Bí mật tàu buôn nô lệ trong lòng biển Nam Phi

Thứ Năm, 10 Tháng Mười 201911:00 CH(Xem: 3652)
Bí mật tàu buôn nô lệ trong lòng biển Nam Phi
bbc.com

Bí mật tàu buôn nô lệ trong lòng biển Nam Phi

Piet van Niekerk và Werner Hoffmann BBC Travel

Iziko Museums Bản quyền hình ảnh Iziko Museums

Xác tàu đắm gần bãi biển Clifton của Cape Town giấu kín những trang đau lòng của lịch sử buôn nô lệ xuyên Đại Tây Dương suốt 200 năm qua.

Werner Hoffmann Bản quyền hình ảnh Werner Hoffmann

Truy tìm dấu tích tàu São José

Con tàu bị đắm đầu tiên trong số các tàu chở nô lệ Châu Phi giờ đây đã được trục vớt lên từ bãi biển nổi tiếng thế giới ở Cape Town, Nam Phi.


Suốt hơn 200 năm qua, người ta đã không thể tìm ra xác con tàu São José Paquete d'Africa.

Việc tìm kiếm tàu São José là câu chuyện "có màu sắc trinh thám," nhà khảo cổ hải dương học Jaco Boshoff từ Bảo tàng Iziko ở Nam Phi nói.

Boshoff và đồng sự, Tiến sĩ Steve Lubkemann từ Đại học George Washington ở Hoa Kỳ, là hai nhà điều tra chủ chốt trong Dự án Xác tàu Nô lệ quốc tế, một nỗ lực khảo cổ và nghiên cứu được bắt đầu thực hiện từ năm 2008.

Việc tìm kiếm tàu São José ban đầu dựa trên tài liệu lưu trữ của Công ty Đông Ấn Hà Lan (là công ty quản lý vùng thuộc địa Cape Colony cho đến tận năm 1795) mà họ tìm thấy từ Dịch vụ Lưu trữ và Hồ sơ Western Cape.

Theo các tài liệu, con tàu Bồ Đào Nha mang theo 512 nô lệ người Mozambique khởi hành đi Brazil và bị đắm vào ngày 27/12/1794 ở Vịnh Camps trên Bán đảo Cape.

Boshoff và nhóm nghiên cứu của ông đã lặn ở khu vực này để tìm xác tàu nhưng không đạt kết quả gì.

Tiết lộ của người Hà Lan

Trong nỗ lực tìm kiếm, từ năm 2010, Boshoff quay lại Kho Lưu trữ Cape, nơi lưu trữ tài liệu từ năm 1651, khi khu định cư thuộc địa đầu tiên của Hà Lan được thiết lập tại đây.


Tại cơ quan lưu trữ này, ông phát hiện ra lời kể của thuyền trưởng Bồ Đào Nha về con tàu đắm, nội dung đã được một nhân viên chính phủ do công ty Đông Ấn Hà Lan thuê dịch sang tiếng Hà Lan.

Biết tiếng Hà Lan và là thợ lặn say mê khu vực Bán đảo Cape, Boshoff bị ám ảnh về việc vị thuyền trưởng mô tả quá trình đi tìm nơi tránh gió 'onder de Leeuwe Kop' (có nghĩa là 'dưới Đầu Sư Tử'). Điều này có nghĩa là rất có thể vụ đắm tàu đã xảy ra tại các bãi biển Clifton, nằm ngay bên dưới Đầu Sư Tử, một ngọn núi trông giống như con sư tử cúi đầu ngay kế bên Núi Bàn (Table Mountain).

Boshoff cũng đồng thời nhận ra là có một xác tàu từng được dân săn kho báu phát hiện ra tại các bãi biển Clifton vào đầu thập niên 1980.

Tàu đó được xác định là tàu Schuilenburg của Hà Lan, chìm vào năm 1756. Thế nhưng rất có khả năng là nó đã được xác định sai và đó thực ra chính là tàu São José.

Boshoff và nhóm nghiên cứu của ông sau đó liền tập trung sự chú ý vào các bãi biển Clifton.

Bản quyền hình ảnh RODGER BOSCH / Stringer

Chứng cứ vững chắc

Tiến sĩ Lubkemann đã tìm thấy một tài liệu trong kho lưu trữ Arquivo Historico Ultramarino ở Lisbon, Bồ Đào Nha.


Tài liệu này ghi rằng tàu São José rời Lisbon vào ngày 27/4/1794 để đến Mozambique thông qua ngả Cape Town, trên khoang có chở 1.400 thanh sắt.

Theo Boshoff thì các thành viên trong Dự án Xác tàu Nô lệ nghĩ rằng số thanh kim loại này được dùng để mua nô lệ ở Mozambique, nhưng có một số thanh được giữ lại trên tàu để bù trừ, giữ thăng bằng cho tàu một khi chuyển sang chở 'hàng' là các nô lệ.

Vào 3/12/1794, Thuyền trưởng Manuel Joao Perreira giong buồm từ Mozambique đến bang Maranhão của Brazil.

Ông dự định sẽ dừng chân ở Cape Town để lấy hàng tiếp liệu trước khi băng qua Đại Tây Dương, nơi ông sẽ đem bán 512 nô lệ.

Tuy nhiên, tàu gặp sự cố ở Bán đảo Cape và bị nhấn chìm. Hơn 200 nô lệ thiệt mạng, những người sống sót bị đem bán ở Cape Town.

Khi Boshoff và nhóm nghiên cứu của ông tìm thấy những thanh kim loại tại bãi đắm tàu Clifton trong thời gian từ 2011 đến 2012, họ tin rằng đó là bằng chứng mà họ đang tìm kiếm.

Họ bắt đầu lập tài liệu ghi nhận đầy đủ vụ đắm tàu từ năm 2013 và tiến hành trục vớt hiện vật từ đáy biển từ năm 2014.

"Dần dần chúng tôi khám phá ngày càng nhiều bằng chứng," Boshoff nói. "Bằng cách sử dụng công nghệ quét CT - vì các hiện vật đều rất dễ bị vỡ gẫy - chúng tôi xác định được dấu tích của xiềng xích nô lệ chìm dưới lớp trầm tích cứng."

Những thanh kim loại cũng như nhiều hiện vật khác như một phần thân tàu trục vớt từ bãi tàu đắm giờ đây đang được cho mượn trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Smithsonian về Lịch sử và Văn hóa của Người Mỹ gốc Phi tại Washington DC.

"Khám phá này rất quan trọng vì trước đây chưa từng có tài liệu khảo cổ về xác tàu đắm bị mất tích khi đang chở 'hàng' là người nô lệ," Lonnie G Bunch III, Giám đốc sáng lập Bảo tàng Quốc gia Smithsonian về Lịch sử và Văn hóa của Người Mỹ gốc Phi nói.

Giống như thiên đường

Có tầm nhìn hướng về một trong những bất động sản đắt đỏ nhất Nam Phi, bốn bãi biển ở Clifton chỉ đơn giản được đặt tên là Bãi Nhất, Bãi Hai, Bãi Ba và Bãi Tư.

Đây là nơi nổi tiếng và rất quen thuộc với những người ưa tắm nắng trong nhiều thập niên vì là nơi bảo vệ cho mũi Cape tránh khỏi luồng gió hú đông nam thổi từ Đầu Sư Tử vào.

Dù nơi đây được nhìn nhận như là bãi biển riêng nhưng ai cũng đều có thể đến.

Đây là một trong những bãi biển duy nhất không thể hiện sự phân biệt trong suốt thời kỳ tồn tại chế độ phân biệt chủng tộc ở quốc gia này.

Tuy rất nhiều cư dân sống ở Clifton không để ý rằng bãi tàu đắm São José chỉ nằm cách vài mét gần Bãi Hai và Bãi Ba, nhưng có một người nổi tiếng sống ở đây đã theo đuổi Dự án Xác tàu Nô lệ sau khi tổ chức buổi tưởng niệm vào năm 2015 tại nhà riêng, nơi có góc nhìn hướng ra bãi tàu đắm.

Thẩm phán Albert Louis Sachs (còn được gọi là Albie) từng là nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc, và là một trong những người viết ra hiến pháp dân chủ đầu tiên cho Nam Phi. Ông được Nelson Mandela bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án Hiến pháp Nam Phi.

Là cư dân sống ở Clifton, Thẩm phán Sachs coi di tích xác tàu nô lệ nằm quá gần một bãi biển bình dị là gợi nhắc một phần lịch sử đen tối.

"Đó không chỉ là lịch sử của chúng tôi; đó là lịch sử của thế giới," ông nói.

"Tôi nghĩ giá trị của những khám phá như thế này nằm ở chỗ nó được mọi người từ khắp nơi trên thế giới tìm ra… trong một nỗ lực phối hợp quốc tế, để nhằm thấu hiểu, tiết lộ, phản ứng và thậm chí là nhận trách nhiệm về sự suy đồi quốc tế trong quá khứ."

Nhiệm vụ mong manh

Nancy Child là một nhà bảo tồn hiện vật. Cô đã bỏ Bảo tàng Di sản Văn hóa thuộc Đại học Oslo (nơi cô làm việc với hiện vật tìm thấy từ những con tàu Viking ngập nước) để làm công việc bảo tồn hiện vật trục vớt được từ bãi đắm tàu São José.

Một trong những nhiệm vụ thách thức nhất mà cô phải đối mặt là bảo tồn những chiếc cùm nô lệ được vớt lên từ bãi tàu đắm.

Chúng bị nước ăn mòn dữ dội và bị trầm tích cứng bao bọc bên ngoài.

Child phải dùng quá trình điện hóa và làm sạch điện phân bằng cách đặt hiện vật vào dung dịch có chất dẫn điện (electolyte) và cho dòng điện thấp chạy qua. Phải tốn nhiều năm mới đem lại kết quả, nhưng tiến trình này giúp giảm lượng hợp chất ăn mòn, đưa các hiện vật trở trạng thái kim loại.

Hiện nay cô đang chuẩn bị một số hiện vật - như xiềng xích, đinh và các tấm ván được dùng trong quá trình đóng tàu - để trưng bày trong một triển lãm dài hạn về tàu São José.

Triển lãm này sẽ khai trương vào ngày 12/12/2018 ở bảo tàng lịch sử Lều Nô lệ (Slave Lodge) của Cape Town.

Là nơi được xây dựng từ 1679 để giam giữ nô lệ, tòa nhà này là một trong những tòa nhà cổ nhất và hiện nay đã được cải tạo lại (sau khi được dùng làm văn phòng chính phủ trong hơn một thế kỷ rưỡi), trở thành nhà trưng bày về lịch sử Nam Phi dưới chủ đề lớn "Từ sai lầm của con người đến quyền dành cho con người" ('From human wrongs to human rights').

"Một chiếc tàu đắm là một chiếc tàu xuyên thời gian. Đó là một dạng thông điệp trong vỏ chai. Chúng ta cần phải bảo tồn hiện vật và nghiên cứu chúng tỉ mỉ," Gerty Thirion, giám đốc sưu tầm thuộc Dự án Xác Tàu Nô lệ, nói.

Di sản văn hóa

Việc tìm kiếm và ghi chép về những con tàu đắm là phương pháp mới để nghiên cứu về hoạt động buôn nô lệ toàn cầu trước kia.

Nhưng kiểu nghiên cứu này chỉ mới là một bước trong mục tiêu chung của Dự án Xác tàu Nô lệ, Boshoff cho biết.

"Dự án sử dụng các cuộc trưng bày và trình diễn ở nơi công cộng, và nhiều cách khác nữa, như nghệ thuật và thơ ca, để công chúng toàn cầu trải nghiệm và tương tác với những mảnh ghép nguyên bản của phần quá khứ, phần đã đóng vai trò then chốt trong việc định hình lịch sử thế giới."

Cũng vì lý do đó mà Dự án Xác tàu Nô lệ đã đề nghị Dianna Ferrus, một nhà văn và nhà thơ ở Cape Town, truy nguyên nguồn gốc tổ tiên của cô, những người đã bị bắt làm nô lệ và đưa từ Mozambique đến Cape Town, để cô viết một bài thơ về cuộc đời riêng nhân cách hóa một phần lịch sử.

Như cô viết chi tiết trong bài thơ đầy cảm xúc, có một tục lệ là người ta thường đặt tên họ cho nô lệ theo tháng mà họ bị bán đi.

Một số hậu duệ của người Nam Phi có gốc gác là người nô lệ Mozambique ngày nay có tên họ là "February" (Tháng Hai). Điều này càng củng cố lý thuyết cho rằng họ bị nhanh chóng bán đi, chưa đến hai tháng sau thảm họa đắm tàu.

Nhóm nghiên cứu vẫn đang tìm kiếm tài liệu lưu trữ để tìm hiểu xem chính xác điều gì đã xảy ra với những nô lệ người Mozambique vào đầu năm 1795. Boshoff nói ông và các đồng sự tin rằng những người này đã nhanh chóng bị bán đi để lao động tại nông trại ở thuộc địa Cape ngay sau vụ đắm tàu.

Những hậu duệ từ nhóm người gốc Mozambique ở Nam Phi còn được gọi là người "Masbieker". Từ này xuất phát từ tiếng Afrikaan, ngôn ngữ bản địa của Nam Phi, dùng để chỉ người dân đến từ Mozambique, với từ gốc là Mosambieker. Trải qua năm tháng, nó được nói tắt lại là 'Masbieker'.

Trân trọng di sản

Vào ngày 2/7/2015, đất từ Mozambique đã được rải trên bãi tàu đắm São José để tưởng niệm những người thiệt mạng hoặc bị bán đi làm nô lệ.

Chính phủ Nam Phi cuối cùng cũng quyết định tuyên bố nơi này là điểm tượng niệm quốc gia.

Một tấm bảng với thông tin về địa điểm và vai trò lịch sử quan trọng của nó sẽ được dựng trên Bãi Hai ở bãi biển Clifton. Chi tiết sẽ được công bố vào ngày 12/12/2018.

Cùng với những hiện vật thực, Dự án Xác tàu Nô lệ cũng hi vọng sử dụng các trình diễn tương tác như vòng xoay (như trong ảnh) tại Lều Nô lệ, ghi tên những người nô lệ từng đến Thuộc địa Cape.

Mục tiêu là để công chúng nhận thức rõ hơn về ảnh hưởng văn hóa của hoạt động buôn bán nô lệ đối với lịch sử và cộng đồng. Một số du khách thậm chí có thể nhận ra nguồn gốc tên họ của mình.

"Câu chuyện về tàu São José là câu chuyện chỉ về một con tàu, nhưng đó là con tàu có hành trình giống với hàng ngàn hành trình khác," Boshoff nói.

"Rốt cuộc thì tàu São José buộc ta phải đối mặt và nhớ lại những hành động tàn bạo của ngành công nghiệp buôn bán nô lệ và thừa nhận vai trò của nó trong việc định hình thế giới ta đang sống ngày nay."

Bài: Piet van Niekerk; ảnh: Werner Hoffmann

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn