Báo chí khoa học chống lại Tin Dỏm

Thứ Sáu, 20 Tháng Ba 20203:00 CH(Xem: 5188)
Báo chí khoa học chống lại Tin Dỏm

Ulrike Bremm (phỏng vấn)
Tôn Thất Thông (dịch)

LTS : Tiếp theo bài Tiến sĩ Nguyễn Kim Mai Thi được giải thưởng Hanns-Joachim Friedrichs về phổ biến khoa học, dịch  giả Tôn Thất Thông đã có nhã ý gửi thêm cho Diễn Đàn bài phỏng vấn sau đây đã được đăng trên cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ký giả Chuyên ngành Đức, trong đó cô nói lên quan niệm của mình về vai trò của nhà báo khoa học trong thế giới ngày nay. Diễn Đàn xin trân trọng cảm ơn anh Tôn Thất Thông, và xin mời bạn đọc.

Người dịch: Nhà khoa học trẻ, TS hóa học Mai Thi vừa đoạt giải thưởng cao quí của Đài Truyền hình Đức ARD (còn gọi là Đài 1). Ngay sau đó có nhiều cuộc phỏng vấn trên các báo liên bang Đức, mỗi cuộc phỏng vấn đề cập một khía cạnh khác nhau. Chúng tôi chọn một bài tiêu biểu trước đây, tương đối súc tích và thể hiện được tinh thần trách nhiệm và nhân cách của nhà khoa học trẻ trong thế giới Internet có đầy rẫy những tin dỏm (fake news), và viễn kiến của Mai Thi khi từ chối đường công danh rộng mở trong nghiên cứu khoa học, để lao vào lĩnh vực truyền thông đại chúng đầy rủi ro và vô cùng gian nan trong giai đoạn khởi nghiệp. Lành thay, lựa chọn của Mai Thi đã được đền bù xứng đáng, làm vẻ vang cho bản thân, gia đình và cộng đồng gốc Việt. Những câu trả lời của Mai Thi cũng rất ích lợi cho những ai muốn sử dụng mạng để làm truyền thông.

Nguồn ảnh: Esther Schaarhüls, Deutscher Fachjournalisten-Verband

Mai Thi là một ngôi sao YouTube và được trao giải thưởng Hanns-Joachim-Friedrichs cho công việc truyền thông đa phương tiện của mình. Trong cuộc phỏng vấn với "Ký giả chuyên ngành" (Fachjournalisten), nhà báo khoa học tự do Mai Thi Nguyen-Kim (32 tuổi) giải thích lý do tại sao cô rời phòng thí nghiệm, tại sao báo chí khoa học ngày càng trở nên quan trọng và tại sao Internet là "chiến trường" quan trọng nhất trong mắt cô.

Ulrike Bremm (U.B.): Bạn tự nhận là một mọt sách khoa học. Cha, anh trai cũng giống như bạn đều là nhà hóa học. Điều đó có phải là vườn ươm phòng thí nghiệm đầu tiên hay không? Bạn đã làm những thí nghiệm hóa học nào khi còn là một cô gái?

Mai Thi (M.T.) : Tôi không có bộ dụng cụ hóa học nào hết. Ở nhà tôi cũng chưa xảy ra một vụ nổ, không có áo choàng trắng hay bất kỳ một lọ dung dịch nào. Nhờ cha, tôi đã tiếp cận hàng ngày với hóa học. Dù trong lúc nấu ăn, mua sắm hay chọn nước làm sạch mặt, cha tôi thường giải thích những điều liên hệ đến các hiện tượng vật lý hoặc hóa học.

U.B. : Bạn đã tốt nghiệp tiến sĩ hóa học, nhưng sau đó từ bỏ nghiên cứu, với mong muốn mang kiến thức đến mọi người trên tư cách một nhà báo. Tại sao truyền thông khoa học lại quan trọng đến thế trong mắt bạn?

M.T. : Tầm quan trọng của khoa học không ngừng tăng lên, ngay cả khi hiện nay, phương tiện truyền thông đang chuyển biến. Chưa bao giờ việc tiếp cận thông tin lại dễ dàng như bây giờ: Ngày nay, mọi người đều có điện thoại thông minh trong túi, họ có thể google mọi thứ bất cứ lúc nào. Nhưng điều nghịch lý là, chúng ta càng trở nên bối rối khi có quá nhiều thông tin. Vì một mặt, có nhiều thông tin hơn là cần thiết, mặt khác, nguyên tắc "Gởi – Nhận" trong truyền thông cổ điển đã lỗi thời. Trước đây người ta nhận thông tin từ TV, radio, báo chí – đó là người gác cổng của chúng ta. Ngày nay, mỗi người đều "phát sóng" được. Điều này nâng cao tính dân chủ, nhưng cũng tạo ra nhiều người dân túy với những quan điểm chính trị nguy hiểm, cũng như những kẻ lừa đảo muốn lợi dụng người khác bằng sân khấu hoặc diễn đàn. Đồng thời, điều này dẫn đến sự suy giảm chất lượng cũng như nhiều thông tin mâu thuẫn nhau. Bất kể chủ đề nào: Bạn chỉ cần google khá lâu là bạn sẽ nhận được nhiều phán đoán trái ngược nhau. Càng ngày càng khó hơn để tìm đúng hướng đi cho mình trong mớ hỗn độn tin tức. Và đó là lý do tại sao truyền thông khoa học ngày càng trở nên quan trọng – Bạn thấy đó: khoa học rất phức tạp và thậm chí giải thích ngắn gọn cũng không đi đến đâu.

U.B. : Bạn muốn đóng vai trò gì trong hoạt cảnh đó?

M.T. : Những thách thức lớn của xã hội liên kết toàn cầu của chúng ta – như chuyển đổi năng lượng, biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo trong xe tự lái, kỹ thuật di truyền – là đa ngành, tức là vượt lên trên mọi ngành. Có quá ít sự trao đổi giữa các chính trị gia, các nhà lập pháp – tức những người đưa ra các quyết định quan trọng – và chuyên gia vốn đã nghiên cứu các vấn đề khoa học phức tạp suốt hàng nhiều thập kỷ. Một mặt, nhà báo chúng tôi có vai trò của một người phiên dịch, chuyển các thuật ngữ chuyên môn thành ngôn ngữ thường nhật dễ hiểu. Tôi luôn luôn tạo đường dẫn đến các nguồn – nhưng đối với những người không chuyên thì rất khó, nếu không muốn nói là không thể hiểu những gì tác giả muốn nói, khi tác giả chủ ý chỉ trình bày cho giới chuyên môn. Mặt khác, chúng tôi là một loại trọng tài. Bởi vì trong các cuộc tranh luận đầy ý kiến trái nghịch nhau, chúng ta cũng cần một tiếng nói cụ thể khách quan: Khoa học là độc lập; nó không cần phải được bầu lại bởi người dân [như các nhà lập pháp ở trên – ND].

U.B. : Vào tháng 11, bạn nhận được (cùng với đồng nghiệp Harald Lesch) Giải thưởng Hanns-Joachim-Friedrichs.

M.T. : Đối với tôi, đây là một sự đánh giá cao đáng kinh ngạc về công việc của tôi – nó đặc biệt tốt đẹp, vì lần đầu tiên các nhà báo khoa học được vinh danh. Tôi nghĩ đó là một thông điệp rất mạnh mẽ: chúng ta đang sống trong một thời đại mà con người phải thừa nhận sự thật – và không có gì liên quan đến sự thật mạnh hơn là khoa học, vốn dĩ đại diện cho sự trung thực. Vì hầu hết các thông tin sai lệch đều được lan truyền trên mạng, nên điều đặc biệt cấp bách trên Internet là phải có lập trường và cung cấp sự thật để phân loại thông tin sai lệch. Là một nhà báo, bạn phải tham gia vào… chiến trường.

U.B. : Theo bạn, điều gì là quan trọng trong việc truyền bá kiến ​​thức?

M.T. : Ban đầu, nó thậm chí liên quan đến việc giải thích khoa học là gì. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng rõ ràng rằng, việc thu thập sự kiện là không đủ để giải thích cách thức hoạt động của một cái gì đó. Một xu hướng rất quan trọng là phân loại và sắp xếp kiến ​​thức vào đâu: Điều gì chính xác có ý nghĩa đối với xã hội? Chúng ta nên xử lý như thế nào?

U.B. : Bạn là giảng viên tại Viện truyền thông khoa học quốc gia (NaWik). Bạn dạy gì cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ ở đó?

NaWik được thành lập để khuyến khích và làm cho các nhà nghiên cứu có thêm năng lực để tham gia vào các diễn đàn khoa học. Theo tôi, trách nhiệm của nhà khoa học là dấn thân vào việc khai sáng cộng đồng, có lập trường và sẵn sàng can thiệp vào các cuộc tranh luận chính trị và xã hội. Chúng tôi tiếp sức cho các nhà nghiên cứu để họ học về truyền thông khoa học – đấy không chỉ là vấn đề tài năng. Có các chiến lược truyền thông, có các công cụ như blog, video hoặc science slam [tạm dịch: màn diễn khoa học], và chúng tôi có thể đào tạo để họ xuất hiện thành công trong mắt công chúng. Tôi còn cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa trong việc giải thích về khoa học. Và vì thế, trên hết chúng ta cần thêm nhiều nhà khoa học, bởi vì tính chính trực cũng thực sự là một tài sản, một giá trị trong thế giới hôm nay.

U.B. : Bạn có lời khuyên gì cho những người trẻ tuổi muốn có chỗ đứng tốt với tư cách là nhà báo khoa học?

M.T. : Luôn luôn chủ động, giữ cho đôi mắt và đôi tai rộng mở. Không có một con đường nào duy nhất mà người ta phải theo để đạt đến đích trong ngành này. Có nhiều người đi tắt [và thành công]. Cụ thể là: tích cực tìm kiếm các diễn đàn có thể cho phép bạn bắt đầu. Bởi vì làm một chiến sĩ đơn độc thì thật là khó. Thí dụ trang mạng wissenschaftskommunikation.de cống hiến khả năng xuất bản các bài viết trên blog và đưa chúng tiếp cận đến mọi người. Nếu bạn quan tâm đến science slam, nhưng chưa dám tham gia trực tiếp: cứ việc đến đó và trao đổi với mọi người. Có rất nhiều mạng xã hội thú vị. Kinh nghiệm của tôi là: Mọi người làm việc trong lĩnh vực truyền thông khoa học đều rất hứng thú, sẵn sàng hỗ trợ và luôn luôn vui vẻ khi có thêm người tham gia. Vậy thì, bạn chỉ cần đi kiếm cơ hội tiếp xúc. Những điểm gặp gỡ tốt: Đối thoại khoa học (Wissenschaft im Dialog), ở đó thường có các buổi thực nghiệm hoặc đào tạo bổ túc. Hoặc theo một khóa thực tập. Có một điều mà nhiều người thậm chí không biết: Các đại học thường có một ngân khoản nhỏ cho những nỗ lực mang việc nghiên cứu đến công chúng hoặc tổ chức xê-mi-ne để đào tạo bổ sung cho học viên. Và sau đó, bạn chỉ cần mạnh dạn nói về việc nghiên cứu của mình trên Twitter, chia sẻ hình ảnh của phòng thí nghiệm trên Instagram hoặc thậm chí tải vài video lên YouTube. Có đủ mọi diễn đàn trên mạng, chắc chắn là bạn nên sử dụng chúng.

U.B. : Bạn đã bắt đầu như thế nào?

Tôi cũng bắt đầu bằng cách vừa làm vừa học. Trong thời gian làm luận án tiến sĩ, tôi đã sử dụng kênh YouTube của mình. Điều đó rất thú vị, bởi vì ban đầu tôi sống trong một sự bùng nổ học thuật và nhận được rất nhiều phản hồi có giá trị. Trong thời gian đó, tôi nhận được hàng ngàn bình luận cho mỗi video, và lúc đầu thì tôi có thì giờ để đọc hết tất cả. Các phản hồi đã cho tôi cảm nhận được về những gì mọi người mong đợi, những gì bạn nên có khi bắt đầu, những gì đặc biệt ích lợi nhiều hoặc ít.

U.B. : Bạn hiểu rõ, làm thế nào để truyền đạt nội dung phức tạp theo cách phong cách dễ hiểu và thích thú. Lời khuyên của bạn là gì: Làm thế nào để khiến mọi người say mê?

M.T. : Nếu tôi hào hứng về chuyện gì, điều đó sẽ lây sang mọi người –tất nhiên là khi đứng trước ống kính cũng thế. Trên mọi chương trình truyền hình, trong mọi chương sách, ở mọi video trên YouTube: Tôi luôn cố gắng tạo những điểm tựa đến chuyện hàng ngày. Không chỉ để nói vũ trụ của chúng ta tuyệt vời như thế nào, mà còn cho thấy rằng, khoa học hoàn toàn quan trọng đối với đời sống thực. Hóa học không phải là kiến ​​thức quái đản mà những người mọt sách thông minh phải đối phó – đó là chuyện liên quan đến mọi người và bất cứ ai cũng hiểu được.

U.B. : Trong cuốn sách khoa học đại chúng "Thật buồn cười, tất cả đều là hóa học!" (Kommisch, alles chemisch), bạn giải thích một cách dễ hiểu và dí dỏm, khi nào là thời điểm thích hợp cho tách cà phê đầu ngày, tại sao chất Fluor cần phải có trong kem đánh răng và những gì đang diễn ra trong từng phân tử, khi tính chất hóa học giữa hai người hòa hợp nhau. Bạn dẫn một chương trình khoa học trên truyền hình và là một ngôi sao YouTube. Những kênh truyền thông nào có hiệu quả nhất cho ký giả chuyên ngành để chuyển tải thông điệp của mình đến công chúng?

M.T. : Tiếp cận được càng nhiều người thì càng tốt. YouTube, TV, sách – với mỗi phương tiện tôi tiếp cận một loại người khác nhau. Nói chung, tôi thấy tương lai khá lạc quan, đặc biệt là lĩnh vực online hoàn toàn phù hợp cho báo chí khoa học. Bạn có thể nghĩ rằng, kênh trực tuyến tất cả là nông cạn, hời hợt và mang tính giải trí nhiều hơn – nhưng điều đó không đúng. Nội dung trực tuyến đơn giản là cá nhân hóa, phân mảnh và thích hợp trong một luồng hẹp. Lợi thế lớn mà chúng tôi có trên kênh YouTube "MaiLab" (do cô làm ra - ND) so với "Quarks" (một chương trình truyền hình Đức) là: Người ta chủ động nhấp chuột để vào xem video, trong khi ở truyền hình, chúng tôi phải kéo mọi người để họ tiếp tục xem. Bạn không thể chờ đợi rằng, người ta xem một chương trình TV từ đầu đến cuối. Đó là lý do tại sao tôi có thể đưa các khái niệm khoa học chuyên sâu trên kênh trực tuyến, và chi tiết hơn nhiều so chương trình TV. Với các video của tôi trên YouTube, đôi khi dài tới 20 phút, bạn phải xem từ đầu để có thể theo dõi được nội dung.

U.B. : Điều gì cần làm và điều gì không nên làm trên Internet?

M.T. : Cần làm: Điều cực kỳ quan trọng là vài giây đầu tiên của mỗi bài. Điều này áp dụng cho các bài báo cũng như video hoặc podcast. Sẽ không mất nhiều thời gian để ai đó tự quyết định, là họ quan tâm đến bài của bạn hay không. Bạn phải làm rõ rất nhanh: Tại sao người ta nên xem video này ngay bây giờ? Thực tế là có hàng triệu bài khác để người ta có thể theo dõi. Từ điều này tôi có thể học được cho mọi thứ khác tôi thực hiện, cả các bài giảng cũng thế. Bạn phải thu hút sự chú ý của khán giả. Nhưng điều đó cũng không có gì phiền hà, vì khi đó cách truyền thông của bạn sẽ tốt hơn và mang tính giải trí hơn.

Đừng làm: Bạn không nên dùng quá nhiều con số để gây ảnh hưởng – với các chương trình trực tuyến, có nhiều đánh giá chi tiết hơn so với số lượng ấn bản báo chí hoặc số lượng khán giả xem chương trình truyền hình. Điều này thật quyến rũ, nhưng nó làm bạn mất tập trung và không kiên trì, khi bạn tối ưu hóa nội dung theo xu hướng của thị hiếu khán giả. Bởi vì xu hướng nhấp chuột và thuật toán của các trang mạng thường xuyên thay đổi. Có một ưu tiên rất sai lầm, khi bạn tự hỏi làm thế nào để tôi xây dựng tầm ảnh hưởng trước khi nội dung của tôi chưa hoàn hảo.

U.B. : Các mạng xã hội khác đóng vai trò gì?

M.T. : Phải nói thật rõ ràng: Với các mạng xã hội hời hợt như Instagram – về tranh ảnh – tất nhiên tôi chưa thể làm báo chí khoa học. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn có thể sử dụng mạng đó một cách khôn khéo bằng cách đăng bức ảnh của mình với một ly rượu, và qua đó dẫn khán giả đến kênh YouTube, trong đó tôi báo cáo về cái gọi là sự xáo trộn về thể chất trong con người châu Á dưới tác dụng của rượu. Và trong video đó, tôi cho đường dẫn đến các tiểu luận khoa học với cùng chủ đề. Tôi muốn làm rõ vai trò của các mạng xã hội với hình ảnh của một củ hành: lớp ngoài cùng, bề mặt, thì ai cũng xem được. Tận bên trong là sự sâu sắc khoa học của chủ đề, nhưng đến đó thì không thể có nhiều người muốn quan tâm. Nếu bạn bắt đầu với tầng trong cùng, bạn sẽ chỉ nói chuyện được với những người liên quan đến khoa học. Vì vậy, bạn phải bắt đầu từ bên ngoài để truyền cảm hứng cho khán giả về báo chí khoa học và từ từ "kéo họ vào". Mỗi lớp hành này đều có mức độ hợp lý của nó. Và khi bạn biết càng nhiều, bạn càng trở nên thích thú hơn sau này về một chủ đề nào đó.

U.B. : Bạn dự báo thế nào về báo chí khoa học?

M.T. : Nhìn đến Hoa Kỳ, nơi luôn đi trước một vài bước so với truyền thông chúng ta, tôi tiên đoán là ranh giới giữa phương tiện truyền thông cổ điển và các phương tiện mới sẽ ngày càng biến mất. Tôi tin chắc rằng, ít nhất là trong báo chí khoa học, người ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến chiều sâu, đến nhiều chi tiết hơn và mức độ khai sáng tường tận hơn. Đặc biệt đối với các chủ đề khoa học, tôi thấy rất nhiều cơ hội tiềm ẩn trong các phương tiện truyền thông mới.

Bài phỏng vấn đăng trên Tạp chí chuyên ngành Fachjournalist, là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ký giả Chuyên ngành Đức:
https://www.fachjournalist.de/mit-wissenschaftsjournalismus-gegen-fake-news/

Tiến sĩ Nguyễn-Kim Mai Thi (32 tuổi) là một nhà hóa học và nhà báo khoa học. 

Trong lúc viết luận án tiến sĩ tại Đại học Harvard, Mai Thi đã tải các video đầu tiên lên YouTube để truyền bá khoa học như một "nạn dịch" ở nước này. Mục đích đó theo Mai Thi trên tất cả các kênh truyền thông: Là người kế thừa Ranga Yogeshwar, Mai Thi đang điều khiển chương trình tri thức "Quarks" trên WDR, là tác giả của cuốn sách bestseller của nhà phát hành Spiegel "Thật buồn cười, tất cả đều là hóa học!". Và với "Funk", chương trình trực tuyến của ARD và ZDF, Mai Thi sản xuất kênh YouTube "MaiLab", có gần 500.000 người đăng ký và đã giành được nhiều giải thưởng, bao gồm Giải thưởng Grimme Online 2018. Trong cùng năm đó, Mai Thi là tác giả YouTube đầu tiên được trao Giải thưởng Georg von Holtzbrinck cho Báo chí Khoa học; 2019 là giải thưởng Hanns-Joachim-Friedrichs. 

Tại Viện Truyền thông Khoa học Quốc gia (NaWik), Mai Thi tổ chức các xê-mi-ne về viết bài khoa học và đào tạo truyền thông, phương tiện truyền thông mạng xã hội, phương pháp thuyết trình, xê-mi-ne về video và phỏng vấn.

Nguồn ảnh: Việt Nguyễn-Kim

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn