Đến Bonn nhắc lại thời sinh viên nhiệt tình đốt sách

Chủ Nhật, 22 Tháng Chín 201911:00 SA(Xem: 3940)
Đến Bonn nhắc lại thời sinh viên nhiệt tình đốt sách
bbc.com

Các vụ đốt sách nói gì về 'tâm hồn Đức'?

Nguyễn Giang Bonn

Bonn Bản quyền hình ảnh Nguyen Giang
Image caption Bìa sách Das Kapital (Tư bản luận) của Karl Marx trên nền đá trước Tòa Thị chính Bonn nhắc lại các vụ đốt sách năm 1933

Nhân loại có ít nhất hai người đi vào lịch sử như những kẻ ra lệnh đốt sách: Tần Thủy Hoàng và Adolf Hitler.

"Đó chỉ là màn dạo đầu. Nơi chúng đốt sách, chúng sẽ đem người ra thiêu sống."

Câu tiên tri của nhà văn Đức Heinrich Heine (Dort wo man Bücher verbrennt, verbrennt man auch am Ende Menschen) từ năm 1823 trong một vở kịch đã trở thành hiện thực năm 1933.

Đến thăm Bonn, thủ đô Tây Đức một thời, bạn có thể thấy các bìa sách ghi tên tuổi những tác giả bị cấm và sách bị cho vào sổ đen thời Hitler ngay trên nền đá, trước Tòa Thị chính.


Vì Bonn cũng là một nơi sinh viên Đức và đảng viên Nazi thời đó tổ chức đốt sách tập thể.

Tuy lễ đốt sách không to bằng ở Berlin - chỉ trong một buổi ở Quảng trường Opera Berlin, chừng 20 nghìn sách được đem ra đốt - nhưng Bonn cũng đi vào lịch sử xấu xa đó.

Điều đáng nói là bạn có thể thấy sự dũng cảm của người Đức sau Thế Chiến 2 khi họ tạo ra tác phẩm nghệ thuật 'bìa sách cấm' bị đốt thời đó, để người đời sau biết.

Tôi thấy có cả bìa sách của Karl Marx, Ernest Hemingway, Bertolt Brecht, Kurt Tucholsky, Albert Einstein nhô ra từ mặt đất, cùng Sigmund Freud, Andre Gide.

Vậy chuyện đốt sách diễn ra thế nào?

Về cơ bản, phong trào Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Đức, còn gọi là (NSDAP-Nazi) vừa đề cao tính tập thể cuồng tín, vừa nhấn mạnh đến tính dân tộc Đức.

Sau khi Adolft Hitler lên làm thủ tướng, chính các nhóm sinh viên, giáo viên theo chủ nghĩa Nazi đã cuồng nhiệt ủng hộ việc 'thanh tẩy' thư viện, học đường khỏi các tác phẩm 'chống Đức', hoặc 'không đủ tính dân tộc Đức'.

Họ hô hào Đảng Nazi "đã chiếm được chính quyền, nay cần chiếm nối đại học".

Không ít giáo sư, nhà khoa học, văn nghệ sĩ là người gốc Do Thái đã bị phái Nazi trục xuất khỏi trường học, viện nghiên cứu và nhiều người phải bỏ nước ra đi.

Nhưng các tác phẩm của họ, và sách của nhiều tác giả nước khác như Andre Gide (Pháp), Ernest Hemingway (Mỹ), cũng bị cho 'phản lại' văn hóa Đức.

Và như thế thì cần phải tìm cho ra, đốt bằng hết.

Tự các sinh viên, các đoàn viên, đảng viên Nazi đã bỏ ra nhiều tháng lục soát thư viện, và sau còn tràn vào các nhà dân, nhà trí thức để lôi các 'sách xấu' ra.

Được sự hỗ trợ của chính quyền, sách được đưa bằng xe tải về các điểm trung tâm.

Ở Berlin, Bonn, Freiburg đều có lễ đốt sách được quan chức cao cấp của chính quyền tham dự.

Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, Joseph Goebbels, người có bằng tiến sỹ, chủ trì một lễ vào tháng 5/1933 tại Berlin, nơi 20 nghìn cuốn sách đã bị đốt.

Hội Sinh viên Đức đóng vai trò tích cực trong phong trào đốt sách được đài báo của nhà nước tuyên truyền.

Họ tin rằng cần "tẩy sạch chất uế tạp tinh thần" từ chủ nghĩa ngoại lai Do Thái, hoặc tư sản đồi bại vì sự hùng mạnh của Quốc gia Đức.

Nhưng trong các lễ đốt sách cũng có mặt không ít giáo sư đại học để ủng hộ phong trào.

Các văn sỹ Thomas Mann, Erich Maria Remarque và Lion Feuchtwanger thuộc số ít người kịp bỏ Đức ra đi trước giờ G.

Sách của họ bị cấm và đốt ở quê nhà.

Thomas Mann đã lên đài BBC tại London gửi về Đức thông điệp cảnh tỉnh đồng bào ông về phòng trào đốt sách.

Giữa văn minh và man rợ

Ngày nay nhìn lại, thật khó tưởng tượng là một dân tộc văn minh như Đức đã làm những chuyện đó.

Khác với Berlin luôn ở về phía Đông của đế chế Phổ (Prussia) vốn cứng nhắc và đầy kỷ luật, Bonn nằm giữa vùng sông Rhein vốn nổi tiếng là giầu có, đầy chất văn hóa.

Không xa điểm đốt sách ở khu trung tâm thành cổ Bonn là căn nhà của nhạc sỹ thiên tài Ludwig van Beethoven (1770-1827).

Cách đó 24 km là thành phố Cologne (Koln) nổi tiếng với Giáo đường Gothic lớn bậc nhất châu Âu.

Giữa vùng đất văn hiến như thế mà lại có giáo sư, sinh viên đeo băng tay đen, cướp sách từ thư viện, nhà dân đem đi đốt tập thể thì quả là chuyện khó hiểu.

Nhưng như nhà nghiên cứu nghệ thuật Đức của Anh, Andrew Graham-Dixon nhận xét, tâm hồn và bản sắc Đức đến từ vùng rừng Trung Âu lúc sáng rực, lúc âm u.

Đây cũng là ý kiến của nhà văn Ba Lan được giải Nobel, Czeslaw Milosz khi ông nói với người Slavơ thì hình ảnh người Đức luôn là kẻ đáng sợ từ rừng sâu bước ra.

Thời cổ đại, các khu rừng đen u ám (black forest) là tấm lá chắn người La Mã tấn công liên tục cũng không vào nổi.

Trận đánh Rừng Teutorburg mà quân La Mã bị thua xảy ra vào năm 9 Công lịch ở ngay nơi nay là Osnabruck, cạnh xa lộ A2 mà tôi đã chạy xe qua nhiều lần.

Mâu thuẫn châu Âu và tâm hồn Germania đến từ chỗ người Đức tuy không bị chinh phục nhưng luôn cảm thấy bất an.

Từ những cánh rừng sâu luôn có điều gì bất trắc hiện ra và được mô tả bằng hình ảnh Quỷ dữ, trong các tranh tượng tôn giáo khắp nước Đức.


Quả vậy, theo Graham-Dixon, quỷ và các quái vật được các hoạ sỹ Đức vẽ rõ rệt nhất, nhiều màu sắc nhất và...sống động hơn cả các hình thánh và vua chúa.

Các tranh thờ trong nhà thờ Đức, dù của Công giáo hay Tin Lành đều có quỷ như biểu tượng của sự đe dọa, cám dỗ chết chóc để răn đe tín đồ đừng làm điều xấu.

Nhưng cái ác vẫn luôn ẩn hiện và lôi kéo người ta phải chống lại cám dỗ.

Lỡ ai đó không chống lại được cám dỗ thì sao?

Giải độc ý thức hệ phát-xít và nỗi bất an ngày nay

Nhưng phải nói rằng ở châu Âu sau Thế chiến 2, Tây Đức đã làm cực tốt chuyện giải độc ý thức hệ Nazi, và theo cách chuẩn xác, cụ thể, và máy móc.

Đảng Nazi và mọi cách thức tuyên truyền của nó bị cấm bằng luật.

Chữ thập ngoặc (Swastika), huy hiệu đầu lâu (Totenkoft) của lực lượng SS và nhiều biểu tượng Nazi bị cấm và xóa khỏi không gian công cộng, sách báo, phim ảnh.

Ngay sau Thế chiến, mọi công dân CHLB Đức phải điền tờ khai về quan hệ với Đảng Nazi, sự lính díu xa gần.

Cựu Đảng viên Nazi bị buộc phải đi các tour xem trại tập trung, hoặc xem video,phim về cảnh giết tù nhân Do Thái.

Nước Đức ngày nay đã thống nhất, giàu có, yêu hòa bình, hùng mạnh nhất châu Âu, và cũng đông dân nhất EU (82 triệu năm 2017).

Nhưng đảm bảo an ninh "để Đức không tự làm gì sai trái" có vẻ đang lung lay.

Những lúc chạy xe trên autobahn xuyên nước Đức, tôi vẫn hay dò sóng để nghe chương trình phát thanh của Quân đội Anh tại Đức.

Vì hóa ra, Anh và Mỹ vẫn có các đơn vị 'chiếm đóng' tại đây từ 1945.

EU thực ra là cơ chế để Đức vẫn giàu mạnh mà không phải giàu mạnh một mình khiến láng giềng sợ.

Nato thực ra là cơ chế để an ninh châu Âu được đảm bảo vì các nước nhỏ có cảm giác an tâm dựa vào cái ô Hoa Kỳ chứ không bị Đức chỉ huy.

Nhưng cuộc ly hôn Brexit của Anh và thái độ của Tổng thống Donald Trump phê phán Berlin công khai đang làm thay đổi toàn bộ bàn cờ.

Đức quá lớn mạnh và luôn đầy tiềm năng để có thể khiến cái gì đó từ 'tâm hồn rừng sâu' ló ra mà chính họ lo là không kiềm chế nổi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn