Trung Quốc: Điều gì có thể "phá đám" lễ hội của Tập Cận Bình ?

Thứ Bảy, 28 Tháng Chín 20198:43 CH(Xem: 4674)
Trung Quốc: Điều gì có thể "phá đám" lễ hội của Tập Cận Bình ?
vi.rfi.fr

Trung Quốc: Điều gì có thể "phá đám" lễ hội của Tập Cận Bình ?

Mai Vân

mediaẢnh minh họa : "Giá thịt heo có thể phá hỏng ngày vui của Tập Cận Bình" (Courrier International).REUTERS

Dù không được nêu bật trên trang bìa, nhưng hồ sơ Trung Quốc nhân dịp Bắc Kinh mừng 70 năm ngày thành lập nước Trung Hoa Cộng Sản trên tạp chí Pháp Courrier International số ra tuần này (26/09 - 02/10/2019) rất đáng chú ý với loạt bài phân tích mang một tựa đề chung : « Những gì có thể làm hỏng ngày hội của Tập Cận Bình ».

Đối với Courrier International, càng gần đến lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa 01/10/2019, mây đen càng tích tụ trên đầu chủ tịch Trung Quốc, từ những vấn đề kinh tế, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cho đến phong trào biểu tình ở Hồng Kông.

Tạp chí Pháp đã trích dịch nhiều bài viết từ báo chí Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Singapore, nêu lên những thách thức khác nhau mà nước Trung Quốc ở tuổi 70 đang phải đối phó.

Bài « Siết chặt hàng ngũ, trong khi chờ đợi ngày diễu hành » đã tóm lược ý kiến từ các tờ Liên Hợp Tảo Báo ở Singapore, Tân Kinh Báo ở Bắc Kinh, Wall Street Journal ở Mỹ và Tân Hoa Xã ở Trung Quốc, nhận định rằng trước các thách thức mới ngày càng to lớn, nhân vật số một tại Bắc Kinh Tập Cận Bình đã liên tiếp tung ra những thông điệp cứng rắn và quyết tâm trong những ngày gần đây.

Bài « Người Đài Loan thông cảm với Hồng Kông » trên tờ Tín Báo ở Hồng Kông thì ghi nhận rằng « Mục tiêu thống nhất Đài Loan với Trung Quốc của Tập Cận Bình đang bị tác hại từ chính sách đàn áp tại Hồng Kông ».

Cũng về Hồng Kông, Courrier International đã trích dịch một bài viết của một nhà ly khai Trung Quốc hiện định cư tại Mỹ đăng trên trang tin Đài RFA Hoa Kỳ, nêu rõ « Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh » sau khi Quốc Hội Mỹ quyết định xem xét vấn đề Hồng Kông.

Tạp chí Pháp dĩ nhiên đã không quên trích dịch một bài xã luận trên tờ Quang Minh Nhật Báo Bắc Kinh, ngợi ca công lao của Tập Cận Bình đã được toàn bộ báo chí Trung Quốc đăng lại.

Giá thịt heo có thể phá hỏng ngày vui của Tập Cận Bình

Trong các loạt bài về Trung Quốc trên Courrier International, đáng chú ý nhất chính là phân tích về cuộc khủng hoảng giá thịt heo tại Trung Quốc hiện nay của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) mà tạp chí Pháp với dòng tựa : « Tại sao giá thịt heo có thể phá hỏng ngày lễ của Tập Cận Bình ».

Theo bài báo, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và một số quyết định sai lầm của Bắc Kinhđã làm cho giá thịt heo bùng nổ, tác hại đến sức mua của người Trung Quốc. Đây là một điềm rất xấu vào lúc gần đến kỷ niệm 70 năm thành lập nước Công Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Vấn đề thịt heo đang trở thành ưu tiên của Nhà Nước Trung Quốc trên bình diện quốc gia và quốc tế. Người ta nói đến « chính sách thịt heo », « kinh tế thịt heo », thậm chí « ngoại giao thịt heo ».

Đối với SCMP, các sai sót về chính sách đã góp phần làm cho cuộc khủng hoảng thịt heo thêm nghiêm trọng. Việc dịch tả heo lan rộng tại Trung Quốc có thể bị quy cho nền « ngoại giao thịt heo » mà Bắc Kinh tiến hành, đã quyết định không nhập loại thịt này từ Hoa Kỳ và Canada (hai nước không bị dịch) mà lại nhập từ Nga, nước bị dịch nặng nề.

Ngày 01/09, Trung Quốc cho tăng 10% thuế quan trên sản phẩm nông nghiệp nhập từ Mỹ, thuế trên thịt heo từ Mỹ như thế đã tăng lên mức 72%. Trong lúc đó, trại nuôi heo Trung Quốc lại gánh chịu hậu quả thuế đánh trên đậu nành nhập từ Mỹ, làm giá thức ăn cho heo ở Trung Quốc tăng cao. Bắc Kinh cũng giảm nhập hàng từ Canada, sau vụ bắt giữ giám đốc tài chính của Hoa Vi theo yêu cầu của Mỹ.

Theo tờ báo Hồng Kông, khi sản xuất trong nước bị giảm sụt, Trung Quốc có thể giải quyết thiếu hụt bằng cách xoay qua một trong hai nước nói trên, vì Mỹ đứng hàng thứ hai trên thế giới về sản xuất thịt heo và nước xuất khẩu hàng đầu, trong lúc Canada đứng hàng thứ sáu.

Nhưng sai lầm của Trung Quốc không chỉ là trên mặt địa chính trị. Năm 2016, một chiến dịch cấp quốc gia đã dành quyền nuôi heo nái cho các nông trại lớn, với mục tiêu cải thiện điều kiện môi trường. Và kết quả là hơn 150.000 trại chăn nuôi trong số nhỏ nhất bị đóng cửa. Tình trạng thiếu thịt như vậy đã bắt đầu từ trước khi xẩy ra nạn dịch.

Nghiêm trọng hơn cả Hồng Kông hay thương chiến với Mỹ

Vấn đề, theo tờ SCMP, giá thịt heo tăng đã kéo theo lạm phát, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại.

Dân chúng có thể trở nên bất mãn vì là nạn nhân chính của lạm phát. Đó là lý do vì sao « chính sách thịt heo » đã trở nên quan trọng hơn các vấn đề thương chiến Mỹ-Trung và tình hình rối loạn ở Hồng Kông.

Trong chế độ Trung Quốc, ông Tập không phải chịu sức ép của bầu cử, nhưng sự tức giận của người dân do khủng hoảng thịt heo đe dọa uy thế của ông và làm người ta ghét bỏ chính quyền của ông, nếu ông không kịp đưa ra biện pháp để giúp đỡ dân chúng gặp khó khăn.

Tập Cận Bình từ lâu nay luôn bảo vệ « giấc mơ Trung Hoa » của ông về một đất nước trẻ trung với « cả một xã hội sung túc » từ đây đến năm 2021, khi Đảng mừng 100 tuổi.

SCMP nhìn thấy mục tiêu cao xa này sẽ trở thành trò cười nếu người Trung Quốc không thể có được một bát thịt heo.

Cuộc đọ sức Ả Rập Xê Út - Iran : Các kịch bản xấu nhất

Như nói ở trên Tạp chí Courrier International không dành trang bìa cho hồ sơ Trung Quốc, mà chú ý đến Trung Đông, nêu trong hàng tựa lớn « Những kịch bản tồi tệ nhất giữa Ả Rập Xê Út và Iran » với ghi nhận bên dưới : « Mỹ rút khỏi Trung Đông có thể làm khu vực bùng nổ », bên cạnh ảnh minh họa tổng thống Iran và thái tử Ả Rập Xê Út vẻ giận dữ, mũi thì dí vào nhau, còn tay thì cầm đao.

Theo Courrier International, tình hình ngày càng trở nên nguy hiểm. Sau vụ tấn công vào cơ sở dầu hỏa của Ả Rập Xê Út, 14/09/2019, Iran bị quy trách nhiệm. Tổng thống Donald Trump đã mấy lần dọa trả đũa, nhưng đến giờ thì không thấy có hành động gì.

Tạp chí trước hết ghi nhận nghịch lý trong thái độ của Mỹ. Hành động của chủ nhân Nhà Trắng rất khó lường. Báo chí Ả Rập Xê Út khá hoang mang đã không còn ngần ngại chỉ trích thẳng thừng đồng minh là « cứng rắn giả tạo ». Dĩ nhiên là ông Trump sẽ không liều lĩnh hành động mạnh trước cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Courrier International dí dỏm cho rằng : « Khi Mỹ can thiệp thì không có gì suôn sẻ, nhưng khi không can thiệp nữa thì tất cả đổ sụp ». Đối với tập chí Pháp, đây là một nghịch lý khác trong cuộc khủng hoảng này. Sự không can thiệp của Mỹ càng gây mất thăng bằng trong vùng, dẫn đến một cuộc chiến mới. Iran tuy phải chịu hậu quả trừng phạt của Mỹ nhưng cũng cho thấy khả năng gây hại, và trực diện đối đầu với Ả Rập Xê Út.

Tóm lại, tình hình rất nguy hiểm và vùng Trung Đông đang tiến đến « một điểm chuyển hướng lớn ».

Tạp chí L’Express trên hồ sơ Trung Đông này đã ghi nhận thế yếu của Ả Rập Xê Út : « Một chàng khổng lồ chân đất sét , ngồi trên một đống vàng, với một bên là giấc mơ trở thành cường quốc và bên kia là nỗi lo sợ Iran, địch thủ không đội trời chung ». Cuộc tấn công vào các cơ sở dầu hỏa ngày 14/09 đã phơi bày những kẽ hở của xứ dầu hỏa này.

L’Obs : Một nhân vật « thiết diện vô tư » ở Bruxelles

Một trong những bài viết đáng chú ý trên tạp chí L’Obs tuần này là bài tán dương việc Liên Hiệp Châu Âu vừa chọn xong người đứng đầu bộ phận công tố đặc trách chống gian lận : Luật gia Rumani, bà Laura Codruta Kövesi.

Tác giả bài viết, Pierre Haski, đã hoan nghênh kết cục tốt đẹp của một cuộc đọ sức mà Châu Âu ít thấy diễn ra, một bài trắc nghiệm mà Châu Âu đã làm thành công. Đây là một sự kiện khá hiếm hoi khiến người ta có thể vui mừng.

Bà Laura Codruta Kövesi được đề cử Trưởng Công Tố của Viện Công Tố tương lai của Liên Âu đặc trách chống các « Hành vi tội phạm xuyên biên giới trên quy mô lớn tác hại đến ngân sách Châu Âu » theo định nghĩa chính thức.

Quá trình đề cử bà Kövesi khá gian nan. Vào năm 2018, bà bị cách chức lãnh đạo Viện Công Tố Quốc Gia Rumani đặc trách chống tham nhũng, sau một cuộc đọ sức ngoạn mục đã khiến cho tổng thống Rumani suýt bị mất ghế vì bênh vực bà chống lại nội các của ông.

Đến khi bà được đề cử làm ứng viên chức Trưởng Công Tố Châu Âu, thì chính quyền Rumani đã dùng mọi thủ đoạn để cản trở : Cho mở điều tra về bà, cấm bà ra khỏi nước. Rumani cũng vận động các nước khác chống lại chính công dân của mình.

Từng là ác mộng của giới tham nhũng Rumani

Phải nói là khi đứng đầu Viện Công Tố Rumani, bà đã gây kinh hoàng trong giới chính khách và lãnh đạo cao cấp, vì đã điều tra không khoan nhượng tệ nạn tham nhũng tràn lan đến mức mà Bruxelles phải lên tiếng.

Năm 2017, năm trước khi bị cách chức, bà Kövesi đã đưa cả ngàn người ra tòa, trong đó có 3 bộ trưởng, 5 dân biểu và một thượng nghị sĩ. Một người trong tầm nhắm của bà lúc đó là ông Liviu Dragnea cựu chủ tịch Hạ Viện, nhân vật đầy quyền lực của đảng Xã Hội cầm quyền. Nhân vật này đang bị 3 năm và 6 tháng tù về tội lạm quyền.

Theo bài viết, khi cách chức bà Kövesi, chính quyền Rumani cứ nghĩ là đã triệt hạ được bà, nhưng đã không tính đến Châu Âu.

Vào mùa xuân này, sau các buổi điều trần ở Nghị Viện Châu Âu chỉ còn lại hai ứng viên vào chức Trưởng Công Tố : bà Kövesi và một thẩm phán Pháp

Trong mùa hè, Pháp đã thấy tầm quan trọng về tính biểu tượng cũng như chính trị của việc đề cử bà Kövesi, nên đã rút ứng viên của mình. Vậy là con đường rộng mở cho bà Kövesi nếu giành được đa số. Và trong cuộc bỏ phiếu của các đại sứ quốc gia thành viên Liên Âu, tuần qua, bà được 17 phiếu trên 22 quốc gia tham dự, đủ để được chỉ định.

Theo Pierre Haski, việc bầu chọn này quan trọng trên hai bình diện. Trước hết, các đại diện xã hội dân sự ở Trung và Đông Âu rất hài lòng khi thấy hành vi cản trở quá đáng của một quốc gia bị thất bại.

Cho đến nay, Liên Hiệp Châu Âu thường bất lực trước thái độ chuyên chế của một số thành viên, vì phải có sự đồng thuận mới trừng phạt được một quốc gia thái quá và đây là một dịp hiếm có để bảo vệ tính pháp lý.

Lý do thứ hai là bà Laura Kövesi sẽ là Trưởng Công Tố đầu tiên của một định chế đầu tiên chống gian lận ở cấp Châu Âu. Có được một người không thể bị mua chuộc để khởi đầu là điều rất quan trọng. Tiếng tăm thanh liêm chính trực của bà Laura Kövesi sẽ gây lo ngại ở những nước mà việc lạm dụng tài trợ của Liên Âu vừa hiển nhiên, vừa mang tính chính trị.

Bài viết kết luận : Vì những lý do trên việc đề cử bà Laura Kövesi là một tin vui đối với Châu Âu và cả Rumani, nơi mà số đông đang đấu tranh cho một quốc gia « sạch » hơn sẽ cảm thấy được khích lệ.

Trang bìa L’Express : Sự thật về nhập cư

Tuần báo L’Express đã dành trang bìa và một hồ sơ 13 trang cho vấn đề nhập cư ở Pháp, với tựa đề : « Nhập cư, sự thật và chuyện tầm phào ».

Điểm lý thú nhất được tạp chí nêu lên là vấn đề hiện có bao nhiêu người nước ngoài ở Pháp. Trên vấn đề này, L’Express phân biệt hai diện :

Trước hết là diện người nước ngoài không có quốc tịch Pháp nhưng sống ở Pháp. Theo số liệu của cơ quan thống kê Insee, diện này gồm 4,42 triệu người. Diện thứ hai là người nhập cư, mà vẫn theo Insee, số lượng lên đến 6,17 triệu người, tức 9,2% dân chúng ở Pháp.

Tuy nhiên, theo L’Express, người nước ngoài và người nhập cư có phần trùng khớp nhau, vì một phần người nhập cư cũng là người nước ngoài vì hoặc họ không xin quốc tịch Pháp, hoặc có xin nhưng không được. Nhiều người cho rằng hai số liệu này không đủ để hiểu xã hội hiện nay.

Có điều L’Express trích dẫn số liệu : vào năm 2017, hơn 17% thanh niên dưới 24 tuổi ở Pháp có gốc ngoài Châu Âu, trong khi vào năm 1968, tỷ lệ chỉ là 3%. Theo tạp chí này, số liệu đã được những người chủ trương hội nhập nêu bật để cho thấy đây là vấn đề cần thiết và cấp bách, trong lúc đó thì các đảng cực hữu cũng sử dụng để biện minh cho thuyết « thay thế lớn » của họ.

Vấn đề khuyến khích dân nhập cư hồi hương

L’Express nhìn một vòng các vấn đề liên quan đến nhập cư còn quan tâm đến một vấn đề khác : đó là cho những người nhập cư bị buộc hồi hương.

Tạp chí ghi nhận là trong năm 2018 có 30.276 vụ hồi hương, trong đó 15.677 trường hợp cưỡng bức hồi hương. Hai dân biểu Pháp thuộc đảng MoDem và LREM, trong một báo cáo gần đây, đã lưu ý rằng việc cưỡng bức hồi hương tốn kém hơn gấp sáu lần việc giúp đỡ hồi hương.

Về người không giấy tờ không hợp lệ, L’Express nêu bật vấn đề tị nạn, được cho là nguồn gốc bao nhiêu trường hợp định cư không hợp pháp. Trong năm 2018, trong số 123.000 người xin, chỉ có 33.330 người được quy chế tị nạn. Số 90.000 người còn lại như vậy vẫn ở lại Pháp.

Ngoài ra, trong năm 2018, chỉ có 1/3 lệnh trục xuất nhắm vào người Albani và Gruzia, là được thi hành. Đó là lý do khuyến khích dân những xứ này tiếp tục đến Pháp.

L’Obs : Macron đã thay đổi ?

Tuần báo L’Obs đã đưa chân dung của tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên trang bìa, với câu hỏi : « Phải chăng Macron đã thay đổi ? », bên dưới hàng tiểu tựa « Hưu bổng, nhập cư, sinh thái… »

Tạp chí Pháp đã nêu lên câu hỏi này vì đã thấy tổng thống Pháp cứng rắn hơn trên vấn đề nhập cư, « xanh hơn », lắng nghe nhiều hơn và ít khiêu khích hơn trước đây.

Trước ngưỡng hồi 2 của nhiệm kỳ 5 năm, nguyên thủ quốc gia Pháp, theo L’Obs, đã cho thấy là ông không còn hoàn toàn như trước nữa. Thế nhưng L’Obs vẫn không tránh khỏi hoài nghi : Thay đổi thật hay chỉ là sửa đổi hình ảnh trong một chiến dịch giao tiếp rộng lớn ?

Le Point : Phỏng vấn người sáng lập Facebook

Tạp chí Le Point dành hồ sơ lớn 10 trang và trang bìa cho Zuckerberg, với tựa đề « Tương lai chúng ta theo Zuckerberg » và trong ngoặc đơn : những gì đến sau smartphone, bên dưới chân dung người sáng lập Facebook.

Tạp chí trích câu trả lời phỏng vấn của Mark Zuckerberg về những vụ tai tiếng, công nhận : « Phải còn mất một ít thời gian nữa để công chúng tin tưởng lại chúng tôi. Tôi nghĩ đó cũng đúng thôi. Chúng tôi hiểu là có trách nhiệm rất lớn ». Chủ nhân Facebook còn nêu lên những dự án đang thực hiện.

Le Point so sánh một cách dí dỏm : PDG của Facebook quản lý 2,4 tỷ followers (người theo), và như thế Zuckerberg có thể được xem là lãnh đạo của quốc gia lớn nhất thế giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn