Ngụy biện –kế phản hồi của quan chức thời nay

Thứ Sáu, 27 Tháng Chín 20196:00 SA(Xem: 4456)
Ngụy biện –kế phản hồi của quan chức thời nay

ab54aff6-3b59-4d67-82df-359fe2d551cc
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần cung cấp thông tin nhân sự đại hội Đảng để tránh 'râm ran tin đồn'.
Giải thích cho qua chuyện

Thời gian gần đây ngày càng nhiều quan chức, cơ quan chính phủ đưa ra lời giải thích, đính chính về những thông tin tiêu cực liên quan đến họ được người dân đưa lên mạng xã hội. Cụ thể như vụ bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, sử dụng xe công đi ăn sáng hay vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh đã phải giải thích trước thông tin trên facebook về việc cả gia đình làm quan và gian lận thi Trung học Phổ thông năm 2018.

Và, lần giải thích mới đây nhất của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội VN nói rằng, 9 người đi theo phái đoàn Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, đã tách đoàn, trốn ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp từ hồi tháng 12 năm 2018, được cho là chỉ đi nhờ máy bay của đoàn ngoại giao, đã làm trò cười cho dư luận.

Từ Sài Gòn, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, hôm 25/9 đưa ra nhận định với RFA:

“Trong đảng cầm quyền của Việt Nam hiện nay, hầu như chưa có não trạng về cách hành xử để chủ động ứng phó thông tin đưa trên mạng xã hội, mà thường thường họ đáp trả thông tin đó hết sức là bị động, và họ miễn cưỡng giải thích những thông tin đó một khi những thông tin đó đã lan tỏa quá lớn, quá rộng, thì họ mới phải giải thích, còn bình thường thì họ lơ đi. Chẳng hạn như vụ phản ứng nhanh mới cấp kỳ là vụ 9 người được cho là ‘đi nhờ’ chuyên cơ quốc hội.”

Luật an ninh mạng 2018 đã được quốc hội thông qua vào tháng 6/2018 cấm cản người sử dụng mạng xã hội rất nhiều nhưng không ai phủ nhận được rằng sự tồn tại của MXH trong thời gian qua đã phần nào giúp ích và chuyển tải được tiếng nói của người dân VN trên khắp mọi miền đất nước. Thông qua MXH nhiều sự vụ tiêu cực đã được phanh phui và chia sẻ nhiều hơn.

Đặc biệt, người dân ngày càng quan tâm đến các hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng cũng như lối sống của cán bộ công quyền.

Nhà báo Ngô Nhật Đăng, khi trao đổi với RFA từ Hà Nội hôm 25/9 cho biết:

“Như trước đây nhiều năm, những người cầm quyền hay những người tự nhận là lãnh đạo, hầu như là bất khả xâm phạm. Ngay cả có những dư luận xã hội thì hầu như họ cũng coi là không cần để ý. Nhưng thứ nhất về mặt xã hội, do công nghệ phát triển, internet phát triển, thứ hai do việc làm của họ nhiều lúc đi quá quy chuẩn, họ không thể không để ý đến dư luận xã hội, và tôi cho đây là cách phản ứng với họ với nhiều lý do khác nhau.”
Hay áp lực bầu bán trước đại hội?

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội cũng thừa nhận sức mạnh của mạng xã hội. Trước đây quan chức chỉ lờ đi, bây giờ họ không thể coi thường dư luận xã hội được.

Việc các quan chức lên tiếng giải thích đính chính được ông Lã Việt Dũng cho rằng có hai khía cạnh, thứ nhất nếu là tin đồn không chính xác, thì quan chức không trả lời. Còn tin mang tính xác thực một chút thì các quan chức vội vàng lên tiếng thanh minh, vội vã giải thích. Ông nói tiếp:

“Tôi thấy càng gần các kỳ đại hội, bầu bán, thì quan chức Việt Nam càng đưa lên các thông tin nghe nói thì có vẻ hay nhưng thực tế cuối cùng chỉ làm trò cười cho dân, là những cái mà họ nói nhưng họ không làm được gì cả. Tôi cho rằng đó là những động tác mà họ đấu đá nội bộ với nhau thôi, chứ không phải họ thực sự muốn làm cho người dân gì cả.”

Đồng ý kiến với ông Lã Việt Dũng, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng cho rằng, cứ gần đến các hội nghị trung ương quan trọng hay đại hội đảng lại có thông tin không chính thức tung lên MXHtừ những bàn tay bí ẩn, những cây bút ẩn danh. Ông cũng cho là ai cũng hiểu những cây bút này đều từ trong nội bộ đảng mới có thông tin như vậy. Chứ trên MXH, các facebookers, bloggers không thể có những thông tin như thế. Ông nói tiếp:

“Từ đại hội 12 đến giờ, có nhiều bài viết như vậy được tung ra. Cho nên mới có câu trong nghị quyết liên quan kiểm soát quyền lực mà mới đây ông Nguyễn Phú Trọng ký là ‘không lợi dụng mạng xã hội để nâng người này, hạ người kia’. Bây giờ đảng phải thừa nhận thông tin không chính thức, thừa nhận có những bàn tay, nhân vật, quan chức… kể cả những thế lực chính trị tuồn những thông tin trong đảng ra bên ngoài và lên mạng xã hội để đấu đá trước đại hội đảng.”

Tại hội thảo khoa học đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, những vấn đề lý luận và thực tiễn do Tạp chí Cộng sản tổ chức hôm 25/9/2019, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần cung cấp thông tin nhân sự đại hội Đảng để tránh 'râm ran tin đồn'.

Trước đây, có bao giờ đảng cầm quyền thực sự chú ý đến tin đồn? Hay thật sự đảng cộng sản bắt đầu quan tâm đến mong muốn nguyện vọng của dân?

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định:

“Vừa rồi có chuyện thú vị là lần đầu tiên các cơ quan tuyên giáo, cơ quan đảng, chính quyền thừa nhận một khái niệm mới là ‘thông tin không chính thức trên mạng xã hội’ trước đây họ chỉ nêu ‘thông tin xấu độc, thông tin phản động, thế lực thù địch…’ Mà thông tin không chính thức này liên quan rất nhiều đến nhân sự đại hội đảng 13.”

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng việc cung cấp thông tin nhân sự đại hội đảng là nói cho vui.

Hội nghị trung ương 11, một sự kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 10/2019 và được coi là hội nghị quan trọng chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng toàn quốc vào năm 2020.
 
(RFA)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn