Bassett Digby - Truyện dân gian Siberia - Con rắn vô ơn

Thứ Ba, 14 Tháng Giêng 20204:00 SA(Xem: 4826)
Bassett Digby - Truyện dân gian Siberia - Con rắn vô ơn

Trần Quốc Việt dịch

Ngày xưa có một ông già người Kirghiz cỡi lạc đà đi xuống biên giới Turkestan và thấy một con rắn sắp bị con cò bắt ăn. Con rắn rất khiếp sợ, nên cầu khẩn ông cứu mạng.

"Được rồi," người Kirghiz nhân hậu nói xong liền từ trên lạc đà bước xuống. Ông đuổi còn cò đi chỗ khác, rồi nhặt con rắn lên bỏ vào một trong những cái túi da nhỏ mà ông luôn luôn mang bên mình.

"Mmmmmmm," con rắn nói.

"Chẳng hiểu gì hết!" người Kirghiz đáp. "Làm ơn nói to lên nào, chứ đừng nói lầm bầm trong miệng."

"Thì ông cũng phải ghé tai lại gần hơn chứ," con rắn nói." Chẳng lẽ ông tưởng ông nghe được tôi nói qua cái túi dày này hay sao... Con cò bay đi rồi chứ? "

"Đúng," người Kirghiz đáp.

"Ông có thật sự, tuyệt đối, hoàn toàn chắc chắn rằng con cò đã bay đi rồi chứ?" con rắn hỏi.

"Đúng," người Kirghiz đáp.

"Ông thật sự hoàn toàn xác tín rằng chuyện con cò bay đi không phải là ảo tưởng mơ hồ phải không nào?" con rắn hỏi dai.

"Đúng," người Kirghiz đáp. Ông cũng chẳng biết hơn gì ta nghĩa của tất cả những từ dài ngoằng này, nhưng ông là người già chín chắn, nên luôn luôn thường nói "đúng" để tránh chuyện lời qua tiếng lại.

"Thế thì thả tôi ra đi; trong này tối bưng, ngột ngạt và khó chịu quá!" con rắn nói.

Người Kirghiz mở dây buộc quanh miệng túi, thả nó ra.

Ra ngoài nắng con rắn nháy mắt một lát. Rồi nó quay sang ân nhân mình nói:

"Bây giờ tôi sẽ cắn lạc đà và ông-cả hai các ngươi! Ông chắc chắn sẽ ngã ra chết!"

"Tại sao?" ông già hỏi. "Ta có hại gì mi đâu."

"Trái lại ông làm ơn cho tôi là đằng khác. Còn nếu ông hại tôi thì tôi mới sợ ông."

"Bất công quá!" ông già người Kirghiz nói. "Tuy nhiên, tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả những sắc thái triết học mới này. Chúng ta hãy tiếp tục đi, và trên đường đi chúng ta sẽ hỏi ý kiến của kẻ khác về chuyện này."

"Con rắn đồng ý. Chẳng bao lâu họ gặp con bò liền kể cho con bò nghe hết mọi chuyện. Con bò nói:

"Con rắn hoàn toàn đúng đấy. Bọn con người các ông cũng cư xử giống như nó vậy thôi. Các ông cũng lấy oán trả ơn. Chẳng hạn, hãy nhìn tôi đây. Mười hai năm trời tôi phục vụ cho cùng một người chủ. Mỗi năm tôi vẫn đẻ ra cho hắn con bê, và tôi còn cho hắn sữa để nuôi bản thân hắn và gia đình nữa. Nhưng giờ tôi già rồi họ chẳng cần đến tôi nữa. Mới hôm qua gã đồ tể đến nắn tôi và bóp tôi. Họ sẽ bán tôi để mổ thịt. Tôi biết mà."

"Ông bây giờ thấy tôi đúng chứ!" con rắn nói vẻ rất thích thú, nhưng ông già người Kirghiz yêu cầu nó chờ cho tới khi họ hỏi ý kiến người nào khác.

Trên con đường xa xăm họ đi ngang qua dưới bóng cây du rất lớn, và nhờ cây giải quyết vụ bất đồng giữa họ.

"Tôi đứng đây một mình giữa thảo nguyên," cây du đáp. "Trong suốt trăm năm tôi tỏa những nhánh cây rậm rạp đầy lá ra để che bóng mát cho bao khách qua đường nghỉ chân ở đây. Nhưng không có một ai trong tất cả bọn họ khi nhìn thân cây vững chắc và các nhánh cây đẹp đẽ của tôi mà lại không ao ước xẻ tôi ra làm ván và xà nhà để đem bán. Những ngày tới sẽ có người đến đốn hạ tôi rồi xẻ tôi ra từng mảnh. Chẳng lẽ tôi làm tất cả những điều tốt suốt bao lâu nay chỉ để được trả ơn như vậy sao?"

"Ông đã nghe con bò kể chuyện," con rắn nói. "Ông đã nghe cây du kể chuyện. Thôi đi. Đừng phí thời gian của chúng ta nữa. Tôi đang phải vội đây. Từ giờ đến xế chiều tôi cắn ba người nữa còn ông đã thật sự đến số rồi." Nhưng ông già van nài nó hãy chờ cho tới lúc họ nghe xem một ý kiến nữa thôi. Thế rồi cả hai đi tiếp.

Chẳng bao lâu họ gặp con chồn già quỷ quyệt. Họ kể cho con chồn nghe chuyện bất đồng của họ và mọi sự xảy ra như thế nào.

"Ta không thể nói cho hai bên biết ta nghĩ gì cho tới khi ta thấy chính xác câu chuyện này bắt đầu như thế nào đã," con chồn nói. "Con rắn hãy bò lại vào cái túi đi, lúc ấy ta mới thấy rõ rắn được cứu ra như thế nào chứ."

Con rắn mới bò nửa chừng vào cái túi. Rồi nó dừng lại.

"Nhanh lên! Bò tiếp! Cậu làm ơn bò một mạch vào bên trong đi!" con chồn vừa nói vừa chọc con rắn để thúc giục nó. "Nhớ bò hẳn vào tận bên trong đấy nhé, và không được lòi một tí gì cái đuôi ra bên ngoài!" Con rắn rất hậm hực, nhưng nó đã vào bên trong túi và cuộn tất cả cái đuôi lại bên trong.

"Đến đây thì được rồi," con chồn vừa nói vừa nhăn trán lại trông có vẻ rất thông thái. "Bây giờ, người Kirghiz kia, ông đã bỏ nó vào túi đúng như thế. Rồi kế tiếp ông làm gì? Có phải ông lấy dây buộc chặt miệng túi lại phải không?"

"Đúng, tôi quả làm như vậy," người Kirghiz đáp.

"Được, vậy hãy làm lại cho ta thấy," con chồn nói tiếp. "Tòa phải hoàn toàn biết rõ sự việc liên quan trực tiếp đến cáo trạng."

Ông già người Kirghiz buộc chặt miệng túi lại.

"Ông biết đập lúa, phải không?"con chồn hỏi.

"Nhưng ở đây tôi đâu có lúa má gì mà đập!" người Khirghiz đáp.

" Thôi đập con rắn vậy," con chồn khuyên. "Bây giờ nó không thể nào ra cắn ông được."

"Tôi không bao giờ nghĩ đến điều ấy!"ông già người Kirghiz cười nói. Và nhặt lấy một tảng đá to và phẳng, ông ném nó lên cái túi và đè bẹp con rắn vô ơn dẹp lép như cái bánh.

"Cảm ơn, chồn,"người Kirghiz nói.

"Không có chi," con chồn lịch sự đáp lại.

Rồi ông già lại leo lên lạc đà và đi tiếp xuống biên giới Turkestan.

Nguồn: Dịch từ tạp chí Mỹ The Living Age số ra ngày 18 tháng Hai, 1922.
http://www.unz.com/print/LivingAge-1922feb18-00428/

Ý kiến bạn đọc
Thứ Tư, 15 Tháng Giêng 20206:21 CH
Khách
@Xú tiểu tử: "...năm 75 Cáo mập tiền vàng chán gạo thèm thịt người ăn tuốt, giờ thì đất mất nhà tan người chết như ĐÒNG TÂM HA HA !"
Cái kết có hậu ! ? Thiệt hay !
Cám ơn @Xú tiểu tử
Thứ Ba, 14 Tháng Giêng 20204:34 CH
Khách
... Con rắn chết rùi, chồn tiếp tục nam tiến tới miền bắc thấy bà NĂM đang bố thí Tiền Vàng Gạo cho Cáo!!! Oh thằng quái quỷ họ nhà minh đang lừa đảo, ta né đường khác cho nó làm ăn, thế là bả chết ngắc. Thành công ... dại thành công, dân Miền Nam tiếp tục đào hầm nuôi đưỡng tiếp tế, năm 75 Cáo mập tiền vàng chán gạo thèm thịt người ăn tuốt, giờ thì đất mất nhà tan người chết như ĐÒNG TÂM HA HA
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn