Thêm một tác hại bất ngờ được phát hiện đối với người hút cần sa

Thứ Năm, 02 Tháng Giêng 20207:00 SA(Xem: 3954)
Thêm một tác hại bất ngờ được phát hiện đối với người hút cần sa
can-sa

Cần sa là một trong những chất kích thích bị nghiêm cấm ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng nhiều thống kê cũng chỉ ra rằng lượng người sử dụng cần sa là không hề nhỏ. Như theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc (UN), hiện có khoảng 158,8 triệu người trên thế giới hút cần mỗi ngày – con số tương đương với khoảng 3% dân số thế giới.

Ở một số quốc gia, cần sa được hợp pháp hóa, hoặc có thể được sử dụng như một loại thuốc an thần trong một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, phần đông thế giới đều xem đây là một chất gây nghiện nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Và nay, các chuyên gia bất ngờ phát hiện ra một tác hại chưa từng biết đến do cần sa mang lại. Theo đó, những người hút cần tăng gấp đôi nguy cơ mắc một chứng bệnh rất hiếm, khiến hoạt động của tim yếu dần đi. Chứng bệnh ấy mang tên: “Hội chứng con tim tan vỡ” – broken heart syndrome.

Cụ thể, người có hội chứng này sẽ thấy tim xuất hiện những áp lực tương tự như một cơn đau tim, gây đau ngực, khó thở, chóng mặt và mất nhận thức. Nguyên do là vì khả năng bơm máu của tim đột nhiên sụt giảm. Dù các triệu chứng chỉ là tạm thời, nhưng giới y học lo ngại rằng đó là dấu hiệu không hề tốt cho cơ thể.

Tiến sĩ Amitoj Singh từ ĐH St Luke (Pennsylvania, Mỹ) cho biết: “Tác động của cần sa, đặc biệt là đối với hệ tim mạch, vẫn còn là bí ẩn với chúng ta. Mọi người cần biết rằng cần sa có thể gây hại cho tim mạch”.

Để có được thành quả này, tiến sĩ Singh đã phân tích các dữ liệu lấy từ hơn 33.000 người Mỹ mắc chứng căng cơ tim trong giai đoạn 2003 – 2011. Sau khi đưa nhiều yếu tố vào mô hình, nghiên cứu cho thấy các thanh niên hút cần có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần người thường.

Bên cạnh đó, người dùng cần sa thường xuyên cũng có tiền sử mắc trầm cảm, rối loạn tâm thần, rối loạn lo âu, nghiện rượu, hoặc lạm dụng các chất kích thích khác.

“Nếu bạn trót nghiện cần sa và thấy một số dấu hiệu như đau ngực, thở ngắn, khó thở… hãy cân nhắc đi khám bệnh càng sớm càng tốt, để đảm bảo bạn không mắc phải các chứng bệnh nghiêm trọng liên quan đến tim mạch” – tiến sĩ Singh đưa ra lời khuyên.

Mà quan trọng nhất là, đừng dính vào các loại chất gây nghiện. Phạm pháp đấy!

Nghiên cứu được công bố tại hội nghị của Hội tim mạch Hoa Kỳ.

Theo Trí Thức Trẻ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn