Ai là người Trung Quốc? Chính trị bản sắc tại Đài Loan và Hong Kong

Thứ Ba, 30 Tháng Bảy 20197:00 CH(Xem: 3795)
Ai là người Trung Quốc? Chính trị bản sắc tại Đài Loan và Hong Kong

mah1 

Tác giả: Victor Louzon | Biên dịch: Lê Hoàng Giang

Ngày 26/09, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại hy vọng nhìn thấy Trung Quốc đại lục và Đài Loan được thống nhất trên cơ sở nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Phát biểu này diễn ra trong một thời điểm trái khoáy, khi Hong Kong đang chìm ngập trong những cuộc biểu tình học sinh – sinh viên quy mô lớn đòi quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu thực sự. Tuyên bố của ông Tập Cận Bình bị phản đối không chỉ bởi các lực lượng chính trị ủng hộ độc lập tại Đài Loan, mà còn bởi Hội đồng Các Vấn đề Đại lục của Đài Loan mà hiện đang do Quốc Dân Đảng – một đảng thân Trung Quốc – nắm giữ. Cuộc đấu tranh ở Hong Kong và phản ứng của Đài Loan đã bộc lộ sự bất đồng ngày càng lớn với Bắc Kinh, điều đã phủ nhiều nghi ngờ lên tính khả thi của mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.

Biểu tình Hong Kong và hàm ý đối với Đài Loan

Sự thật đúng là vào năm 1997, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hứa trao cho Hong Kong nền dân chủ trong tương lai. Thế nhưng một thông báo được đưa ra vào hồi tháng 8 đã chỉ rõ rằng các cử tri Hong Kong sẽ chỉ được bầu cho những ứng cử viên có tên trong một danh sách được chọn sẵn từ trước: Trung Quốc sẵn sàng cho phép có thêm tự do cá nhân ở cấp độ địa phương, song không cho phép dân chủ được tồn tại bên trong phạm vi chủ quyền của mình.

Không có gì ngạc nhiên khi làn sóng phản đối ở Đài Loan lại thiên về phía ủng hộ độc lập, đối với họ thì những sự kiện đang diễn ra là bằng chứng bổ sung cho thấy chủ quyền của Trung Quốc nghĩa là tương đương với bạo quyền. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, người ủng hộ việc xích lại gần Trung Quốc hơn, cũng cảm thấy mất mặt. Cố gắng để không phải đứng ở thế đối nghịch với Trung Quốc, ông đã kêu gọi thúc đẩy cải cách bằng con đường “ôn hòa và hợp lý”. Nhưng với tư cách một nhà lãnh đạo được bầu lên theo cách thức dân chủ tại một xã hội mà phần lớn đồng cảm với phong trào biểu tình ở Hong Kong, ông không có lựa chọn nào khác ngoài ủng hộ những yêu cầu được tự do bầu cử.

Do vậy, tuyên bố của ông Tập Cận Bình có thể là một cách để thăm dò công luận Đài Loan. Rốt cuộc, nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” áp dụng cho Hong Kong được thiết kế là nhằm thống nhất Trung Quốc với Đài Loan, hòn đảo vốn vẫn là yêu sách lãnh thổ chính yếu của Trung Quốc. Kể từ năm 1997, Hong Kong đã được coi như “bãi thử nghiệm”, như ai đó đã từng nói “Ngày nay của Hong Kong là ngày mai của Đài Loan”.

So sánh Hong Kong với Đài Loan chỉ hợp lý ở một chừng mực nhất định. Hong Kong đã thuộc về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được 17 năm; Đài Loan có gần đủ mọi đặc tính của một quốc gia độc lập, ngoại trừ sự công nhận từ quốc tế. Hong Kong đã từng được quản lý khá tự do dưới tay chính quyền thực dân Anh, nhưng đó không phải nền dân chủ; trái lại Đài Loan đã có bầu cử tự do từ những năm 1990.

Nhưng dù vậy, hai vùng lãnh thổ này vẫn có nhiều điểm chung. Cả hai đều từng nằm trong cái đôi lúc được gọi là “Trung Quốc xanh dương” (blue China) – một vùng ngoại biên ven biển giàu có và tiếp xúc nhiều với bên ngoài của một đế quốc trên lục địa. Cả hai đều có nhiều tự do chính trị hơn so với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và có lúc còn được coi một cách lạc quan quá mức là những mô hình cho cải cách chính trị ở Trung Quốc. Những nhà hoạt động trẻ ở Đài Loan biểu tình thể hiện đoàn kết với các nhóm hoạt động ở Hong Kong, mặc dù phong trào Occupy Central (“Chiếm lĩnh Trung Hoàn”) vẫn luôn cảnh giác để không dính líu tới những nhà hoạt động đòi độc lập ở Đài Loan – điều sẽ biến họ trở thành “kẻ thù của quốc gia”, theo như cảnh báo một cách đầy đe dọa trong một bài viết trên Hoàn Cầu Thời báo của Bắc Kinh.

Hơn nữa, ở Hong Kong cũng như ở Đài Loan, chính trị đã có một “bước ngoặt bản sắc” riêng biệt. Chống đối chính trị ngày càng được coi là xung đột bản sắc xung quanh khái niệm về thế nào là người Trung Quốc. Đây không phải là điều mới mẻ ở Đài Loan, nơi sự đối đầu giữa phe thân Trung Quốc và phe theo chủ nghĩa bản địa đã định hình nền chính trị bầu cử kể từ khi được dân chủ hóa. Nhưng cuộc tranh luận về vấn đề bản sắc lại là mới mẻ hơn ở Hong Kong, nơi chủ nghĩa ái quốc Trung Quốc đã không thể đâm rễ trọn vẹn kể từ sau cuộc chuyển giao năm 1997.

Ván cược của Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm ông là việc tái thống nhất sẽ củng cố bản sắc Trung Quốc trong cộng đồng dân cư Hong Kong, điều này đổi lại sẽ tạo ra sự thay đổi trong các hệ thống kinh tế và chính trị mà không làm hại đến thống nhất đất nước. Chủ nghĩa Ái quốc sẽ đánh bại ý thức tự trị.

Thay vào đó, việc tự nhận dạng Hong Kong như một thực thể riêng biệt đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là giữa thế hệ trẻ được giáo dục dưới chủ quyền Trung Quốc. Trong một xoay chuyển lịch sử kỳ lạ, những cư dân Hong Kong thời hậu thực dân dường như ít gắn bó với bản sắc Trung Quốc hơn những bậc cha ông từng sống dưới thời thuộc địa của họ. Sự ác cảm như vậy đôi lúc trở thành thù địch hay khinh miệt rõ nét, được kích động thêm bởi cái được coi là ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc đại lục – từ giá cả nhà đất ở mức “trên trời” cho đến gây áp lực lên tự do báo chí hay dòng người từ đại lục đổ dồn vào Hong Kong, dù những người đó là khách du lịch hay dân nhập cư trái phép. Vào năm 2012, các nhà hoạt động ở Hong Kong còn mua trọn một trang quảng cáo trên báo Apple Daily để lên án cuộc xâm lăng của “châu chấu” (chỉ người Trung Quốc đại lục – NBT).

Do vậy, việc Bắc Kinh quyết định kìm hãm quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu đã được dựa trên đánh giá rằng Đặng Tiểu Bình đã thua ván cược đó.

Nền chính trị bản sắc và tác động

Chính trị bản sắc như vậy có nhiều điểm tương đồng nổi bật với các cuộc tranh luận ở Đài Loan. Quả thật là những người theo chủ nghĩa bản địa Formosa (tên gọi cũ của Đài Loan – NBT) thường cho rằng người Trung Quốc đại lục kém văn minh hơn người trên đảo; một quan điểm chính xác hơn về chính trị cho rằng “văn hóa chính trị” của Trung Quốc mang bản chất chuyên chế và không phù hợp với môi trường dân chủ của Đài Loan. Một số nhà hoạt động lập luận rằng người đại lục có tiền và có quyền nhưng không thể bắt chước hay coi trọng họ – nếu có thì Trung Quốc đại lục mới nên học hỏi từ Đài Loan và Hong Kong chứ không phải ngược lại.

Ở cả Hong Kong và Đài Loan, ác cảm với  Trung Quốc thường đi cùng với xu hướng phục hồi lại nền thuộc địa trong quá khứ. Nhiều người dân Hong Kong nhớ đến sự cai trị của người Anh mà không hề oán hận, một số còn tỏ ra hoài niệm, thích coi nền pháp quyền là di sản hơn là việc London từ chối cho họ được tự quyết. Phe ủng hộ độc lập ở Đài Loan tỏ ra hiền hòa hơn hẳn Quốc Dân Đảng khi nhìn lại sự cai trị của Nhật Bản. Tất nhiên, ảo tưởng quá khứ thấm đẫm trong những hoài niệm về thời thuộc địa đó, nhất là khi sự hoài niệm này đặc biệt thịnh hành trong những thế hệ trẻ hơn.

Nhưng sự thật là nhiều người dân Hong Kong và Đài Loan cảm thấy Trung Quốc muốn được sánh ngang những ông chủ thực dân thuộc địa ngày trước của họ. Luận điệu này đã đánh vào tận gốc rễ chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc khi gợi lại những ngụ ý vốn đổ lỗi thời kỳ thực dân gây nên sự lạc hậu của Trung Quốc.

Những khẳng định bản sắc ở Hong Kong và Đài Loan như vậy là một lời sỉ nhục kép, vừa chối bỏ và coi Trung Quốc là ngoại lai là thiếu văn minh, vừa từ chối chấp nhận đại luận thuyết của Bắc Kinh về một “thế kỷ ô nhục”, thứ được gỡ gạc lại bằng “giấc mộng Trung Hoa” của ngày hôm nay.

Sự hoài niệm lại về thời thuộc địa ở Hong Kong và Đài Loan gây ra phản ứng giận dữ từ Trung Quốc. Vào năm 2012, ông Khổng Khánh Đồng (Kong Qidong), giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, đã tuyên bố rằng nuối tiếc sự cai trị của người Anh khiến cho người Hong Kong không hơn gì loài chó. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc sử dụng những từ ngữ tương tự để lên án “chủ nghĩa ly khai” Đài Loan, thường cho rằng việc này là do người Nhật đã “đầu độc” đầu óc người Đài Loan.

Những luận lẽ hung hăng này cho thấy rằng gốc rễ của vấn đề rất có thể là người Trung Quốc – vì chính những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc ở cả hai bờ eo biển Đài Loan đã biến lòng trung thành chính trị thành vấn đề bản sắc dân tộc, cho rằng yêu nước là tương đương với sự phục tùng một chế độ chuyên chế. Lý luận duy văn hóa và chuyên chế này là nguồn gốc của những khái niệm như “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” – một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa do một nền chuyên chính cộng sản cai quản. Theo logic này, những người bất đồng chính kiến trên đại lục hay ở bất kỳ nơi nào khác chỉ có thể là người Trung Quốc tồi tệ. Tuy nhiên, có vẻ là dòng quan điểm này phản tác dụng: Tại Hong Kong và Đài Loan, những người ủng hộ tự do chính trị mà chối bỏ bản sắc Trung Quốc thường càng phản ứng (mạnh) trước những hành động cưỡng ép tùy tiện của Bắc Kinh.

Trên giấy tờ, nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” có thể giống như một giải pháp thực dụng cho sự đa dạng lãnh thổ mà Trung Quốc kiểm soát hay tuyên bố chủ quyền – nói ngắn gọn là một chính sách “đế quốc” như cách một số nhà trí thức đại lục đã hình dung. Tuy nhiên trên thực tế, Bắc Kinh đang bám lấy ý tưởng về một Trung Quốc thống nhất và chuyên chế, trong đó không cho phép có sự đa nguyên bản sắc và đa dạng về lòng trung thành chính trị – những yếu tố mà một đế chế thường có.

Điều này báo hiệu một tương lai không hề tươi sáng cho chủ nghĩa đa nguyên chính trị dưới sự cai quản của Trung Quốc tại Hong Kong hay Đài loan, nếu toàn bộ Trung Quốc thực sự được thống nhất.

Victor Louzon là Học giả Quốc tế Fox tại ĐH Yale và Học viên khách mời theo Chương trình Fulbright. Ông nhận bằng từ Viện Khoa học Chính trị Paris (L’Institut d’études politiques de Paris, còn gọi là Science Po) và Viện Quốc gia Paris về Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (Institut National des Langues et Civilisations Orientales in Paris – INALCO). Lĩnh vực chuyên môn của ông là Nghiên cứu Đông Á.

Tựa đề và các tiểu mục do Nghiencuuquocte.net đặt lại.

Biên tập:  Lê Hồng Hiệp | Bản gốc tiếng Anh: Yale Global

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn