Phạm Hồng Ân - Mỵ

Thứ Tư, 24 Tháng Bảy 20196:23 CH(Xem: 7659)
Phạm Hồng Ân - Mỵ


Image result for thiếu nữ tranh họa sĩ lê trung
tranh lê trung
            
Tôi gặp Mỵ lúc em vừa tròn 13 tuổi, lúc tôi về tạm trú ở quê vợ, chờ ngày khăn gói vô tù. Ở quê vợ, suốt ngày, tôi chẳng bao giờ yên. Giờ nào cũng có mấy ông việt-cộng-con đến coi mắt. Có thằng nghi ngờ, ngó bộ vó trói gà không chặt của tôi, không tin tôi đã từng là cấp chỉ huy đám lính ngụy. Có thằng hùng hổ mang lít đế đến, thách đố với tôi về tửu lượng. Rồi khi ngà ngà say, đem tôi ra hạch sách tùm lum. Những lúc đó, Mỵ nhào vô, đứng che trước mặt tôi, bênh vực đến tận cùng. Lúc này, tụi nó mới đành hậm hực bỏ đi, vì Mỵ là em vợ của một ông chi bộ đảng, nổi tiếng vùng Bến Tre.

Mới 13 tuổi, Mỵ đã trổ mã. Ngực nhú lên như hai quả cau. Tóc đen nhánh, xõa dài. Và hay cúi  xuống mân mê tà áo, khi tôi trầm trồ ngó thẳng vào mặt em. Nhà Mỵ cách nhà tôi tạm trú khá xa. Muốn về nhà, Mỵ phải lội bộ khoảng mươi cây số, chưa kể đi đò qua một khúc sông khá rộng. Khi tôi tới đây, Mỵ đã có mặt ở khu nhà tôi tạm trú, vì chủ khu nhà này có bà con rất gần với Mỵ. Gặp tôi, Mỵ ở luôn, không về. Có lẽ, em muốn giúp tôi hòa hợp với đồng quê, sống thân thương, gần gũi với bà con thôn dã. Cũng có lẽ, vì em không yên tâm, sợ tôi bị mấy ông việt-cộng-con ăn hiếp, lúc nào cũng hùng hục ngó tôi bằng ánh mắt muốn ăn tươi nuốt sống. Tôi đi đâu, Mỵ cũng tìm cách đi theo. Tôi làm gì, Mỵ cũng nhào vô phụ. Thậm chí, Mỵ dành làm luôn những công việc nặng nhọc, mà những công việc đó, tôi chưa hề mó tay vô bao giờ. Một hôm, tôi muốn ra vườn, đốn mấy cây tre để làm vạt ngủ. Đường là một lối mòn nhỏ xíu, vì lâu quá, chẳng có ai đi lại, nên cỏ hoang và lùm bụi mọc đầy. Thời chiến, mấy ông việt-cộng-con muốn diệt Mỹ-Ngụy, liền bí mật gài lên đó mấy trái lựu đạn. Thằng gài, lỡ bị bắn chết. Thằng sau chẳng biết lựu đạn nằm chỗ nào, nên cứ để nó tênh hênh trong lùm cho tới bây giờ. Dân quê tới lui, rủi trúng lựu đạn ráng chịu, chính quyền ấp không có trách nhiệm. Ngại quá, tôi muốn tháo lui. Nhưng bất thần, Mỵ hiện ra, dẫn đường.

            - Anh sáu theo em nha! Em đưa anh tới bụi tre này, gần đây thôi!
            - Nghe nói lối đi đầy lựu đạn. Mình về em ơi! Nguy hiểm lắm!

Mỵ nắm tay áo tôi lắc lắc.
            - Sao anh không tin em? Em đã ở đây từ lúc sinh ra cho tới bây giờ. Mọi ngõ ngách em đều biết hết. Anh yên tâm đi, anh sáu.

Cái vạt tre đã hoàn thành trong ngày, qua đôi tay nhỏ nhắn nhưng đầy khéo léo của Mỵ. Tôi chỉ là tên thợ vịn tầm thường, tuân theo lệnh của Mỵ một cách đứng đắn. Chưa hết, sáng hôm sau, Mỵ thức sớm, thay áo bà ba mới, cầm túi đệm, tiến ra cửa. Tôi đang ngồi hút thuốc trên vạt, thấy bóng Mỵ, vội lên tiếng.
            - Em đi đâu sớm vậy Mỵ? Về nhà, phải không em?
            - Không, em ra bến đò đi Mỹ Tho. Chiều em về. Có ai tới, anh cứ ở trong buồng nha!

Chiều đến, Mỵ về thật. Mỵ về với túi đệm căng phồng, và một đôi chiếu mới, cong cong trên vai.
            - Em mua chiếu tặng anh chị. Chiếu này đẹp, vừa vặn cái vạt của anh.
            Tôi nhìn đôi chiếu, nhìn Mỵ, bỗng dưng tôi rơm rớm nước mắt.
            - Em làm anh cảm động quá! Ơn em, biết chừng nào anh trả đây!
 
Mỵ lắc nhẹ mái tóc. Tôi thấy em rất duyên dáng, trong chiếc áo bà ba trắng muốt.
            - Ơn gì? Em có làm ơn cho anh đâu, mà anh trả?

Dần dà, rồi cũng đến ngày tôi khăn gói vô tù. Vợ tôi chở tôi trên chiếc xuồng mượn của người chị, bơi thẳng ra giữa vàm để chờ đò tới. Mỵ ngồi buồn hiu trên bờ, bàn tay cứ ngắt từng cọng cỏ, quăng xuống dòng nước. Tôi hút thuốc liên miên, hết điếu này, vấn điếu khác. Tôi hút đến đắng môi, quên cả những giọt nước mắt đang đua nhau rớt xuống mặt từ lúc nào?

Mười năm tù trôi qua, tôi lếch thếch trở về. Nơi tạm trú xưa, vợ tôi đã quyết định cắm sào. Lần này, chúng tôi dọn nhà qua bên kia khúc sông rộng, tá túc trong mảnh đất của ông anh vợ, đầy cỏ tranh chằng chịt. Tôi gặp lại Mỵ dễ dàng. Vì nhà nàng cách nhà ông anh tôi không xa. Đó là một mái lá ấm cúng, nằm giấu mặt dưới những tàng vú sữa rậm rạp, phía trên lối mòn đầy lựu đạn, mà ngày xưa Mỵ dẫn tôi đốn tre. Bây giờ, nàng đã 23 tuổi, đã thành cô thôn nữ duyên dáng. Bây giờ, Mỵ thướt tha hơn trước nhiều. Tóc cũng xõa dài hơn. Hai quả cau hồi nhỏ giờ đã thành hai quả cam phập phồng. Thấy tôi, Mỵ xà ngay vào và líu lo như chim họa mi.
            - Đi tù có khổ không anh? Có bị hành hạ không anh? Sao lâu về quá vậy? Ở nhà, em cứ nhắc  hoài. Trông anh muốn chết luôn.
            Thế rồi, Mỵ lại quấn quít bên tôi. Ngày nào, nàng cũng dắt tôi đi giới thiệu với bà con chòm xóm. Đến đâu, nàng cũng ép tôi ăn, ép tôi uống đủ thứ. Nàng nói, ở tù, anh đói khát triền miên. Về đây, phải ăn bù, lấy lại sức khỏe.

Ba công đất rễ tranh chằng chịt, nếu không có những bữa ăn với Mỵ, chắc tôi phải đưa tay đầu hàng. Từ ngày ra tù, tôi như con gà nuốt dây thun, cố lê tấm thân tàn về ổ, chỉ để ngủ. Giờ đây, tôi đã mập hơn một chút, mạnh hơn một chút, đủ sức lực để tận diệt rễ tranh đang luồn lách dưới từng tấc đất bạc màu. Hằng ngày, tôi trồng chuối, lên mô nấm rơm, cất chòi cấy nấm mèo, và đặt những cây ăn trái dành cho mai sau. Mỵ theo tôi một thời gian, rồi bỏ đi mất biệt. Tôi ngóng hoài, vẫn không thấy nàng trở lại. Dù tiếc, nhưng phải bằng lòng, chấp nhận một sự thật. Mỵ như một cánh chim vừa mọc cánh, chắc chắn, trước sau gì nàng cũng sẽ bay đi.

Mỵ bay đi. rồi Mỵ bay về. Mỵ về, đưa tôi một thiệp hồng, báo tin em lấy chồng. Cầm thiệp trên tay, tôi chợt rụng rời, dường như tôi vừa đánh mất một cái gì quý báu nhất. Đêm đó, tôi hút thuốc liên miên. Tôi trút rượu đế vào thẳng cổ họng. Tôi ực rượu như ực nước lã. Rồi với tay lấy cây đàn vọng cổ, so dây dạo phím, tôi chơi một hơi hết tất cả bản oán. Tôi rung, tôi bấm đến đứt dây, đến rướm máu cả mấy đầu ngón tay, trong lúc nước mắt cứ tuôn rơi, ròng ròng xuống mặt.

Mỵ lấy chồng. Hai vợ chồng lại chọn mảnh đất sát rạch, cách nhà tôi khoảng đôi mươi thước, cất lên tổ ấm. Muốn đi chợ, tôi phải qua ngang nhà Mỵ, mới bắt gặp con đường gập ghềnh duy nhất, dẫn ngay tới nơi buôn bán. Vì thế, tôi tránh gặp Mỵ, bằng cách rất ít đi chợ. Ở nhà cắm câu, tát mương sống qua ngày. Và cố chôn vùi những kỷ niệm đáng yêu, đã có, từ Mỵ. Cho tới một hôm, tôi phải ra chợ để nhận một giấy xuất cảnh đi MỸ, theo diện HO. Tôi chọn giờ ra chợ sớm nhất, lúc dân làng còn ngái ngủ, dĩ nhiên, lúc đó Mỵ cũng đang nằm nũng nịu trong vòng tay của chồng. Tôi phóng xe, đạp qua khỏi nhà nàng. Tôi nín thở chạy một hơi, được khoảng xa, mới dừng lại. Chưa kịp lấy lại tự nhiên, bỗng nghe tiếng lạch bạch từ xa vẳng tới.
            - Anh sáu, em chạy theo anh muốn xỉu đây. Làm gì đạp dữ vậy? Bộ anh muốn tránh mặt em, phải không?

Mỵ hiện ra, tóc tai bù xù. Bóng em nhờ nhờ dưới ánh sáng mờ mờ của một không gian chưa rạng nắng. Mỵ không còn thướt tha nữa. Không còn là cánh chim bay đi. Mà là cánh chim dừng lại, thiết tha vun quén ổ tình.
            - Anh muốn em hạnh phúc.

Mỵ nhăn mặt.
            - Hạnh phúc là sao? Em không hiểu. Đơn giản, em muốn gần anh. Chỉ cần gần anh thôi!

Nói đến đây, Mỵ bỗng nhảy lên yên sau, quàng tay ôm chặt bụng tôi.
            - Em muốn anh chở em đi.

Tôi hoảng hồn.
            - Trời ơi! Đi đâu? Đi đâu bây giờ?
            - Đi đâu cũng được, miễn là thoát khỏi nơi này. Hay anh chở em lên thiên đàng nha!

Tôi lật đật gỡ tay Mỵ, rồi lúng túng phóng xuống xe. Tôi và Mỵ ngó nhau đăm đăm. Nước mắt tuôn thành dòng.

Ngày đi Mỹ định cư, bà con bên vợ ùn ùn đưa chúng tôi lên tận phi trường. Chỉ có Mỵ, nhất định ở nhà. Nhưng đêm đó, em vẫn đến tôi, cùng chung vui với chúng tôi một bữa ăn cuối cùng. Đến khuya, Mỵ về, tôi lủi thủi tiễn em ra tới đầu ngõ. Lúc chia tay, Mỵ dừng lại, cầm bó đuốc dụi mạnh vào gốc dừa. Lửa từ ngọn đuốc bắt đầu cháy yếu ớt, cuối cùng chỉ còn lại những tàn đỏ li ti, tung bay theo gió. Rồi tắt ngấm, im lìm. Bóng tối bỗng dưng tràn lên, quăng chúng tôi vào đêm sâu đen kịt. Tôi bàng hoàng, khi nghe hơi thở hối hả của Mỵ, dồn dập bên tai tôi.
            - Tại sao cho đến giờ phút này, anh vẫn tiếc với em, dù chỉ là một nụ hôn cuối cùng?
Nói xong, Mỵ nhào đến ôm tôi. Tôi cố giãy giụa, đẩy mạnh, để thoát khỏi vòng tay em. Chúng tôi vật lộn, lăn tròn trong không gian mịt mù.
            - Mỵ ơi! Em đã có chồng. Em không sợ chồng ghen sao?
Cuối cùng, tôi bỏ Mỵ ngồi khóc thút thít, giữa đêm dài mênh mông bóng tối.

25 năm sau, tôi mới có dịp trở lại Việt Nam. Vừa rời phi trường, tôi tức tốc thuê xe về Bến Tre.  Mỵ vẫn còn đó, nhưng nhất định không cho tôi gặp mặt. Hỏi thăm bà con, mới biết bây giờ Mỵ rất nghèo khổ. Chồng em bị bệnh, mất từ lâu. Những đứa con, có đứa đã thành du đãng, lâu lâu về nhà hành hung mẹ để moi tiền. Cảm động quá, tôi mò đến nhà Mỵ. Ngôi nhà vắng vẻ, cửa đóng then cài, chỉ có các cành cây, là còn tiếng động của lá rơi. Hỏi thăm, người ta cho biết Mỵ đã dẫn con rời nhà, từ ngày tôi trở lại quê hương.

Tôi quay về đầu ngõ, nơi tôi và Mỵ lăn tròn với nhau trong đêm chia tay. Tôi ngồi xuống gốc dừa, châm thuốc, và buồn hiu nhớ đến kỷ niệm. Phải chi đêm đó, tôi âu yếm tặng Mỵ những nụ hôn ngọt ngào, thì bây giờ, chưa chắc Mỵ đã bỏ đi như thế.

PHẠM HỒNG ÂN
(10/01/2019)
(Tác giả gởi)
          
https://www.banvannghe.com/p27a10522/2/pham-hong-an-my
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn