Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế

Thứ Bảy, 31 Tháng Tám 20193:00 CH(Xem: 4592)
Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế

Một nhà kinh doanh tài ba hàng đầu Nhật Bản hiện đại và một võ sĩ samurai chân chính bậc nhất nước Nhật thời Minh Trị Duy Tân có điểm gì chung? Đó chính là lý tưởng “đại nghĩa”, đó chính là triết lý về sự tử tế.

Inamori Kazuo, một doanh nhân được nhiều thế hệ doanh nhân Nhật Bản thần tượng, là người sáng lập hãng Kyocera và phát triển hãng thành công ty công nghệ cao đa quốc gia với hơn 66.000 nhân viên. Ông nổi tiếng là người đã “tái sinh” Hãng hàng không Nhật Bản (Japan Airlines). Từ tình trạng nợ nần chồng chất và việc kinh doanh đang bên bờ phá sản, sau khi được Inamori lãnh đạo và dẫn dắt trong 2 năm 8 tháng, Japan Airlines đã hoạt động trở lại. Khả năng phi thường đó được lan truyền rộng rãi và khiến số lượng doanh nhân muốn học tập Inamori tăng vọt.

Vương đạo cuộc đời: Đi đến thành công bằng sự tử tế

Sau khi thôi giữ chức chủ tịch hãng Kyocera, Inamori quyết định trở thành nhà sư đạo Phật với pháp danh Đại Hòa. Trước đó tư tưởng nhà Phật có ảnh hưởng rất lớn đến ông khi điều hành công việc kinh doanh của hãng Kyocera. Ông luôn hướng đến việc cống hiến giá trị vật chất và tinh thần cho cuộc sống hạnh phúc của con người, của toàn xã hội. Ông đã được một số trường đại học Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh Quốc trao bằng tiến sĩ danh dự cho các cống hiến của mình trong lĩnh vực kinh doanh cũng như hoạt động xã hội.

Vậy thì phong cách kinh doanh của Inamori là gì? Và ông đã lấy cảm hứng như thế nào từ Saigo Takamori – võ sĩ samurai chân chính bậc nhất nước Nhật thời Minh Trị Duy Tân?

Vương đạo cuộc đời: Đi đến thành công bằng sự tử tế

Dưới đây, Trí Thức VN xin giới thiệu với bạn đọc trích đoạn lời mở đầu trong cuốn sách của Inamori Kazuo. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu toàn bộ cuốn sách mang tên: “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế”.

*
**

Để là người Nhật cao quý, nước Nhật cao quý.

Đã từng có nhiều người Nhật cao quý tồn tại khắp nơi trong xã hội Nhật Bản.

Dù không khá giả vẫn đầy nhiệt huyết phấn đấu, không nịnh nọt người trên, với kẻ dưới khiêm nhường, không đề cao bản thân, luôn làm điều tốt đẹp cho kẻ khác – đã có rất nhiều người Nhật với đức tính tốt đẹp như thế.

Từ đó, những tập đoàn, công ty được hình thành bởi những con người như vậy cũng tự mình trang bị những phẩm cách cao quý đó.

Ví dụ, ở những công xưởng sản xuất, có những con người đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao, bằng tâm hồn tinh tế cùng sự cẩn thận vẹn toàn cho chất lượng sản phẩm do chính mình làm ra, dù không có một chế độ quản lý nghiêm khắc, chỉ với suy nghĩ tự hào khi nhìn thấy khách hài lòng, vui thích với sản phẩm ấy.

Tương tự là các cửa hiệu bán sản phẩm. Dù chỉ là nhân viên mới, còn non kinh nghiệm, họ vẫn cố gắng hết sức mình phục vụ khách hàng. Thái độ phục vụ cao cấp đó nhất định không phải do cấp trên ra lệnh, cũng không phải vì có trong sách hướng dẫn tập huấn nhân viên, cũng chẳng phải để bán cho bằng được sản phẩm, mà thái độ đó được bộc lộ một cách tự nhiên từ một tấm lòng tử tế, luôn nghĩ đến người khác.

Tôi cho rằng các công ty, xí nghiệp Nhật Bản được những con người cao quý đó tạo dựng nên, mà nhờ vậy, kinh tế Nhật Bản phát triển được như ngày hôm nay.

Ấy vậy mà, nhìn lại xã hội những năm gần đây, những vụ án tồi tệ liên tục xảy ra. Nào đánh tráo thực phẩm, che giấu sản phẩm lỗi, kết toán ảo, giao dịch nội gián, vô số những việc bất minh khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về ý nghĩa xã hội của các công ty.

Cả các cơ quan nhà nước, chính phủ cũng vậy. Từ bè phái, cho đến lập quỹ đen, những sự thật đáng buồn liên tiếp bị lộ tẩy về những người được gọi là công bộc mà lẽ ra họ phải phục vụ cho dân. Gia đình thì đầy các vụ án bi thảm như muốn phủ định giá trị con người một cách trực diện.

Hẳn không chỉ mình tôi thở dài “rồi đất nước này sẽ ra sao?” mỗi khi giở báo ra xem.

Tôi cho rằng tất cả những hiện tượng như vậy xảy ra là do sự xuống cấp chất lượng người Nhật.

Sáu mươi năm sau chiến tranh, người Nhật đã vươn lên mạnh mẽ từ đống đổ nát, tạo nên sự phát triển kinh tế thần kỳ. Kết quả là tuy có được sự phồn vinh về vật chất nhưng ngược lại, chẳng phải chúng ta đang đánh mất sự giàu có về tinh thần với tốc độ cực nhanh đó sao?

Chính tâm hồn đang ngày càng lụn bại đã làm cho người Nhật xấu xí đi. Nó cũng là nguyên nhân chính tạo nên sự hỗn loạn trong xã hội Nhật ngày nay.

Lần giở sách sử cổ kim, đông tây, ta sẽ thấy hưng vong của một quốc gia được lặp lại như thế này: khi người dân chăm chỉ, nỗ lực thì quốc gia tiến tới phát triển, tăng trưởng; khi người dân buông tuồng thì quốc gia suy thoái. Hưng suy của một quốc gia đồng nhất với trạng thái tâm hồn của quốc dân.

Chính lúc này đây, mỗi người Nhật phải nghĩ làm sao để lấy lại được tâm hồn cao quý tuyệt đẹp, lấy lại sự giàu có về tinh thần. Bất luận tuổi tác, chỉ cần mọi người Nhật nâng cao những phẩm cách, phẩm chất đó, chắc chắn chúng ta sẽ lại có thể ưỡn ngực tự hào với thế giới rằng nước Nhật là đất nước những công dân cao quý sinh sống. Tôi cho rằng đấy mới chính là tái sinh nước Nhật thực thụ.

Mỗi khi nghĩ như vậy, tôi lại nhớ đến một người Nhật cao quý có tâm hồn cao đẹp, trái tim nồng ấm vô ngần.

Đó là Saigo Takamori.

Chính cách sống, cách nghĩ của Saigo đã khơi nguồn cho “vẻ đẹp” và “sự cao quý” vốn có của người Nhật.

Mỗi khi được hỏi “nhân vật mà ông tôn kính, nhân vật lý tưởng của ông là ai?” thì trong đầu tôi luôn hiện câu trả lời “là Saigo”.

Để tạo dựng quốc gia cận đại trong thời Bakumatsu (Mạc mạt) đầy biến động, Saigo đã cùng nhiều người ôm chí lớn, đốt cháy nhiệt huyết và thậm chí đổ máu. Thế nhưng, tân chính phủ được dựng lên sau bao biến cố lại hoàn toàn đi ngược với kỳ vọng của Saigo.

Những người cùng chí hướng khi xưa, nay trở thành quan chức chính phủ với tư cách là những người có công trong công cuộc Duy Tân, họ trở nên kiêu ngạo, chỉ ưu tiên cho vinh hiển cá nhân. Công cuộc Duy Tân Meiji (Minh Trị) không thể bị phá vỡ bởi những đòi hỏi vinh hoa phú quý của bọn họ. Nhân bất đồng trong vụ Kenkan Shisetsuron (cuộc xung đột chính trị lớn năm 1873 ở Nhật Bản), Saigo dứt khoát từ bỏ chức quan trọng trách Tham nghị bút đầu, về lại Kagoshima, trút hết tâm huyết vào công cuộc giáo dục thanh thiếu niên ở trường Shigakko.

Học trò Shigakko theo Saigo học tập, càng học càng biết về tình hình thế giới và thực trạng Nhật Bản. Họ hiểu ra thái độ phản đối chính phủ của Saigo.

– Không chấp nhận ý kiến của tiên sinh Saigo vĩ đại đây, tân chính phủ thật chẳng ra làm sao!

Thế là, các võ sĩ bất mãn với thời thế mà chủ yếu là học trò Shigakko quyết tâm khởi nghĩa. Họ cướp xưởng binh khí ở Kagoshima để lấy súng ống, đạn dược, tấn công đài trấn thủ Kumamoto, tiến lên phía Bắc.

Khi họ hành động, Saigo đang đi săn tận rừng sâu bán đảo Osumi. Nghe tin học trò khởi nghĩa, ông đã kêu lên:

– Hỏng rồi, lớn chuyện rồi!

Nhưng khi biết không thể nào ngăn lại được nữa, ông thuận theo tình cảm của những người trẻ, cùng hành động với họ dù thừa biết đây là một cuộc chiến thất bại. “Nếu mọi người đã vậy, ta không còn cách nào khác. Ta dâng hiến thân này.”

Và ngày 24-9-1877, sau bảy tháng chiến đấu, Saigo đã tử chiến ở núi Shiroyama, Kagoshima, hưởng dương 49 tuổi.

Đã có lúc Saigo bị chính phủ Meiji xem là tặc quân vì chống đối tân chính phủ. Thế nhưng vai trò mà Saigo đã hoàn thành trong các sự kiện như bàn giao thành Edo không đổ máu, cải cách hành chính xóa bỏ chế độ phiên hạt chuyển sang tỉnh thành có giá trị vô cùng to lớn trong công cuộc Duy Tân. Sau khi ông mất đi, ảnh hưởng to lớn mang tính áp đảo của Saigo được nhìn nhận. Năm 1886, cùng với việc ban hành hiến pháp đại Nhật Bản đế quốc là lệnh đại xá Saigo, ông được phục hồi danh dự.

[…]

Điều gì đã thôi thúc Saigo như vậy?

Đó là lòng tin lấy “đại nghĩa” làm căn bản, “đại nghĩa” lèo lái nước Nhật theo phương hướng đúng đắn. Chính lòng tin đó đã tạo nên dũng khí nơi Saigo.

[…]

Cách sống, lối nghĩ của Saigo mà tôi chia sẻ trong quyển sách này không phải là những giáo điều xưa cũ chỉ phù hợp với thời Bakumatsu hay Meiji sơ kỳ, mà ngược lại, chính những lúc thời thế nhiễu nhương như hiện nay, những lời giáo huấn đó lại càng sáng lấp lánh.

Sự vĩ đại trong con người Saigo, với tài năng vượt trội, tâm đức trong sáng và hơn cả là một tấm lòng vô tư tuyệt vời đã vượt thời gian, hướng dẫn chúng ta tư cách phải có để làm người cho đến tận ngày nay.

[…]

Người anh hùng thời Bakumatsu, Sakamoto Ryoma đã kể lại cho Katsu Kaishu ấn tượng của mình về cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với Saigo như sau:

– Con người có tên Saigo đó thật không thể hiểu được. Lấy ví dụ như cái chuông, gõ nhẹ thì tiếng vang nhẹ, gõ lớn thì tiếng vang lớn. Nếu ngốc nghếch thì là kẻ đại ngốc, còn nếu khôn ngoan thì cũng là người khôn ngoan hết mực.

[…]

Với tư cách tác giả, tôi chỉ mong sao có nhiều độc giả có thể đi trên “vương đạo cuộc đời” tuyệt vời của mình sau khi tiếp xúc với những lời vàng ngọc của Saigo thông qua quyển sách này.

Inamori Kazuo
Trích từ “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế”, NXB Trẻ (3-2016)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn