Dân Hong Kong biểu tình - Giới trí thức nghĩ gì, làm gì?

Thứ Bảy, 20 Tháng Bảy 20192:00 SA(Xem: 3504)
Dân Hong Kong biểu tình - Giới trí thức nghĩ gì, làm gì?
bbc.com

Biểu tình chống TQ: Giới trí thức Hong Kong nghĩ gì, làm gì?

Tina Hà Giang BBCVietnamese.com

Luật sư tại Hong Kong tuần hành trong im lặng để phản đối dự luật dẫn độ Bản quyền hình ảnh SOPA Images
Image caption Luật sư tại Hong Kong tuần hành trong im lặng để phản đối dự luật dẫn độ

Hai tuần sau đỉnh điểm cuộc biểu tình thu hút 2 triệu người hôm 16/6, dân Hong Kong lại đang rầm rộ xuống đường vì những đòi hỏi của họ vẫn chưa được chính quyền thân Bắc Kinh của Hong Kong đáp ứng.

Đặc biệt trong tuần qua, một số người Hong Kong đã qua cả Nhật Bản dương biểu ngữ yêu cầu tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng bàn về vấn đề của họ trong hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ chức tại Osaka.

Quyết tâm đấu tranh bảo vệ sự độc lập và tự do mà người Hong Kong đã có từ cách đây hơn 150 năm quả thực đã làm thế giới lưu ý và quan tâm.


Giới phân tích nhận định rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài cho đến khi người dân của Đặc khu Hành chính thuộc Trung Quốc này đạt được những điều tối thiểu mà họ đòi hỏi.

Thế nhưng giới trí thức của Hong Kong nghĩ gì và làm gì?

'Phản ứng rất mãnh liệt'

Randy Shek 石書銘大律師, thành viên Hội Luật gia Hong Kong (Hong Kong Bar Asociation), luật sư chuyên về nhân quyền và quyền tự do dân sự, đồng ý với nhận định rằng cuộc đấu tranh còn kéo dài.

Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt tại văn phòng luật của mình ở Hong Kong hôm 15/6, ông Randy Shek nói:

"Mọi người yêu cầu 5 điều:

  • Hoàn toàn rút lại dự luật dẫn độ
  • Trưởng Đặc Khu Carrie Lam phải từ chức
  • Rút lại dán nhãn của cảnh sát rằng biểu tình là 'cuộc bạo loạn'
  • Trả tự do cho những người biểu tình bị bắt
  • Bắt cảnh sát nổ súng vào đoàn biểu tình chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cho đến nay không có nhu cầu nào được đáp ứng bởi chính phủ, vì thế người dân sẽ phải tiếp tục xuống đường".

Về tiến trình làm luật tại Hong Kong nói chung và dự luật dẫn độ nói riêng, thành viên của Hong Kong Bar Association giải thích:

''Tại Hong Kong chúng tôi không có cơ cấu phân quyền như ở phương Tây. LegCo, tức Viện Hành Pháp, nơi làm luật có 70 council members, trong đó 43 người thân Bắc Kinh. Vì thế dù gặp sự phản đối của quần chúng, bà Carrie Lam thoạt đầu vẫn bất chấp, và nhất định tiếp tục với chương trình thảo luận để thông qua dự luật dẫn độ, vì bà biết họ có đủ số phiếu.

Thế nhưng quần chúng phản ứng rất mãnh liệt vì chúng tôi, giới luật sư, không được bỏ phiếu, nhưng đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực để giải thích cho người dân đủ mọi thành phần hiểu ảnh hưởng của luật này lên sự tự trị của Hong Kong. Đó là động cơ thúc đẩy hơn một triệu dân Hong Kong xuống đường biểu tình hôm 9/6, cũng như sự chuẩn bị cho các cuộc biểu tình sắp tới.''

'Thiếu dân chủ'

Cũng trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt hôm 15/6, luật sư Wilson Leung 梁允信, một thành viên của nhóm Progressive Lawyer Group, nói:

''Việc cả hai triệu người xuống đường cho thấy vấn đề lớn với sự thiếu dân chủ ở Hong Kong. Chừng nào chức đặc khu trưởng còn được bầu ra bởi một ủy ban mà đa số ủng hộ Bắc Kinh, thì guồng máy hành chánh ngày đó còn không phản ánh đúng nguyện vọng của người dân và điều này sẽ dẫn từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác.

Chẳng hạn như năm 2003 với dự luật An ninh Quốc gia, rồi vào năm 2012 với nỗ lực đưa ra một chương trình giáo dục "quốc gia" (tức yêu nước), và sau đó một lần nữa vào năm 2019 với dự luật dẫn độ.''

''Cần phải cải cách để có dân chủ thực sự!" Luật sư Wilson Leung khẳng định.


'Nhượng bộ và lắng nghe'

Trong khi đó, ông Dennis Kwok 郭榮鏗, một trong số 70 thành viên của Viện Lập Pháp Hong Kong (LegCo), hôm 17/6 đưa ra nhận xét với BBC Tiếng Việt:

''Tôi nghĩ lần này chúng ta thực sự phải nhìn vào những gì người dân Hong Kong đã làm, mọi người đã cùng nhau phản đối dự luật dẫn độ và cuối cùng chính phủ Hong Kong phải nhượng bộ và lắng nghe tiếng nói của dân, tôi nghĩ đơn giản là như vậy.''

Ông Dennis Kwok nói với BBC Tiếng Việt về sự hỗ trợ của giới không trực tiếp liên quan đến biểu tình, một yếu tố quan trọng trong việc huy động quần chúng, đặc biệt là vai trò của những chính trị gia như mình:

''Là một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, tôi và các đồng nghiệp đã làm mọi thứ có thể được, trong và ngoài Viện Lập Pháp. Trong phạm vi của Viện Lập Pháp, chúng tôi cố gắng ngăn chặn quá trình này, chúng tôi đã đặt ra những câu hỏi khó để cảnh báo công chúng về sự dối trá của chính quyền về dự luật này.

Bên ngoài Viện Lập Pháp, chúng tôi đã đi khắp thế giới để tiếp xúc với cộng đồng quốc tế, nói cho họ biết tại sao những gì đang xảy ra ở Hồng Kông lại quan trọng với họ, bởi vì người dân của họ, những người nước ngoài đi qua Hồng Kông cũng có thể gặp rủi ro với dự luật dẫn độ.''

"Nói tóm lại chúng tôi hỗ trợ giới biểu tình bằng chiến lược vận động quốc tế, và tại địa phương giải thích cho quần chúng nhận biết nguy cơ của luật dẫn độ. Thoạt đầu người dân cũng chưa hiểu hàm ‎ý của dự luật và ảnh hưởng của nó lên Hong Kong cũng như lên đời sống hàng ngày của họ. Phải đến cuối tháng Năm người ta mới nhận thức rõ nguy cơ của dự luật dẫn độ vì thế hôm 9/6 mới có một triệu người xuống đường rồi hai triệu người một tuần sau đó, những gì tiếp theo đó là lịch sử."

p07d8n7v

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Lý do giới trẻ Hong Kong vẫn quyết tâm biểu tình?

Những bước kế tiếp là gì?

Nhà lập pháp Dennis Kwok 郭榮鏗 nhận định:

"Tôi không nghĩ bà Carrie Lam dám mang dự luật này ra để thảo luận tiếp trong thời gian sắp tới. Nhưng dĩ nhiên không bao giờ nói 'never', và cái giá của tự do là luôn luôn phải cảnh giác. Người dân Hong Kong biết điều đó. Và thế giới bây giờ hiểu rằng khao khát của người Hong Kong cũng như lòng quyết tâm tranh đấu cho tự do của người dân Hong Kong sẽ không bao giờ chết."

Về những việc kế tiếp phải làm, ông nói:

"Trước mắt là chúng tôi phải đấu tranh bảo vệ những người trẻ biểu tình đã bị bắt. Chúng tôi cần tập họp các luật sư bào chữa miễn phí cho các em nếu cần. Chúng tôi phải thuyết phục bà Carrie Lam lên tiếng trước về vụ này để các thẩm phán hiểu quan điểm của bà trong các phiên xử. Xa hơn nữa, như tôi đã nói, là chúng tôi phải liên tục cảnh giác, đó là cái giá của tự do.''


Luật sư Randy Shek 石書銘大律師, thì nhắc tới nhu cầu "cảnh giác với đại lục":

''Tôi nghĩ đấu tranh cho quyền bầu cử phổ thông thực sự như được quy định trong Luật Cơ Bản sẽ là kế hoạch dài hạn. Nhưng nhìn vào tình hình hiện nay, mối quan tâm chính của mọi người là phải cảnh giác hơn trong việc chống lại các cuộc tấn công từ Đại lục. Tôi nghĩ trong trái tim mọi người Hong Kong, ý tưởng về sự độc lập (mặc dù đó là điều cấm kỵ chính trị lớn nhất hiện nay) sẽ là sự cộng hưởng của nhiều người và nhiều giới.''

Còn luật sư Wilson Leung 梁允信 nói:

''Phe dân chủ sẽ tiếp tục chiến đấu bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong quá khứ, mọi hoạt động hầu như chỉ giới hạn trong các cuộc tuần hành, điều này cũng quan trọng, như chúng ta đã thấy trong 1 triệu tuần trước và 2 triệu người tuần này, nhưng chỉ tuần hành không thì không đủ.

''Tôi dự đoán họ sẽ sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như tụ tập hát thánh ca, "biểu tình của những bà mẹ", đình công bãi thị, thậm chí là chiếm đóng các con đường khác nhau, và hơn nữa, liên kết với các đồng minh quốc tế có thiện cảm với nguyện vọng độc lập của Hong Kong. Thu hút chú ‎ý‎ của thế giới sẽ dễ dàng hơn sau khi những cuộc biểu tình vừa qua cho thấy sức mạnh của phong trào dân chủ Hong Kong.'' Ông Leung nhận định.

Với chính sách 'một quốc gia, hai thể chế' hết hạn năm 2047, điều không tránh khỏi là Hong Kong dần dà sẽ phải hội nhập nhiều hơn với Trung Quốc ở một mức độ nào đó.

Hiện Trung Quốc đã đưa ra chính sách thắt chặt Hong Kong vào Macau và Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông qua dự án Khu kinh tế vùng Vịnh Lớn - Great Bay Area.

Nhưng với sự phản đối ngày càng mạnh mẽ của người dân Hong Kong trước nỗ lực biến Hong Kong thành một phần của Trung Quốc càng sớm càng tốt, tương lai của Đặc khu ra sao là điều hiện tại khó ai có thể tiên đoán.

Kịch bản tốt nhất có lẽ là chính sách 'một quốc gia, hai thể chế' của Hong Kong sẽ được Trung Quốc gia hạn.

Trung Quốc cũng có thể cho phép Hong Kong tiếp tục giữ một số, nhưng không phải tất cả các quyền tự do họ đang có.

Trường hợp tệ nhất là Hong Kong có thể sẽ mất vị thế của một vùng hành chánh đặc biệt, và trở thành một khu vực bình thường không có quyền tự trị của Trung Quốc.

Với những nỗ lực đấu tranh liên tục của người dân Hong Kong, xem ra giới trí thức và người trẻ Hong Kong đồng lòng với quan điểm của nhà lập pháp Dennis Kwok rằng 'cái giá của tự do là luôn phải cảnh giác.''

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn