Giáo hoàng ‘đau buồn và hổ thẹn’ về vụ tai tiếng tình dục ở Chile

Thứ Ba, 16 Tháng Giêng 20181:27 CH(Xem: 9354)
Giáo hoàng ‘đau buồn và hổ thẹn’ về vụ tai tiếng tình dục ở Chile
voatiengviet.com

Giáo hoàng Phan-xi-cô hôm 16/1 bày tỏ ‘đau buồn và hổ thẹn’ về vụ tai tiếng tình dục trong Giáo hội Công giáo ở Chile, và xin được tha thứ về cuộc khủng hoảng đã làm tổn thương uy tín của Giáo hội, và khiến nhiều tín đồ hoài nghi các biện pháp cải cách.

Giáo hoàng Phan-xi-cô lên tiếng giữa lúc 8 nhà thờ Công giáo bị tấn công ở Chile trong tuần qua, cả ở thủ đô của Chile và các khu vực miền Nam, quê hương của dân bản địa.

Cảnh sát trang bị chống bạo động đã giải tán hơn 200 người biểu tình đang tìm cách tiến về một công viên nơi Giáo hoàng Phan-xi-cô cử hành thánh lễ cho khoảng 400.000 người, sau khi ngài lên tiếng về nạn lạm dụng tình dục trong giáo hội.

Phát biểu từ dinh Tổng thống Chile, Giáo hoàng Phan-xi-cô nói:

“Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải bày tỏ sự đau buồn và nỗi hổ thẹn của tôi về những tổn thương không sao hàn gắn được đối với trẻ em dưới tay của một số tu sĩ trong Giáo hội.”

Đáp lời Giáo hoàng Phan-xi-cô là những tràng pháo tay kéo dài của những người hiện diện, kể cả Tổng thống Chile Michelle Bachelet và các nhà ngoại giao.

Giáo hoàng Phan-xi-cô nói tiếp:

“Tôi đồng lòng với các anh em hồng y của tôi, bởi vì xin được tha thứ và làm tất cả những gì có thể làm được để hỗ trợ các nạn nhân là điều phải làm, ngay cả cam kết với chính mình để đảm bảo những điều như thế không còn xảy ra nữa.”

Nhiều giáo dân Công giáo trước đó đã tỏ ra bất bình về quyết định của Giáo hoàng Phan-xi-cô, bổ nhiệm Hồng Y Juan Barros ra lãnh đạo giáo xứ Osorno ở Chile.

Cũng có mặt tại Thánh lễ hôm thứ Ba, Hồng Y Barros bị tố cáo là đã bảo vệ người từng hướng dẫn và cố vấn tinh thần cho mình, Linh mục Fernando Karadima, người mà vào năm 2011, bị buộc tội đã xâm hại nhiều thiếu niên trong nhiều năm trong một cuộc điều tra của điện Vatican. Linh mục Karadima bác bỏ những cáo buộc, và Hồng Y Barros nói ông không hề hay biết về hành vi sai trái nào.

Nhưng vụ tai tiếng lan rộng tại Chile, và cùng với phong trào tách ra khỏi tôn giáo, đã làm tổn thương vị thế của Giáo hội Công giáo, định chế từng bảo vệ nhân quyền trong thời kỳ cai trị của nhà độc tài Augusto Pinochet từ năm 1973 tới năm 1990.

Chống đối Giáo hoàng Phan-xi-cô

Một nhóm chống đối chuyến tông du của Giáo hoàng viết trên Twitter:

“Đừng lạm dụng, đừng bao che, đừng đạo đức giả nữa.”

Ít nhất 8 nhà thờ Công giao đã bị tấn công ở Chile trong tuần vừa rồi. Vài giờ sau khi Giáo hoàng Phan-xi-cô tới Chile hôm thứ Hai 15/1, hai nhà thờ làm bằng gỗ bị thiêu rụi gần Temuco, nơi dự kiến Giáo hoàng Phan-xi-cô sẽ tới thăm trong ngày hôm nay (thứ Tư 16/1).

Một ngôi nhà thờ tại thủ đô bị tấn công trong đêm, gây thiệt hại nhẹ. Những kẻ phá hoại đã đốt cờ Chile và cờ hiệu của Tòa Thánh Vatican, đồng thời hăm dọa nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã.

Họ vẽ lên tường của một nhà thờ những dòng chữ nguệch ngoạc, đòi “Phóng hỏa Giáo hoàng Phan-xi-cô và đồng lõa.”

Tuy nhiên đại đa số người dân địa phương vẫn nồng nhiệt đón mừng vị Giáo hoàng gốc Argentina đầu tiên tới thăm Chile, với hàng chục ngàn người xếp hàng hai bên vệ đường.

Giáo hoàng Phan-xi-cô đọc bài diễn văn từ Điện Moneda, từng bị các lực lượng của nhà độc tài Pinochet ném bom và pháo kích vào ngày 11/9/1973, trong khi vị Tổng thống dân cử, ông Salvatore Allende ở bên trong.

Giáo hoàng Phan-xi-cô nhắc lại thời kỳ đen tối này, nói rằng Chile trong quá khứ đã “đối mặt với những thời kỳ rối loạn, và đôi khi đau buồn.”

Giáo hoàng Phan-xi-cô ca ngợi nền dân chủ đã được củng cố tại Chile, nhưng nói rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp thành phần thất nghiệp và người bản địa.

Với dân số lên tới 17,4 triệu người, Chile là nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới, là nền kinh tế lớn thứ 5 ở Châu Mỹ La tinh, và là một trong các quốc gia ổn định nhất trong khu vực.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn