NHỮNG CHIẾC LÔNG VŨ CỦA EMILY DICKINSON & “THƠ TRÍ TUỆ” VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI - PHẠM ĐỨC NHÌ

Thứ Năm, 23 Tháng Tư 20209:15 SA(Xem: 5286)
NHỮNG CHIẾC LÔNG VŨ CỦA EMILY DICKINSON & “THƠ TRÍ TUỆ” VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI - PHẠM ĐỨC NHÌ

191

Vài Nét Về Emily Dickinson

Nhà thơ Emily Dickinson sinh ngày 10/12/1830 tại Amherst, Massachusetts, USA. Sau khi học 7 năm ở Amherst Academy bà vào học tại chủng viện Mount Holyoke một thời gian ngắn rồi trở về nhà ở Amherst, sống đời biệt lập. Bà chưa từng lập gia đình, tự giam mình trong phòng riêng, không thích và luôn tránh né giao tiếp, gặp gỡ.  Mọi quan hệ của bà với bạn bè, người quen biết hầu như đều qua thư từ.             

Theo Poetry Foundation thì Emily Dickinson là một trong những thi sĩ lớn nhất và sáng tạo nhất của nước Mỹ trong mọi thời đại. Bà coi định nghĩa thơ là lãnh vực hoạt động của mình và thách thức mọi định nghĩa thơ cũng như nhiệm vụ của thi sĩ thời đó. Giống Ralph Waldo EmersonHenry David Thoreau, and Walt Whitman, bà thử nghiệm cách diễn đạt mới để giải phóng thơ khỏi những trói buộc thường lệ. (1)

 

Trong số 1775 bài thơ bà sáng tác (2) chỉ có một lá thư và 10 bài thơ được phổ biến lúc sinh thời (3). Sau khi bà chết (15/05/1886) thì em gái bà, Lavinia, mới khám phá khối lượng thơ đồ sộ đó và “hơi thở từ những tác phẩm của bà” mới đến được với công chúng.

 

Dưới đây là 2 bài thơ trong tuyển tập “A Freight of Feathers – 50 Brief Poems by Emily Dickinson” (Một Bó Lông Vũ – 50 Bài Thơ Ngắn của Emily Dickinson) (2)

 

A Word Is Dead (4)

A word is dead
When it is said,
Some say.

I say it just
Begins to live
That day.

Dịch thoát:

Có người cho rằng

Một chữ khi được nói (viết) ra

Là đã chết

 

Tôi nói

Nó chỉ bắt đầu sống

Từ hôm đó

 

Tìm Gặp Tứ Thơ:

 

Nói rõ hơn, con chữ chết là con chữ còn nằm trong tự điển. Khi con chữ được nói hoặc viết ra nó sẽ thuộc về một ngữ cảnh, một văn bản nào đó, bắt đầu được lưu truyền và bắt đầu sống.  Nếu được đặt đúng chỗ (đắc địa) trong một câu hay, một bài thơ có tứ mới lạ hoặc ý tưởng cao siêu nó sẽ tạo được ấn tượng sâu đậm nơi người đọc, người nghe và sẽ sống rất lâu. Ngược lại, nó sẽ chết yểu, sẽ nhanh chóng đi vào quên lãng. Tác giả, qua bài thơ rất ngắn, nói đến sức sống của “con chữ” trong thơ (và cả trong cuộc đời).

 

Nhận Xét:

 

1/ Bài thơ rất ngắn: Có 19 chữ (20 âm tiết).

 

2/ Ngôn ngữ đơn giản (có đến 18 chữ đơn âm), tuyển lựa kỹ càng, câu cú, ý tưởng mạch lạc

 

3/ Vần: Hai cặp vần, một liên tiếp (dead, said), một gián cách (say, day), đọc lên âm vang của thơ rất vừa ngọt.

 

4/ Biện pháp tu từ: So sánh tương phản – câu sau đối chọi chan chát với câu trước làm nổi bật ý nghĩa của bài thơ.

 

5/ Tứ thơ sâu sắc – nói đến sức sống của “con chữ” trong thơ (và cả trong cuộc đời)

 

6/ Viết theo lối Kiếm Tông, chú trọng câu chữ, ý tứ, biện pháp tu từ - nói chung là cái đẹp của văn chương.

 

7/ Cảm xúc từ câu chữ, bố cục (tầng 1+2) khá mạnh.

 

8/ Bài thơ tựu trung chỉ là một phát biểu, không giải thích, mặc dù tâm đã đối cảnh nhưng lý trí hầu như hoàn toàn đạo diễn bài thơ, không có xốn xang, rung động riêng của tác giả nên không có cảm xúc tầng 3. Thiếu hẳn chữ “tình” và “chất thơ”.

 

 

An Hour is a Sea

 

An Hour is a sea
Between a few, and me —
With them would Harbor be —

 

Dịch sát:

 

Một tiếng đồng hồ là một đại dương

Nằm giữa một số ít người và tôi

Bến Cảng sẽ ở chỗ họ

 

Dịch thoát:

 

Một tiếng đồng hồ là thời gian để vuợt một đại dương

Nằm giữa một số ít người và tôi

Mà họ là Bến Bờ tôi hướng tới.

 

Tìm Gặp Tứ Thơ

 

Tứ thơ ở đây hơi khó “bắt” vì trên văn bản tác giả chưa cung cấp đầy đủ dữ kiện. Nhóm chữ “Một tiếng đồng hồ” (An hour) có vẻ hơi xa lạ với phần còn lại của bài thơ.  Tôi đã đọc kỹ tiểu sử của tác giả thêm vài lần và nhận thấy một chi tiết hữu ích: “Bà chưa từng lập gia đình, tự giam mình trong phòng riêng, không thích và luôn tránh né giao tiếp, gặp gỡ.  Mọi quan hệ của bà với bạn bè, người quen biết hầu như đều dựa trên thư từ.”

 

Và một chi tiết quan trọng nữa: Ba câu thơ này nằm ở đoạn cuối một lá thư ngắn bà viết cho Susan (chị dâu), một trong “số rất ít” nguời thân của mình. (5)          

 

Và tôi đã có trong tay một số dữ kiện:

 

1/ Giữa tác giả và một số rất ít bạn bè là cả một đại dương xa cách.

 

2/ Không gặp gỡ mà chỉ liên lạc qua thư từ.

 

3/ Họ là Bến Cảng (Harbor) ở bên kia bờ đại dương.

 

4/ Thư từ với họ là một “hành trình vượt đại dương”

 

5/ Thời gian của “hành trình vượt đại dương” (viết thư) là khoảng một tiếng đồng hồ. Cũng có thể một tiếng đồng hồ chỉ có tính cách tượng trưng, một thời gian giả định, lúc bà nghĩ đến “một số rất ít” bạn bè và viết thư cho họ.

 

Với những dữ kiện trên đây độc giả có thể tư ghép lại để “gặp” tứ thơ không khó lắm.

 

Nhận Xét:

 

1/ Bài thơ cực ngắn: Chỉ có 15 chữ (17 âm tiết).

 

2/ Vần: Cước vận ở cả 3 câu. Vị ngọt của thơ rõ nét.

 

3/ Ngôn ngữ chắt lọc, đặc quẹo, không thể cắt xén.

 

4/ Con đường dẫn đến tứ thơ gập ghềnh (nhưng gây nhiều hứng thú) hơn bài “A Word is Dead”.

 

5/ Sức gợi: Sức gợi cực mạnh, “tầm bắn xa”, đòi hỏi nơi người đọc kiến thức rộng, trí tưởng tượng phong phú, khả năng liên tưởng mạnh mẽ, để tìm gặp, nhận biết tứ thơ.

 

6/ Cảm xúc tầng 1 (từ câu chữ) và tầng 2 (từ bố cục chặt chẽ) rất mạnh, tạo khoái cảm cao độ cho độc giả khi “bắt” được tứ thơ.

 

7/ Cảm xúc tầng 3 (từ trạng thái xao động tâm hồn của tác giả) không có. Tác giả quá tỉnh táo khi làm thơ. Thơ toàn lý trí.

 

8/ Người thưởng thức thơ đương đại đã nâng loại thơ này lên hạng “thơ trí tuệ” với ý nể trọng. Chính Emily Dickinson đã ưu ái gọi chúng là Những Chiếc Lông Vũ, có khả năng chắp cánh cho tâm hồn người đọc bay cao, bay xa. Tuy nhiên, nếu nói đến chữ “tình” và “chất thơ” – hai thành tố (tuy hai mà một) quý giá nhất của thi ca – thì “thơ trí tuệ” không có.

 

So Sánh Với Hai Bài Thơ Việt

1/

Cánh Đồng

 

Sau ba năm chung thủy

Với người chồng đi xa

Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ

Với người đàn ông xấu xí

Già hơn chị rất nhiều

 

Trong một buổi chiều bão tố

Khi chúng tôi đến đó

Người đàn ông đã đi rồi

Chỉ còn lại trên đồng lúa

Vết xước của dĩa bay mà thôi (6)

(Nguyễn Đức Tùng)   

 

     a/ So với A Word is Dead: Cánh Đồng có hai điểm hơn hẳn. Một, tứ thơ “siêu” hơn, nhân bản hơn. Hai, “đường vòng nghệ thuật” dẫn đến tứ thơ là cả một câu chuyện, mặc dù bịa đặt, nhưng có tình tiết hấp dẫn khiến độc giả đọc khoái hơn, cảm xúc tầng 2 mạnh hơn nhiều.

 

     b/ So với An Hour is a Sea: Cánh Đồng hơn hẳn về tứ thơ. “Đường vòng nghệ thuật” của hai bài thơ có sức hấp dẫn ngang nhau.

 

Cả 3 bài đều là sản phẩm của lý trí, dù tâm đối cảnh nhưng không có cảm xúc tầng 3, không có chữ “tình” và “chất thơ”.

 

2/ Sông Lấp

Sông xưa rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. (7)

 

(Trần Tế Xương) 

 

     a/ So với A Word is Dead:

 

Một, tứ thơ tạm coi là đồng hạng. Hai, “đường vòng nghệ thuật” dẫn đến tứ thơ của Sông Lấp tươi mát, sống động hơn; từ tiếng ếch dẫn đến tiếng gọi đò, từ tiếng gọi đò gợi nhớ đến con sông xưa đã bị lấp, từ Sông Lấp nhớ đến nền Nho Học đang lụi tàn. Cảm xúc tầng 2 của Sông Lấp mạnh hơn gấp bội.

 

     b/ So với An Hour is a Sea:

 

Một, tứ thơ tạm coi là đồng hạng. Hai, “đường vòng nghệ thuật” dẫn đến tứ thơ của Sông Lấp tươi mát, sống động hơn, cảm xúc tầng 2 mạnh hơn.

 

Đặc biệt, Sông Lấp hơn hẳn hai bài thơ của Emily Dickinson về chữ “tình” và “chất thơ”. Trần Tế Xương viết Sông Lấp lúc tâm hồn xao động, nỗi nhớ thương, tiếc nuối dâng tràn, cảm xúc tầng 3 đã xuất hiện nhưng do bài thơ ngắn, chưa đủ “đất” để tạo cao trào nên chưa có hồn thơ.

 

Cũng cần nói thêm là khi chọn thơ của Emily Dickinson để giới thiệu tôi đã cố ý chọn những bài thật đơn giản (không phải là những bài hay nhất) để khi chuyển ngữ độc giả có thể tiếp cận với tứ thơ tương đối dễ dàng.

 

Hơn nữa, Trần Tế Xương và Nguyễn Đức Tùng - nhờ sinh sau đẻ muộn - được hưởng lợi thế quá lớn từ sự tiến bộ của thời đại về văn chương nói chung và thi ca nói riêng - nên thơ của hai ông có hơi nổi trội chút ít. Xin đừng dựa vào đó để phân định “tài thơ” của các thi sĩ.

 

Thơ Trí Tuệ Không Khéo Sẽ Thành “Cây Dị Chủng Trong Vườn Thơ”

 

Mấy tuần trước, để “thăm dò dư luận” cho bài viết này tôi đã đăng trên FB một bài (trong Một Bó Lông Vũ) của Emily Dickinson.

 

To Wait an Hour is Long

 

To wait an Hour — is long —
If Love be just beyond —
To wait Eternity — is short —
If Love reward the end —

(Emily Dickinson)

Chờ một giờ là dài

Nếu tình yêu ngoài tầm tay với

chờ suốt kiếp là ngắn

Nếu phần thưởng tình yêu ở cuối đường

 

Một bạn đọc thân quen, học vấn cao, yêu thích thơ và cũng làm thơ, viết một bình luận:

 

“Đơn giản như đang giỡn vậy”

 

Và tôi đã trả lời:

 

Tiếc rằng “bài thơ” của Emily Dickinson - một nhà thơ lớn của nước Mỹ - lại toàn lý trí, chẳng có chữ "tình" và "chất thơ".

Nếu nói rõ ngọn ngành thì trong To Wait an Hour is Long tâm của tác giả chưa đối cảnh, cái tôi riêng tư chưa xuất hiện, “tứ thơ” chỉ ở dạng “kiến thức”, nên chưa thể gọi là thơ.

Dưới đây là một bài khác – nói về cuộc nội chiến của Mỹ

 

The First We Knew of Him was Death

The first We knew of Him was Death —
The second — was — Renown —
Except the first had justified
The second had not been.

Đầu tiên chúng ta biết về Anh là Cái Chết

Thứ hai là Danh Thơm

Ngoại trừ điều đầu tiên đã được lý giải (đã là sự thật)

Điều thứ hai thì chưa

 

(“Anh” là người lính ở cả hai phe trong cuộc nội chiến)

 

Trong chiến tranh, người lính ở phe nào cũng được lãnh đạo phe mình tặng cho hai chữ “chính nghĩa” để hết lòng chiến đấu, sẵn sàng lao vào chỗ chết. Chết vì “chính nghĩa” sẽ để lại Danh Thơm. Theo Emily Dickinson thì chỉ có “Cái Chết” là rõ ràng, là thật, còn Danh Thơm chỉ là phù phiếm, giả tạo (được “đặt ra” để đẩy con người vào chỗ chết)

Ý tưởng của bài thơ rất hay (phản chiến một cách sâu sắc, ý nhị), cách diễn đạt rất văn chương và rất khéo. Tuy nhiên, nó hoàn toàn là sản phẩm của lý trí, không có “tâm đối cảnh”, không phải là thơ.

 

Vâng, Một Bó Lông Vũ - Tuyển Tập 50 Bài Thơ Ngắn Của Emily Dickinson có nhiều “bài thơ” như thế. Những bài khác, mặc dù tâm đã đối cảnh, cái tôi riêng tư đã có mặt, đã là thơ, nhưng vì tác giả quá chú trọng cái đẹp của ngôn ngữ, ý tưởng và đường vòng nghệ thuật của tứ thơ nên rất ít cảm xúc.

 

Thú thật, để viết bài này, ngoài 50 bài ngắn trong tuyển tập Một Bó Lông Vũ của Emily Dickinson tôi chỉ đọc thêm 10 bài (do Nuala O’Connor tuyển lựa) được cho là hay nhất của bà (8) và đọc (lướt) khoảng 50 bài thơ khác (trong tổng số 1775 bài). Tuy nhiên, lý trí hiện diện trong thơ của bà quá rõ nét nên tôi có thể khá tự tin khi đưa ra nhận xét như trên.

                                                                                                                            

Thơ Trí Tuệ Đương Đại Của Việt Nam Cũng Thế

 

Không phải làm thơ ở giữa thế kỷ 19 như Emily Dickinson mới mắc phải lỗi “làm thơ hóa ra viết vè” như trên. Một số không ít nhà thơ đương đại Việt Nam cũng sản xuất những “cây dị chủng trong vườn thơ” tương tự như vậy.

 

Trang web thivien.net có 225 bài thơ của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, trong đó có khá nhiều “bài thơ” chỉ có 2 câu. Tôi chọn 2 bài để giới thiệu với bạn đọc:

1/ Ban tình yêu, việc của Trời
Giữ tình yêu, việc của người, khó thay


Đây là nhận xét của tác giả về việc thủ đắc và gìn giữ tình yêu của con người, hoàn toàn là sản phẩm của lý trí. Ở đây không có cảnh thơ và tâm hồn tác giả vẫn còn nằm ngủ ở một chỗ bí mật nào đó, chưa xuất hiện.

2/ Giai nhân son phấn thì sang
Văn chương son phấn lại càng già nua

 

Nhận xét của tác giả về việc làm đẹp cho văn chương một cách giả tạo, bề ngoài. Đây cũng chỉ là sản phẩm của lý trí, không phải thơ.

https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-V%C5%A9-Ti%E1%BB%81m/author-y-8FU-bxva8gLBdrnIEqeA

 

Hoàng Vũ Thuật cũng có 5 “bài thơ” ngắn về cái bóng. Ở đây tôi xin trích dẫn 2 bài.

 

1/ Khi hai người yêu nhau
Họ chỉ còn một bóng
2/ Đừng giận dỗi
Xem chừng bóng vỡ làm đôi

 

https://www.thivien.net/Ho%C3%A0ng-V%C5%A9-Thu%E1%BA%ADt/author-iS-sj4WNv5L8YQ6cikxqEQ

 

Mỗi bài chỉ là một phát biểu, toàn lý trí, không có tâm đối cảnh nên không phải là thơ.

Thêm vào đó còn có Em Còn Trẻ Và Em Không Thể Biết (Nguyễn Đức Tùng), Đồng Dao Cho Người Lớn (Nguyễn Trọng Tạo), Trò Chơi Của Ảo Giác (Nguyễn Quang Thiều) nhưng vì là những bài dài nên tôi để ở phần CHÚ THÍCH (9). Ba bài này tuy đông quân hơn, bài binh bố trận công phu hơn, nhưng chỉ toàn lý trí, tâm chưa đối cảnh, cái tôi riêng tư của tác giả chưa xuất hiện nên chưa phải là thơ.

 

Đặc Tính Của Thơ Trí Tuệ

 

Mang danh là thơ trí tuệ thì dù có là Một Bó Lông Vũ của Emily Dickinson hay “những đột phá mới lạ” của những nhà thơ đương đại Việt Nam cũng đều có những đặc tính sau đây:

 

1/ Đậm chất trí tuệ: Ngôn ngữ chắt lọc, ý tưởng cao sang, độc giả cần một trình độ kiến thức khá cao để có thể hiểu và “thấy” cái hay, cái đẹp của bài thơ.

2/ Thường có biện pháp tu từ để có “đường vòng nghệ thuật dẫn đến tứ thơ” mới lạ, độc đáo, tạo khoái cảm mạnh mẽ cho độc giả “bắt” được tứ thơ.

3/ Thường được đem ra tán tụng, bình phẩm trên các diễn đàn văn học, trong các buổi họp mặt quy tụ những “tao nhân mặc khách”.

4/ Viết không khéo dễ thành vè hoặc “cây dị chủng trong vườn thơ”

5/ Dù có tâm đối cảnh, đã là thơ nhưng là thứ thơ khô cứng, ít chất tình.

 

Kết Luận

 

Nếu cho rằng Bến Bờ Thi Ca là nơi tụ hội những bài thơ có kỹ thuật thơ vững vàng, được viết trong lúc thi sĩ “lạc thần trí” (cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí), lời thơ là tiếng lòng chân thật của thi sĩ, thì thơ trí tuệ - do thấm đẫm lý trí – nên trong cuộc chạy đua về Bến thường ở phía sau và không thể nào đến đích.

 

04/2020

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

                                                                                                                 

CHÚ THÍCH:

 

1/ “Emily Dickinson is one of America’s greatest and most original poets of all time. She took definition as her province and challenged the existing definitions of poetry and the poet’s work. Like writers such as Ralph Waldo EmersonHenry David Thoreau, and Walt Whitman, she experimented with expression in order to free it from conventional restraints.”

https://www.poetryfoundation.org/poets/emily-dickinson

 

2/ A Freight of Feathers – 50 Brief Poems by Emily Dickinson

(Trang 1, dòng 16)

https://briefpoems.wordpress.com/tag/emily-dickinson/

 

3/Theo Wikipedia (https://en.wikipedia.org/wiki/Emily_Dickinson) thì

 "The Emily Dickinson Museum indicates only one letter and ten poems were published before her death"

Viện bảo tàng Emily Dickinson cho biết chỉ có một lá thư và 10 bài thơ được xuất bản trước khi bà chết.

 

4/ Tác giả không đặt tựa nên câu đầu tiên được lấy làm tựa cho bài thơ

 

5/ https://www.edickinson.org/editions/1/image_sets/236634

 

6/ Cánh Đồng - Một Bài Thơ Lạ, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2017/12/canh-ong-mot-bai-tho-la.html

 

7/ Sông Lấp - Một Bài Thơ Toàn Bích, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/05/song-lap-mot-bai-tho-toan-bich.html

 

8/ Mười bài thơ hay nhất của Emily Dickinson:

1.     "I taste a liquor never brewed"

2.     "Success is counted sweetest"

3.     "Wild nights - Wild nights!"

4.     "I felt a Funeral, in my Brain"

5.     "I'm Nobody! Who are you?"

6.     "'Hope' is the thing with feathers"

7.     "A Bird, came down the Walk"

8.     "Because I could not stop for Death"

9.     "My Life had stood - a Loaded Gun"

10.   "Tell all the truth but tell it slant"

https://www.publishersweekly.com/pw/by-topic/industry-news/tip-sheet/article/67591-the-10-best-emily-dickinson-poems.html

 

9/ EM CÒN TRẺ VÀ EM KHÔNG THỂ BIẾT

 

Em còn trẻ và em không thể biết
Người ta sống lại khi đã chết

Những người yêu nhau thường cách biệt
Những người ghét nhau ở bên nhau

Em còn trẻ và em không thể biết
Những cây cối bên đường cũng khổ đau

Khi chúng đứng một mình trong gió rét
Hay khi chúng chụm đầu chen chúc nhau

Em còn trẻ và em không thể biết
Lúc nào nên kết thúc lúc nào nên bắt đầu

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2018/03/em-con-tre-va-em-khong-biet-cua-nguyen.html

 

ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN

               

Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi

có con người sống mà như qua đời

có câu trả lời biến thành câu hỏi

có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới

có cha có mẹ có trẻ mồ côi

có ông trăng tròn nào phải mâm xôi

có cả đất trời mà không nhà ở

có vui nho nhỏ có buồn mênh mông

mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ

mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

có thương có nhớ có khóc có cười

có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.

 

Nguyễn Trọng Tạo - 1992

https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2018/07/ve-bai-tho-ong-dao-cho-nguoi-lon.html

 

TRÒ CHƠI CỦA ẢO GIÁC

 

Không. Bàn tay chúng ta chuyển động. Không. Cái ly chuyển động
Không. Rượu chuyển động. Không. Đôi chân chúng ta chuyển động .Không.
Con tàu chuyển động. Không. Nhà ga chuyển động
Không. Thành phố chuyển động. Không. Con cá bơi
Không. Nước bơi. Không. Dòng sông bơi .Không.
Con chim bay. Không. Cái cây bay. Không. Bầu trời bay

Không. Tất cả không.Chỉ cái chết chuyển động
Và mang theo chúng ta.

(Nguyễn Quang Thiều, thivien.net)

https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Quang-Thi%E1%BB%81u/Tr%C3%B2-ch%C6%A1i-c%E1%BB%A7a-%E1%BA%A3o-gi%C3%A1c/poem-3ysgOJNDdK1omRDpL6_TRQ

 

THAM KHẢO:

 

https://en.wikipedia.org/wiki/Emily_Dickinson

http://academic.brooklyn.cuny.edu/english/melani/cs6/dickinson.html

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn