Trump hay không Trump: Khoan dung để tránh làm tổn thương nhau

Thứ Sáu, 19 Tháng Sáu 20208:00 SA(Xem: 4204)
Trump hay không Trump: Khoan dung để tránh làm tổn thương nhau
Việc ủng hộ hay phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump là điều cần thiết trong một xã hội dân chủ bởi việc bất đồng quan điểm trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là lĩnh vực chính trị, luôn diễn ra. 

rEGeraev5mSUtqLW6eK2LpntUyQES0u0HT6VcmNz55GUHdW-3cAcoqiQmSfqJp87HpW9ahO8A6R3EPQIhl6Ke8T8CkNxYQDxp2Y9D7_vhI2TppZFi7gpymNdTQwiFTDPz8W--0YRfNUyESawtA
Trump hay không Trump?
Sự phân cực trong quan điểm chính trị là lý do vì sao các quốc gia dân chủ lại tồn tại nhiều đảng phái chính trị. Ở Mỹ, sự phân cực đó thể hiện qua sự tranh đua giữa hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Nếu thiếu vắng một trong hai đảng phái đó, nước Mỹ từ lưỡng đảng sẽ trở thành một quốc gia do duy nhất một đảng lãnh đạo tuyệt đối, khi đó một quốc gia tôn sùng tự do như Mỹ sẽ trở thành một quốc gia mất tự do, như Trung Quốc.

Việc bất đồng chính kiến cần được bảo vệ và tôn trọng như bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân. Tuy nhiên, chúng ta cần lý lẽ trong việc thể hiện quan điểm chính trị của mình và khoan dung trước lý lẽ của những người khác biệt lý lẽ với mình để góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, tự do.

***

Các quốc gia châu Âu vào thời Trung Cổ đã trải qua những cuộc chiến tôn giáo, đó là những cuộc chiến tranh mà những người cùng tin vào Chúa Ki-tô phục sinh, những người Công giáo và Tin lành, xung đột với nhau. Ban đầu chỉ là những tranh cãi thần học, sau đó là áp lực đe doạ rút phép thông công, tiếp đó là những cuộc chiến tranh tôn giáo để bảo vệ quan điểm và niềm tin của mỗi bên.

Một tín đồ Tin lành, chịu ảnh hưởng bởi quan điểm của Martin Luther, nhà thần học người Đức, tu sĩ Dòng Augustinô, nhà cải cách tôn giáo, tin rằng điều duy nhất có thể cứu rỗi một con người đầy tội lỗi chính là lòng thương xót Chúa. Mỗi tín đồ chỉ có thể được cứu rỗi vì nhờ đức tin vào Thiên Chúa, con người có thể biết được mục đích của Thiên Chúa đối với cuộc đời mình bằng việc tự mình nghiên cứu Thánh Kinh.

Theo quan điểm của Luther, mỗi người chỉ có thể được Thiên Chúa cứu rỗi nhờ vào đức tin của chính mình, không ai có thể cứu rỗi được người đó, kể cả Hội Thánh. Với quan điểm đó, Hội Thánh không có quyền ban phép giải tội cho các tín đồ mà chỉ có Thiên Chúa mới có quyền làm điều đó.

Đó là một quan điểm cấp tiến thời bấy giờ khi cho rằng Hội Thánh không có vai trò đáng kể gì trong công cuộc cứu rỗi của Thiên Chúa. Các tín đồ không cần phải thông qua linh mục để xưng tội với Thiên Chúa mà tự mình xưng tội với Ngài. Các tín đồ cũng không cần thông qua linh mục để học hỏi kinh thánh mà phải tự mình nghiên cứu kinh thánh để biết được chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa cho cuộc đời mình.

Nhiều người Công giáo cấp tiến tin vào những lời rao giảng của Martin Luther. Trong khi đó, những người Công giáo bảo thủ không chấp nhận quan điểm cấp tiến của ông. Trước sức ép rút phép thông công của giáo hội Công giáo, Luther Martin vẫn không chấp nhận rút lại quan điểm của mình và sự khác biệt về quan điểm đó dẫn tới những cuộc chiến tranh giữa người Công giáo và Tin lành ở châu Âu. Cuộc chiến tranh tôn giáo những những người bất đồng quan điểm thần học với nhau đã dẫn tới cuộc ly khai tôn giáo, những hội thánh mới ra đời từ những cuộc ly khai đó.

Sau các cuộc chiến tranh tôn giáo đó, các triết gia phương Tây nhận thấy rằng con người cần phải khoan dung và tôn trọng niềm tin của nhau. Niềm tin là những điều không thể chứng minh được đúng hay sai, đơn giản bởi vì niềm tin không thể kiểm chứng được bằng bất kỳ một phương pháp khoa học nào để có thể thuyết phục tất cả mọi người. Việc tranh cãi rằng niềm tin của tôi đúng, còn niềm tin của anh sai, thậm chí đánh nhau để bảo vệ cho niềm tin của mỗi bên là việc vô nghĩa nhất mà những con người có lý trí có thể làm. Từ những cuộc chiến tranh vô nghĩa để bảo vệ niềm tin, để có thể chung sống một cách hòa bình, cách tốt nhất là con người nên chấp nhận rằng có nhiều niềm tin khác nhau. Con người nên tôn trọng niềm tin của nhau, khoan dung với niềm tin của người khác vì như thế người khác cũng khoan dung với niềm tin của mình.

Khi tôn trọng niềm tin của nhau, chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều từ niềm tin của người khác. Ví dụ, người Công giáo học hỏi người Tin lành về việc dịch và phổ biến Kinh Thánh cho giáo dân, thứ vốn trước đây là đặc quyền của các linh mục.

***

Việc ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump, bày tỏ sự ủng hộ ông Trump bằng nhiều phương cách khác nhau, tranh luận với những người phản đối Trump là những điều rất đáng hoan nghênh và tôn trọng. Điều đó cũng đúng cho những người phản đối những chính sách của Trump. Việc ủng hộ hay phê bình các chính sách của tổng thống Mỹ là điều được ghi nhận trong tu chính án thứ Nhất của Mỹ và được nhà nước Mỹ bảo vệ trong thực tế.

Tuy nhiên, việc sử dụng quyền tự do ngôn luận cũng cần có giới hạn để tránh làm tổn thương cảm xúc của nhau. Khi sử dụng ngôn ngữ có tính miệt thị, hạ thấp nhân phẩm của người khác, gây tổn thương cho nhau, sản xuất và lan truyền các tin vịt là điều đáng bị phản đối vì điều đó đánh mất tinh thần khoan dung. Nó khiến cho sự phân cực giữa các quan điểm chính trị ngày càng sâu sắc hơn đến mức cả hai bên không thể trao đổi, đối thoại với nhau. Khi không còn có thể nói chuyện với nhau, sẽ dẫn tới một hệ quả không ai mong muốn là các cuộc chiến sẽ diễn ra, ban đầu sẽ bắt đầu bằng ngôn từ, sau đó sẽ bằng hành động.

Ông Trump không đọc được tiếng Việt, thế nên những tranh cãi nảy lửa giữa hai bên ủng hộ và phản đối ông của người Việt Nam cũng không ảnh hưởng gì đến cảm xúc và chính sách của ông. Tuy nhiên, những tranh cãi gay gắt, cách sử dụng ngôn ngữ không cân nhắc của chúng ta trong cuộc tranh luận về Trump sẽ làm tổn thương cảm xúc của chúng ta.

Một xã hội dân chủ luôn tôn trọng sự khác biệt trong quan điểm của mỗi người. Bất kỳ ai cũng có quyền được lên tiếng thể hiện quan điểm của mình mà không phải lo sợ bất kỳ sự trừng phạt nào từ chính quyền. Tuy nhiên, “cuồng Trump” hay “cuồng chống Trump” khi rơi vào trạng thái cực đoan sẽ khiến cho việc tranh luận và đối thoại không thể diễn ra. Để thể hiện quan điểm của mình và thuyết phục người nghe, chúng ta cần học cách khoan dung với nhau để tránh làm tổn thương cảm xúc của nhau và cảm xúc của những người đang đứng bên ngoài quan sát cách chúng ta tranh luận.

Lý Minh

https://www.luatkhoa.org/
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn