năm 1959, Trung Quốc đã bắt chước thành công hai thiết kế máy tính điện tử của Liên Xô: Model 103 và 104, dựa trên nền tảng máy tính M-3 và BESM-II của Liên Xô.

Thế nhưng vào lúc Trung Quốc còn đang bắt đầu bước vào lĩnh vực sản xuất máy tính thì quan hệ Trung-Xô rạn nứt. Lãnh đạo hai nước bất đồng với nhau về việc nước nào là trung tâm thế giới Cộng sản và con đường đi đến chủ nghĩa cộng sản toàn cầu của nước nào mới là đúng đắn.

Đến năm 1960, quan hệ hai nước đã trở nên căng thẳng đến mức Liên Xô quyết định cắt viện trợ cả về vật lực lẫn nhân lực cho Trung Quốc, ông Mullaney nói.

Sau khi Liên Xô sập cửa, nhiều nước khác cho rằng điều đó đồng nghĩa với dấu chấm hết cho ngành công nghiệp điện toán Trung Quốc.

Nhưng họ đã nhầm.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Không hề có dấu hiệu lụi tàn sau khi Liên Xô cắt viện trợ vào năm 1960, nền công nghiệp điện toán của Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến lên

Các nhà nghiên cứu của CAS tiếp tục tự mình độc lập theo đuổi công nghệ điện toán và khoa học máy tính.

Chiếc máy tính đầu tiên của Trung Quốc

Model 107 của bà Hạ là chiếc máy tính đầu tiên mà Trung Quốc phát triển được sau khi Liên Xô ngưng viện trợ, và nó không phỏng theo thiết kế Liên Xô như Model 103 và 104 nữa - Model 107 là phiên bản nội địa đầu tiên được chế tạo và phát triển ở Trung Quốc.

Dòng máy 107 nhanh chóng được sản xuất hàng loạt và lắp đặt trong các viện, trường đào tạo của Trung Quốc.

Trong suốt thập niên 1960, Trung Quốc tiếp tục phát triển nhiều dòng máy tính tinh vi có cấu hình mạnh tại CAS trong bối cảnh bị cô lập khỏi thế giới, đi từ việc dùng mạch điện trong đời máy 107 sang linh kiện bán dẫn và trong thập niên 1970, và đến đầu thập niên 1980 là dùng vi mạch.

Khi một phái đoàn các nhà khoa học máy tính Hoa Kỳ đến Trung Quốc vào năm 1972, họ không ngờ rằng nền công nghiệp máy tính nước này lại phát triển như vậy. "Tất cả các thành viên của phái đoàn, cùng những lời ghi nhận công khai, đều thể hiện sự ngạc nhiên về trình độ đáng nể của Trung Quốc," ông Mullaney nói.

Trong suốt thời gian đó, bà Hạ tiếp tục vừa nghiên cứu chế tạo máy tính xử lý tốc độ cao vừa đào tạo cho các nhà khoa học, kỹ sư máy tính mới.

Vào năm 1978, bà Hạ tham gia đặt nền móng cho ra đời tờ Tạp chí Máy tính Trung Quốc và Tạp chí Khoa học Máy tính và Công nghệ - những tạp chí tiếng Anh về điện toán đầu tiên trong nước.

Trong năm 1981, bà phát triển bộ xử lý mảng tốc độ cao, được gọi là 150AP.

So sánh với dòng máy đời cũ, 104, vốn dựa trên mô hình của Liên Xô và có tốc độ xử lý 10.000 câu lệnh một giây, thì 150AP tăng tốc độ xử lý lên đến 20 triệu câu lệnh một giây.

Nhờ vào công lao to lớn của bà Hạ mà nền khoa học máy tính được xây dựng thành một lĩnh vực học thuật độc lập tại Trung Quốc và nền công nghiệp máy tính nước này đã khởi sắc mặc dù có xuất phát điểm đầy biến động.

"Nếu nói về những người nắm giữ vị trí và có vai trò lãnh đạo cao như bà ấy, thì tôi chưa từng biết người phụ nữ nào vươn được tới tầm mức như bà ấy."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Cho đến thập niên 1970, Trung Quốc đã phát minh ra những dòng máy tính tinh vi có cấu hình mạnh sử dụng bộ vi mạch

Đặt nền móng cho tương lai

Tuy thiết kế Model 107 của bà Hạ đã làm nên lịch sử, nhưng chính việc bà sáng lập các học viện và đào tạo ra nhiều thế hệ học trò tiếp nối nhau mới là điều làm nên tương lai cho Trung Quốc.

Ông Mullaney cho rằng, "những người học trò của bà Hạ đã đặt nền tảng phát triển cho công nghệ hiện đại mà chúng ta chứng kiến ngày nay tại Trung Quốc".

Một trong những học trò của bà về sau trở thành kiến trúc sư trưởng của CPU (bộ xử lý trung tâm) Loongson, và vào năm 2002, ông đã đích thân đặt tên cho con chip trong CPU chiếc máy tính đầu tiên của Trung Quốc là "Xia 50" để vinh danh thầy của mình.

Được mệnh danh là 'Mẹ đẻ ngành điện toán Trung Quốc', bà Hạ là một trong những người đặt nền móng cho ngành công nghiệp máy tính nước này.

Hiệp hội Máy tính Trung Quốc đã trao giải thưởng danh giá mang tên bà, Xia-Peisu Award hàng năm, nhằm vinh danh những nhà khoa học nữ và nữ kỹ sư "có đóng góp và đạt thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực khoa học điện toán, kỹ thuật, giáo dục và công nghiệp".