Điểm tin thế giới sáng 14/7: Máy bay Mỹ bay sát bờ biển Trung Quốc

Thứ Ba, 14 Tháng Bảy 20203:35 SA(Xem: 3937)
Điểm tin thế giới sáng 14/7: Máy bay Mỹ bay sát bờ biển Trung Quốc

Máy bay Mỹ bay sát bờ biển Trung Quốc

Hôm thứ Hai, một máy bay do thám của Mỹ đã tiến gần địa phận tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP) nhận định đây là một động thái được Mỹ thiết kế để giám sát các hoạt động quân sự dọc bờ biển phía nam Trung Quốc.

Nhóm chuyên gia đại học Bắc Kinh đã công bố tọa độ hoạt động của máy bay Mỹ trên Twitter, nói rằng máy bay E-8C của Mỹ được ghi nhận hoạt động cách bờ biển Trung Quốc 110 km.

Trước khi được phát hiện lai vãng gần Quảng Đông, E-8C đã có mặt tại căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản và đã bay qua Tokyo vào sáng thứ Hai, theo hình ảnh được tài khoản No Callsign đăng trên Twitter.

Động thái của máy bay Mỹ trùng thời điểm Đài Loan tổ chức cuộc tập trận Hán Quảng thường niên. Cuộc tập trận này vừa khởi động hôm thứ Hai.

Mỹ tiếp tục lên án hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông

Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ coi việc Bắc Kinh theo đuổi các hoạt động khai thác tài nguyên ở Biển Đông và các hành vi bắt nạt của họ trên vùng biển này là bất hợp pháp, theo SCMP.

“Chúng tôi nhấn mạnh rằng: việc Bắc Kinh tuyên bố sở hữu các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết khu vực Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, chiến dịch bắt nạt của họ để kiểm soát chúng cũng thế”, ông Pompeo nói.

SCMP bình luận, phát biểu của ông Pompeo là một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế các hành động lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Việc lên án này gần như chắc chắn có tác dụng tức thì, hơn nữa sẽ làm Bắc Kinh khó chịu.

Pháp hạn chế hàng không Trung Quốc

Reuters đưa tin, Chính phủ Pháp hôm thứ Hai (13/7) đã bắt đầu hạn chế các hãng hàng không Trung Quốc, chỉ cho phép họ bay đến Pháp với mật độ mỗi tuần một chuyến. Paris cho biết họ làm vậy là để đáp trả hành động tương tự của Bắc Kinh đối với các hãng hàng không Pháp.

Đại sứ quán Pháp cho hay, theo thỏa thuận song phương ngày 12/6, Air France được Bắc Kinh cấp quyền thực hiện ba chuyến bay mỗi tuần đến Trung Quốc, nhưng thực tế Bắc Kinh chỉ cho phép hãng hàng không Pháp bay tới Đại Lục một chuyến mỗi tuần.

Cơ quan quản lý hàng không nhà nước Trung Quốc CAAC hiện vẫn chưa có phản ứng nào trước động thái đáp trả của Pháp.

Trung Quốc lại cảnh báo người dân không tới Úc

Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục gia tăng cảnh báo người dân không nên tới Úc, nói rằng nếu họ tới đó thì sẽ bị cơ quan thực thi pháp luật của Úc truy tìm “một cách tùy tiện”, theo AFP.

Chính quyền Trung Quốc đưa ra cảnh báo này chỉ ít ngày sau khi chính phủ Úc tuyên bố sẽ tiếp nhận khoảng 10.000 người Hồng Kông tị nạn sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh mới.

Một tháng trước, Bắc Kinh cũng cảnh báo người dân nước này không nên tới Úc vì cho rằng có tồn tại tình trạng phân biệt đối xử người Hoa tại xứ sở chuột túi trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, chính phủ Úc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh, đồng thời nói công dân của bất kỳ quốc gia nào đều được chào đón ở xã hội Úc.

WHO đưa ra cảnh báo tiêu cực về dịch Covid

SBS News đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Hai cảnh báo có quá nhiều quốc gia đang có phản ứng rối loạn trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán, tức là thế giới khó có thể sớm trở lại bình thường.

Sau khi ghi nhận 230.000 trường hợp nhiễm Covid mới được báo cáo hôm Chủ nhật (12/7), WHO nhận định đại dịch sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trừ khi mọi người đảm bảo những biện pháp phòng ngừa cơ bản gồm giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang và ở nhà nếu bị bệnh.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo rằng một số quốc gia dỡ bỏ tình trạng phong tỏa hiện đang chứng kiến sự hồi sinh của dịch viêm phổi Vũ Hán vì họ không tuân theo các phương pháp phòng chống bệnh đã được chứng minh có thể giảm rủi ro lây nhiễm.

“Tôi muốn thẳng thắn với các bạn: sẽ không thể về được trạng thái ‘bình thường trước đây’ trong tương lai gần”, tiến sĩ Tedros nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ngắn. “Quá nhiều quốc gia đang đi sai hướng. Virus vẫn là kẻ thù công khai số một, nhưng hành động [và nhận thức ] của nhiều chính phủ và người dân không phản ánh điều này”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn