Vì sao hai phóng viên ở Vũ Hán mất tích?

Thứ Năm, 13 Tháng Hai 202011:46 CH(Xem: 4624)
Vì sao hai phóng viên ở Vũ Hán mất tích?
bbc.com

Virus corona: Vì sao hai phóng viên ở Vũ Hán mất tích?


Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát thông tin về dịch bệnh Bản quyền hình ảnh EPA
Image caption Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát thông tin về dịch bệnh

Hai phóng viên - những nhà báo công dân muốn đưa "sự thật" về những gì đang diễn ra ở Vũ Hán, tâm chấn của dịch corona ở Trung Quốc.

Bây giờ, cả hai đã mất tích.

Cả hai đã đăng tải video, hình ảnh và những câu chuyện kịch tính bên trong thành phố hoàn toàn bị cách ly khỏi thế giới.

Phương Bân (Fang Bin) và Trần Thu Thực (Chen Qiushi) đều mang quyết tâm chia sẻ những gì họ chứng kiến về cuộc khủng hoảng, những câu chuyện thực chất từ Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc đến với mọi người.

Kết quả, video của cả hai đã thu hút được hàng ngàn lượt xem. Nhưng hiện tại, các kênh tin tức của họ bỗng trở nên im ắng, những người theo dõi lo sợ rằng cả hai sẽ biến mất vĩnh viễn.

Phương Bân là ai?

Phương Bân là doanh nhân người Vũ Hán, ông bắt đầu đăng tải những video về sự bùng phát của dịch corona để "tường thuật tình hình thực tế ở đây". Ông hứa hẹn sẽ "làm hết sức" để thông tin cho người dân.

Ông đã đăng video đầu tiên vào ngày 2/1 trên YouTube - một kênh bị cấm ở Trung Quốc nhưng có thể truy cập thông qua VPN.

Phương Bân yêu cầu "trao quyền lực của chính phủ lại cho người dân" Bản quyền hình ảnh Youtube
Image caption Phương Bân yêu cầu "trao quyền lực của chính phủ lại cho người dân"

Những video đầu tiên ông - chủ yếu là cảnh ông lái xe quanh thành phố và cho người xem thấy tình hình ở những nơi khác nhau - đã thu hút hơn 1.000 lượt xem.

Sau đó vào ngày 1/2, Phương Bân đã quay một video khiến người xem phải bật dậy và để tâm. Đoạn clip cho thấy tám xác chết chất chồng trên một chiếc xe buýt nhỏ bên ngoài một bệnh viện ở Vũ Hán, đã có gần 200.000 lượt xem.


Ông Phương cáo buộc rằng cảnh sát đã xông vào nhà ông vào ngay tối hôm đó thẩm vấn về các video ông đăng tải. Ông bị bắt đi, bị cảnh cáo và sau đó được thả ra.

Nhưng vào ngày 9/2, ông đã đăng một đoạn video dài 13 giây với dòng chữ "tất cả hãy nổi dậy - chính phủ hãy trao quyền lực lại cho người dân".

Và sau đó, tài khoản trở nên im ắng.

Trần Thu Thực là ai?

Ông Trần là một cựu luật sư nhân quyền, sau đó trở thành nhà báo chuyên về video. Ông khá nổi tiếng trong giới hoạt động khi xây dựng danh tiếng của mình thông qua việc đưa tin về các cuộc biểu tình ở Hong Kong vào tháng Tám năm ngoái.

Ông Trần cáo buộc việc đưa tin tức trên khiến ông bị quấy rối và cuối cùng bị chính quyền Trung Quốc bịt miệng sau khi trở về đại lục. Các tài khoản mạng xã hội ở Trung Quốc của ông, theo báo cáo có hơn 700.000 người theo dõi, đã bị xóa.

Nhưng ông Trần không thể giữ im lặng mãi được

Vào tháng Mười, ông đã tạo một tài khoản YouTube mới hiện có khoảng 400.000 người đăng ký. Ông cũng có hơn 265.000 người theo dõi trên tài khoản Twitter.

Tài khoản xã hội của Trần Thu Thực bị xóa Bản quyền hình ảnh Youtube
Image caption Tài khoản xã hội của Trần Thu Thực bị xóa

Cuối tháng Một, ông Trần quyết định tới Vũ Hán để tường thuật thực trạng tồi tệ ở đây.

"Tôi sẽ sử dụng máy ảnh để ghi lại những gì đang thực sự xảy ra. Tôi hứa sẽ không che giấu sự thật", ông nói trong video YouTube đầu tiên của mình.

Ông đến thăm các bệnh viện khác nhau ở Vũ Hán, ghi nhận điều kiện y tế và trò chuyện với bệnh nhân.

Ông Trần biết rằng điều này đang đặt ông vào tình thế nguy hiểm. Nói với phóng viên của BBC - John Sudworth hồi đầu tháng này, ông Trần cho biết không chắc mình sẽ có thể tiếp tục trong bao lâu.

"Việc kiểm duyệt rất gắt gao và tài khoản của mọi người sẽ bị vô hiệu hóa nếu họ chia sẻ nội dung của tôi", ông nói.


Sau đó, ngày 7/2, một video đăng trên tài khoản Twitter của ông Trần - hiện do một người bạn ông quản lý - ghi lại hình ảnh mẹ ông nói ông đã mất tích một ngày trước đó.

Từ Hiểu Đông - một người bạn của ông đã cáo buộc trong video đăng trên YouTube rằng ông đã bị cách ly cưỡng chế.

Chính quyền nói gì?

Chính quyền Trung Quốc vẫn giữ im lặng về vấn đề này. Không có tuyên bố chính thức cho biết Phương Bân và Trần Thu Thực đang ở đâu và khi nào được thả ra nếu bị cách ly.

Patrick Poon, một nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết vẫn chưa rõ liệu Phương Bân và Trần Thu Thực "đã bị cảnh sát bắt đi hay bị cách ly cưỡng chế".

Ông nói thêm "ít nhất" chính quyền nên đảm bảo các thành viên trong gia đình được liên lạc.

"Chính quyền Trung Quốc nên thông báo cho gia đình họ và cho họ được làm việc với luật sư của mình. Nếu không, một quan ngại pháp lý có thể xảy ra là nguy cơ họ bị tra tấn hoặc đối xử thậm tệ", ông Poon nói với BBC.

Lý do gì khiến họ biến mất?

Bắc Kinh nổi tiếng với việc kiểm soát việc lên tiếng của những nhà hoạt động. Minh chứng là sự kiểm soát thông tin dịch bệnh.

Theo một nhà nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), không gì ngạc nhiên khi các nhà chức trách đang "xem việc dẹp im những lời chỉ trích quan trọng ngang ngửa, nếu không muốn nói là hơn, so với việc kiềm hãm sự lây lan của virus".

Bác sĩ Lý Văn Lượng đã bị cảnh cáo không được lan truyền "những bình luận sai lệch" sau ông phát đi lời cảnh báo về virus này hồi đầu tháng 12. Cuối cùng ông Lý đã nhiễm chính virus này và tử vong.

Cái chết của bác sĩ Lý đã làm bùng lên làn sóng giận dữ chưa từng thấy và dấy lên một cuộc nổi dậy trên mạng khiến chính quyền choáng váng. Chính phủ Trung Quốc đã "chữa cháy" bằng cách kiểm duyệt gắt gao mọi bình luận và chỉ trích về cái chết của bác sĩ Lý.

Nhiều bệnh nhân phục hồi sức khỏe dù con số tử vong ngày một tăng Bản quyền hình ảnh Reuters
Image caption Nhiều bệnh nhân phục hồi sức khỏe dù con số tử vong ngày một tăng

"Chính phủ độc tài Trung Quốc có lịch sử đàn áp và giam giữ những công dân nói sự thật hoặc chỉ trích chính quyền trong các tình huống nguy cấp cộng đồng. Ví dụ như dịch Sars năm 2003, trận động đất Wenchuan năm 2008, vụ tai nạn tàu hỏa Ôn Châu năm 2011 và vụ nổ hóa chất ở Thiên Tân năm 2015 , " Yaqiu Wang của HRW nói với BBC.

Tuy nhiên, bà nói rằng Trung Quốc cần "học hỏi kinh nghiệm và hiểu rằng tự do thông tin, minh bạch và tôn trọng quyền con người sẽ giúp chứ không cản trở việc kiểm soát dịch bệnh".

"Các nhà chức trách đang tự làm hại mình bằng [các cáo buộc] về sự biến mất của ông Trần và ông Phương," bà nói thêm.

Trên trang tin tức Weibo của Trung Quốc, chỉ còn một số ít bình luận đề cập đến hai người Trần và Phương- trước sau gì những bình luận cũng bị kiểm duyệt - vấn đề còn lại là thời gian.

"[Họ] đang viết lại những gì đã diễn ra", một bình luận. "Rồi dần dần sẽ như [chưa từng có] ai đó tên là Trần Thu Thực."

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn