Mưu đồ sâu xa của Ả Rập Xê Út ở Yemen ( Và tin điểm báo khác )

Thứ Bảy, 28 Tháng Mười Hai 20197:39 SA(Xem: 4897)
Mưu đồ sâu xa của Ả Rập Xê Út ở Yemen ( Và tin điểm báo khác )
rfi.fr

Mưu đồ sâu xa của Ả Rập Xê Út ở Yemen

Thu Hằng

L’Express là tuần san duy nhất phát hành trong tuần này. Tạp chí Pháp dành 38 trang cho nhân vật chính là nhà văn Pháp Albert Camus nổi tiếng. Trong phần thời sự quốc tế, L’Express đăng phóng sự « Hiểm họa chia rẽ » tại Yemen của đặc phái viên Quentin Müller.

Công luận thế giới chỉ quan tâm đến chiến sự ở Syria mà quên rằng Yemen, nằm trên bán đảo Ả Rập, trên lối vào Biển Đỏ, đã tan hoang vì nội chiến từ năm 2015 và trở thành mặt trận ủy nhiệm giữa Ả Rập Xê Út và Iran. Cộng Hòa Nhân Dân Yemen từng được Liên Hiệp Quốc công nhận ngay năm 1979 là quốc gia đứng hàng đầu Trung Đông về mặt giáo dục. Phụ nữ từng được quyền phá thai và tham gia vào đời sống kinh tế nhiều hơn so với những quốc gia Ả Rập khác.

Hiện tại Yemen bị lực lượng nổi dậy Houthi kiểm soát. Lực lượng Houthi theo Zaidism, một nhánh của hệ phái Shia, và được Iran hậu thuẫn. Ả Rập Xê Út, theo hệ phái Sunni - đối thủ của hệ phái Shia - đứng đầu liên quân Ả Rập, can thiệp quân sự để hỗ trợ chính phủ Sanaa.

Từ năm 2017, vùng Mahra, nằm sát biên giới với Oman và nằm bên bờ biển Ả Rập, bị lực lượng Ả Rập Xê Út ngấm ngầm chiếm đóng và can thiệp vào đời sống chính trị của tỉnh có 650.000 dân này. Về mặt chính thức, chính quyền Riyad can thiệp để tái lập chính quyền địa phương, truy đuổi phiến quân Houthi. Nhưng theo sultan Abdullah bin Essa al-Afar của vùng Mahra, hiện sống lưu vong ở Oman mà phóng viên của L’Express được tiếp xúc, Ả Rập Xê Út còn có nhiều mưu đồ khác ở vùng Mahra.

Lập căn cứ quân sự, điều di dân theo phái Salafi để mở rộng ảnh hưởng

Ưu tiên chính của Riyad là giám sát, bảo vệ đường ống dẫn dầu, một dự án sẽ được xây dựng và đi qua khu vực này. Để thực hiện được ý đồ này, lực lượng Ả Rập Xê Út chiếm cảng Nishtun, bên bờ biển Ả Rập và các đồn biên phòng ở Shahin và Serfait, đóng vai trò quan trọng giữa Oman và Yemen, sân bay Al Ghaydah cũng bị trưng dụng. Vì phản đối sự hiện diện của Ả Rập Xê Út, người đứng đầu vùng Mahra, Mohammed Bin Kudda, bị Riyad gây áp lực để thay thế bằng một nhân vật được cho là bù nhìn trong tay Ả Rập Xê Út.

Theo thẩm định của Sana’a Center For Strategic Studies, một cơ quan nghiên cứu và phân tích độc lập của Yemen, lực lượng Ả Rập Xê Út có lẽ đã lập 5 căn cứ quân sự chính thức ở Mahra. Một số nguồn tin địa phương cho rằng con số này còn nhiều hơn.

Cùng lúc, vài trăm người nhập cư Hồi Giáo theo phái Salafi (thuộc hệ phái Sunni) từ miền tây Yemen đến thủ phủ Qishn của vùng, ngoài ra còn có rất nhiều người Nigeria, Bắc Phi và một số người Pháp. Người dân địa phương nhận ra ý đồ mở rộng ảnh hưởng của Riyad khi cấp đất đai cho những cư dân mới và một tổ chức nhân đạo của Riyad đứng ra hỗ trợ họ. Do người dân địa phương phản đối mạnh mẽ, nên Ả Rập Xê Út đành hủy dự án xây một trung tâm Hồi Giáo theo phái Salafi.

Gây bất ổn ở Yemen để… xây đường ống dẫn dầu

Theo một nguồn tin ngoại giao phương Tây, « Ả Rập Xê Út hiện diện ở Mahra để xây một đường ống dẫn dầu ở đây. Điều này giúp Riyad tránh được việc trung chuyển dầu qua eo biển Ormuz (một phần do đối thủ Iran kiểm soát), một vùng xảy ra nhiều căng thẳng quốc tế ».

Còn sultan Abdullah bin Essa al-Afar cáo buộc : « Ả Rập Xê Út muốn cướp đất để mở lối ra biển Ả Rập ». Vào tháng 09/2018, lực lượng các bộ tộc ở vùng Mahra đã đẩy lùi được một nhóm kĩ sư Ả Rập Xê Út đang bắt đầu xây một con đường (chuẩn bị cho dự án xây đường ống dẫn dầu) trong vùng hoang mạc Kharkhir, biên giới giữa Ả Rập Xê Út và Yemen.

François Frison-Roche, chuyên gia về Yemen, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), nhận định : « Đối với Ả Rập Xê Út, giấc mơ có từ lâu, không thể thực hiện được, chừng nào Yemen vẫn là một nước Cộng Hòa có chủ quyền, có lẽ sẽ thành hiện thực. Tình hình hiện nay đã thay đổi. Chính quyền Riyad sẽ tìm được nguồn tài chính hoặc quân sự để đồn trú ở trong vùng và bảo đảm an toàn cho việc chuyên chở vàng đen ».

Lực lượng Yemen được Riyad yểm trợ không ngần ngại trấn áp những cuộc biểu tình phản đối sự hiện diện của Ả Rập Xê Út. Nhiều nhà báo điều tra bị bắt giam, trong đó có Yahya al-Sewari. Ông miêu tả « vùng Mahra phải chịu làn sóng trấn áp mù quáng của Ả Rập Xê Út », họ « lộng hành mà không bị trừng phạt ».

Nhà báo Quentin Müller của L’Express cho rằng về lý thuyết, chính quyền Riyad không có lợi gì khi đánh thức những ý đồ độc lập của các vùng vì điều này còn khiến Yemen bị chia rẽ hơn nữa. Nhưng Ả Rập Xê Út cũng có thể quyết định ủng hộ dự án tự trị của vùng Mahra. Một khi được độc lập, làm sao Mahra có thể cưỡng lại được ý đồ bá quyền của Ả Rập Xê Út ?

Vụ Hoa Vi : Trudeau sập bẫy của Trump ?

« Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết », thủ tướng Canada Justin Trudeau đang nằm trong tình cảnh này. « Vụ Hoa Vi : Liệu Trudeau sập bẫy của Trump ? », Courrier International đặt câu hỏi trong một bài đăng trên website (do đã ra số đúp vào tuần trước), dựa trên nhận định của cựu thủ tướng Canada Jean Chrétien. Theo đó, khi chấp nhận yêu cầu của Mỹ tiến hành bắt nữ giám đốc tài chính của Hoa Vi, ông Trudeau là nạn nhân thủ đoạn của tổng thống Mỹ và ông Trudeau đang phải trả giá.

Kể từ khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt ở sân bay Vancouver cách đây một năm, quan hệ Trung Quốc-Canada trở nên xấu đi. Bắc Kinh trả đũa bằng thương mại và bắt giữ hai công dân Canada, Michael Spavor và Michael Kovrig, bị cáo buộc vi phạm bí mật Nhà nước.

Cựu thủ tướng Canada Jean Chrétien khẳng định trên đài CTV News : những căng thẳng hiện nay giữa Bắc Kinh và Ottawa là do Washington gây ra : « Đó là một cái bẫy mà Donald Trump giăng ra. Thật bất công vì chúng ta đã phải trả giá cho điều mà Trump muốn chúng ta làm ». Và theo ông, vụ việc còn kéo dài vài năm vì « quý bà đó (Mạnh Vãn Châu) sẽ không sang Mỹ ngay được. Và trong thời gian đó, chúng ta có hai công dân Canada ngủ trong xà lim ».

Trong khi Trung Quốc và Canada khẩu chiến, Hoa Kỳ dần đạt được một thỏa thuận thương mại « giai đoạn 1 » với Bắc Kinh. Theo trang Le Devoir ngày 20/12/2019, thủ tướng Trudeau « đã yêu cầu Mỹ không đúc kết thỏa thuận tự do trao đổi thương mại với Mỹ chừng nào hai người Canada vẫn còn bị chính quyền Trung Quốc cầm tù ».

Một yêu cầu « đã bị thất bại », theo phát biểu của một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc. Trang South China Morning Post trích lại « lời khuyên » của vị quan chức Trung Quốc với Canada : « Đừng mất thời gian và công sức liên minh chống Trung Quốc hoặc gây sức ép với Trung Quốc về những vấn đề không liên quan, vì các vị sẽ chẳng thu được lợi gì ».

Trong một bức thư được nhật báo Vancouver Sun đăng tải, chủ tịch Quỹ Châu Á-Thái Bình Dương của Canada, Stewart Beck và Pitman B. Potter, một giáo sư luật tại đại học Colombie-Britanique, khẳng định rằng « trong mọi trường hợp tốt hay xấu, Trung Quốc ‘đã đến’ và chúng ta phải ở tuyến đầu thay vì chỉ phản ứng về những quyết định được Bắc Kinh và Washington đưa ra ».

Pháp : Vấn đề thể tục và chợ Noel Strasbourg

Tuần san The Economist của Anh có một góc nhìn khác về chợ Noel truyền thống, trong bài viết « Mối quan hệ phức tạp của Pháp với Giáng Sinh » và được Courrier International trích dịch trong bài : « Phi tôn giáo và chợ Giáng Sinh : trường hợp ngoại lệ Strabourg nhìn từ Anh Quốc ».

Pháp là một nước theo thể chế thế tục. Điều này được ghi rõ trong luật năm 1905. Chính những nguyên tắc này đã dẫn đến nhiều quyết định cấm khác nhau: cấm khăn trùm trong trường học, cấm mang, đeo thánh giá hoặc những dấu hiệu tôn giáo một cách lộ liễu. Nhưng ở Strasbourg vào dịp Giáng Sinh, không khí Công Giáo xuất hiện ở mọi góc chợ, từ hang đá nơi Chúa Hài Đồng được sinh ra bên máng lừa, đến những chú cừu thật... trong khi tất cả các tòa thị chính đều chúc chung chung « Joyeux Fêtes » (Chúc những ngày lễ an lành).

Tuy nhiên, Strasbourg lại được hưởng ngoại lệ, theo một điều khoản trong Điều ước Napoleon năm 1801 và hiện vẫn có hiệu lực.

Bốn tôn giáo được công nhận tại Strasbourg cũng như ở vùng Alsace và Moselle : Công Giáo, Tin Lành Luther, Tin Lành cải cách và đạo Israel. Tại hai vùng này, các trường công lập có cả lớp dạy về tôn giáo. Tổng thống Pháp là người bổ nhiệm chính thức tổng giám mục Strasbourg. Đối với người dân Pháp quen với tư tưởng thế tục, việc thành phố Strasbourg trực tiếp tham gia vào các hoạt động tổ chức Giáng Sinh, chắc hẳn phải khiến họ bất ngờ.

Vấn đề thể chế thế tục luôn là nguồn gốc của các cuộc tranh luận và mâu thuẫn. Strasbourg không phải là trường hợp ngoại lệ của những căng thẳng này. Người ta vẫn nhớ vụ khủng bố năm 2018 mà thủ phạm Chérif Chekatt, sinh ra ở Strasbourg. Ngoài ra, còn có một mạng lưới tuyển người cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo sang chiến đấu ở Syria. Vùng này còn có nhiều nhóm cực hữu và tân phát xít, thường xuyên phun sơn hình chữ thập phát xít lên bia mộ người Do Thái.

Nhà nghiên cứu Hakim El Karoui, thuộc Viện Montaigne, khẳng định « có rất nhiều căng thẳng ngầm ở Strasbourg », bởi vì « một phần vấn đề nằm ở chỗ Hồi Giáo không được hưởng cùng cương vị như những tôn giáo khác ».

Albert Camus, một biểu tượng của Pháp

Cách đây 60 năm, Albert Camus, tác giả của Người xa lạ (L’étranger) chết trong một vụ tai nạn ô tô ngày 04/01/1960. Tuần báo L’Express dành gần 40 trang để tưởng nhớ « Albert Camus, một biểu tượng của Pháp », người sinh ra ở Algérie, từng đạt giải thưởng Nobel Văn học và là cây bút xã luận của L’Express.

Camus nhà văn, nhà báo, một người nổi loạn, đối với giáo sư Jeanyves Guérin, đại học Paris III - Sorbonne nouvelle, khi trả lời L’Express, « Camus là người truyền tải dân chủ », trong khi nhà văn Jean-Paul Sartre từng coi Camus là đại diện cho « cánh tả yếu đuối ». Sáu mươi năm sau khi ông qua đời, Lịch sử đã cho thấy rõ rằng Camus có lý. Lần lượt qua từng câu hỏi, giáo sư Pháp phân tích về những điểm còn khúc mắc về nhà văn với chủ nghĩa Cộng sản, với phe xã hội, sự ủng hộ nhiệt thành với Mendès France, cũng như quan điểm của Camus về Algérie, về cuộc chiến Algérie…

Vụ tai nạn xe hơi khiến Albert Camus thiệt mạng cũng được L’Express đề cập qua bài viết : « Những đồn thổi và sự thật quanh cái chết bi kịch ». Giovanni Catelli, tác giả người Ý một cuốn sách về Camus, đưa ra giả thuyết nhà văn Pháp bị tình báo Nga KGB ám sát. Một chiếc lốp xe đã bị phá từ trước để nổ trên con đường bằng phẳng, dưới tán lá cây tiêu huyền. Vẫn theo tác giả người Ý này, Camus đã tự « kí » vào án tử hình ngày 15/03/1957 ở Paris, khi ông tham gia buổi mit-tinh ủng hộ người dân Hungari, nạn nhân của loạt trấn áp thời Xô Viết. Nhiệm vụ được KGB giao cho tình báo Séc, thậm chí được chính quyền Pháp lúc đó bật đèn xanh.

Lẽ ra sau chuyến nghỉ ở miền nam, Camus về Paris bằng tầu hỏa nhưng thay đổi kế hoạch vào phút chót. Theo Giovanni Catelli, có lẽ tình báo Séc đã tranh thủ thời gian chuyến xe của Camus nghỉ đêm tại Thoissey để làm thủng lốp chiếc xe Facel Vega. Ngày hôm sau, khi đi đến khu vực Fontainebleau, chiếc xe bị nổ lốp, trật đường, đâm lần lượt vào hai cây tiêu huyền bên lề đường, bị gẫy làm đôi, các mảnh vỡ văng tứ tung trên vài chục mét. Camus ngồi ở băng ghế sau, không cài dây an toàn, đã qua đời, ở tuổi 46.

Phác họa chân dung ''tổ tiên người Anh'' nhờ gien

Vẫn tuần báo L’Express đề cập đến một tiến bộ mới trong lĩnh vực công nghệ. Nhờ khai thác chuỗi ADN trong xương sọ của Cheddar Man, người đàn ông chết cách đây khoảng 10.000 năm, các nhà nghiên cứu đã có thể phác họa được tổ tiên của người Anh, mắt xanh, da ngăm đen, thay vì dạng người phổ biến ở Anh hiện nay (da trắng, tóc đỏ).

Thành tích này có được nhờ các nhóm nghiên cứu thuộc Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Luân Đôn. Theo các nhà nghiên cứu, trong một số trường hợp, trừ điều kiện quá ẩm hoặc quá nóng, ADN được bảo quản rất tốt và chứa lượng thông tin rất lớn. Giới tính, mầu mắt, mầu tóc, mầu da và đặc tính hình thể có thể xác định được chỉ nhờ  vào gien.

Ngành sinh học phân tử ứng dụng trong lĩnh vực nhân chủng học hiện mở ra hướng nghiên cứu mới trong ngành cảnh sát khoa học. Về nguyên tắc, khá là dễ để phân tích các dấu vết gien và biết được liệu một mẫu ADN thuộc về một người đàn ông hay một phụ nữ, liệu người đó có mắt xanh hay nâu, tóc vàng hay đen...

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn