Tái chiếm Quảng Trị: Hành Quân Lam Sơn 72

Chủ Nhật, 08 Tháng Chín 20195:46 CH(Xem: 8036)
Tái chiếm Quảng Trị: Hành Quân Lam Sơn 72

(Trích trong phần biên khảo Mùa Hè Đỏ Lửa của Võ Trung TínNguyễn Hữu Viên, cựu đại úy Nhẩy Dù)

Ngày 28 Tháng Sáu 1972, BTL/QĐI phát động kế hoạch phản công tái chiếm Quảng Trị. Trong kế hoạch này, nỗ lực chính là SĐND, SĐTQLC, LĐ1/BĐQ và Thiết Đoàn 7/KB. SĐ1BB mở rộng vòng đai an ninh về hướng Tây Huế nhằm tái chiếm các căn cứ trong khu vực thung lũng Ashau, Trung Đoàn 57/BB hành quân lục soát vùng Quảng Nam. SĐ3BB trấn ngự chung quanh Đà Nẳng. Thành phần trừ bị gồm Trung Đoàn 4/2 BB, Trung Đoàn 51 và Thiết Đoàn 17/ KB.

Cac chien si nhay du su dung hoa tien TOW chong chien xa tai Quang Tri nam 1972.jpg

Theo kế hoạch hành quân của Quân Đoàn I:

Ngày N-2 và N-1, ta khởi động một cuộc không tập toàn diện bằng hỏa lực B52, các loại hải pháo, phi pháo và pháo binh diện địa vào các vị trí tập trung quân của địch, các kho tàng cơ giới và các vị trí súng lớn của địch.

Ngoài ra, QĐ.I còn tung ra một kế hoạch hành quân nghi binh bằng một lực lượng Nhảy Dù sẽ nhảy xuống Cam Lộ và TQLC sẽ đổ bộ vào cửa Việt nhằm cắt đường tiếp vận của đối phương để đánh lạc hướng và gây hoang mang cho địch quân.

Ngày N bắt đầu, SĐND bên trái QL1, SĐ/TQLC bên phải QL1, hai đơn vị Tổng Trừ Bị của QLVNCH tiến song song theo thế gọng kềm về hướng Bắc, từ bờ biển đến tận đỉnh núi Trường Sơn, đánh đuổi đoàn quân xâm lược khát máu CSBV tận sào huyệt của chúng.

3 giờ sáng, mở đầu cuộc hành Quân Lam Sơn 72, Đại Tá Trần Quốc Lịch, LĐT/ LĐ2ND điều động 3 Tiểu Đoàn Nhảy Dù vượt sông Mỹ Chánh. Tiểu Đoàn 2/ND do Thiếu Tá Nguyễn Đình Ngọc chỉ huy đi cánh trái, TĐ1ND do tân tiểu đoàn trưởng là Thiếu Tá Lê Hồng chỉ huy đi giữa và TĐ3ND (Thiếu Tá Trần Văn Sơn TĐT) đi cánh phải.

Vì bị tấn công bất ngờ lúc tờ mờ sáng, địch hốt hoảng bỏ chạy. TĐ2ND đánh thẳng vào BCH Trung Đoàn 203 chiến xa của VC, tịch thu nhiều súng cối 61 và 82 ly cùng đạn dược, ba chiến xa T54 còn đang nổ máy, trong lúc TĐ1ND đã lấy được 14 khẩu đại bác 37 & 57 ly phòng không cùng bắt sống 5 tù binh.

Trong khi đó, TĐ3ND đi cánh phải vượt sông Mỹ chánh chiếm vùng Lương Điền, Tân Tường, Trường Vinh đến tận phía Nam sông Ô-Khê để bảo vệ bãi đáp cho 2 TĐ9ND và TĐ11ND. Khi vừa qua sông Mỹ Chánh, TĐ3ND đã tiêu diệt 2 cán binh CS tịch thu 2 khẩu AK-47 và bắt được 3 khẩu pháo 105 ly mà địch đã lấy được của ta trước đây rồi dấu vào bụi tre. Sau đó, TĐ3ND tiến về phía Bắc để tiêu diệt các chốt địch dọc theo Quốc Lộ I (Đại Lộ Kinh Hoàng) rồi mở mũi dùi về phía Đông để tái chiếm Quận Hải Lăng.

Sáng ngày, TĐ9ND (Trung Tá Trần Hữu Phú, TĐT) và TĐ11ND ( Thiếu Tá Lê Văn Mễ, TĐT) được trực thăng vận đổ xuống phía Bắc Sông Nhung, hai tiểu đoàn Dù đi song song chiếm từng thước đất, từng cái hố, từng chốt địch, trên những dãy đồi trọc không một bóng cây dưới ánh nắng oi bức của mùa Hè đổ lửa. Chiến sĩ Dù phải vận dụng tối đa tai, mắt, hơi thở, trí óc rồi bằng lựu đạn, bằng dao gâm đánh cận chiến với địch.

Ngày 2 Tháng Bảy 1972 mở đầu giai đoạn 2, Trung Tá Lê Văn Ngọc, tân LĐT/LĐIND, trách nhiệm càn quét quân giặc dọc theo phía Tây dưới chân dãy Trường Sơn, từ phía Bắc sông Mỹ Chánh qua sông Nhung đến La Vang dọc theo bờ sông Thạch Hãn rồi vào Thị xã Quảng Trị.

Để cản bước tiến của quân ta, CSBV đã pháo hằng loạt đủ loại từ 130 ly, 122 ly hỏa tiễn 107 ly… Nhưng đoàn quân Mũ Đỏ vẫn không chùng bước trên đoạn đường dài 9 cây số đầy dẫy những cảnh tượng chết chóc từ Giáp Hậu, qua Mai Đằng rồi đến La Vang Thượng.

TĐ9/ND chia quân thành 2 cánh tiến đánh vùng Tân Lê Phước Môn, trong trận này tất cả 4 Đại Đội Trưởng đều bị thương vì pháo địch, Đại Úy Ngưu, ĐĐT94, bị tử thương tại Tân Téo.

MOT DON VI NHAY DU TIEN VAO MAT TRAN QUANG TRI NAM 1972.jpg

TĐ11/ND là trục chính của cuộc tiến quân, từ Hải Lâm cũng chia làm 2 cánh tiến chiếm mục tiêu là nhà thờ La Vang. Đường vào La Vang thật là hung hiểm, khi đến cầu Trường Phước, cách La Vang 2 cây số về phía Nam, Đoàn chiến xa BTR85 và PT76 chuyển quân của địch di chuyển trên QL1 ngược chiều với quân Dù. Quân TĐ11/ND xung phong với M72 chống chiến xa, gọi Pháo Binh và không quân yểm trợ. Sau 2 giờ giao chiến, chiến xa địch quay đầu bỏ chạy, quân ta truy kích, chiến xa địch hoảng loạn khi qua cầu nên dồn đè lên nhau lật xuống sông.

Trong khi đó Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù do Thiếu Tá Trần Đăng Khôi làm TĐT được trực thăng vận xuống khu vực nhà thờ La Vang. Khi vào nhà thờ La Vang, TĐ7/ ND bắn cháy 2 chiến xa T54 cộng sản bố trí trước sân nhà thờ và sau 3 giờ kịch chiến, lực lượng Nhảy Dù đã làm chủ tình thế.

Sau 5 ngày vừa đi vừa bứng chốt địch, buổi trưa ngày 7 Tháng Bảy, TĐ3/ND bắt đầu tấn công vào quận Hải Lăng. Thiếu Tá Sơn Tiểu Đoàn Trưởng cho các Đại Đội 31, 32 và 34 tiến dọc 2 bên QL1 theo đội hình chân vạt, trong khi đó Đại Đội 33 tiến dọc theo đường rầy xe lửa và “Đại Lộ Kinh Hoàng” bứng chốt địch để cho các toán Công Binh dọn dẹp (ĐLKH). Khi Đại Đội 32 tới khu trường học, nằm lại án ngữ tại đây. Đại Đội 33 cặp theo tỉnh lộ 602 tấn công thẳng vào quận lỵ. Địch ở trong quận đường phản kích mãnh liệt, nhưng với kinh nghiệm chiến trường, Trung Úy Nguyễn Hữu Viên, ĐĐT/ĐĐ33/ND, bình tĩnh gọi pháo binh và phi cơ yểm trợ. Sau 2 giờ quần thảo địch quân tháo chạy về hướng Bắc, TĐ3/ND tái chiếm lại Quận Hải Lăng vào lúc 4.00 dớ chiều. Trong lúc điều quân tái chiếm quận Hải Lăng, Thiếu Tá Trần Văn Sơn TĐT chẳng may bị mảnh đạn pháo địch bị thương, Thiếu Tá Võ Thanh Đồng, TĐP/TĐ9ND về thay thế chức vụ TĐT/TĐ3ND.

Ngày 8 Tháng Bảy 1972, sau khi chiếm Hải Lăng xong, TĐ3/ND được lịnh tiến về trước cùng TĐ8/ND càn quét giặc cộng dọc 2 bờ Sông Nhung từ Đông sang Tây tới tận chân núi Trường Sơn. Trên đường hành quân, ĐĐ33/ ND đã phối hợp với một đơn vị của TĐ8/ND do Đại Úy Trần Cao Khoan chỉ huy bên kia bờ sông, đã tiêu diệt được một đơn vị đặc công CS toan đặt mìn giật phá cầu Trường Phước trên QL1. Bốn tên bỏ xác tại trận với 4 khẩu AK47 cùng bắt được một thượng úy VC tên Thanh mới 28 tuổi là TĐT Tiểu Đoàn 31 Đặc Công cộng sản.

Hai ngày sau (10/7) Tiểu Đoàn 3/ND lại tấn công địch quân trên ngọn đồi có độ cao 30m. trên nguồn sông Nhung. ĐĐ33/ND được chỉ định, chia làm hai mũi dò lần theo thế chân vạt tiến chiếm mục tiêu. Khi toán khinh binh đi đầu chạm địch, toàn đại đội đồng loạt xung phong chớp nhoáng trong vòng 10 phút giao tranh, Nhảy Dù đã làm chủ trận địa. Cộng quân hoảng hốt bỏ chạy để lại 2 xác chết, ta tịch thâu 3 súng phòng không 37 ly bên cạnh có một xác trực thăng UH1-D của VNCH bị bắn rơi trước đây. Sau khi bung rộng ra lục soát tìm thấy thêm 2 khẩu đại bác 122 ly nòng ngắn, rất nhiều đạn chưa kịp bắn, một máy phát điện và một xe cơ giới sửa chữa. Ngày hôm sau Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù cho 5 chiếc Thiết Vận Xa vào kéo 3 khẩu phòng không, 2 khẩu đại bác 122 ly và chuyên viên Công Binh phá hủy tất cả đạn đại bác.

Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù tiến chiếm Cổ Thành Quảng Trị:

Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu làm tiểu đoàn trưởng, với 5 đại đội: Đại Đội 50, ĐĐT là Trung Úy Chiêu, Đại Đội 51, ĐĐT là Trung Úy Trương Đăng Sỷ, Đại Đội 52, ĐĐT là Trung Úy Hồ Tường, Đại Đội 53, ĐĐT là Trung Úy Thân, Đại Đội 54, ĐĐT là Trung Úy Dương, sau ngày giải tỏa An Lộc được không vận đến Huế và trú đóng tại căn cứ Nancy khoảng một tuần lễ. Tại đây, Tiểu Đoàn tái huấn luyện cho binh sĩ về chiến thuật đánh trong thành phố phân tán mỏng từng tổ ba người, cách thức ngụy trang khi di chuyển và thực tập bắn hỏa tiễn TOW, M72, XM202… chống chiến xa.

Ngày 5 Tháng Bảy 1972, TĐ5/ND di chuyển bằng đường bộ đến La Vang Tả rồi tiến về hướng Tây. Sau khi B52 trải thảm dọc bờ sông, TĐ5/ ND tung quân vào lục soát đến tận bờ sông Thạch Hãn, thấy rất nhiều xác Cộng quân tại hiện trường. Tiểu Đoàn tịch thu được 2 khẩu phòng không 37 ly.

Ngày 9 Tháng Bảy 1972, bàn giao khu vực lại cho TĐ7/ND, TĐ5/ND di chuyển về hướng Đông, băng ngang QL1, hôm sau dừng quân tại khu vực thôn An Thái cách Cổ Thành khoảng 3 km về hướng Đông Nam. Tại đây BCH/TĐ lập sa bàn chuẩn bị kế hoạch điều quân tấn công Cổ Thành.

Ngày 10 Tháng Bảy 1972, Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu triệu tập các đại đội trưởng ban lệnh hành quân, sĩ quan các đại đội có 3 ngày để huấn luyện và hướng dẫn binh sĩ thuộc quyền chuẩn bị tác chiến. Đặc biệt trong trận này yếu tố ngụy trang triệt để áp dụng.

Ngày 11 Tháng Bảy 1972, TĐ1/TQLC được trực thăng vận đổ xuống hương lộ 560 cách TX Quảng Trị 2 km về hướng Đông Bắc để ngăn chận đường tiếp vận của địch muốn tăng cường cho lực lượng của chúng trong Cổ Thành. Hai trực thăng chuyển quân CH53 của Mỹ bị hỏa tiễn SA-7 bắn rơi, 30 quân nhân TQLC và Phi Hành Đoàn bị tử trận.

Ngày 13 Tháng Bảy 1972, hai ngày sau, một đơn vị thuộc SĐ312/CSBV với chiến xa yểm trợ đã tấn công vào TĐ1/TQLC này. TQLC phản công quyết liệt bắn hạ hằng chục chiến xa địch và cho đến ngày 22 Tháng Bảy mới quét sạch quân CS tới cửa Việt.

Sau ba ngày cho binh sĩ chuẩn bị học tập, đêm 14 Tháng Bảy 1972, TĐ5/ND bắt đầu di chuyển vượt con sông nhỏ bằng thuyền của Công Binh Nhảy Dù và tiến vào làng Tri Bưu dọc theo đường Nguyễn Hoàng, phía Đông Nam Thị Xã. Tại nay, Cộng quân có đặt một chốt chặn tại nhà thờ Tri Bưu phản ứng báo động. TĐ5/ND dứt chốt bằng cận chiến dễ dàng để không gây tiếng động và đã giải thoát cho trên 10 Dì Phước bị chúng bắt làm con tin phục dịch và đỡ đạn cho chúng.

Ngày hôm sau, TĐ5/ND đã tiến đến sát bờ thành cổ, vẫn còn nguyên vẹn rào kẽm gai và hào nước bao bọc chung quanh. Cộng quân vẫn hoạt động bình thường vì Nhảy Dù ngụy trang hoa lá trên người nên chúng không phân biệt được bạn hay đối phương. Chúng lùa dân trên đường di chuyển về hướng Đông, có lẻ bắt dân đi theo để đỡ đạn cho chúng.

Hôm sau, Nhảy Dù đã gọi phi pháo thả bom phá hủy một góc phía Đông Nam Cổ Thành để làm cửa ngỏ xâm nhập vào bên trong.

Ngày 17 Tháng Bảy 1972, trong phạm vi trách nhiệm của Sư Đoàn Nhảy Dù, các cánh quân đã được triển khai như sau: Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù do Thiếu Tá Trần Đăng Khôi chỉ huy đã kiếm soát được vòng đai phía Tây thị xã, Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù do Thiếu Tá Lê Văn Mễ chỉ huy tiếp tục truy kích Cộng quân ở quanh khu vực Thạch Hãn đến ngã ba Long Hưng. Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù, Trung Tá Trần Hữu Phú tiểu đoàn trưởng, và Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhỏ, tiểu đoàn phó, là lực lượng ứng chiến trừ bị cũng đã kiểm soát được khu vực phía Nam thị xã. Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh, tiểu đoàn trưởng, Thiếu Tá Nguyễn Hữu Thành, tiểu đoàn phó, chỉ huy đã làm chủ được chiến trường ở phòng tuyến dọc phía Đông thị xã.

Sau một thời gian chạm súng với Cộng quân ở vòng đai Cổ Thành, Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, đã quyết định tấn công thành Đinh Công Tráng bằng hai giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Đưa một toán tiền thám xâm nhập vào trong thành, với nhiệm vụ là thám sát địa thế cũng như vị trí của địch quân bên trong Cổ Thành rồi báo cáo về Tiểu Đoàn.

Giai đoạn này sẽ bắt đầu vào đêm 18 Tháng Bảy 1972.

– Giai đoạn 2: Cả tiểu đoàn sẽ đồng loạt tấn công vào Cổ Thành, và trong 2 ngày, phải đánh chiếm lại ít nhất là phân nửa chu vi bờ thành.

Để thực hiện được kế hoạch trên, Trung Tá Hiếu đã quyết định thành lập ngay một toán “thám sát cảm tử” bằng cách tuyển chọn trong các quân nhân gốc người sở tại Quảng Trị tình nguyện, vì sống tại địa phương này nên họ hiểu rõ địa thế. Có rất nhiều chiến sĩ xung phong xin nhập vào toán cảm tử này nhưng chỉ có 6 quân nhân thuộc Đại Đội 51 được chọn: “Trưởng Toán là Hạ sĩ Trần Văn Sáu, còn chiến sĩ được giao trách nhiệm cấm cờ VNCH trên mặt bờ Cổ Thành Quảng Trị là Binh 1 Hồ Khang.

Chiều ngày 18 Tháng Bảy 1972, Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu cho tập hợp toán “cảm tử” để từ giã những chiến hữu thân thương quyết ra đi theo truyền thống “Nhảy Dù Cố Gắng.” Vị tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đã ban quyết định thăng cấp trước cho 6 cảm tử quân mỗi người lên hai cấp. Và đêm đến, toán cảm tử quân sẽ lên đường để đột kích vào Cổ Thành.

Cac chien si nhay du tai chiem Quang Tri nam 1972.jpg

Đêm đến, giờ G đã điểm, toán cảm tử quân của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù vượt tuyến xuất phát lao vào bóng đêm đột kích vào thành. Từ vị trí xuất phát đến mục tiêu khoảng cách hơn 200 mét. Trung Tá Hiếu và cả Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn nín thở nhìn theo toán quân cảm tử đi vào bóng đêm và chờ đợi. Vào khoảng quá nửa đêm, toán cảm tử quân đã bò lên được trên mặt Cổ Thành. Một bóng đen nhô lên giữa bầu trời và tung bay theo chiều gió. Đó chính là lá quốc kỳ VNCH mà Binh I Hồ Khang đã được lệnh mang theo khi xuất phát. Từ xa, các chiến sĩ Nhảy Dù vui mừng la lên:

“Lá cờ dựng được rồi…?”

Lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa đã tung bay trên mặt bờ Cổ Thành rồi kia. Đó cũng là một tín hiệu của toán tiền thám báo cho Trung Tá Hiếu biết nhiệm vụ của họ giai đoạn đầu đã hoàn tất và họ sẽ tiếp tục nhiệm vụ kế tiếp. Trong giây phút đó, bỗng nhiên có những tiếng hô dõng dạc từ trên bờ thành vọng đến bên tai những người chiến sĩ Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đang ghìm tay súng hướng về bờ Cổ Thành chờ đợi và trước mắt họ đã hiện rõ bóng cờ. Tiếng Binh I Hồ Khang hô lớn:

– “Nhảy Dù cố gắng – Nhảy Dù chiến thắng – Việt Nam Cộng Hòa muôn năm.”

Liền ngay sau đó quân CSBV tử thủ bên trong Cổ Thành đã tập trung hỏa lực như mưa bắn xối xả vào toán cảm tử của TĐ5/ ND, Binh Nhất Hồ Khang và 3 đồng đội khác tử trận ngay bên bờ thành, chỉ có Hạ sĩ Sáu và Binh Nhất Tâm còn may mắn, hai ngày sau lần mò trở về lại chiến tuyến.

Ngày 21 Tháng Năm, các đơn vị TĐ5/ND được lịnh lui về vị trí cũ để phi pháo hoạt động, Đại Đội 52 trên đường lui binh trở lại nhà thờ Tri Bưu bị quân CS phát giác và bắn theo bằng đại bác trực xạ không giật 82 ly. Thiếu Úy Trịnh Văn Bé bị tử thương và 56 quân nhân khác bị thương vong. Hai ngày sau các đơn vị lại tiến lên trở lại. TĐ5/ ND phát hiện và hạ sát hai tên tiền sát viên pháo binh VC bám theo sau Tiểu Đoàn.

Ngày 25 Tháng Bảy 1972, TĐ5/ ND tiến quân tái chiếm Cổ Thành. Để yểm trợ cho trận đánh quyết tử này “Minh Hiếu” được tăng cường Đại Đội 111/ ND của Tiểu Đoàn “Song Kiếm Trấn Ải” do Trung Úy Đinh Viết Trinh “ba búa” chỉ huy đánh trợ lực từ hướng Tây Bắc vượt qua cánh đồng trống, tiến dưới làn mưa pháo địch, đánh thóc vào khu nghĩa địa làng Tri Bưu, chiếm đường Duy Tân để bắt tay với Đại Đội 52/ND do Trung Úy Hồ Tường chỉ huy và để cùng đồng loạt tiến đánh chiếm lại Cổ Thành bằng mọi giá. Cạnh sườn phía Bắc Cổ Thành có Đại Đội 2/TSND do Đại Úy “Út Bạch Lan” chỉ huy tấn kích nghi binh trợ chiến.

Đúng 3 giờ sáng, Đại Đội 51 do Trung Úy Trương Đăng Sĩ, đại đội trưởng, làm nỗ lực chính tiên phong đột kích lập đầu cầu trên mặt Cổ Thành, sau đó là ĐĐ.52/ND do Trung úy Hồ Tường chỉ huy, nỗ lực phụ trợ chiến, một Trung Đội của ĐĐ.51/ND đã cấm cờ lần thứ hai trên bờ tường Cổ Thành. Trước khi xuất quân, Trung Tá Hiếu lệnh cho các đơn vị trực thuộc nếu không tiến lên được vì bất cứ lý do gì, các đại đội cố gắng rẽ sang phía trái sẽ có TĐ.6/ND trợ chiến.

Khi bình minh vừa ló dạng, hai Đại Đội tiên phong/TĐ5ND dàn đội hình trên bờ thành chờ đợi xuất phát, trong khi 2 phi cơ A37 vào vùng triệt hạ khẩu đại bác trực xạ 82 ly của địch theo sự chỉ dẫn của trinh sát cơ OV-10. Tiếp theo đó Pháo Binh đang trải màn khói, chuẩn bị tác xạ yểm trợ… Nhưng… ngay khi đó, bất thần, hai chiếc phi cơ Fantom Hoa Kỳ chúi xuống trút bom ngay trên đầu của các Đại Đội 51 và 52 ND. Sự việc xảy ra trước mắt của Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu, trong khi ông cùng Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đang theo dõi diễn tiến trận đánh quyết tử để sớm kết thúc giai đoạn 2, cũng không thể nào ngăn kịp. Muộn rồi!!! TĐ5N D gần như tan nát!

Với những khối bom nặng của phi cơ Mỹ đã thả xuống rất chính xác làm cho hơn 50% chiến sĩ Mũ Đỏ ưu tú của TĐ5ND bị thương vong. Đại Đội 51 của Trung Úy Trương Đăng Sĩ chỉ còn 38 quân nhân sống sót, tất cả 5 sĩ quan của Đại Đội 52 đều bị thương và gần 50 HSQ và binh sĩ bị thương vong. Tổn thất nặng nề đó đã giáng một đòn chí tử lên nỗ lực tột cùng của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, và Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu phải ra lịnh cho các đơn vị trở lại tuyến xuất phát. (Việc ném bom lầm này, có dư luận cho rằng là một sự cố ý từ nơi nào đó muốn ngăn chận sự tiến quân nhanh chóng của QLVNCH?)

Ngày 27 Tháng Bảy 1972, Tướng Trưởng trong cuộc họp với các tư lệnh chiến trường để duyệt xét tính hình chiến sự, ông đã cho biết là theo tin tức tình báo nhận được, Cộng quân đã đưa thêm 2 Sư đoàn CSBV vào vùng cận sơn Trị Thiên. Hai Sư Đoàn này sẽ tung vào mặt trận Quảng Trị trợ lực cho Sư đoàn 325/CSBV và Ông quyết định thay đổi lực lượng tấn công tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Theo đó TQLC trách nhiệm khu vực duyên hải và mặt trận Cổ Thành Quảng Trị. Lực lượng Nhảy Dù trách nhiệm bảo vệ phòng tuyến Thạch Hãn, và khống chế lực lượng tăng viện của địch ở mặt trận phía Tây Quảng Trị. Đúng 12 giờ trưa, Đại Tá Trần Quốc Lịch, LĐT/LĐ2ND, bàn giao khu vực trách nhiệm cho Đại Tá Ngô Văn Định LĐT/LĐ258/TQLC trong khi trận chiến vẫn còn đang giao tranh ác liệt giữa Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù với 1 Trung đoàn Cộng quân cố thủ trong Cổ Thành. Các tiểu đoàn Nhảy Dù cũng lần lượt được thay thế bởi các tiểu đoàn TQLC.

Tiểu Đoàn 9 TQLC do Thiếu Tá Nguyễn Kim Để chỉ huy hoán đổi cho TĐ11/ND tại khu vực phía Nam thị xã, cạnh Quốc Lộ 1. Tiểu Đoàn 5 TQLC do Thiếu Tá Hồ Quang Lịch chỉ huy nhận lãnh trách nhiệm thay thế TĐ6/ND tại ngã ba Long Hưng. Tiểu Đoàn 3/TQLC do Thiếu Tá Nguyễn Văn Cảnh chỉ huy thay thế TĐ5/ ND tại làng Tri Bưu gần Cổ Thành Quảng Trị.

Mặt trận phía Tây Quảng Trị:

Sau khi bàn giao khu vực trách nhiệm chung quanh Cổ Thành và thị xã Quảng Trị cho lực lượng TQLC, SĐND mở mặt trận mới tấn công quân CSBV trong vùng rừng núi phía Tây thị xã Quảng Trị và phía Nam sông Thạch Hãn, gọi là Động Ông Đô, để ngăn chận sự chuyển quân và tiêu diệt các ổ súng đại bác 122 ly, 130 ly thường pháo vào thành phố chung quanh cũng như yểm trợ cho cánh quân cố thủ của chúng trong thành cổ Đinh Công Tráng.

Ngày 12 Tháng Tám 1972, Đại Tá Trương Vĩnh Phước, LĐT/LĐ3ND, mở cuộc hành quân trong vùng trách nhiệm cận dãy Trường Sơn. Việc tiến quân vào vùng này rất khó khăn vì rừng núi trùng điệp, càng lên cao càng hiểm trở lại gặp thời tiết khắc nghiệt nên hỏa lực yểm trợ bị giới hạn rất nhiều. Tuy nhiên các chiến sĩ Nhảy Dù vẫn không chùng bước.

Mở đầu chiến dịch, TĐ3/ND từ bờ sông Nhung được lịnh tiến chiếm ngọn đồi 118 ở phía Đông căn cứ Barbara. Nơi ngọn đồi này địch quân dùng làm đài quan sát theo dõi tất cả mọi hoạt đông quân sự của VNCH trong vùng từ Ái Tử, Quảng Trị đến quận Hải Lăng…

Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù chia thành 2 cánh quân tấn công. Cánh thứ nhất gồm BCH Tiểu Đoàn, Đại Đội 30 và Đại Đội 33 tiến chiếm đỉnh đồi 118 dễ dàng không gặp một sự chống cự nào của Cộng quân, Đại Đội 32 án ngữ làm thành phần trừ bị và giữ an ninh bãi tiếp tế và suối nước. Cánh thứ hai gồm hai Đại Đội 31 và 34 tiến về hướng căn cứ Barbara… Cánh quân này gặp sự kháng cư mạnh mẽ của địch. Sau hai ngày quần thảo Cộng quân rút lui bỏ lại nhiều xác và vũ khí gồm súng cối 62 ly, đại liên 12.8 ly, và hằng trăm khẩu AK 47 và đạn dược.

Ngày 14 Tháng Tám 1972, Đại Tá Nguyễn Trọng Bảo, phụ tá hành quân/SĐND và Đại Tá Huỳnh Long Phi trên đường đến thăm vị trí đóng quân của LĐ1ND đã bị tử nạn trực thăng tại phía Đông Bắc cầu Mỹ Chánh, trên QL1 (khoảng đại lộ kinh hoàng).

Trong ngày này, Tiểu Đoàn 3 ND nhận được tiếp tế tại đồi 118, Trung Đội 1/33ND do Thiếu Úy Toàn chỉ huy được chỉ định xuyên rừng mang tiếp tế cho 2 Đại Đội 31 và 34 đang trấn ngự trên lưng chừng núi giữa đường đến căn cứ Barbara..

Đến 6 giờ sáng ngày 16 Tháng Tám, Trung Đội 1/33 của Thiếu Úy Toàn vừa trở về căn cứ sau khi phải di chuyển băng rừng suốt đêm thì 2 Trung đoàn của SĐ308 Cộng quân ào ạt tấn công vào vị trí phòng thủ của TĐ3/ND trên đồi 118.

Khởi đầu cuộc tấn công, vào lúc 6 giờ sáng Cộng quân áp dụng trận địa pháo kinh hồn pháo vào vị trí TĐ3/ND sau đó dùng biển người tấn công vào mặt phía Tây căn cứ do 2 Đại Đội 30 và 33 ND trấn thủ. Các chiến sĩ Dù phản công quyết liệt, giao tranh từ sáng đến chiều. Thiếu Úy Lê Ngọc Bản, SQTT, Chuẩn Úy Phạm Lê Phong, Trung Đội Trưởng/ĐĐ33, TSI Trần Văn Dũng và Hạ Sĩ Truyền Tin Lê Thiều bị tử thương. Thiếu Tá Nguyễn Văn Định, TĐP, Đại Úy Phạm Xuân Thiếp, Ban 3, Đại Úy Dương Văn Xuân, ĐĐT 30, Trung Úy Trần Văn Tâm, phụ tá Ban 3 bị thương. Trung Úy Nguyễn Hữu Viên, ĐĐT 33 bị thương hộc máu và Trung Sĩ Sỉ cận vệ cho Tiểu Đoàn Trưởng lãnh nguyên một quả đạn 75 ly trực xạ bị tan xác. Đến 6 giờ chiều, Cộng quân thấy không thắng được và bị thiệt hại nhiều nên rút lui, các chiến sĩ Dù cấp tốc tu bổ lại công sự phòng thủ, kiểm điểm quân số và trị liệu cho thương binh.

Sáng sớm hôm sau 17 Tháng Tám, địch quân tập trung quân đông đảo quyết dứt điểm ngọn đồi 118, vẫn áp dụng chiến thuật tiền trận địa pháo hậu xung biển người. Trước áp lực quá nặng của địch quân, BCH Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù cho Đại Đội 30 di tản tản tất cả thương binh ra khỏi cứ điểm về hướng Bắc. Đại Đội 33 ở lại tử thủ.

Đại Đội 33 Nhảy Dù với quân số chỉ còn lại 70 người, kiên cường chống trả lại. Nhiều đợt xung phong biển người của địch quân bị rơi rụng bên ngoài rào phòng thủ… Đặc biệt ngày nay, Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù đánh giặc không pháo yểm cũng không có không yểm, cũng không có tiếp viện, Nhảy Dù chỉ “đánh khô” vậy thôi. (Lý do là thời tiết xấu, hết đạn pháo binh, tiếp tế từ Đà Nẵng chở ra không kịp, còn phi cơ có lẻ cũng hết… đạn luôn). Đến xế chiều, vì áp lực Cộng quân quá mạnh và quá đông lại không có pháo binh và phi pháo trợ giúp nên Thiếu Tá Võ Thanh Đồng, TĐT, cho lệnh Đại Đội 33 triệt thoái khỏi cứ điểm. Đến 5 giờ chiều, Cộng quân đã tràn ngập căn cứ. Lúc này 2 chiếc oanh tạc cơ A37 của Không Quân VNCH bay tới oanh tạc ngay giữa đỉnh đồi 118. Đại Đội 33 chỉ còn lại 43 người trong đó có 3 Sĩ Quan là Trung Úy Viên, ĐĐT, Chuẩn Úy Đào Văn Oai và Chuẩn Úy Lê Thanh Vân, trung đội trưởng.

Chiều hôm đó, Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù được rút về ngọn đồi 30 với Đại Đội 32 và sáng ngày hôm sau rút ra Trường Phước, cạnh QL.1 để nhận tiếp liệu và bổ sung quân số. Sau khi được chỉnh bị, TĐ3/ND trở lại trận địa án ngữ ngọn đồi 90 dưới chân núi Động Ông Đô để cho các đơn vị Nhảy Dù khác tái chiếm căn cứ Barbara và Anne.

Ngày 8 Tháng Chín 1972, LĐ3ND điều động TĐ8/ND tái chiếm căn cứ Barbara. TĐ8/ND chia quân thành hai mũi tấn công ban đêm vào hai phía Đông và Tây của căn cứ. Địch bị đánh bất ngờ khi còn đang ngáy ngủ. 2 Đại Đội TĐ8/ND đã đột kích vào căn cứ một cách dễ dàng. Rất nhiều tù binh thuộc SĐ324/CSBV bị bắt, hơn 20 xe molotova chở đầy lương khô, đạn dược bị tịch thu còn nguyên vẹn cùng nhiều vũ khí cá nhân và cộng đồng. Một thiếu úy ND bị hy sinh và một binh sĩ bị thương.

TQLC tái chiếm Cổ Thành:

Ngày 28 Tháng Bảy 1972, sau khi nhận bàn giao khu vực trách nhiệm từ LĐ2ND, Lữ Đoàn 258 TQLC lập ngay phòng tuyến sát với các vị trí của đối phương. Trận chiến càng ngày càng diễn ra khốc liệt. Đại bác Cộng quân ở bờ Bắc sông Thạch Hãn đã pháo kích liên tục, cùng lúc đó, súng cối của Cộng quân từ các vị trí gần Cổ Thành bắn từng đợt hàng trăm quả vào các vị trí chiến đấu của các đơn vị TQLC.

Ngày 9 Tháng Chín 1972, trong khi Sư Đoàn Nhảy Dù tiếp tục truy kích các đơn vị CSBV ở phía Tây Quảng Trị, thì dọc theo vùng núi tỉnh Quảng Trị từ phía Tây Nam cho đến phía Tây Bắc, hàng loạt phi vụ B52 trải thảm lửa xuống các vị trí được ghi nhận là có cụm pháo binh và tập trung của Cộng quân. Cùng lúc đó, tại thị xã Quảng Trị, 6 Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đồng loạt tấn công CSBV từ nhiều hướng vào Cổ Thành Đinh Công Tráng.

Từ ga Quảng Trị, Tiểu Đoàn 1 TQLC Quái Điểu do Thiếu Tá Nguyễn Đăng Hòa chỉ huy đã điều động các Đại Đội xuất quân tấn công vào khu vực gần bệnh viện Quân Dân Y Hỗn Hợp và khu vực trường Bồ Đề.

Tại ngã ba Long Hưng, Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến có biệt danh là Tiểu Đoàn Trâu Điên do Thiếu Tá Trần Văn Hợp làm Tiểu Đoàn Trưởng đã tung 2 Đại Đội tấn công vào các chốt chận của CSBV trong làng Thạch Hãn nằm sát thị xã Quảng Trị về phía Nam, được bao bọc bởi những lũy tre xanh. Lợi dụng từng cụm tre, Cộng quân đã đào hầm theo chữ A và chữ T rất kiên cố để ngăn chận các cuộc tấn công của Việt Nam Cộng Hòa.

Các tiền sát viên Pháo binh đã điều chỉnh mục tiêu tác xạ cho từng khẩu pháo 105 ly với đầu đạn nổ chậm xê dịch từng 10 mét một (chứ không phải 50 mét theo quy định an toàn khi gọi Pháo binh bắn yểm trợ) để bật tung từng ổ kháng cự của Cộng quân.

Một cánh quân của Tiểu Đoàn Trâu Điên từ ngã tư Quang Trung, Duy Tân với sự yểm trợ của Pháo binh và chiến xa M.48 đã tấn công “dọn sạch” các chốt Cộng quân ở bên đường Quang Trung, để từ đây đánh chiếm cụm điểm phòng ngự của Cộng quân ở rạp chiếu bóng Đại Chúng và các mục tiêu dọc theo đường Lý Thái Tổ, ở phía Nam Cổ Thành Quảng Trị.

Tại hướng Đông Bắc, các Tiểu Đoàn 3 và 7 TQLC đã tiến chiếm các vị trí trọng điểm để tiến sát đến Cổ Thành. Tại phía Đông Nam, Tiểu Đoàn 6 TQLC Thần Ưng (do Thiếu Tá Đỗ Hữu Tùng chỉ huy) được giao trọng trách phải vào Cổ Thành bằng mọi giá.

Tại phòng tuyến ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Trị, ở khu vực quanh trục lộ tiếp vận của Cộng quân (hương lộ 560), lực lượng tăng cường cho Sư Đoàn TQLC là Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân đã gặp sự kháng cự mạnh của Cộng quân khi Liên Đoàn tung 2 Tiểu Đoàn bung rộng khu vực kiểm soát về phía Đông. Không quân Việt-Mỹ đã xuất trận để yểm trợ cho Biệt Động Quân đánh bật Cộng quân ra khỏi trận địa.

Ngày 13 Tháng Chín 1972, Đại Đội 5 Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên từ ngã tư Quang Trung Trần Hưng Đạo mở cuộc tấn công vào khu vực chợ Quảng Trị. Trận chiến đã diễn ra quanh khu vực chợ, dọc theo đường Trần Hưng Đạo ra đến bờ sông. Hai bên đã ác chiến quanh các đống bê tông đổ nát mà CQ đã biến thành các điểm kháng cự. Cuối cùng Tiểu Đoàn TQLC này đã chiếm được mục tiêu, sau đó khai triển đội hình tiến chiếm khu hành chánh gồm Ty Bưu Điện, Ty Thanh Niên, Ty Ngân khố và tiến sát đến dinh Tỉnh Trưởng – nơi 1 đại đội Cộng quân đang bố trí quân quanh khuôn viên để cố thủ-. Một cánh quân khác, Đại Đội 4 làm nỗ lực chính do Đại bàng Long Hồ, Đại Đội Trưởng, chỉ huy đã tiến quân thanh toán các chốt địch dọc hai bên đường Phan Đình Phùng, sau đó tiến đánh và triệt hạ các chốt của CQ bố trí tại cơ quan USOM và Tòa án tỉnh Quảng Trị. Thanh toán được các mục tiêu trọng yếu, Đại Đội 4 và Đại Đội 5 của Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên đã tấn công vào khu vực tòa Hành chánh và Ty Tiểu học Quảng Trị nơi 1 Trung đoàn CQ đặt bộ chỉ huy. Do các chốt bảo vệ xung quanh đã bị TQLC triệt hạ, nên bộ chỉ huy CQ tại đây đã phải tháo chạy ra hướng bờ sông.

Ngày 15 Tháng Chín 1972, LĐ2ND mở cuộc hành quân tảo thanh VC vùng sườn núi phía Tây, nhằm mục đích mở rộng vùng hoạt động và càn quét các đơn vị Cộng quân lẩn khuất trong vùng cũng như ngăn chận địch tiến xuống vùng đồng bằng ở phía Đông.

Cùng ngày này, 4 đại đội của Tiểu Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 6 TQLC đã dàn hàng ngang đồng loạt xung phong tiến về hướng Tây cổ thành Đinh Công Tráng. Trong đêm 15 Tháng Chín 1972, Cộng quân đã pháo dữ dội vào đội hình của hai Tiểu Đoàn này để yểm trợ cho thành phần CQ đang cố thủ ở đây. Gần rạng sáng, 4 Đại Đội TQLC nói trên đồng loạt xung phong, những tổ kháng cự của Cộng quân đã chống trả mạnh nhưng chỉ được nửa giờ sau đó đã bị đánh bật khỏi phòng tuyến.

Rạng ngày 16 Tháng Chín, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến đã đánh bật CSBV ra khỏi trung tâm thị xã Quảng Trị và kiểm soát toàn bộ khu vực Cổ Thành, hai Tiểu Đoàn 3 và 6 Thủy Quân Lục Chiến từ các vị trí vừa chiếm được trong Cổ Thành, đã bung ra lục soát và triệt hạ các chốt còn lại của CSBV. Đến 8 giờ, một toán Cọp Biển của Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến đã dựng quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa trên cổng tường phía Tây Cổ Thành Quảng Trị, biểu tượng cho sự toàn thắng của Quân lực VNCH trong cuộc tổng phản công tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.

Sau 4 tháng 16 ngày chiếm giữ Cổ Thành và thị xã Quảng Trị, Cộng quân đã bị đánh bật và tổn thất rất nặng. Riêng Trung đoàn Triệu Hải (Trung đoàn 27 CSBV) với hơn 1.500 quân cố thủ trong Cổ Thành đã bị hạ gần như toàn bộ tại trận địa, chỉ còn chưa đến 1 tiểu đội (10 người) thoát chạy ra ngoài.

Ngoài Trung Đoàn Triệu Hải bị xóa sổ, Trung đoàn 48 B thuộc Sư Đoàn 320 B CSBV- đơn vị chiếm giữ trung tâm thị xã, cũng đã bị thiệt hại hơn 80% quân số.

Theo ghi nhận của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, chỉ trong trận chiến tại trung tâm thị xã Quảng Trị và Cổ Thành, có 2,767 Cộng quân đã bị hạ sát tại trận, 43 địch quân bị bắt sống. Về phía Thủy Quân Lục Chiến, trung bình mỗi ngày có 150 chiến binh Cọp Biên hy sinh. Chiều ngày 16 Tháng Chín 1972, sau khi đánh bật CSBV ra khỏi trung tâm thị xã và tái chiếm toàn khu vực Cổ Thành, 6 Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã bung rộng để triệt hạ các chốt kháng cự của tàn quân CSBV trong Cổ Thành và nới rộng vùng kiểm soát.

––––––––––——-

Tài liệu tham khảo:

– The Easter Offensive Of 1972 của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, TTQS/BQP/HK xuất bản năm 1980, Việt dịch Kiều Công Cự.

– Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam với cuộc Tổng Công Kích Tổng Nổi Dậy 1972 của CSBV tại Vùng I Chiến Thuật – Tài liệu tổng hợp của Cựu Trung Tá Trần văn Hiển TP3/SĐ/TQLCVN trên trang web http://www.tqlcvn.org.

– Mặt Trận Cổ Thành Quảng Trị của Mũ Đỏ Trịnh Ân.

– Thiên Hùng Ca QLVNCH của Phạm Phong Dinh xuất bản lần thứ nhất năm 2004.

– Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập của Nguyễn Đức Phương, Làng Văn xuất bản năm 2001

– Đời Chiến Binh của Thiếu Tá Nhảy Dù Trương Dưỡng, Tác giả xuất bản 15/5/1999.

– Lời tường thuật của Trung Úy Thạch Hớn, Trung Đội Trưởng Trung Đội 1/52 ND hiện cư ngụ tại OC, CA

– Phỏng vấn các chiến hữu Nhảy Dù.

Chúng tôi rất mong được đón nhận những ý kiến bổ chính của các chiến hữu cho những sai sót vì vấn đề thời gian đã trên 32 năm và tài liệu tham khảo hạn hẹp. Điện thoại: (714) 545-0105 email: votrungtin@hotmail.com

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn