Phong trào #MeToo đã lan đến Trung Quốc?

Thứ Ba, 09 Tháng Giêng 20181:30 SA(Xem: 7729)
Phong trào #MeToo đã lan đến Trung Quốc?
bbc.com
Gwyneth Ho & Grace Tsoi BBC Chinese

MeeToo

Vào ngày đầu năm mới, Trung Quốc cuối cùng cũng bắt đầu chiến dịch #MeToo.

Luo Xixi, một học giả có bằng tiến sĩ của Đại học Hàng không vũ trụ Beihang có uy tín ở Bắc Kinh, cho biết bà bị một giáo sư quấy rối tình dục khi học tại đây cách đây 12 năm.

Bà kể lại trải nghiệm này trên Weibo, một diễn đàn ảo được người dùng Trung Quốc coi tương đương với Twitter, và nói vẫn bị ám ảnh. Bài đăng của bà đạt được hơn ba triệu lượt xem trong một ngày, gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi về quấy rối tình dục.


Ngay sau đó, đại học Beihang thông báo vị giáo sư bị đình chỉ giảng dạy và việc điều tra đang được tiến hành.

Vị giáo sư bác bỏ những cáo buộc trên.

Bà Luo, người hiện đang sống ở Mỹ, nói với BBC rằng phong trào #MeToo đã mang lại cho bà "rất nhiều can đảm".

MeeToo Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Phong Trào #MeToo lan rộng ở phương Tây

Hàng triệu phụ nữ và nam giới trên khắp thế giới đã tham gia vào phong trào #MeToo, chia sẻ kinh nghiệm của họ về quấy rối tình dục trong một nỗ lực cho thấy tầm nghiêm trọng của vấn đề.

Tuy nhiên, chiến dịch này cho tới nay vẫn chưa rầm rộ trên mạng xã hội Trung Quốc, và thậm chí không có nhiều người dám chia sẻ câu truyện của họ.

Nhiều nhóm nữ quyền Trung Quốc đang khuyến khích phụ nữ đi theo bước chân bà Luo, nhưng ngay cả khi phong trào #MeToo cất cánh, nó sẽ có vẻ khá khác biệt ở Trung Quốc.

Thiếu cơ chế

Bản quyền hình ảnh BUAA
Image caption Trường đại học đã nơi vị giáo sư bị đình chỉ giảng dạy đang điều tra cáo buộc ông này quấy rối tình dục

Feng Yuan, đồng sáng lập Equality, một tổ chức phi chính phủ chống bạo lực giới ở Bắc Kinh, lưu ý rằng bà Luo đã lên kế hoạch hành động của mình một cách cẩn thận và khôn ngoan trước khi công khai.

Bà đã liên lạc với những phụ nữ khác cũng bị quấy rối tình dục bởi cùng một giáo sư và thu thập rất nhiều bằng chứng - kể cả các bản ghi âm - trước khi đưa vụ việc ra ánh sáng.

Bà chờ đợi cho đến khi trường đại học quyết định rằng giáo sư sẽ bị đình chỉ giảng dậy trước khi công khai tài khoản của bà trên mạng.


Theo bà Feng, phụ nữ khác không dễ dàng để theo gương của bà Luo vì "Trung Quốc không có luật về quấy rối tình dục. Các trường học và văn phòng cũng thiếu cơ chế thích hợp để giải quyết vấn đề này".

Bà nói thêm: "Những tiết lộ khác, nếu không được lên kế hoạch tốt như của Luo, có thể sẽ không được chú ý và bị bỏ qua," bà nói thêm "đó là lý do tại sao những người lên tiếng thực sự là phi thường."

'Luật ngầm'

Những nạn nhân quấy rối tình dục ở nhiều quốc gia sợ họ sẽ không được tin tưởng.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, quấy rối tình dục thường được được gọi là "luật ngầm".

Thuật ngữ này cho thấy khái niệm được chấp nhận rộng rãi rằng phụ nữ không bị quấy rối bởi những kẻ muốn quấy rối, mà là sẵn lòng chấp thuận để đạt được lợi ích tương lai.

Nhà nữ quyền Li Sipan nói rằng "luật ngầm" có giọng điệu đổ lỗi cho nạn nhân, bỏ qua việc phụ nữ bị chi phối bởi sức mạnh.

Nó góp phần làm cho các nhạn nhân sợ hãi họ sẽ bị bác bỏ nếu lên tiếng.

Tập trung vào trường đại học

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Trung Quốc được cho là có số lượng sinh viên nhiều nhất thế giới - khoảng 37 triệu người

Ở phương Tây, phong trào # MeToo bắt đầu trong ngành công nghiệp giải trí - sau đó lan sang các lĩnh vực khác như thể thao và chính trị. Nhưng ở Trung Quốc, nó bắt đầu với các trường đại học.

Trước khi bà Luo lên tiếng, một số nữ sinh đã tốt nghiệp cũng tiết lộ trên mạng xã hội rằng từng bị giáo sư nơi họ học quấy rối tình dục hoặc tấn công - nhưng khác với bà, họ ẩn danh.

Nhà nữ quyền Trung Quốc Xiao Meili không ngạc nhiên khi thấy phong trào # Meetoo bắt đầu từ các trường đại học.

"Nhiều cư dân mạng xã hội là sinh viên đại học hoặc có học vấn cao hơn", bà nói.

"Mọi người đều nghe đồn đại, hoặc thậm chí trải nghiệm, quấy rối tình dục ở các trường đại học."


Trong một cuộc khảo sát của Trung tâm Giáo dục Tình dục và Giới tính ở Quảng Châu, gần 70% sinh viên đại học cho biết họ đã bị quấy rối tình dục.

Nhưng hơn một nửa trong số những sinh viên này không muốn báo cáo sự việc với các cơ quan chức năng - đa số nói rằng báo cáo chẳng mang lại điều tốt đẹp gì cho họ.

Bà Xiao nói: "Ở Trung Quốc, sự chênh lệnh quyền lực giữa các giáo sư và sinh viên là rất nghiêm trọng."

Các giáo sư các trường đại học lớn ở Trung Quốc có quyền lực rất lớn đối với sinh viên.

Họ có thể ngăn sinh viên không được xuất bản các bài báo, các dự án nghiên cứu và tốt nghiệp - có nghĩa nếu các giáo sư giận dữ thì có thể gây nguy hại cho sự nghiệp học thuật của một người.

Nhiều sinh viên nữ bị quấy rối bằng lời nói hoặc thể chất - hoặc phải đi ăn uống với các giáo sư nam - bà Li Sipan nói.

Đàn áp các nhà nữ quyền

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Năm nhà nữ quyền Trung Quốc bị giam giữ nhiều tuần lễ năm 2015

Leta Hong Fincher, tác giả của "Những phụ nữ còn sót lại: Sự hồi sinh của bất bình đẳng giới ở Trung Quốc", cho rằng trở ngại lớn nhất cho phong trào "Meetoo" đang lan rộng ở Trung Quốc là kiểm duyệt internet.

Trung Quốc đã bị tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ, Freedom House, xếp hạng là "kẻ lạm dụng quyền tự do internet tồi tệ nhất thế giới" liên tiếp trong ba năm.

"Nếu sự phản kháng lên đến một điểm nào đó mà nó bị coi là làm mất ổn định, chính phủ sẽ không ngần ngại dập tắt ngay lập tức", bà nói.


Trong vài năm qua, đã có một cuộc đàn áp quy mô lớn đối với xã hội dân sự ở Trung Quốc, bao gồm các luật sư, nhà bất đồng chính kiến và tổ chức phi chính phủ.

Các nhà nữ quyền cũng là mục tiêu được nhắm đến.

Vào tháng 5 năm 2015, "năm nhà nữ quyền" - năm phụ nữ vận động chống lại quấy rối tình dục - đã bị chính quyền Trung Quốc giam giữ, gây sốc cho cộng đồng quốc tế.

"Các nhà hoạt động nữ quyền đã tổ chức rất tốt về mặt chính trị. Có nhiều nhà hoạt động nữ quyền ở các thành phố khác nhau, phối hợp với nhau và có sức lan tỏa. Tất cả những yếu tố này cộng lại khiến giới chức Trung Quốc coi họ như mối đe dọa về chính trị", bà Hong Fincher nói.

"Hãy xem những gì đang diễn ra ở Hoa Kỳ. Với chiến dịch #MeToo, nó hạ bệ những người đàn ông quyền lực hầu như mỗi ngày trong vài tháng qua ... Bạn chỉ có thể tưởng tượng rằng nó cực kỳ đáng sợ đối với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc ."

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn