Quy tắc 90 giây lấy lại sự bình tĩnh: Chìa khóa sống hạnh phúc hơn

Thứ Tư, 03 Tháng Sáu 20203:00 SA(Xem: 3579)
Quy tắc 90 giây lấy lại sự bình tĩnh: Chìa khóa sống hạnh phúc hơn

“Nhận ra rằng sự thất vọng bắt nguồn từ chính bản thân mình là bước đầu tiên để tôi khắc phục chúng.” – Anthony De Mello. Dưới đây là bài viết của tiến sĩ Bryan E. Robinson về cách chúng ta có thể lấy lại sự tự chủ bản thân dựa vào quy tắc 90 giây, điều này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của con người, mà nó thực sự có liên hệ chặt chẽ đến sức khỏe thể chất.

happy
(Ảnh: freeimages)

Trong cuốn sách kinh điển “Đi tìm lẽ sống”, Viktor Frankl đã viết: “Người ta có thể lấy đi của một người mọi thứ, chỉ trừ một điều: sự tự do – sự tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và sự tự do lựa chọn hướng đi của mình. Và luôn có những lựa chọn mà ta phải quyết định.” 

Sự tự do trong tâm hồn đó đã giúp Frankl sống sót qua cuộc thảm sát Holocaust, tìm thấy ý nghĩa trong bi kịch và tự trao quyền cho mình. Ông đã chọn chủ động đáp trả hoàn cảnh thay vì để hoàn cảnh đưa ra lựa chọn cho mình. Và câu nói nổi tiếng của ông đã giúp hàng triệu người khám phá ra sự khác biệt giữa hoàn cảnh và sự phản ứng của chúng ta.

Dựa trên quan sát sắc sảo của Frankl, nhà khoa học Jill Bolte Taylor, tác giả cuốn My Stroke Of Insight, mô tả khả năng của chúng ta trong việc điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh mà cô ấy gọi là quy tắc 90 giây: “Khi một người phản ứng với hoàn cảnh, thì sẽ có một quá trình hóa học kéo dài 90 giây xảy ra. Bất kỳ phản ứng cảm xúc nào còn lại chỉ là do người đó chọn ở lại trong vòng cảm xúc đó.”       

Tất cả chúng ta đều đã từng bỏ cuộc bởi một người hay một tình huống nào đó. Có thể đó là một bình luận thô lỗ, một tin tức xấu hay một mâu thuẫn làm chúng ta mất bình tĩnh. Nhưng đó không phải là vì chúng ta gặp xui xẻo hay cuộc sống đang chống lại chúng ta.

Lý do tại sao? Khi một ai đó hoặc một việc gì đó khiến chúng ta bực mình, đó là vì chúng ta không có sự kiểm soát cảm xúc hoặc chúng ta không nhận thức theo một cách khác để phản ứng với tình huống xấu.

Không có ai hoặc hoàn cảnh nào có thể ngăn chúng ta cảm nhận hay làm một việc nào đó. Viktor Frankl đã cho chúng ta thấy điều đó. Chúng ta luôn có lựa chọn là phản ứng hay không. Đối với những người tuyên bố rằng việc để cơn giận bùng nổ khiến họ cảm thấy thoải mái và không có ý định thay đổi, thì đó là một vấn đề khác. Có lẽ họ vẫn sẽ cảm thấy thoải mái cho đến khi mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát, khi ai đó bị tổn thương, hoặc gây ra thiệt hại không thể vãn hồi.

Có một cách ứng xử trưởng thành và có tính ngăn chặn hơn, đó là bạn hãy lùi lại và thực hành quy tắc 90 giây trước khi thiệt hại xảy ra. Các nhà khoa học cho rằng việc mất kiểm soát thường xuyên không chỉ tạo ra sự thống khổ mà còn rút ngắn cuộc sống của bạn. Trạng thái căng thẳng thường xuyên sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch và tăng khả năng bị đau tim hoặc đột quỵ.

shutterstock_1311350555
(Ảnh: Shutterstock)

Theo Taylor, từ góc độ thần kinh học, mỗi giây phút chúng ta đều có quyền lựa chọn chúng ta muốn trở thành người thế nào. Cô ấy đã nói về sự tự điều chỉnh khi dây thần kinh sinh tồn của bộ não bị kích động:

“Về cơ bản, khi bạn nhìn vào các tế bào trong bộ não, mọi phản ứng chỉ đơn giản là một nhóm các tế bào đang thực hiện chức năng của chúng. Từ lúc bạn có suy nghĩ rằng có một mối đe dọa thì dây thần kinh sợ hãi được kích hoạt, nó sẽ kích thích các dây thần kinh cảm xúc liên quan và tạo ra phản ứng chiến đấu hay chạy trốn. Điều đó sẽ kích hoạt một hoóc-môn sinh học là norepinephrine gây ra sự tức giận trong máu. Nó sẽ sản sinh ra và biến mất trong vòng chưa đầy 90 giây. Vì vậy, từ lúc bạn nghĩ cho đến khi phản ứng hóa học bị kích hoạt biến mất chỉ chưa đến 90 giây.”

Taylor đưa ra một lời khuyên để bạn tự điều chỉnh cảm xúc khi bị kích động: “Hãy nhìn vào kim giây trên đồng hồ. Ngay khi bạn nhìn vào đồng hồ, chính là bạn đang quan sát phản ứng sinh lý này thay vì tham gia với nó. Sẽ mất ít hơn 90 giây, và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn. Tất nhiên, những suy nghĩ tiêu cực đó luôn có thể quay lại làm bạn bị kích động. Có lẽ có một suy nghĩ ở đâu đó trong não bạn về một người nào đó đã làm gì đó không đúng với bạn vào 20 năm trước. Mỗi khi bạn nghĩ về người đó, nó vẫn kích thích vào mạch thần kinh đó. Khi đầu bạn đang nóng lên thì hãy nhìn vào đồng hồ. Phải mất 90 giây để làm tan biến phản ứng tức giận đó.”

Một cách khác để diễn giải quy tắc của Taylor là khi bạn phản ứng với một tình huống, bạn có thể thực hiện quy tắc này theo một cách vô thức, hoặc có chủ ý, miễn là bạn chọn làm vậy. Tin vui là bạn có thể học cách không để những việc nhỏ làm bạn bực mình, cho dù đó là máy in bị kẹt giấy, tắc đường hay mứt nho làm bẩn sàn nhà sạch sẽ của bạn.

Nếu tôi có thể sửa đổi một thông điệp của Tổng thống John F. Kennedy, thì tôi sẽ thay đổi thế này: “Đừng hỏi cuộc sống đã làm gì cho ta; hãy hỏi ta có thể làm gì cho cuộc sống của mình”. Đó là vấn đề lật lại quan điểm của bạn.

Nếu bạn đứng ở một vị trí khác và nhìn cuộc sống của bạn từ một góc độ khác, việc “lui một bước” có khả năng thay đổi thế giới của bạn. Khi tôi phỏng vấn Lee Child, tác giả của  bộ truyện Jack Reacher bán chạy nhất New York Times, anh ấy nói với tôi rằng anh ấy kiểm soát căng thẳng bằng cách lật lại quan điểm của mình và lập lại ý nghĩ rằng “Ta không sợ căng thẳng; căng thẳng mới sợ ta.” Kết hợp với nhau, việc lật lại quan điểm và thực hành quy tắc 90 giây sẽ giúp bạn tự kiểm soát tốt hơn.

Bạn không thể quyết định được cách hoặc khi nào bạn sẽ chết. Nhưng bạn có thể lựa chọn cách bạn sống ngay lúc này. Và mặc dù một lựa chọn đúng sẽ mang lại cho bạn cảm giác tích cực nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện được.

Cuộc sống sẽ mang đến cho bạn những khó khăn từ mọi phương diện và khiến bạn đi chệch hướng. Câu hỏi là, “Bạn sẽ phải làm gì?” Đây là một câu hỏi mà nhiều người trong chúng ta không bao giờ dừng lại một chút để suy nghĩ. Nếu bạn muốn cuộc sống bình thản và hạnh phúc hơn thì quy tắc 90 giây mang đến cho bạn cách nhẹ nhàng nhất để khống chế các phản xạ bất bình và giúp bạn đối mặt với những khó khăn phát sinh trong cuộc sống – bất kể là hoàn cảnh đó khó khăn thế nào- theo cách bình tĩnh hơn, lành mạnh hơn, và trưởng thành hơn.

Bryan E. Robinson (Ngọc Chi biên dịch)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn