Vì sao ba bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh 'thần tốc'?

Chủ Nhật, 12 Tháng Tư 20201:00 CH(Xem: 4702)
Vì sao ba bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh 'thần tốc'?

Những bệnh nhân Covid-19 điều trị ngắn có thể do họ được phát hiện ở giai đoạn sau của thời gian bệnh, gần lúc khỏi, chuyên gia cho biết. 

Hôm qua bệnh nhân 179 và 198, và trước đó là bệnh nhân 187, được tuyên bố khỏi bệnh, đủ điều kiện xuất viện chỉ sau 6 ngày điều trị, ngắn hơn nhiều so với các bệnh nhân điều trị trước đó. Ba người đều được lưu lại theo dõi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thời gian 14 ngày theo quy định. 

Bệnh nhân 187, 30 tuổi, phát hiện dương tính ngày 22/3. Ngày 25/3, anh được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị, ngay trong ngày xét nghiệm kết quả âm tính nCoV lần thứ nhất. Ngày 28/3, anh có kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ 2.

Theo các bác sĩ điều trị, sức khỏe của bệnh nhân ổn định từ lúc nhập viện. Anh không bị đau tức ngực, không khó thở, không sốt, tim mạch bình thường, không bị viêm phổi hoặc có hội chứng lâm sàng hô hấp. Ngày 30/3, anh được công bố khỏi bệnh. Từ khi vào viện đến lúc khỏi bệnh 6 ngày.

Bệnh nhân 179, 62 tuổi, xét nghiệm dương tính nCoV ngày 24/3. Ngày 28/3, ông được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị và cùng ngày có kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu, âm tính lần hai ngày 31/3. Ngày 2/4 ông được công bố khỏi bệnh, sau 6 ngày vào viện.   

Bệnh nhân 198, 53 tuổi, nhân viên công ty Trường Sinh. Ngày 28/3, Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm xác định bà dương tính, chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Mẫu bệnh phẩm do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lấy cùng ngày kết quả xét nghiệm âm tính và âm tính lần thứ hai vào ngày 31/3. Ngày 2/4, bà được công bố khỏi bệnh, sau 6 ngày kể từ khi vào viện.  

Câu hỏi đặt ra là vì sao các bệnh nhân này chỉ cần thời gian điều trị chưa đầy một tuần, trong khi các bệnh nhân khác trung bình 15-20 ngày. 

Phó giáo sư Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, giải thích "kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị tại thời điểm lấy mẫu".

"Kết quả dương tính cho thấy virus tồn tại trong cơ thể bệnh nhân. Về mặt dịch tễ, chúng tôi không có khái niệm dương tính 'yếu' hoặc 'khỏe'", Phó giáo sư Mai nói. 

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết có nhiều tình huống xảy ra trong điều trị. Một số bệnh nhân phải điều trị rất lâu. Một số bệnh nhân có diễn biến nặng hơn do tuổi cao, thêm bệnh nền như đái tháo đường hoặc tăng huyết áp. Có bệnh nhân chỉ cần 3-5 ngày đã khỏi bệnh. Các bệnh nhân được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế và có thể được điều trị thêm căn cứ vào tình trạng sức khỏe của từng người.

Theo bác sĩ Thạch, chủng virus này còn mới nên có diễn biến khó lường, phụ thuộc nhiều vào thể trạng và sức đề kháng của từng bệnh nhân. Ông cũng không loại trừ khả năng các bệnh nhân có thể được phát hiện muộn, khi đã vào giai đoạn khỏi bệnh.

"Tôi chỉ có thể nói gần đây bệnh viện đang điều trị cho một số bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ", bác sĩ cho biết. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng có thể các bệnh nhân được phát hiện và lấy mẫu xét nghiệm khi bắt đầu giai đoạn khỏi bệnh, do đó chỉ sau ít ngày điều trị đã có kết quả âm tính.

"Sau khi được công bố khỏi bệnh, nhóm này sẽ được theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày tại bệnh viện để phòng ngừa nguy cơ tái nhiễm. Vì vậy không nên quá lo lắng về họ", bác sĩ Khanh nói.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 24/3. Ảnh: Ngọc Thành.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 24/3. Ảnh: Ngọc Thành.

Chi Lê - Thúy Quỳnh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn