Nghĩ về một tấm ảnh

Thứ Năm, 23 Tháng Giêng 20202:00 SA(Xem: 4283)
Nghĩ về một tấm ảnh

Phan Thành Đạt

22-1-2020

Tết sắp đến, ai cũng đang hối hả chuẩn bị mua sắm. Những người ở xa cũng tìm cách trở về đoàn tụ với gia đình. Tôi không khỏi bùi ngùi khi bắt gặp hình ảnh này trên mạng.

2-9

Hình ảnh một người lao động nghèo, có khuôn mặt khắc khổ, nhớn nhác đang giữ trong tay mặt con chó nhỏ. Chú bán chó để kiếm ít tiền mua quần áo mới cho con? Hay kiếm thêm ít tiền đóng học cho con, lo viện phí cho mẹ? Hay có tiền đong gạo… Hàng trăm câu hỏi đặt ra.

Đất nước mình vẫn nghèo, lạc hậu, chỉ có một bộ phận nhỏ được hưởng lợi từ cơ chế xã hội chủ nghĩa: Quan chức, con buôn cấu kết với nhau để đục khoét, vơ vét đất đai, tài nguyên. Họ ăn của cả thế hệ con cháu sau này. Những đoàn, hội quốc doanh sống bằng ngân sách nhà nước lấy từ tiền thuế của dân nhưng không đứng về phía dân mà bảo vệ đảng.

Ở một đất nước nghèo như Việt Nam nhưng tham nhũng, thất thoát, ném tiền qua cửa sổ thì hiếm ở đâu bằng. Một nhà nước với câu khẩu hiệu “Của dân, do dân vì dân” hay “Tất cả vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh“, nhưng bất công xã hội diễn ra hàng ngày, luật pháp như trò chơi may rủi, người nông dân bị cướp đất, kẻ vi phạm pháp luật vẫn nhởn nhơ sống vui khỏe, còn lên mặt dạy đạo đức cho người khác…

Bức ảnh khiến tôi nhớ đến bài thơ Chợ Đồng của Nguyễn Khuyến khi cụ miêu tả không khí những ngày giáp Tết ở vùng quê: “Hàng quán người về nghe xáo xác/ Nợ nần năm hết hỏi lung tung“.

Văn học miêu tả chị Dậu phải bán con, bán chó, Lão Hạc phải đau đớn bán con Vàng mà lão yêu quý, cứ tưởng đó chỉ là những cảnh đời lầm than trước đây được các nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa phản ánh lại, nhưng thực tế hôm nay vẫn vậy chăng?

Winston Churchill, cựu thủ tướng Anh khi bàn về một mô hình xã hội lý tưởng, cho rằng dân chủ là một mô hình xã hội rất tồi nhưng dẫu sau con người vẫn chưa tìm được mô hình xã hội nào tốt hơn.

Chẳng người Việt nào muốn nhìn thấy đồng bào mình sống nghèo, thiếu tự do. Khi bàn về những chủ đề mang tính “thời sợ” đó, có nhiều người thậm chí có học còn chưa hiểu tự do và dân chủ là gì, vì một điều đơn giản, họ có bao giờ được sống trong môi trường dân chủ, tự do đâu mà biết.

Về lâu dài, Việt Nam cần áp dụng thể chế chính trị giống phương Tây nếu không muốn đất nước nghèo, lạc hậu, cách biệt, xa lạ với thế giới văn minh. Khi đó chắc sẽ không phải nhìn thấy Lão Hạc, chị Dậu trong đời thực nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn