Điệp viên KGB chỉ rõ 2 sai lầm nghiêm trọng khiến Bức tường Berlin sụp đổ trong đêm đen

Thứ Bảy, 18 Tháng Giêng 20203:00 CH(Xem: 4386)
Điệp viên KGB chỉ rõ 2 sai lầm nghiêm trọng khiến Bức tường Berlin sụp đổ trong đêm đen

Điệp viên KGB chỉ rõ 2 sai lầm nghiêm trọng khiến Bức tường Berlin sụp đổ trong đêm đen - Ảnh 1.

Gần 3 thập kỷ, thủ đô Berlin của Đức không chỉ bị chia rẽ bởi ý thức hệ mà còn bởi một hàng rào bê-tông xuyên qua thành phố - Bức tường Berlin, để trở thành một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1946-1991) xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô; đồng thời là biểu tượng của việc chia cắt nước Đức.

Dựng lên một cách chóng vánh, Bức tường Berlin dài 43,7 km, được 'đắp' bằng tháp canh, dây thép gai, 55.000 quả mìn và chó đặc nhiệm cứ thế tồn tại từ năm 1961 đến năm 1989.

Bối cảnh ra đời

Bức tường Berlin có nguồn gốc từ cuối thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939-1945). Khi chiến tranh kết thúc, nước Đức bị chia thành 4 vùng chiếm đóng do các nước Đồng Minh (Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô) quản lý theo Hội nghị Yalta (1945). Thủ đô Berlin của Đức cũng bị chia cắt.

Năm 1949, (khi Chiến tranh Lạnh diễn ra được 3 năm), Cộng hòa Liên bang Đức (còn gọi là Tây Đức, do Mỹ, Anh, Pháp kiểm soát) ra đời. Không lâu sau, Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) cũng được thành lập dưới sự kiêm soát của Liên Xô. Đi ngược lại hiệp định được ký kết, Đông Berlin và Tây Berlin trở thành thủ đô lần lượt của Đông Đức và Tây Đức.

Những số phận nghiệt ngã...

Nghèo đói và các cuộc đình công lao động liên miên bủa vây lấy Đông Đức. Tình trạng chảy máu chất xám và sự thiếu hụt công nhân (sang Tây Đức) đã khiến cho Đông Đức đóng cửa biên giới với Tây Đức năm 1952.

Không chịu được chế độ ở Đông Đức, người dân nơi này bắt đầu chạy trốn sang Tây Đức bằng biên giới ngăn Tây và Đông Berlin. Ước tính, từ năm 1949 đến năm 1961, khoảng 3 triệu công dân Đông Đức đã chạy sang Tây Đức.

Điệp viên KGB chỉ rõ 2 sai lầm nghiêm trọng khiến Bức tường Berlin sụp đổ trong đêm đen - Ảnh 2.

Ảnh: HESSE, ULLSTEIN BILD/GETTY

Để ngăn chặn tình trạng này, ngày 13/8/1961 lãnh đạo Đông Đức lúc bấy giờ là Walter Ulbricht (1893-1973) ban lệnh xây dựng một bức tường ngăn giữa Đông Đức - Tây Đức.

Kết quả, bức tường bê-tông tại Berlin dài 43,7 km, cao 3,6 mét [trong tổng 156,4 km biên giới với Tây Đức] được bảo vệ bởi 'vết cứa tử thần' dài hàng chục km của tháp canh, dây thép gai, bãi mìn ngầm, cảnh khuyển và nhiều chướng ngại vật khác nhau.

Các binh sĩ Đông Đức canh gác hàng rào 24/7, tiến hành giám sát ở Tây Berlin và nhận lệnh bắn tất cả những ai có ý đồ vượt biên. Bức tường Berlin vì thế trở thành biểu tượng chia cắt nổi tiếng nhất của nước Đức thế kỷ 20.

Dầu vậy, người Đông Đức vẫn tìm mọi cách để vượt biên sang Tây Đức. Họ dùng đủ mọi cách để trốn thoát, từ việc đi qua các đường hầm, khinh khí cầu đến trốn trong các toa tàu hỏa.

Từ năm 1961 đến năm 1989, hơn 5.000 người đã trốn thoát thành công. Những người khác thì không may mắn như vậy; ít nhất 140 người đã thiệt mạng hoặc chết trong khi cố gắng vượt qua Bức tường Berlin từ năm 1916 đến 1989.

Hàng thập kỷ trôi qua, Bức tường Berlin trở thành biểu tượng nghiệt ngã của Chiến tranh Lạnh.

Điệp viên KGB chỉ rõ 2 sai lầm nghiêm trọng khiến Bức tường Berlin sụp đổ trong đêm đen - Ảnh 3.

Nếu như Bức tường Berlin được xây dựng âm thầm trong đêm ngày 13/8/1961, thì 28 năm sau, nó cũng lặng lẽ sụp đổ trong một đêm mùa Đông năm 1989.

Đêm ngày 9/11/1989, thành viên của Bộ Chính trị Đông Đức Günter Schabowski thực hiện cuộc họp báo (được truyền hình trực tiếp) thông báo kết quả của lần họp Ủy ban Trung ương Đảng Đông Đức về cải cách du lịch giữa Đông Đức và Tây Đức. Tuy nhiên, Günter Schabowski đã 'làm hỏng thông điệp' và khiến cho người Đông Đức hiểu rằng biên giới đã được mở.

Hàng ngàn người dân Đông Đức tràn về các cửa khẩu biên giới dọc theo Bức tường Berlin đã mở cửa lúc ấy. Đón họ là hàng chục ngàn người Tây Berlin. Như chưa hề có cuộc chia ly trong 28 năm ròng rã, người dân Đức chào đón nhau trong nước mắt và sâm-panh, âm nhạc rộn ràng...

Điệp viên KGB chỉ rõ 2 sai lầm nghiêm trọng khiến Bức tường Berlin sụp đổ trong đêm đen - Ảnh 4.

Ảnh: Getty Images

Họ cùng nhau phá bỏ bức tường bằng búa tạ. Chưa đầy 1 tháng sau, bức tường chia cắt Berlin và Đức sụp đổ hoàn toàn. Năm 1990, nước Đức thống nhất! Không lâu sau đó, Liên Xô cũng sụp đổ, Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991.

Lịch sử nhờ thế không còn phải chứng kiến những sự chia cắt, những cuộc vượt biên khổ ải, hay những cuộc đối đầu căng thẳng giữa Đông-Tây.

PHẢN ỨNG CỦA LIÊN XÔ 

Ngày 9/11/2019, tờ Russia Beyond (Nga) đăng tải bài viết nói về phản ứng của Liên Xô trước sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ, trong đó có đoạn:

Một tuần trước sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ cách đây tròn 30 năm (1989-2019), lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã gặp nhà lãnh đạo mới (và cuối cùng) của Cộng hòa Dân chủ Đức - Đông Đức, Egon Krenz. Vào thời điểm đó, Đông Đức đã gia tăng vũ khí, yêu cầu dân chủ hóa và mở biên giới với Tây Đức.

Một chế độ xuyên biên giới nghiêm ngặt vẫn được áp dụng, nhưng người dân Đông Đức từ lâu vẫn quyết tâm vượt biên sang Tây Đức.

Mikhail Gorbachev [một người có hệ tư tưởng bắt nguồn từ học thuyết Tư duy mới - New Thinking] không có lý do gì chống lại mong muốn dân chủ hóa của người Đông Đức nhưng ông không biết được rằng cái tên Đông Đức lại sớm biến khỏi 'bản đồ' chính trị mãi mãi chóng vánh đến vậy.

Trong hồi ký của mình, Mikhail Gorbachev đã viết rằng: Suy nghĩ chung của chúng tôi với lãnh đạo Đông Đức Egon Krenz tại cuộc họp về sự thống nhất của nước Đức vẫn là 'không liên quan', không thực sự nằm trong chương trình nghị sự. 

Và rồi một tuần sau, biên giới tượng trưng cho sự phân chia giữa hai nước đã sụp đổ...

Nói về sự việc 'làm hỏng thông điệp' của Günter Schabowski, điệp viên KGB Ivan Kuzmin tại Đông Đức cho biết đó là bản thông báo như thường lệ, không có gì khác thường. Vai trò duy nhất của Günter Schabowski là báo cáo kết quả từ cuộc họp rằng Đông Đức đã thiết lập các quy định xuất cảnh mới tại cửa khẩu biên giới hai nước. 

Nhưng người này đã phạm phải 2 sai lầm nghiêm trọng: Thứ nhất, Günter Schabowski nhầm lẫn giữa biên giới nhà nước với biên giới giữa Đông và Tây Berlin. Sai lầm thứ hai mà người này mắc phải là khi trả lời câu hỏi khi nào các quy định này có hiệu lực, Günter Schabowski đã đưa ra sự nhầm lẫn nhất thời và nói "Ngay lập tức". 

Rồi mọi chuyện xảy ra theo sự nhầm lẫn đó, đám đông khổng lồ từ Đông Berlin vui mừng khôn xiết và tìm đường đến Bức tường Berlin, tràn sang Tây Đức gặp lại cố nhân.

Igor Maksimychev, nhà ngoại giao Liên Xô hồi đó tin rằng, những người hùng thực sự vào đêm ngày 9 - rạng sáng ngày 10/11/1989 khi đó là những người lính biên phòng của Đông Đức, bởi họ đã không chọn cách nổ súng, chính họ đã cứu được vô số người trong đêm lịch sử đó.

Ngày 10/11/1989, Bức tường Berlin đã bắt đầu bị dỡ bỏ, những khối đầu tiên của nó bị tách ra thành những món quà lưu niệm về sau.

Mikhail Gorbachev không lên kế hoạch cho một sự kiện như vậy, nhưng sẽ là quá lời khi nói rằng lãnh đạo Liên Xô bị bất ngờ trước những diễn biến trong đêm ngày 9/11. Ngày 10/11, Mikhail Gorbachev gửi một tin nhắn cho lãnh đạo Đông Đức Egon Krenz nói rằng, chấp thuận việc mở cửa biên giới.

"Tôi nghĩ rằng đó là giấc mơ bí mật của Mikhail Gorbachev về một ngày nào đó ông thức dậy và hay tin Bức tường Berlin đã biến mất." - Andrey Grachev, tổng thư ký của lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tin tưởng. "Mikhail Gorbachev đã chống lại việc phân vùng của Đức rất nhiều lần nhưng ông tránh mọi liên quan cá nhân đến vấn đề này. Cuối cùng, mọi việc lại xảy ra như thế."

Về phần mình, Mikhail Gorbachev nhấn mạnh rằng ông sẽ không can thiệp vào ý chí của người dân Đức và sử dụng lực lượng quân đội Liên Xô tại biên giới Đông Đức. "Chúng tôi đã thực hiện mọi bước có thể để đảm bảo tiến trình này diễn ra hòa bình, không đi ngược lại lợi ích của đất nước chúng tôi hay đe dọa đến hòa bình châu Âu dưới bất kỳ hình thức nào." - Mikhail Gorbachev nói.

Điệp viên KGB chỉ rõ 2 sai lầm nghiêm trọng khiến Bức tường Berlin sụp đổ trong đêm đen - Ảnh 6.

Ngày 15/8/1961, hai ngày sau khi công trình Bức tường Berlin khởi công, Conrad Schumann - người lính Đông Đức, 19 tuổi - khi đó đang làm nhiệm vụ canh gác công trường xây dựng tại góc giao giữa hai đường Ruppiner Strasse và đường Bernauer Strasse, đã có hành động mà nhiều năm về sau anh phải tự tử để giải phóng cho chính mình.

4 giờ chiểu ngày 15/8/1961, những người cảnh sát Tây Đức hét lên "Komm über!" (Đến đây đi!) với anh lính Conrad Schumann. Conrad Schumann lập tức nhảy qua hàng rào thép gai và buông khẩu súng của mình, bước lên chiếc xe cảnh sát Tây Đức đang chờ sẵn ở đó và di chuyển rất nhanh.... Người lính trẻ ra đi, để lại Đông Đức - nơi có cha mẹ, người thân và đồng đội, mong tìm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khoảnh khắc này đã được nhiếp ảnh gia Peter Leibing của hãng thông tấn xã Mỹ AP 'bắt lại'. Với tựa đề "The Leap of Freedom" (tạm dịch: Bước đến Tự do), bức ảnh trở thành một trong những bức ảnh biểu tượng của Chiến tranh Lạnh và sự chia cắt nước Đức.

Điệp viên KGB chỉ rõ 2 sai lầm nghiêm trọng khiến Bức tường Berlin sụp đổ trong đêm đen - Ảnh 8.

Hình ảnh anh lính Đông Đức Conrad Schumann vượt hàng dây thép gai để chạy sang Tây Đức do nhiếp ảnh gia hãng AP Peter Leibing chớp lại. Ảnh: TIMES/100 photos.

Báo chí phương Tây nhanh chóng 'đánh bóng' tên tuổi của người lính Đông Đức Conrad Schumann, đưa anh trở thành người khát khao tự do và cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cuộc đời anh những ngày về sau bị giam cầm trong chính cái ngày anh tưởng mình tìm được tự do ấy.

Năm 1989, Bức tường Berlin sụp đổ. Năm 1990, Đông Đức và Tây Đức hợp nhất.

Nhưng, anh lính năm đó không dám trở lại quê xưa (ở Saxony). Bởi người Đông Đức năm đó đã gọi anh là 'kẻ phản bội'. Anh trở thành 'tấm gương xấu', khiến cho 2.000 sĩ quan Đông Đức cũng bỏ quê hương chạy sang Tây Đức.

Sự ghẻ lạnh của những người ở quê nhà khiến anh chìm sâu vào sự dằn vặt và hối hận. Ngày 20/6/1998, người ta tìm thấy anh chết trong tư thế treo cổ trong một khu rừng gần nhà tại thị trấn Kipfenber, Bavaria. Lặng lẽ và cô độc.

Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic, Russian Beyond

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn