CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán ( Chiều tối /2)

Thứ Sáu, 21 Tháng Hai 20207:58 CH(Xem: 4173)
CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán ( Chiều tối /2)

Theo cập nhật đến 8h30 sáng ngày 22/2 từ UB Y tế Nhà nước Trung Quốc, số ca nhiễm bệnh tiếp tục tăng lên 76.288 ca (tăng 824 ca); số ca tử vong tăng thêm 109 ca, lên 2.345 người.

virus_corona_kinh_hien_vi
Hình ảnh chụp dưới kính hiển vi: các chấm màu cam là virus corona chủng mới, còn nền màu xanh là bề mặt của một tế bào. (Ảnh: Đại học Hong Kong).

Trung Quốc Đại lục (*)

  • Tính đến 8h30 sáng 22/2, UB Y tế Nhà nước Trung Quốc công bố số ca nhiễm COVID-19 là 76.288 (tăng 824 ca so với trước đó); số ca tử vong là 2.345 (tăng 109 ca so với trước đó). 
  • Vũ Hán đang có kế hoạch xây dựng thêm 19 bệnh viện dã chiến khác để tiếp nhận thêm các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Sau khi hoàn thành, tất cả bệnh viện tạm thời ở Vũ Hán dự kiến cung cấp 30.000 giường. Vũ Hán đã chuyển đổi 13 địa điểm hiện có thành bệnh viện tạm thời, với tổng số 13.348 giường và khoảng 9.313 giường đã được đưa vào sử dụng để điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, theo Phó thị trưởng Vũ Hán.
  • Viện nghiên cứu Vũ Hán vừa đăng tâm thư bác bỏ tin đồn chế tạo virus, nói họ hoàn toàn trong sạch và không có gì phải hổ thẹn về những gì đã làm và sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Bức thư cho biết những lời đồn “đã gây tổn hại nghiêm trọng cho các nhà nghiên cứu của chúng tôi ở tuyến đầu, cũng làm gián đoạn nghiêm trọng công tác nghiên cứu của viện nhằm chiến đấu với dịch bệnh”.
  • Tổng Giám đốc WHO cho biết nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu cùng các chuyên gia Trung Quốc sẽ tới Vũ Hán trong hôm nay 22/2. Nhóm này trước đó đã tới điều tra dịch bệnh ở Bắc Kinh, Từ Xuyên và Quảng Đông từ ngày 17/2. Nhóm chuyên gia WHO sẽ thu thập các mẫu động vật hoang dã, tìm hiểu về nguồn gốc của chủng virus mới và nghiên cứu để xác định liệu có còn trường hợp lây truyền từ động vật sang người hay không, đồng thời sẽ tới thăm và kiểm tra điều kiện kiểm dịch ở các bệnh viện tạm thời tại Vũ Hán.
  • Các ca nhiễm virus corona tăng nhanh tại hai bệnh viện Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại dịch bệnh có thể đang bùng phát tại thành phố này.
  • Triệu Kiến Bình, chuyên gia đầu ngành về bệnh đường hô hấp tại Trung Quốc, lưu ý có những trường hợp nhiễm virus corona sau khi hồi phục được xét nghiệm lại vẫn phát hiện dấu vết của loại virus này. Một số nghiên cứu tại Canada cũng có kết quả tương tự. Xét nghiệm chất dịch từ mũi và cổ họng từ một cặp đôi đã hồi phục sau khi nhiễm virus corona cho thấy vẫn có dấu vết của virus.
  • Các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo những trường hợp nhiễm virus corona bệnh nặng đối diện nguy cơ tử vong cao hơn bệnh nhân mắc Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Không giống như Sars, vốn chỉ tập trung vào phổi, chủng virus corona mới còn tấn công nhiều cơ quan quan trọng khác như tim và thận, có thể dẫn đến suy đa tạng. Người cao tuổi bệnh tình có khả năng trở nặng cao hơn. Khó cứu được họ nếu trên hai cơ quan bị suy chức năng cùng lúc.
  • Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết virus corona được thải ra trong phân của những người nhiễm bệnh có thể giúp giải thích lý do nó lây lan rất nhanh. Đó có thể là lý do nó gây ra dịch bệnh trên tàu du lịch Diamond Princess với cường độ thường thấy với virus noro gây bệnh dạ dày, cũng lây lan dọc theo con đường đó.
  • Trung tâm Y tế Cộng đồng thành phố Thành Đô cho biết một bệnh nhân nhiễm virus corona ban đầu được xuất viện ở thành phố đã phải nhập viện trở lại vì có kết quả dương tính sau thời gian cách ly tại nhà. Một số trường hợp tương tự ở những khu vực khác cũng được ghi nhận.
  • Ủy ban Y tế Nhà nước Trung Quốc khuyến nghị các bệnh nhân hồi phục nên tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, đeo khẩu trang và giảm thiểu tham gia hoạt động ngoài trời sau khi xuất viện để tránh nguy cơ nhiễm các loại bệnh khác.
  • Chợ Thương mại Quốc tế Nghĩa Ô tại tỉnh Chiết Giang mở cửa hoạt động trước kế hoạch ban đầu 3 ngày, với kỳ vọng khôi phục các hoạt động kinh tế địa phương sớm trở lại bình thường. Quyết định mở cửa sớm được đưa ra sau khi không có ca nhiễm mới nào xuất hiện ở thành phố này suốt một tuần qua. Cùng ngày, Thành phố Dệt may Chiết Giang, một trong những khu mua sắm sản phẩm dệt may lớn nhất tại thành phố Thiệu Hưng, cũng trở lại hoạt động. Việc hai trung tâm thương mại lớn hàng đầu Trung Quốc mở cửa sớm cho thấy chính phủ Trung Quốc đang quyết khôi phục hoạt động kinh tế.

(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố. 


Thế giới

  • Hàn Quốc có thêm 142 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 346. Các ca nhiễm mới đa số ở Gyeongbuk – Daegu (131 trường hợp). Giới chức y tế nước này cũng thông báo về ca tử vong thứ 2 là một phụ nữ trong độ tuổi 50, qua đời tại bệnh viện ở thành phố Busan.
  • Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã quyết định cấm binh sĩ ra khỏi doanh trại và gặp gỡ người thân, du khách từ ngày 22/2 sau khi 3 binh sĩ thuộc lục quân, không quân và hải quân Hàn Quốc nằm trong số các ca nhiễm COVID-19 mới được xác nhận.
  • Ý có thêm 18 ca nhiễm mới trong 1 ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 22, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Đây là ca tử vong đầu tiên ở Ý, thứ 2 ở châu Âu sau ca đầu tiên ở Pháp.
  • Iran có thêm 13 ca nhiễm mới, gồm 7 người sống tại Qom, 4 người sống ở Tehran và 2 người tại Gilan, nâng tổng số ca nhiễm lên 18. Trong số các bệnh nhân mới, có thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 4 ca. Iran không đề cập về nguồn lây nhiễm các bệnh nhân, cho biết nước này đủ khả năng khống chế dịch bệnh bùng phát và đang thảo luận thành lập cơ quan chuyên trách công tác ngăn chặn virus corona lây lan. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran cũng thông báo nước này vừa tiếp nhận 4 chuyến hàng tiếp tế kit thử virus corona từ WHO.
  • Mỹ có thêm 19 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 35. Các ca nhiễm mới đa phần là người về từ tàu du lịch Diamond Princess.
  • Israel có ca nhiễm virus corona đầu tiên, về từ du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản.
  • Lebanon: Bộ Y tế Lebanon cho biết một nữ bệnh nhân 45 tuổi vừa trở về từ thành phố Qom ở Iran, đã trở thành trường hợp đầu tiên dương tính với COVID-19 tại nước này. Hiện Lebanon còn hai ca nghi nhiễm virus corona, song vẫn chưa có kết quả xét nghiệm. Bộ Y tế Lebanon đã tuyên bố tất cả du khách trở về từ Iran đều phải cách ly tại nhà trong ít nhất 14 ngày.
  • Đài Loan, UAE và Úc mỗi nước có 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên lần lượt là 24, 11 và 19.
  • Nhật Bản có thêm 12 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 109.
  • Singapore và Canada mỗi nơi có thêm 1 ca nhiễm, tổng số ca lần lượt ở 2 nước là 86 và 9.
  • Malaysia: Người phụ nữ người Mỹ rời thuyền Westerdam ở Campuchia bay sang Malaysia liên tục âm tính sau khi từng có kết quả dương tính, tuy nhiên bà này vẫn ở trong viện vì còn triệu chứng. Thủ tướng Hun Sen nói “công lý được trả lại cho Campuchia”, còn Bộ Y tế Campuchia nói sự bất thường trong kết quả xét nghiệm từ giới chức Malaysia khiến tất cả hành khách du thuyền Westerdam sợ hãi và khó hiểu.
  • Hồng Kông thông báo có ca nhiễm đầu tiên là một cảnh sát 48 tuổi làm việc trong tiểu đội tuần tra của đồn cảnh sát North Point. Người này đã tham dự một bữa tiệc chia tay đồng nghiệp hôm 18/2 cùng 59 người khác, nên hiện tất cả những người tham gia bữa tiệc sẽ được cách ly, trong khi 40 sĩ quan làm việc cùng bệnh nhân sẽ được theo dõi. Vợ và mẹ vợ của người này cũng có những triệu chứng nhiễm virus và đã được đưa đến bệnh viện.
  • Tổng giám đốc WHO bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự lây lan dịch COVID-19 tại các quốc gia bên ngoài Trung Quốc và giữa những người không có liên quan đến Trung Quốc hay Vũ Hán. Ông nói vẫn còn cơ hội để khống chế virus, tuy nhiên “cánh cửa cơ hội đang thu hẹp dần”, tình hình bùng phát dịch bệnh vẫn có thể đi theo bất kỳ hướng nào và các quốc gia cần chuẩn bị cho mọi tình huống.
  • Ukraine: Hàng trăm cư dân của ngôi làng gần địa điểm cách ly những người vừa được sơ tán về từ Vũ Hán đã chặn đường đoàn xe chở người sơ tán, vì sợ họ có thể bị nhiễm bệnh. Những người biểu tình đã dựng chướng ngại vật, ném đá lên xe, tìm cách đốt lốp xe và đụng độ với cảnh sát chống bạo động đến để dẹp đường. Xe chở người sơ tán cuối cùng đã có thể đến cơ sở cách ly sau nhiều giờ đụng độ. Chín cảnh sát và một dân thường đã phải nhập viện. Có 72 người đã được sơ tán về từ Vũ Hán gồm 45 người Ukraine và 27 người nước ngoài (công dân Belarus, Kazakhstan, Argentina, Ecuador, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Panama và các quốc gia khác).
  • Giới chức y tế đang gấp rút tìm hiểu cách thức lây lan chóng mặt của các ca nhiễm virus corona ở Nhật Bản, đặc biệt trên du thuyền Diamond Princess. Các nhà virus học đang cân nhắc giữa hai khả năng. Một là, xuất phát từ trường hợp “siêu lây nhiễm”, tức người có xu hướng “thải” ra nhiều virus hơn những người nhiễm khác, gồm cả khả năng lây nhiễm cho nhóm người lớn. Hai là, hành khách có thể dính virus khi chạm vào các bề mặt đã bị lây nhiễm. Hiện cũng chưa rõ virus corona chủng mới có thể tồn tại bao lâu trên các bề mặt, song nghiên cứu về các loại virus khác đã phát hiện ra rằng chúng có thể sống sót trong một tuần hoặc hơn.

Xem thêm:

Việt Nam

  • Ngày 21/2, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân không nên đến vùng dịch hoặc có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại Hàn Quốc. Công dân Việt Nam đang có mặt tại Hàn Quốc cần thường xuyên theo dõi và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để phòng tránh dịch bệnh.
  • Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết một nữ sinh lớp 12 ở Thừa Thiên – Huế vừa chết sau khi có triệu chứng sốt, khó thở và ho nhưng được xác định là do bệnh lý não chứ không phải COVID-19. Hiện cơ quan chức năng vừa lấy mẫu vật của bệnh nhân để gửi đi Viện Pasteur Nha Trang và Bệnh viện Trung ương Huế để xác định nạn nhân có bị nhiễm COVID-19 hay không.
  • Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết 3 ca nghi nhiễm mới nằm trong số 67 người đang được cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an Thành phố đều âm tính với COVID-19. Như vậy, đến chiều 21/2, toàn bộ các trường hợp nghi ngờ nhiễm tại Hà Nội đều có kết quả âm tính. Thành phố cũng chưa ghi nhận trường hợp dương tính nào với COVID-19.
  • Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung có quyết định hơn 2 triệu học sinh Hà Nội sẽ nghỉ đến hết ngày 1/3, bắt đầu đi học trở lại từ ngày 2/3.
  • Sở Y tế Thanh Hóa có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh xem xét và đề nghị Bộ Y tế công bố hết dịch COVID-19 tại tỉnh này, do tính đến 21/2, tại Thanh Hóa không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19.

(tiếp tục cập nhật)

Bảo Minh (t/h)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn