Tranh cãi Nga-Ba Lan căng thẳng leo thang về Thế chiến II

Thứ Năm, 09 Tháng Giêng 20201:00 SA(Xem: 3427)
Tranh cãi Nga-Ba Lan căng thẳng leo thang về Thế chiến II
bbc.com

Tranh cãi Nga-Ba Lan căng thẳng leo thang về Thế chiến II


Molotov signs the Nazi-Soviet Pact in Moscow, 23 August 1939 Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Molotov ký hiệp ước với Đức Phát xít tại Moscow, tháng 8/1939: Von Ribbentrop (thứ ba từ trái) và Stalin (thứ tư, mỉm cười) theo dõi việc đặt bút ký

Cuộc tranh cãi giữa Nga và các nước EU về những nguyên nhân làm nổ ra Đệ nhị Thế chiến tiếp tục leo thang, với việc một quan chức hàng đầu của Nga lên án đại sứ Hoa Kỳ tại Ba Lan.

Chủ tịch Quốc hội Vyacheslav Volodin đăng trên Twitter rằng Đại sứ Georgette Mosbacher đang "sỉ nhục" người Nga và người Mỹ.

Hôm thứ Hai, bà Mosbacher viết: "Thưa Tổng thống Putin, Hitler và Stalin đã cấu kết để mở màn Đệ nhị Thế chiến."


Ông Vladimir Putin nói rằng Ba Lan và các đồng minh đang bóp méo lịch sử.

Trong cuộc họp báo kéo dài hôm 9/12, ông nói rằng "hoàn toàn không thể chấp nhận được và thiếu chính xác" khi đổ đồng trách nhiệm giữa nhà lãnh đạo Phát xít Đức Adolf Hitler và nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin trong việc làm bùng nổ chiến tranh.

Ông Putin nói rằng ông đã yêu cầu xem các hồ sơ lưu trữ của Liên Xô để viết một bài báo về chủ đề này - cuộc xâm lược của Phát xít Đức vào Ba Lan hôm 01/9/1939.

Ông nói rằng các cường quốc phương Tây và Ba Lan đã nhân nhượng vô lối trước sự hung hăng của Hitler với việc để Đức Phát xít chiếm Tiệp Khắc vào năm 1938.

Cuộc xâm chiếm Ba Lan của phe phát xít diễn ra chỉ một tuần sau khi Ngoại trưởng của Hitler Joachim von Ribbentrop và Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov ký hiệp ước bất tương xâm hôm 23/8/1939 khiến cả thế giới kinh ngạc.

Một điều khoản bí mật trong hiệp ước đã phân chia Đông Âu thành phần chịu ảnh hưởng của Phát xít và của Nga, cho phép hai nhà độc tài - một phát xít và một cộng sản - chiếm đóng và phân chia Ba Lan.

Bà Mosbacher viết trên twitter rằng Ba Lan là nạn nhân của hai kẻ độc tài.


Tuy nhiên, ông Volodin, một người thân cận với ông Putin, nói rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có lẽ cần phải đảm bảo để một vị đại sứ như bà Mosbacher phải có đủ kiến thức về lịch sử một quốc gia trước khi cử bà tới đó công tác.

Ông Putin đã làm sống lại các biểu tượng Liên Xô thời chiến, và các bức chân dung ông Stalin được trình bày khá phổ biến tại nước Nga.

Năm 2020 sẽ là năm kỷ niệm lần thứ 75 quân Đồng minh chiến thắng Phát xít Đức.

Hơn 20 triệu công dân Liên Xô đã thiệt mạng trong cái mà Nga gọi là "Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại" sau khi Phát xít Đức xâm chiếm Liên Xô vào năm 1941.

Cha của ông Putin đã phục vụ trong lực lượng cảnh sát mật NKVD của Stalin, và bị thương nặng trong chiến tranh, hồi 1942.

Cuộc tranh cãi đã leo thang thế nào?

Thứ Hai 30/12: Bên cạnh nội dung tweet của đại sứ Hoa Kỳ, đại sứ Đức tại Ba Lan là Rolf Nikel cũng gây sóng với một tin tweet: "Hiệp ước Molotov-Ribbentrop nhằm chuẩn bị cho cuộc xâm lăng của Phát xít Đức vào Ba Lan. Liên Xô cùng với Đức đã tham dự vào việc xâu xé tàn bạo đối với Ba Lan."

29/12: Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ra một thông cáo, cáo buộc ông Putin đã dùng vấn đề Đệ nhị Thế chiến làm phương tiện che giấu những bước thụt lùi gần đây của Nga trên trường quốc tế, chẳng hạn như bị lệnh trừng phạt thể thao do sử dụng doping. Ông Morawiecki nói "Tổng thống Putin đã nói dối về Ba Lan trong một số lần."

27/12: Bộ Ngoại giao Ba Lan triệu tập đại sứ Nga tới để phản đối, nhắc lại rằng cuộc chiến nổ ra bắt đầu là từ hiệp ước Phát xít Đức - Liên Xô, và rằng Ba Lan đã mất khoảng sáu triệu công dân trong cuộc chiến.

19/9: Nghị viện Âu châu ra nghị quyết có ý nghĩa chính trị quan trọng, nhưng không mang tính pháp lý, thúc giục các nước EU "làm rõ ràng và đánh giá về mặt nguyên tắc đối với các tội ác và hành động xâm chiếm hung hăng của các chế độ cộng sản toàn trị và chế độ Phát xít". Nghị quyết này mô tả cuộc chiến là "kết quả trực tiếp" của thỏa thuận Phát xít - Liên Xô hồi 1939.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn