Tầm nhìn dài hạn giúp Trung Quốc tự tin đối đầu Mỹ?

Thứ Tư, 07 Tháng Tám 20191:00 SA(Xem: 5583)
Tầm nhìn dài hạn giúp Trung Quốc tự tin đối đầu Mỹ?

xi

Nguồn: Stephen S. Roach, “China’s Long View“, Project Syndicate, 26/07/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Một vài tháng trước, khi đi thăm tỉnh Giang Tây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập đến một cột mốc cách mạng cũ. “Bây giờ lại có một cuộc Trường Chinh mới, và chúng ta nên bắt đầu một khởi đầu mới”, ông nói như vậy về cuộc xung đột kinh tế gia tăng với Hoa Kỳ.

Ở Trung Quốc, tính biểu tượng thường quan trọng hơn việc giải thích theo nghĩa đen các phát biểu của các nhà lãnh đạo. Phát biểu tại cùng một tỉnh nơi cuộc Vạn lý trường chinh bắt đầu vào năm 1934, cuối cùng dẫn đến chiến thắng của Mao trước Quốc dân Đảng 15 năm sau đó, lời nhắc nhở của Tập nhấn mạnh sức mạnh lớn nhất của Trung Quốc, đó là tầm nhìn dài hạn.

Sức mạnh đó đã được thể hiện trong chuyến thăm Trung Quốc mới nhất của tôi vào đầu tháng Bảy. Sau một loạt các cuộc họp và thảo luận, tôi có thể đưa ra ba kết luận. Mỗi kết luận trong số đó đều thách thức cách lưỡng đảng ở Mỹ đang “ác quỷ hóa” Trung Quốc.

Thứ nhất, tăng trưởng chậm lại không phải là lý do cho sự sợ hãi đối với các lãnh đạo Trung Quốc như nhiều nhà hoạch định chính sách phương Tây vẫn nghĩ. Đúng, nếu so với quá khứ, báo cáo về tăng trưởng GDP mới nhất là yếu: tăng trưởng hàng quý xuống mức chậm nhất kể từ khi hệ thống báo cáo thống kê hiện tại được thông qua vào năm 1992, và thậm chí còn tồi tệ hơn so với ghi nhận một thập niên trước khi đang diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng tỷ lệ 6,2% trong quý 2 năm 2019 là mức giảm tương đối nhẹ (0,5%) so với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,7% của tám quý trước đó. Ngược lại, việc giảm xuống còn 6,6% trong quý đầu năm 2009 là một sự giảm tốc đột ngột, mất tới 5,5% so với tốc độ tăng trưởng trung bình 12,1% trong tám quý trước đó. Một sự giảm tốc vừa phải không phải là sự sụp đổ tăng trưởng như nhiều người tưởng tượng.

Điều đó cũng không đáng ngạc nhiên. Trung Quốc có nhiều đòn bẩy chính sách hơn so với các thách thức tăng trưởng. Vẫn còn dư địa để nới lỏng tiền tệ hơn nữa, cũng như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và các hình thức kích thích tài khóa khác, do đó chính quyền Trung Quốc ít quan tâm đến một “tai nạn” tăng trưởng bất ngờ như quan điểm của Mỹ vẫn thường nói.

Hơn nữa, việc Washington nhấn mạnh về việc ai sẽ thắng trong cuộc chiến thương mại bỏ qua một sự thay đổi cấu trúc cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2018, xuất khẩu ròng chỉ tương đương 0,8% GDP của Trung Quốc, cho thấy một mức thu hẹp đáng kể so với một thập niên trước khi xuất khẩu ròng tương đương 7,5% GDP thực tế. Mặc dù không phải là một ốc đảo bình yên trong một nền kinh tế toàn cầu đang dần suy yếu, nhưng Trung Quốc ngày nay cũng ít bị ảnh hưởng bởi các cú sốc thương mại so với trước đây. Ngay cả khi thua cuộc chiến thương mại – một khả năng vẫn còn gây tranh cãi – thì thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế nói chung của Trung Quốc sẽ không đáng kể.

Đồng thời, sự đổ vỡ của Ngân hàng Baoshang ngày 24 tháng 5 – lần đầu tiên một ngân hàng sụp đổ tại Trung Quốc trong khoảng 20 năm qua – đã gây ra nguy cơ lây lan rủi ro sang các ngân hàng khác. Với việc các khoản nợ xấu tăng lên hơn 30% tổng các khoản cho vay, ngân hàng tư nhân hạng trung của khu vực Nội Mông này rõ ràng là nạn nhân của tình trạng tham nhũng. Việc các nhà quản lý tài chính cùng ngân hàng nhà nước tiếp quản có phối hợp ngân hàng này đã giúp kiểm soát các thiệt hại trực tiếp, đồng thời gửi đi một cảnh báo rủi ro đạo đức quan trọng đến những ngân hàng kỷ luật kém khác. Nhưng thị trường cho vay liên ngân hàng vẫn còn rung lắc, với tác động lan tỏa đến các ngân hàng nhỏ hơn, bao gồm cả những ngân hàng ở khu vực nông thôn. Điều trớ trêu là Trung Quốc dường như có thể quản lý các rủi ro thương mại tốt hơn là quản lý sự bất ổn trong hệ thống tài chính của họ.

Kết luận thứ hai có thể rút ra từ các cuộc thảo luận gần đây của tôi là Trung Quốc kiên nhẫn và có phương pháp trong việc đối phó với các biến số bên ngoài – đặc biệt là chính trị Hoa Kỳ. Các quan chức Trung Quốc sẽ không đặt cược vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 khi xây dựng phản ứng chiến lược đối với cuộc xung đột thương mại. Rõ ràng, Trung Quốc rất quan tâm đến kết quả bầu cử; nhưng tuân theo quan điểm “Trường chinh” của Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu kéo dài kiểu Chiến tranh Lạnh, bất kể ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử đó.

Điều đáng kể là nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc không chia sẻ quan điểm rộng khắp tại Hoa Kỳ rằng quỹ đạo chính sách Trung Quốc của Mỹ sau năm 2020 sẽ không thay đổi – dù Donald Trump có thắng cử hay không. Trong trường hợp Trump thua, người Trung Quốc tin rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ quay trở lại một cách tiếp cận đa phương và tập trung vào các liên minh hơn. Hy vọng lớn nhất của họ là khôi phục tính toàn vẹn, truyền thống đối với quá trình hoạch định chính sách của Mỹ.

Giống như nhiều người ở Mỹ, người Trung Quốc cũng thấy khó đối phó với những sự thay đổi khó lường, gần như vô lý, liên quan đến thuế quan và các biện pháp trừng phạt. Ngay cả khi một tổng thống mới vẫn kiên quyết chống Trung Quốc, một chiến lược chặt chẽ và rõ ràng hơn của Hoa Kỳ cũng sẽ giúp định hình tốt hơn cuộc tranh luận và mang lại hy vọng giải quyết các bất đồng một cách mang tính xây dựng.

Thứ ba, Huawei là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc. Người khổng lồ công nghệ này được coi là một “nắm đấm thép” của quốc gia và là biểu tượng cho nỗ lực của Trung Quốc hướng tới đổi mới bản địa, là trung tâm của tham vọng phát triển và tăng trưởng dài hạn của Bắc Kinh. Bằng cách lợi dụng các “điểm nghẽn” trong chuỗi cung ứng của Huawei, chiến dịch ngăn chặn Trung Quốc của Trump được coi là đang tìm cách kìm hãm những khát vọng đó.

Không có gì phải bàn cãi khi Huawei cảm nhận được sức nóng khi Mỹ siết chặt chuỗi cung ứng bằng cách gây áp lực lên các nhà cung cấp chip bán dẫn, linh kiện và phần mềm hàng đầu của Mỹ – các công ty như AMD, IBM, Marvell, Intel, Google và Microsoft . Theo ban quản lý của Huawei, doanh thu của công ty trong năm nay sẽ giảm khoảng 30 tỷ đô la so với dự kiến.

Trong khi các quan chức cấp cao của Mỹ gửi tín hiệu mâu thuẫn nhau về việc nới lỏng các hạn chế đối với Huawei, thì việc “vũ khí hóa” chính sách thương mại của Mỹ đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc: việc giải quyết các điểm yếu trong chuỗi cung ứng của các công ty công nghệ hàng đầu là ưu tiên chính sách hiện nay.

Các quan điểm phổ biến ở phương Tây cho rằng Trung Quốc sẽ cần mười năm để xây dựng một ngành công nghiệp phần mềm hoặc một con chip trong nước nhằm lấp đầy khoảng trống được tạo ra bởi các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ. Nhưng những người Trung Quốc tôi nói chuyện cùng hồi đầu tháng 7 cảm thấy rằng lỗ hổng đó có thể được bịt kín sớm hơn nhiều, có thể trong vòng hai năm. Những đe dọa Trump đưa ra chống lại Huawei dường như đã đóng vai trò như một hồi chuông cảnh tỉnh cho chiến dịch tự lực tự cường của Tập. Đòn bóp nghẹt của Hoa Kỳ có thể diễn ra ngắn ngủi một cách đáng ngạc nhiên.

Hết lần này đến lần khác, tầm nhìn dài hạn của Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với cách tiếp cận ngắn hạn của Mỹ. Không cần phải nói, điều này đã trở nên rõ ràng hơn trong suốt hai năm rưỡi qua với những canh bạc chính sách mà Trump thực hiện trên Twitter. Một nhà hoạch định chính sách cấp cao của Trung Quốc thừa nhận ông kiểm tra các dòng tweet của Trump mỗi buổi sáng. Điều đó không có gì bất ngờ. Tôn Tử đã từng nói trong cuốn Binh pháp nổi tiếng của mình rằng “Biết mình biết người, trăm trận không bại”.

Stephen S. Roach là cựu Chủ tịch và kinh tế trưởng của Tập đoàn Morgan Stanley chi nhánh châu Á – Thái Bình Dương. Ông còn là thành viên cấp cao tại Viện Jackson về các vấn đề toàn cầu của Đại học Yale, và là giảng viên cao cấp Trường Quản lý thuộc Đại học Yale. Ông là tác giả cuốn sách Unbalanced: The Codependency of America and China.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Tư, 07 Tháng Tám 20195:28 CH
Khách
Duoi che do Cong san va doc tai,chinh quyen bat buoc va ep buoc dan chung phai tuan theo duong loi cua ho hoac la vao tu kho sai,nguoi dan chon mot trong hai,khong con mot con duong nao khac.Trong truong hop nay,nguoi tay phuong du suc hieu biet va biet rat tuong tan ve che do cong san-doc tai va dan chung.Tay phuong noi rieng va cac nuoc tu ban noi chung,chua co mot quoc gia nao tin tuong va co vo dan chung cua cac nuoc cong san noi len danh doc lap.Va nhu vay,tac gia cua bai viet co nhan dinh dung ve tam nhin VIEN KIEN.Nhung do la quan niem cua the ky truoc,hien nay la kinh te va bao vay co lap,khong nhin dau xa: BAC HAN va CUBA,dan chung van song vui,song khoe(?)trong buc man sat va tren dinh dau ruoi,Nhung sau nhung coi mo,noi rong de dan chung nem mui tu ban,VIEN KIEN tro nen THIEN KIEN den dan chu.Tay phuong noi chung va My noi rieng,deu khong muon co chien trang dan bay,bom no,nhung ho van san sang va co day du vu khi de de bep doi thu cai nay goi la MUON HOA BINH-PHAI SUA SOAN CHIEN TRANH.Va thay vi vay,ho co lap kinh te,bao vay xuat cang,va phuong tay that bai neu cong san han hoan tro ve che do tem phieu,che do an don va nguoi cay thay cho trau bo,dieu nay thi tay phuong thua ro rang.NHUNG....an quen,nhin khong quen,dat dai da khong con rong rai nhu xua de trong cay,do thi moc nhu nam sau con mua,xe hang hieu-do hang hieu-cell phone-net...Day la nhung diem ma cong san khong the va khong bao gio mo tuong tam nhin VIEN KIEN
Thứ Tư, 07 Tháng Tám 201912:23 CH
Khách
-" Nhưng những người Trung Quốc tôi nói chuyện cùng hồi đầu tháng 7 cảm thấy rằng lỗ hổng đó có thể được bịt kín sớm hơn nhiều, có thể trong vòng hai năm. "
-"Sức mạnh đó đã được thể hiện trong chuyến thăm Trung Quốc mới nhất của tôi vào đầu tháng Bảy. Sau một loạt các cuộc họp và thảo luận, tôi có thể đưa ra ba kết luận. Mỗi kết luận trong số đó đều thách thức cách lưỡng đảng ở Mỹ đang “ác quỷ hóa” Trung Quốc."
-"Kết luận thứ hai có thể rút ra từ các cuộc thảo luận gần đây của tôi là Trung Quốc kiên nhẫn và có phương pháp trong việc đối phó với các biến số bên ngoài ...
Rõ ràng, Stephen S. Roach tin vào những người cs hơn những người làm chính trị ở các nước tự do.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo