Không có Ignaz Semmelweis, bác sĩ đã không rửa tay trước khi đỡ đẻ

Thứ Sáu, 27 Tháng Ba 20208:00 CH(Xem: 4907)
Không có Ignaz Semmelweis, bác sĩ đã không rửa tay trước khi đỡ đẻ
voatiengviet.com

Không có Ignaz Semmelweis, bác sĩ đã không rửa tay trước khi đỡ đẻ

Vũ Quí Hạo Nhiên

Giữa nạn dịch Covid-19 mọi người phải rửa tay, nghe chuyện bác sĩ châu Âu thế kỷ 19 không rửa tay trước khi đỡ đẻ có lẽ khó tin lắm nhỉ?

Sống ở thời hiện đại, với nền y học tân tiến đến từ Tây phương, gần như ít ai trừ một số các nhà sử học, biết rằng ngày xưa dân Âu châu ăn ở rất là dơ.

Thế kỷ 14 bệnh dịch hạnh lan tràn vì thành phố lâu đài xây bên sông rác rưởi xác bò xác chuột xả xuống đấy rồi đến lúc khát lại múc nước đó lên uống. Đầu thế kỷ 16, khi Hernán Cortés xâm lăng đất Mexico, đám lính tráng đã ngạc nhiên khi thấy người Aztec tắm mỗi ngày. Rảnh rỗi dữ, một số thành viên trong đoàn quân viễn chinh viết lại trong du ký như vậy.

Đầu thế kỷ 19 mới có người lên tiếng cảnh báo là bác sĩ nên rửa tay trước khi đỡ đẻ. Không nghe theo thì chớ, giới bác sĩ còn bắt ông đồng nghiệp này nhốt vào bệnh viện tâm thần nơi ông bị đánh, bị nhiễm trùng chết khi mới 47 tuổi.

Ông là Ignaz Semmelweis, người Hungary. Do ông đi tiên phong trong việc kêu gọi rửa tay giữ gìn vệ sinh, nay trong giữa thời dịch Covid-19, Google đã chọn vinh danh ông với “Google doodle” ngày 20 tháng 3, 2020.

Semmelweis sinh năm 1818 và mất năm 1865. Để hiểu niên đại này, nên so sánh là Pasteur nghiên cứu thuyết vi trùng trong khoảng thời gian 1860 và đến cuối thập niên đó mới thuyết phục được giới khoa học và bác sĩ.

Bác sĩ Ignaz Semmelweis năm 1860, khuôn khắc bằng đồng của Jenő Doby. (Public domain)

Bác sĩ Ignaz Semmelweis năm 1860, khuôn khắc bằng đồng của Jenő Doby. (Public domain)

Semmelweis không nghiên cứu về thuyết vi trùng, nhưng ông có làm thống kê các con số. Có thể xem như cách làm việc của ông là tiền thân của lối suy nghĩ khoa học “evidence based” hiện nay - dựa trên con số và nếu lý thuyết đi ngược các con số thì phải thay đổi lý thuyết chứ không thể nằng nặc bám vào giáo điều.

“Chủ nghĩa” của y học thời đó là thừa hưởng từ thời sau nạn dịch hạch thế kỷ 12. Với kinh nghiệm uống nước dơ lây bệnh, giới y học Âu châu thời đó cho rằng có một loại “khí độc,” họ gọi là “miasma” lan truyền trong không khí và do đó người bệnh, các vết lở, vết thương, thường hay có mùi hôi thối. Khí độc này vào ai thì người đó bị bệnh. Vì tin vào khí độc, nên chuyện một người lành có thể làm lây bệnh qua người khác là chuyện các bác sĩ thời đó không tin nổi.

Bác sĩ Semmelweis làm việc trong bệnh viện phụ sản ở Vienna, Áo, với chức vụ tương đương với trưởng nội trú hiện nay. Bệnh viện này có bệnh nhân hầu hết người nghèo, và có hai khu, Khu 1 do các bác sĩ đỡ đẻ và Khu 2 do các bà mụ đỡ. Ông nhận thấy Khu 1 bệnh nhân chết nhiều hơn hẳn Khu 2. Thực tế là các sản phụ bị sốt rồi thiệt mạng do nhiễm trùng tử cung, nhưng nên nhớ là hồi đó y học chưa tin vào thuyết nhiễm trùng nha, họ vẫn tin vào thuyết khí độc. Người nghèo mà, khí độc thiếu gì, họ nghĩ vậy.

Hai khu trong cùng bệnh viện , bệnh nhân hai bên cùng nghèo như nhau, nếu có khí độc thì cả hai đều bị, tại sao bên bị nhiều bên bị ít? Dùng toán thống kê sơ khai, ông chứng minh được là, nếu nói theo ngôn ngữ hiện đại, có sự khác biệt không chỉ do ngẫu nhiên, giữa tỷ lệ sản phụ bị sốt rồi thiệt mạng trong Khu 1 (bác sĩ), so với Khu 2 (bà mụ). Khu 1 tử 10 tới 20%, Khu 2 dưới 5%.

Không cần ông chứng minh, chính các sản phụ Vienna cũng biết điều này. Khu 1 và Khu 2 luân phiên nhận bệnh nhân. Hôm nay Khu 1, ngày mai Khu 2. Semmelweis kể lại có người trở dạ trong ngày Khu 1 nhận bệnh nhân, họ quỳ lạy năn nỉ để được vào Khu 2. Có người thà đẻ luôn ngoài đường thay vì vào Khu 1, thì Semmelweis ghi nhận bằng con số thống kê, là họ còn ít bị tử vong hơn Khu 1.

Các bác sĩ không muốn nghe điều này. Họ cho rằng các vụ tử vong trong Khu 1 là do đông bệnh nhân hơn. Semmelweis chỉ ra rằng nếu tính trên đầu người thì mỗi bác sĩ làm chết nhiều sản phụ hơn mỗi bà mụ. Vẫn không tin, vẫn cho rằng tình trạng đông bệnh nhân chung làm ảnh hưởng sản phu.

Nhưng Semmelweis vẫn chưa phát hiện nguyên do, cho tới khi một bạn thân ông bị một sinh viên y khoa lỡ tay cắt trúng bằng dao mổ xác chết. Vết cắt tuy không bao nhiêu nhưng ông bạn bác sĩ này sau đó lên cơn sốt rồi qua đời. Khám nghiệm tử thi ông bác sĩ này cho thấy nhiều chi tiết giống các sản phụ tử vong.

Semmelweis nghĩ có cái gì đó trong việc mổ xác chết làm lây bệnh. Và ông suy ra rằng đó là lý do sản phụ Khu 1 chết nhiều hơn Khu 2: Buổi sáng các bác sĩ và sinh viên y khoa học cơ thể học trên xác chết, rồi sau đó họ vào bệnh viện đỡ đẻ, chả rửa tay gì sất.

Với hiểu biết của thời đó và sự tin tưởng vào thuyết “khí độc,” họ thấy làm vậy là bình thường. Nếu có khí độc gì, thì nó nằm bên nhà xác. Làm sao bệnh tật gì theo qua bên bệnh viện phụ sản được?

Ngay chính Semmelweis cũng chưa tin vào thuyết vi trùng. Thời đó, các bác sĩ ở Trung Đông đã sử dụng thuyết vi trùng để chữa bệnh, nhưng ở Âu châu xem đó là nhảm, không tin. Semmelweis cũng chỉ giải thích là có thể không chỉ có “khí” độc mà có các “hạt độc tố” nào đó trong xác chết mà các bác sĩ mang từ nhà xác qua bệnh viện.

Ông đề nghị các bác sĩ phải rửa tay. Ông bắt sinh viên dưới quyền ông phải rửa tay bằng nước pha hỗn hợp clor (calcium hypochloride, Ca(ClO)2). Ông lại thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong xuống hẳn khi các bác sĩ, sinh viên rửa tay.

Tháng Tư 1847, tỷ lệ tử vong của Khu 1 là 18.3%. Giữa tháng 5 ông bắt rửa tay, tới tháng 6, tỷ lệ xuống còn 2.2%, tháng 7, 1.2%, tháng 8, 1.9%.

Các cộng sự của ông viết về sự thành công này trong các bài báo y học. Các sinh viên của ông trình bày tại các hội nghị. Nhưng cá nhân ông không viết và không đi hội nghị, nên nhiều bác sĩ nghe các cộng sự và sinh viên nói mỗi người mỗi kiểu, và họ không tin lý thuyết của ông.

Thay vì chấp nhận các con số biết nói, theo kiểu “evidence-based practice” thời nay, thì không, họ chống đối. Khí độc là khí chứ sao là hạt được! Cái sự tin tưởng vào chủ nghĩa nó mạnh như vậy đó.

Kết Cuộc Buồn

Năm sau là năm Cách mạng Hungary 1848 chống nhà cầm quyền Áo. Chính quyền Áo đàn áp bằng 70,000 quân, xử tử lãnh tụ cách mạng và phá hủy thành phố Pest. Ông giáo sư của Semmelweis người Áo tỏ vẻ không tin tưởng ông này người Hung, nên khi hợp đồng chấm dứt, tuy Semmelweis được nhiều thầy khác ủng hộ, giáo sư của ông cũng chọn một ứng viên khác người Áo vào thay thế.

Semmelweis trở về Hung, về Pest, năm 1950. Là người Hung trở về từ vùng đất của Áo, nơi vừa phá nát thành phố Pest, ông Semmelweis cũng không được hoan nghênh nơi quê nhà. Ông nhận chức vụ trưởng khoa phụ sản một bệnh viện nhỏ; ngày đầu tiên vào làm ông đã chứng kiến một sản phụ vừa thiệt mạng và nhiều người nữa bị sốt sắp chết. Ông lại bắt bác sĩ rửa tay trước khi đỡ đẻ và một lần nữa tỷ lệ tử vong giảm xuống gần số không. Trong 4 năm, có 933 ca sanh thì chỉ 8 sản phụ thiệt mạng.

Mặc dù với con số đáng nể như vậy, các bác sĩ Hung cũng lỳ không kém bác sĩ Áo, không tin thuyết của Semmelweis, không chịu rửa tay. Họ vẫn cho là có khí độc gì đó trong tử cung sản phụ, nhất là các sản phụ nghèo.

Tới năm 1858, Emmelweiss mới bắt đầu công bố các kết quả của mình trên báo chuyên khoa. Nhưng các y bác sĩ khác đã không tin là vẫn không tin. Ông bắt đầu bị khủng hoảng tinh thần. Bị chống đối dữ quá, ông bắt đầu phản công lại bằng những Thư ngỏ tố cáo người này người kia. Cách xử sự của ông cũng thay đổi, cực đoan hơn.

Năm 1865, một đồng nghiệp lừa đem ông vào bệnh viện tâm thần, giả cách mời ông đi thăm bệnh viện. Lúc biết ra, ông tính bỏ trốn thì bị bắt lại, bị đánh, bị thương. Vết thương bị nhiễm trùng, ông mất chỉ 14 ngày sau đó.

Một bác sĩ khác thế chỗ ông trong bệnh viện phụ sản, bắt đầu lơ là vụ rửa tay, và tỷ lệ tử vong vọt lên gấp 6. Không ai thắc mắc, không ai đòi quay lại chết độ rửa tay. Có lẽ họ mừng là trút bỏ được một anh khùng phản lại chủ nghĩa của họ.

Mà thật. Nếu không có nạn dịch Covid-19, nếu không có được nhắc rửa tay thường xuyên trong 20 giây, nếu không có Google doodle, chắc đã không có bài này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn