Quy luật thú vị khiến "tam giác" Trung-Hàn-Triều dù băng giá đến đâu cũng phải ấm lại

Thứ Bảy, 06 Tháng Giêng 201810:00 CH(Xem: 7531)
Quy luật thú vị khiến "tam giác" Trung-Hàn-Triều dù băng giá đến đâu cũng phải ấm lại

Quan hệ Trung-Triều lạnh giá

Sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc (25/10/2017), chủ tịch Tập Cận Bình - trong vai trò Tổng bí thư ĐCSTQ khóa 19 - đã cử Trưởng ban liên lạc đối ngoại trung ương Tống Đào làm Đặc phái viên tới một số nước, trong đó có Triều Tiên, vào tháng 11 để thông báo kết quả Đại hội.

Chuyến đi Triều Tiên của ông Tống Đào bị đánh giá là không thực sự thành công, khi ông không được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tiếp kiến. Quan hệ hai nước ngay sau đó tiếp tục lạnh giá, thậm chí căng thẳng thêm, nhất là sau ngày 29/11 khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạo đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15, được xác định là có tầm bắn bao phủ toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ.

Ngày 22/11, Hãng hàng không Trung Quốc (Air China) tuyên bố tạm ngừng các chuyến bay tuyến Bắc Kinh-Bình Nhưỡng. Tiếp đó Trung Quốc tuyên bố tạm ngừng đi lại trên Cầu Hữu nghị bắc qua sông Áp Lục nối với Triều Tiên trong 10 ngày (từ 24/11-3/12) để sửa chữa, nhưng tới 13/12 vẫn chưa xong.

Đây là chiếc cầu quan trọng nhất cung cấp tới 70% hàng hóa cho Triều Tiên. Các chuyên gia Trung Quốc cho biết khi quan hệ hữu nghị thì sự cố hư hỏng này chỉ cần mấy tiếng đồng hồ, nhưng giờ đây đã kéo dài tới cả tháng.

Phía Trung Quốc còn cho biết từ tháng 1/2018 các doanh nghiệp Triều Tiên ở Trung Quốc phải rời khỏi nước này. Đây được thông báo là động thái tuân theo các nghị quyết cấm vận Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, nhưng đồng thời giới quan sát cho là thông điệp cứng rắn của Bắc Kinh gửi đến Bình Nhưỡng.

Ngày 26/11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Tập đoàn quân 78 thuộc Quân giải phóng nhân dân (PLA) tiến hành cuộc diễn tập mang tên Yanhan-2017 (Lạnh giá-2017) ở chiến khu miền Bắc - khu vực phụ trách cả an ninh biên giới Trung-Triều, để kiểm tra "tình trạng sẵn sàng chiến đấu".

Đến ngày 6/12, tờ Cát Lâm Nhật Báo - cơ quan ngôn luận của đảng bộ tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, giáp với Triều Tiên - đăng bài "Kiến thức phòng ngừa chiến tranh hạt nhân".

Ngoài ra, còn có thông tin cho rằng Trung Quốc đã lập 5 trạm đo mức độ chấn động của bom hạt nhân và thậm chí còn lập một số "trại tị nạn" ở biên giới để đề phòng trường hợp xung đột trên bán đảo.

Những thông tin này cho thấy tình tình căng thẳng trên biên giới hai nước và làm dư luận dân chúng hoang mang. Dư luận cho rằng quan hệ hai nước Trung – Triều trở nên thù địch và đối đầu.

Quy luật thú vị khiến tam giác Trung-Hàn-Triều dù băng giá đến đâu cũng phải ấm lại - Ảnh 1.

Ông Tống Đào không được lãnh đạo Kim Jong Un tiếp kiến tại Bình Nhưỡng, thay vào đó là Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Choe Ryong Hae - quan chức được cho là thân cận nhất với ông Kim (Ảnh: AP)

Trung-Hàn ấm lên "cứu" cục diện bán đảo

Tất cả sự kiện căng thẳng giữa Trung-Triều đều diễn ra khi quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc bị lạnh nhạt, nhất là khi Hàn Quốc cho phép Mỹ bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vào tháng 7/2016.

Giờ đây, mối quan hệ Trung-Hàn đã ấm lên sau thời gian hơn một năm căng thẳng, vì cả hai bên đều có nhu cầu cấp bách cải thiện quan hệ sau khi Tổng thống Moon Jae In lên nắm quyền vào tháng 5/2017, thay bà Park Geun Hye bị phế truất.

Ngay sau khi đắc cử ngày 10/5, ngày 19/5 ông Moon đã cử đặc phái viên Lee Hae Chan thăm Trung Quốc 3 ngày (18/5-20/5). Trong buổi tiếp ông Lee, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ: Hai bên cần nhanh chóng hòa dịu cục diện căng thẳng hiện nay, tranh thủ sớm khởi động lại hiệp thương đối thoại, đưa quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo bình thường.

Cùng với cử chỉ thân thiện, làm lành với Trung Quốc, chính quyền ông Moon quyết định tạm dừng bố trí THAAD nhằm tháo gỡ một phần mâu thuẫn chủ yếu trong quan hệ hai nước. Đáp lại, Trung Quốc bãi bỏ một số trừng phạt đối với Hàn Quốc như cho phép du khách tiếp tục tới Hàn, ngừng trừng phạt Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc ở Trung Quốc.

Một dấu hiệu quan trọng là vào ngày 11/11 vừa qua, ông Moon và ông Tập đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng. Trong cuộc gặp, hai bên nhất trí đưa quan hệ hai nước trở lại bình thường.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc coi trọng quan hệ với Hàn Quốc, nguyện ra sức thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh. Ông cho rằng quan hệ hai nước đang ở vào thời điểm then chốt, hai bên cần coi trọng lợi ích cốt lõi và những vấn đề trọng đại của nhau, bảo vệ tin cậy chính trị, tăng cường hiểu biết, thông cảm và phối hợp hiệp thương với nhau.

Tổng thống Moon Jae in cũng nhấn mạnh sẽ hết sức cố gắng, nhanh chóng khôi quan hệ hai nước, nhất là nguyên thủ hai nước cần sớm gặp gỡ để tăng cường hợp tác. Phía Hàn Quốc hứa không để vấn đề THAAD làm tổn hại lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc, đồng thời áp dụng biện pháp "3 không", gồm: Không theo đuổi thêm hệ thống THAAD; Không tham gia vào Hệ thống chống tên lửa của Mỹ; Không phát triển thêm quan hệ quân sự với đồng minh Mỹ, Nhật. Dư luận cho rằng đây là sự nhượng bộ rất lớn đối với Trung Quốc.

Sự nhân nhượng lẫn nhau giữa hai bên đã đưa tới chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha ngày 22/11, mở đường cho chuyên công du Trung Quốc 4 ngày từ 13 đến 16/12 vừa qua của Tổng thống Moon. Đây là mốc quan trọng đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo bình thường sau gần hai năm kể từ ngày 6/1/2016, khi Triều Tiên thông báo thử hạt nhân lần thứ tư, và Trung Quốc từ chối đối thoại với Hàn Quốc.

Quy luật thú vị khiến tam giác Trung-Hàn-Triều dù băng giá đến đâu cũng phải ấm lại - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đón tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Bắc Kinh ngày 14/12/2017 (Ảnh: AP)

Quan hệ Trung-Hàn rơi vào đáy vực từ tháng 7/2016 khi tổng thống Park Geun Hye đồng ý cho Mỹ lắp đặt THAAD, mà Trung Quốc cho rằng làm tổn hại lợi ích an ninh chiến lược của mình và tiến hành trừng phạt kinh tế Hàn Quốc. Tiếp đó là sự kiện ngày 7/10/2016, tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cảnh sát biển Hàn Quốc càng làm cho quan hệ hai nước căng thẳng và đối đầu.

Giống như năm 2011 quan hệ hai nước đã rơi vào đáy vực khi sự kiện ngày 12/12/2011, thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc Trình Đại Vĩ đâm chết cảnh sát Hàn Quốc khi đang làm nhiệm vụ. Một làn sóng mạnh mẽ chống Trung Quốc nổi lên rầm rộ khắp Hàn Quốc ngay trước thềm "Năm hữu nghị" kỉ niệm 20 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 - 2012). Phía Hàn Quốc đã hủy bỏ tất cả những chương trình rầm rộ kỉ niệm "Năm hữu nghị" được cả hai nước chuẩn bị rất công phu.

Hơn một năm đối đầu làm dẫn tới tổn thất cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, nên đầu năm 2012, tổng thống Lee Myung Bak đã thăm chính thức Trung Quốc 3 ngày (9/1-11/1/2012) để cứu vãn tình thế, hàn gắn lại quan hệ hai nước. Dư luận cho rằng đây là "chuyến thăm phá băng" giống như ông Moon tới Bắc Kinh ngày 13/12 vừa qua.

"Tam giác" Trung-Hàn-Triều luôn quay lại với nhau

Xét về lịch sử, quan hệ tam giác Trung-Hàn-Triều lâu nay vẫn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn và thường bùng phát mỗi khi lợi ích của ba nước nảy sinh mâu thuẫn.

Tuy nhiên, lợi ích chiến lược, nhất là những lợi ích cốt lõi về an ninh và kinh tế giữa ba nước luôn gắn với nhau, nên sau thời gian căng thẳng, lãnh đạo ba nước sẽ lại cố gắng tìm cách hàn gắn quan hệ.

Các nhà phân tích cho rằng những nhân tố khiến cả ba nước không thể mâu thuẫn, đối đầu lâu dài:

Thứ nhất là lợi ích an ninh chiến lược. Nếu như Trung Quốc khiến quan hệ với cả Triều Tiên và Hàn Quốc đi xuống, đồng nghĩa với nước này mất đi tiếng nói trên bán đảo và cả khu vực Đôn Bắc Á, đặc biệt khi Triều Tiên đang tiến gần tới mục tiêu trở thành nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Như vậy, mối đe dọa an ninh chiến lược sẽ trở nên nghiêm trọng.

Giáo sư Đặng Duật Văn, nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Thời báo học tập của Trung Quốc, trong bài đăng trên mạng tin Đa chiều ngày 15/11/2017, đánh giá: Kinh nghiệm quan hệ 25 năm qua của hai nước Trung-Hàn cho thấy hệ thống THAAD chỉ là thứ yếu, lợi ích an ninh cũng như lợi ích kinh tế của Hàn Quốc đối với Trung Quốc còn quan trọng hơn nhiều. Hiện quan hệ Trung-Triều đang xấu đi, nếu để "mất" Hàn Quốc cũng có nghĩa là Trung Quốc "mất" toàn bộ bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á. Về kinh tế cũng mất đi một thị trường tiềm năng cho Trung Quốc với kim ngạch gần 300 tỉ USD hiện nay.

Quy luật thú vị khiến tam giác Trung-Hàn-Triều dù băng giá đến đâu cũng phải ấm lại - Ảnh 3.

Lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ đặt tại Hàn Quốc là điểm then chốt trong mâu thuẫn Trung-Hàn (Ảnh: AP)

Đối với Hàn Quốc, thì nhân tố Trung Quốc còn quan trọng hơn nhân tố Mỹ trong việc kiềm chế Triều Tiên. Nếu quan hệ Seoul-Bắc Kinh xấu đi thì không còn lực cản nào lớn như Trung Quốc đối với Triều Tiên, và an ninh chiến lược sẽ trở nên nghiêm trọng.

Một trong mục đích quan trọng thử tên lửa và vũ khí hạt nhân là Triều Tiên tạo ra chia rẽ trong quan hệ Trung-Hàn và quan hệ Trung-Mỹ, bởi quan hệ ba bên Mỹ-Trung-Hàn được củng cố sẽ là sức ép lớn với Triều Tiên. Hơn nữa, Trung Quốc còn đóng vai trò cầu nối quan trọng cho Hàn Quốc và Triều Tiên.

Trong khi đó, Triều Tiên còn là "khu đệm" chiến lược cho Trung Quốc trước cụm đồng minh của Mỹ trong khu vực, và Bắc Kinh không thể đánh đổi lợi ích chiến lược quan trọng này.

Thứ hai, lợi ích về kinh tế, buôn bán cũng rất lớn. Mặc dù hiện nay Bắc Kinh áp đặt một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên, nhưng vẫn là nước chủ yếu cung cấp viện trợ, nhất là hàng dân dụng cho Triều Tiên.

Trong bài "Trung Quốc cần nhận thức lại vấn đề Triều Tiên" đăng trên trang Đa Chiều ngày 22/11 năm nay, giáo sư Trịnh Vĩnh Niên, từ Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng Trung Quốc cần nghiêm túc kiểm điểm và nhận thức lại vấn đề Triều Tiên, không nên đổ lỗi và đẩy cho nước khác, như vậy sẽ tác hại rất lớn tới lợi ích chiến lược của chính mình. Phải coi vấn đề Triều Tiên là vấn đề của chính mình để tìm cách cải thiện quan hệ.

Trong khi đó, quan hệ hợp tác kinh tế Trung-Hàn rất quan trọng đối với cả hai nước. Kim ngạch khi song phương lập quan hệ ngoại giao năm 1992 chỉ có 5 tỉ USD, nhưng hiện tới gần 300 tỉ USD, 11 tháng đầu năm 2017 tới trên 253 tỉ USD, tăng 12% so với cùng thời kỳ năm trước bất chấp căng thẳng về chính trị.

Hàn Quốc là nước đầu tư trực tiếp lớn thứ 4 tại Trung Quốc, tới năm 2013 đạt 56 tỉ USD với 56.224 hạng mục. Gần 2 năm quan hệ xấu đi và bị Trung Quốc trừng phạt kinh tế làm Hàn Quốc thất thu 5.2 tỉ USD và GDP năm 2017 có thể bị suy giảm 0.4%.

Thứ ba, về chính trị và vai trò quốc tế. Quan hệ Trung-Hàn cải thiện có thể làm dịu tình hình Đông Bắc Á, từ đó có thể thúc đẩy cải thiện quan hệ Trung-Nhật, Trung-Mỹ, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, từng bước làm giảm căng thẳng điểm nóng khu vực, có lợi cho hòa bình, ổn định thế giới.

Tháp tùng Tổng thống Moon Jae In trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua có tới gần 300 doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc và hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác kinh tế thời gian tới.

Trong hội đàm ngày 14/12/2017, nguyên thủ hai nước đều khẳng định chuyến thăm này là mốc quan trọng và sẽ mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ song phương.

Bởi vậy, dư luận cho rằng sau khi quan hệ Trung-Hàn được cải thiện thì mối quan hệ tam giác "một trục nóng, một trục lạnh" giữa ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc, và Triều Tiên theo đó cũng sẽ từng bước được cải thiện./.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn