GÕ PHÍM ONLINE CÓ PHẢI LÀ ĐẤU TRANH ( Bọn Lá cải Phiếm chỉ là Đấu...Láo ! )

Thứ Hai, 04 Tháng Năm 20202:00 CH(Xem: 7349)
GÕ PHÍM ONLINE CÓ PHẢI LÀ ĐẤU TRANH ( Bọn Lá cải Phiếm chỉ là Đấu...Láo ! )
Hôm qua có một độc giả góp ý khiến tôi suy ngẫm vì tự nhiên nhớ lại những cá nhân tự miêu tả bản thân là “Đấu tranh” nhưng chủ yếu chỉ hoạt động trên Facebook. Những lời sau đây chỉ là quan điểm cá nhân, bạn có thể không đồng ý.

Chúng ta có thể gọi gõ phím hay dùng Facebook là đấu tranh không?

Đây không phải là lần đầu điều này được đề cập đến, nhất là những người không ở trong nước. Trên mạng xã hội thì tràn ngập những kênh xuất bản nội dung cũng như những cá nhân đằng sau. Tất cả gom lại thành một cộng đồng trên thế giới ảo. Nếu theo dõi thì sẽ thấy nó như một xã hội Việt Nam thu nhỏ với đa dạng tính cách và con người. Nhưng có thể gọi những gì họ làm là đấu tranh không?

Trước đây người ta cũng hỏi tôi điều tương tự. “Gõ phím thì được gì” hay “Có làm gì bên ngoài đời không?” Tôi thành thật trả lời, “Không. Chẳng làm gì bên ngoài hết.”

Góp ý phản biện xã hội giúp tạo dư luận để chống lại những thông tin một chiều từ phía nhà nước. Tạo nội dung trái chiều để góp phần trong mạng xã hội là điều cơ bản để giúp kết nối con người lại với nhau. Nhưng rất tiếc, nếu gọi đó là đấu tranh thì có thể là hơi ảo tưởng.

Trước đây tôi cũng từng mơ mộng và lầm tưởng rằng mình có thể chinh phục thế giới thông qua bàn phím và tạo một làn sóng tân tư duy trong mạng xã hội. Nhưng thực tế bắt đầu lộ hiện. Vì chỉ cần bỏ điện thoại rồi đi ra ngoài thì chẳng ai quan tâm cả. Những người thực sự quan tâm đến thời sự là thiểu số của thiểu số.

Facebook không phải là thực tế. Nó chỉ là một kênh thông tin giúp con người bay tỏ nỗi niềm mà ngoài đời không dám làm hoặc không thể. Sống dưới chế độ độc tài, con người bị kìm nén về mọi mặt. Chính vì bất lực trong cuộc sống nên họ tìm đến những diễn đàn để tìm những người cùng suy nghĩ. Còn ở bên ngoài thì mạnh ai nấy sống và thân ai nấy lo.

Theo quan điểm cá nhân, “Đấu tranh online” là khái niệm sáo rỗng. Nếu nói dùng thông tin để phản tuyên truyền thì đó là điều cần thiết. Nhưng nếu ai đó cho rằng gõ phím là đấu tranh thì tôi e rằng cá nhân đó nhầm lẫn hoặc ngây thơ, nếu không phải là ảo tưởng. Nó như nói bạn chơi Call Of Duty rồi cho rằng mình có kinh nghiệm chiến trường. Nó rất mắc cười và phi thực tế.

Nếu chỉ theo dõi những trang chính trị trái chiều bên hải ngoại của cộng đồng người Việt hoặc những nhà hoạt động trong nước thì sẽ nghĩ rằng kinh tế sẽ sụp đổ hoặc sắp có diễn biến. Tôi rất ngưỡng mộ họ nhưng nếu ai kêu tôi nhận xét thật lòng thì tôi sẽ nói rằng họ đang sống trong một thực tế khác hoặc thế giới của riêng mình.

Nhiều bạn thanh niên mới tập tành tìm hiểu và tham gia chính trị thì càng sung, có thể nói là ảo tưởng nhất. Vì có sức trẻ kèm với sự thú vị của người mới khám phá cho nên họ dồn hết nỗ lực vào. Nhưng chỉ sau một thời gian, tầm vài tháng hoặc một năm, thì biến mất hoặc nhiệt huyết không còn như xưa nữa. Đó là lúc họ nhận ra rằng gõ phím online không là đấu tranh.

Nói vậy không có nghĩa là các diễn đàn là vô dụng. Suy ngẫm lại, nếu không có lực lượng phản biện thì xã hội sẽ tồi tệ hơn rất nhiều. Quan chức sẽ tha hồ tham nhũng và không ai biết hoặc những nạn nhân sẽ không có nơi để cho mọi người biết. Nhờ những sức mạnh online đó của những kênh như Nhật Ký Yêu Nước, Dưa Leo hay RFA mà dân chúng không còn suy nghĩ theo định hướng nữa. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận thực tế rằng đó chỉ là phản biện xã hội chứ không phải đấu tranh.

Đấu tranh là khi con người trực tiếp tham gia hoạt động ở bên ngoài với mục đích nhằm thúc đẩy sự cải tiến. Còn nếu bạn ở ngoài nước hay chỉ làm online thì e rằng không thể dùng thuật ngữ đó.

Phân tích vậy không nhằm làm nản các bạn, nhất là người trẻ. Nhưng dù tôi không làm thì sớm muộn gì bạn cũng phải đối mặt với sự thật. Tôi tham gia lâu rồi nên rất tự tin là mình nhận định không thiếu chính xác. Cứ tiếp tục nhưng hãy thực tế. Chỉ như vậy thì mới làm lâu dài được. [07.4.2020]

Ku Búa @ Cafe Ku Búa

rebel

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn