Thiên đường từ sự phản bội đẫm máu ở Nhật Bản

Chủ Nhật, 07 Tháng Giêng 20182:00 CH(Xem: 9205)
Thiên đường từ sự phản bội đẫm máu ở Nhật Bản
Konjikido, the golden hall at Chusonji temple in the historical town of Hiraizumi

Hiraizumi có lẽ là một trong những ngôi làng quan trọng nhất ở Nhật Bản mà bạn chưa từng nghe nói tới.

Dưới thời Samurai, chế độ phong kiến Nhật Bản không khác gì phim Trò chơi Vương quyền (Game of Thrones) ngoài đời thật, tồn tại vô số những câu chuyện về sự phản bội trong dòng tộc, những cuộc trả đũa, mưu đồ chính trị và các vương triều chiến thắng hay sụp đổ.

Đó là lí do vì sao Fujiwara no Kiyohira, người sống ở vùng đông bắc Tohoku của Nhật Bản từ năm 1056 đến 1128, lại trở thành người cực kỳ đáng ngưỡng mộ.

Dù mất cha, mất vợ và một người con vì sự phản bội, Fujiwara vẫn quyết định phá bỏ vùng luẩn quẩn thù hận đẫm máu và dùng số tài sản và sự giàu có của mình để tạo dựng hòa bình thay cho chiến tranh.


Sau khi xây dựng nơi hoạt động tại làng Hiraizumi, ông dành vài chục năm cuối đời tạo ra một niết bàn Phật giáo trên cõi trần, nơi những tâm hồn bằng hữu và thù hằn, cả của con người lẫn của vạn vật, đều cảm thấy được vỗ về an ủi, chung sống hòa hợp. Người con trai và cháu trai của ông đã góp phần bổ sung thêm với nhiều khu vườn, đền và chùa, khiến danh tiếng làng Hiraizumi nức tiếng toàn cõi Nhật Bản và lan đến cả Trung Quốc.

Bản quyền hình ảnh Beth Reiber
Image caption Khu vườn tại Hiraizumi

Thật đáng buồn, đó cũng là phần kết của câu chuyện.

Vào năm 1189, chỉ 100 năm sau triều đại bình yên trị vì qua ba thế hệ dòng họ Fujiwara, vùng đất Phật giáo lý tưởng bị Lãnh chúa Minamoto no Yoritomo thôn tính trong cuộc chinh phạt để trở thành tướng quân shogun và thiết lập chế độ độc tài quân sự tại Kamakura, một thị trấn không xa thủ đô Tokyo ngày nay.

Trải qua nhiều thế kỷ, những tòa nhà bằng gỗ lộng lẫy của gia tộc Hiraizumi tan hoang dưới ngọn lửa và hoang phế. Nhưng những thành tựu của nhà Fujiwara để lại nhiều ảnh hưởng to lớn lên lịch sử Nhật Bản và chưa bao giờ tàn lụi trong tâm trí người dân.

Khu lăng mộ Kim Sắc Đường (Golden Hall) được mạ vàng là kiến trúc duy nhất còn sót lại từ thế kỷ 12, được coi là một trong những kiến trúc lộng lẫy nhất Nhật Bản, sánh ngang với bất cứ công trình nào bạn có thể bắt gặp ở cố đô Kyoto. Trong thực tế, Hiraizumi có lẽ là một trong những ngôi làng quan trọng nhất ở Nhật mà bạn chưa từng nghe danh.

Lần đầu tiên tôi đến Hiraizumi là năm 2011, sáu tháng khi sau cơn động đất và sóng thần xóa sổ nhiều làng mạc ven biển trong vùng và khiến hơn 19.000 người thiệt mạng.

Những đống đổ nát xếp đầy hai bên đường khi tôi đi từ sân bay Sendai, nhưng không khí ở làng Hiraizumi, nơi không bị thiệt hại, lại tràn ngập hi vọng. Hoạt động du lịch tại vùng Tohoku giảm mạnh, nhưng ngôi làng thì vừa được Unesco công nhận là Di sản Thế giới.

Bản quyền hình ảnh TOSHIFUMI KITAMURA/AFP/Getty Images
Image caption Du khách tới thăm khu chính điện đền Chuson-ji

Thị trấn gọn gàng, tinh tế và dễ chịu này có khoảng 8.000 cư dân với ít nhà cửa và một số cửa hàng đồ lưu niệm không tinh xảo, khác xa với những địa danh nổi tiếng khác của Nhật Bản.

Nơi này nhỏ đến nỗi bạn có thể đi bộ, đạp xe hoặc bước lên một chiếc xe bus du lịch chạy đến hầu hết các điểm của làng - nhưng bạn sẽ không thể đắm chìm tư tưởng trong bình an và thanh sạch của dòng họ Fujiwara chỉ bằng cách dạo quanh vội vàng.

Đó là bởi chỉ còn rất ít di tích quý giá sót lại từ thời hoàng kim của làng Hiraizumi từ 900 năm về trước, vì thế cách duy nhất để chiêm ngưỡng những gì bạn thấy là bằng cách tưởng tượng ra nơi này từng ra sao và hãy để tinh thần của ngôi làng tạo ra những sự kỳ diệu.

Điểm dừng đầu tiên của tôi là Trung tâm Văn hóa Di sản Hiraizumi, nơi tôi tìm hiểu về những điểm quan trọng trong lịch sử và văn hóa rộng lớn của làng Hiraizumi, và người đã vẽ ra viễn cảnh về Phật Giáo Tịnh Độ. Cuộc đời của Fujiwara rất vĩ đại, bắt đầu khi bảy tuổi lúc cha ông bị hành quyết và mẹ ông bị gả vào gia đình kẻ sát nhân đã giết chồng mình.

Bản quyền hình ảnh JTB Photo / Getty Images
Image caption Chuson-ji là nơi lưu giữ hơn 3.000 hiện vật quý giá của quốc gia

Fujiwara lớn lên quanh những kẻ thù đáng phải chết của ông.

Nhiều năm sau đó, sau khi giết một người anh cùng mẹ khác cha để trả thù cho cái chết của vợ và con, ông đã chuyển từ việc liên minh với các thế lực trong vùng sang liên minh với các lực lượng của hoàng đế và trở thành lãnh chúa, người thống lĩnh tối cao trong toàn khu vực rộng lớn mênh mông đầy vàng có tên gọi Oshu, ngày nay là vùng Tohoku.

Nhưng không có gì giải tỏa được nỗi buồn, lãnh chúa Fujiwara quyết định tạo ra một Niết bàn Phật giáo trên cõi trần gian để an ủi, chăm sóc linh hồn người đã khuất.

Thành tựu vĩ đại của ông ngay lập tức hiển hiện rõ ràng tại Đền Chuson-ji, nơi từng có hơn 40 giảng đường và chùa chiền, và là nơi lưu trú cho 300 nhà sư.

Ngày nay, khách du lịch có thể khám phá sảnh đường chính với các nghi lễ và nghi thức, thăm một bảo tàng quý giá của đền, với hơn 3.000 hiện vật văn hóa quý giá và quan trọng, gồm các bức tượng Phật và các đồ chôn cất thuộc về các lãnh chúa nhà Fujiwara, và đến thăm một sân khấu ngoài trời hiếm hoi lợp mái tranh và xem những vở kịch Noh truyền thống, thường được các chú tiểu và nhà sư ở chùa Chuson-ji trình diễn hàng năm trong các lễ hội mùa xuân và mùa thu.

Nhưng kiến trúc duy nhất còn lại từ thời Fujiwara là Kim Sắc Đường (Konjikido) lộng lẫy, được xây hoàn thành năm 1124.

Bản quyền hình ảnh TOSHIFUMI KITAMURA/AFP/Getty Images
Image caption Sảnh Kyozo tại đền Chuson-ji

Ban đầu tôi bị choáng ngợp khi phát hiện ra toàn bộ sảnh đường được bọc bên trong một tòa nhà bê tông, đã làm giảm sự hoàn hảo và sức ảnh hưởng của nó.

Nhưng sau đó tôi nhận ra Kim Sắc Đường đáng tôn kính đến nỗi nó đã được gia cố bởi những chất liệu này từ năm 1288, khi nhà Mạc phủ Kamakura lật đổ triều đại Fujiwara đã xây lên phần che chắn đầu tiên cho lễ đường này.

Kim Sắc Đường được tạo tác từ gỗ đàn hương và được phủ gần như hoàn toàn bằng vàng lá, nơi đây thờ Phật Amida, chủ thuyết của Phật giáo Tịnh Độ, hai bên có tượng của môn đệ và sự giải thoát của những chú công và hoa thể hiện thiên đường.

Bạc, ngà voi, kim loại, xà cừ và sơn mài Nhật Bản phủ trên phần vàng bọc bên ngoài ban thờ và bốn cây cột với chi tiết hoa văn phức tạp, khiến Kim Sắc Đường vừa là một kỳ quan kiến trúc vừa là một tác phẩm nghệ thuật trong thời đại đó.

Điểm dừng chân kế tiếp của tôi là Đền Motsu-ji, nơi được con trai lãnh chúa Fujiwara xây dựng và cháu ông hoàn thành. Ngôi đền này có thời còn lớn hơn cả Đền Chuson-ji, với nơi ở cho 500 nhà sư, chưa có bất cứ nơi nào có kích cỡ lớn như vậy. Trời ạ, chỉ còn những nền đá còn tồn tại đến ngày nay, nhưng một bản đồ mô tả khổng lồ cho thấy nơi này có hình dạng ra sao thời đó.

Bản quyền hình ảnh The Asahi Shimbun / Getty Images
Image caption Kim Sắc Đường là cấu trúc duy nhất của Hiraizumi còn giữ nguyên vẹn những nét thiết kế như ngày đầu xây dựng

Nơi yêu thích nhất của tôi ở Hiraizumi là Vườn Tịnh Độ. Được bảo tồn còn nguyên vẹn đến kinh ngạc, và được coi là một trong những khu vườn đẹp nhất từ thế kỷ 12, khu vườn có trung tâm là một hồ lớn làm biểu tượng cho đại dương, với kỹ thuật non bộ đơn giản như rặng núi hiểm trở, núi non, bãi biển uốn cong và nhiều hòn đảo tạo nên nét đẹp dễ chịu.

Đơn giản và không trang trí nhiều như những vườn cảnh truyền thống của Nhật Bản, nơi đây chính xác là những gì tôi tưởng tượng về một thiên đường Phật Giáo an nhiên.

Như hầu hết các di tích lịch sử của Nhật Bản, tôi ước gì mình có thể được thấy Hiraizumi vào thời hưng vượng nhất của nó. Một nhà thơ Haiku tên Basho, từng đến thăm Hiraizumi 500 năm sau khi nơi này sụp đổ, đã cảm tác hệt như vậy khi ông viết mấy câu thơ:

Cỏ mùa hè,

Vết tích duy nhất còn lại

Của giấc mơ chiến binh xưa

Nhưng đó là một giấc mơ vĩ đại, và thật đáng ngạc nhiên, dưới nền của Kim Sắc Đường, di thể của Fujiwara, con trai và cháu ông, cũng như thủ cấp của chắt ông, đã được những người ủng hộ Minamoto gửi cho Kamakura làm bằng chứng cho cái chết của nhà Fujiwara.

Và vì thế thi thể của họ và huyền thoại vẫn còn được bảo tồn trong kiến trúc duy nhất của Vườn Phật Giáo Tịnh Độ và còn tồn tại đến ngày nay. Nếu đó không phải là kiếp luân hồi, tôi không biết nên gọi đó là gì.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn