100 năm ngày sinh của đạo diễn Fellini

Thứ Hai, 27 Tháng Giêng 20207:00 SA(Xem: 4439)
100 năm ngày sinh của đạo diễn Fellini
rfi.fr

100 năm ngày sinh của đạo diễn Fellini

Tuấn Thảo

Nổi tiếng là một trong những thiên tài của làng nghệ thuật thứ bảy, Federico Fellini đã từng ảnh hưởng đến nhiều đạo diễn Âu Mỹ như Stanley Kubrick, Martin Scorsese, David Lynch hay Pedro Almodovar. Hôm 20/01/2020 đánh dấu đúng 100 năm ngày sinh của đạo diễn Fellini, từng được người Mỹ mệnh danh là ‘‘Maestro’’, bậc thầy điện ảnh.

Sinh trưởng tại Rimini, ven biển Adriatic phía đông bắc nước Ý, Federico Fellini (1920-1993) đến thủ đô Roma lập nghiệp năm ông 18 tuổi, ban đầu trong ngành hội họa báo chí, trước khi ông chuyển qua học nghề viết kịch bản và quay phim nhờ làm trợ lý cho đạo diễn Roberto Rosselini (tác giả của ‘‘Stromboli, Terra di Dio’’ và ‘‘Roma, Città aperta’’). Fellini chỉ thật sự làm phim với tư cách đạo diễn (theo đúng nghĩa của từ) khi ông đã ngoài 30 tuổi.

Dòng phim Fellini ban đầu mang đậm ảnh hưởng của trường phái ‘‘tân hiện thực’’ của Ý, tiêu biểu nhất là tác phẩm La Strada (Con Đường phát hành vào năm 1954), nhưng kể từ đầu những năm 1960 trở đi, nhà đạo diễn này ‘‘đoạn tuyệt’’ với hình thức diễn đạt cũ để khai phóng một lối tiếp cận mới, ngôn ngữ hình ảnh của Fellini là sự hoà quyện tài tình giữa mộng và thực, kết hợp độc đáo mảng ký ức với trí tưởng tượng thậm chí xóa mờ những ranh giới của lý trí, tạo thêm cơ hội cho những ảo giác lạ kỳ bất chợt xuất hiện trong những tình huống đời thường.

Thoát trường phái tân hiện thực

Bộ phim ‘‘La Dolce Vità’’ là một trong những trường hợp đánh dấu sự thoát ly ấy và nhờ vậy phim đoạt giải Cành cọ vàng Liên hoan Cannes năm 1960, cùng với 10 giải thưởng quốc tế khác. Thành công này mở ra giai đoạn huy hoàng nhất trong sự nghiệp của Fellini. Nhà đạo diễn đã bốn lần đoạt giải Oscar dành cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất ở Hollywood (La Strada, Les Nuits de Cabiria, Amarcord và nhất là 8 ½), một kỷ lục mà ông nắm giữ cùng với đạo diễn đồng hương Vittorio De Sica (tác giả của bộ phim Le ‘‘Voleur de bicyclette’’ Kẻ ăn cắp xe đạp).

Từ Venise đến Cannes, các liên hoan phim quốc tế năm nay đều dành thêm thời gian trong chương trình sinh hoạt để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Fellini. Nhưng quan trọng hơn cả là thành phố Rimini, nguyên quán của nhà đạo diễn, chọn năm 2020 là ‘‘Năm Fellini’’ kết hợp chương trình chiếu phim, hội thảo chuyên đề, triển lãm lớn với các tư liệu do phía gia đình cung cấp. Nhân dịp này, Rimini cũng tổ chức một ‘‘lộ trình ký ức’’ để đưa khách tham quan đi một vòng phố cổ, ghé thăm những nơi Fellini thường lui tới, từ những năm tháng tuổi thơ cho tới khi ông trưởng thành. Khi rời quê nhà đến thủ đô Roma, Fellini đã tầm sư học đạo hầu thực hiện đam mê nghệ thuật đầu đời, kết hợp hai thế giới thành một : phim câm nhưng lại đầy tính ngụ ngôn, hàm chứa nhiều ý nghĩa về mặt xã hội của Chaplin (vua hề Charlot) và thế giới biểu cảm trừu tượng của Picasso.

Chất ngoại khổ đa tầng trong phim Fellini

Cuộc triển lãm tại Viện lưu trữ phim ảnh Pháp Cinémathèque Française cuối năm 2019 từng nhấn mạnh đến mối tương quan chặt chẽ này và cho thấy hai thiên tài Chaplin và Picasso đã tạo nhiều cảm hứng làm phim cho Fellini, để rồi từ đó nhà đạo diễn tạo ra một ngôn ngữ độc đáo cho riêng mình mà giới phê bình thường gọi nôm na là ‘‘Felliniesque’’, tính chất ‘‘ngoại khổ đa tầng’’ của Fellini, có thể được hiểu theo nhiều cách, chứ không thể nào tóm tắt gói gọn trong một định nghĩa đơn thuần.

Chương trình kỷ niệm của Rimini sẽ kết thúc cuối năm 2020 với việc tái tạo một góc phim trường Cinecittà cùng với ngày khai trương Viện Bảo tàng quốc tế Fellini, nâng nhà đạo diễn này lên ngang tầm với những tên tuổi lớn nhất trong lịch sử điện ảnh kể cả các tên tuổi cùng thế hệ với ông Akira Kurosawa, Ingmar Bergman, Orson Welles, Alfred Hitchcok cũng như các đạo diễn thuộc thế hệ sau Martin Scorsese, Steven Spielberg, Francis Ford Coppola, Stanley Kubrick …… Thế nhưng, điều có nhiều ý nghĩa hơn cả việc đưa tên ông vào viện bảo tàng hay đài danh vọng là các trường đào tạo điện ảnh thường giảng dạy cho sinh viên bằng các thước phim ‘‘bất tử’’của Fellini.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn