Tập Đang Cầu Cho Mỹ Đánh Iran

Thứ Bảy, 29 Tháng Sáu 20198:00 CH(Xem: 4356)
Tập Đang Cầu Cho Mỹ Đánh Iran
tapp-678x381

TT Donald Trump vào chiều thứ năm 20 tháng 6, 2019 đã rút lại vào phút chót lịnh oanh tạc Iran để trả đũa cho hành động bắn rơi máy bay thám thính không người lái của Mỹ khi hoạt động trong không phận quốc tế.

Quyết định của TT Trump ngược với đề nghị của Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton.

Đó là quyết định đúng của TT Trump.

Bên cạnh các lý do được tổng thống nói còn có những lý do có thể ông không nói ra.

Mặc dù Trung Cộng (TC) kêu gọi các bên tự chế để không dẫn đến chiến tranh toàn diện, về mặt chiến lược, việc leo thang chiến tranh với Iran trong giai đoạn này rất có lợi cho Tập Cận Bình.

Đó là sự thật lịch sử.

Nếu đọc lại lịch sử thế giới từ giai đoạn mười năm trước khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt đến nay, TC là nước có lợi nhiều nhất từ các xung đột giữa Mỹ và khối Á Rập, trong đó có xung đột Trung Đông.

Tranh chấp Biển Đông và chủ trương bành trướng Thái Bình Dương của TC không phải bắt đầu mới đây mà đã nhen nhúm từ thời Jimmy Carter đến Ronald Reagan, George H. W. Bush, Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama.

Tuy nhiên, để liên minh với Trung Cộng đối phó với Liên Sô nguyên tử, ba TT Mỹ Jimmy Carter, Ronald Reagan, George H. W. Bush đã chọn chẳng những để yên mà còn tạo điều kiện cho Trung Cộng phát triển nhằm đẩy Liên Sô vào gọng kèm quân sự.

Năm 1990, ngoài việc chạy đua vũ trang với Mỹ, Liên Sô còn phải nuôi dưỡng một đạo quân 700 ngàn người để bảo vệ biên giới dài 7500 km với TC.

Điểm ngoặc lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ bắt đầu với lý thuyết gia về bang giao quốc tế Zbigniew Brzezinski khi ông làm cố vấn an ninh quốc gia cho TT Jimmy Carter.

Quan điểm của nhà chiến lược Mỹ gốc Ba Lan này là hòa hoãn, thỏa hiệp với TC để tập trung vào mặt Đông Âu và Liên Sô.

Câu nói nổi tiếng của Zbigniew Brzezinski với Đặng Tiểu Bình trong chuyến viếng thăm Trung Cộng vào tháng 5, 1978 “Nước Mỹ đã quyết định rồi”. Ý của Brzezinski là quyết định bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao hoàn toàn với Trung Cộng.

Sự mềm dẻo của TT Carter đã tạo điều kiện cho Đặng Tiểu Bình nhanh chóng tiến hành bốn hiện đại hóa, trong đó có hiện đại hóa quốc phòng.

Chỉ trong vòng mười năm, từ 1980 đến 1990 tức là giai đoạn phong trào CS Âu Châu sụp đổ TC là quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới, World Bank gọi là “nhanh nhất trong lịch sử”.

Về mặt quốc phòng, quân đội TC từ giai đoạn vận chuyển quân trang, quân dụng bằng lừa, ngựa trong Chiến Tranh Biên Giới Việt-Trung 1979 sang thời kỳ hỏa tiển tầm xa. Hải quân TC so với Mỹ còn lạc hậu quá xa nhưng đủ để đe dọa và ăn hiếp các nước yếu về quốc phòng trong khu vực.

Thời gian đầu của nhiệm kỳ thứ nhất, 2001, TT George W. Bush đã tỏ ra cứng rắn với Trung Cộng.

Cụ thể là trong biến cố Hải Nam khi một phi cơ chiến đấu TC và phi công của nó là thiếu tá Wang Wei tan xác khi đụng trên không với máy bay thám thính Mỹ bay cách Hải Nam 70 dặm. TT Bush đã từ chối chính thức xin lỗi TC với lý do phi cơ Mỹ bay trên không phận quốc tế và Mỹ không công nhận không phận trên Biển Đông thuộc về TC.

Là một nhà chính trị thực tế, TT George W. Bush chủ trương chính sách “cạnh tranh” với TC hơn là thành viên chiến lược như dưới thời TT Bill Clinton. Tuy nhiên, biến cố 11 tháng Chín, 2001 đã làm thay đổi toàn bộ chính sách của TT George W. Bush đối với Trung Cộng.

Được đà, TC không còn nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa nữa mà 2009 tung ra bản đồ chín đoạn tuyên bố chủ quyền trên 80% biển Đông và 2013 còn thêm một đoạn nữa có đông Đài Loan trên vùng biển dù có đảo hay không có đảo nào.

Trung Cộng còn đi xa hơn khi đòi hỏi các quốc gia trong vùng phải nhận sự đồng ý Trung Cộng khi tàu chiến hải hành qua khu vực trong vùng chín đoạn mặc dù những đảo nhân tạo do Trung Cộng dựng lên không thỏa mãn các định nghĩa quốc tế về chủ quyền lãnh thổ.

Quan điểm Mỹ chỉ thay đổi và căng thẳng gia tăng khi TC bỏ qua chuyện tranh cãi chủ quyền các đảo giữa các quốc gia trong vùng và tiến hành quân sự hóa Biển Đông, khu vực rộng 3.6 triệu kilometers, rộng hơn cả Địa Trung Hải tiếp giáp với hải phận Việt Nam, Mã Lai Singapore, Philippines, Brunei.

Thái độ nước lớn và ngông cuồng của Tập là một thách thức trực tiếp đối với quyền lợi của Mỹ.

Trong lúc Mỹ vẫn không chọn đứng về bên nào trong tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, đã áp dụng các biện pháp cứng rắn để duy trì quyền tự do trên vùng biển và vùng trời của Biển Đông.

Trọng tâm của tất cả là chính sách Một Vòng Đai Một Con Đường (One Belt, One Road hay thường được gọi tắt là OBOR) của Tập Cận Bình. Khác với đề án Con Đường Tơ Lụa thời phong kiến Trung Hoa nối kết qua đường bộ, OBOR sẽ tập trung vào đường biển.

Đề án khổng lồ và đầy tham vọng của Tập có ảnh hưởng đến 68 quốc gia, 4.4 tỉ người và 40 phần tổng sản lượng của nhân loại. Mục đích tối hậu không phải chỉ đơn thuần kinh tế nhưng nhằm phục hồi vị trí của đế quốc Trung Hoa một thời chế ngự Á Châu và lần này chế ngự thế giới.

Với sự lắng dịu tình hình Trung Đông và sự đe dọa đến mức khẩn cấp của Trung Cộng tại Á Châu, bảo vệ vùng Thái Bình Dương Ấn Độ Dương đã trở thành mục đích tối quan trọng của Mỹ trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài.

Đạo luật NDAA 2019 được TT Donald Trump ký ngày 13 tháng 8, 2018 chuẩn chi 717 tỉ Mỹ kim cho các đề án quốc phòng tài khóa 2019 nhằm đương đầu với hai đối thủ khả năng là Nga và Trung Cộng. Đạo luật giải thích một cách chi tiết nhằm “cung cấp các lực lượng cần thiết và các cơ sở quân sự, khả năng yểm trợ trong khu vực. Đạo luật ủng hộ các thực tập quân sự với Nhật, Úc, và Ấn Độ và cải thiện sự hợp tác an ninh để đối lực lại ảnh hưởng đang dâng cao của Trung Quốc tại Á Châu, Đông Nam Á Châu và các khu vực khác.” (H.R. 5515: John S. McCain National Defense Authorization Act for Fiscal Year 2019).

Mỹ đang áp dụng chính sách ngăn chận mới (new containment) mang nội dung kinh tế, chính trị và quân sự để phân biệt với chính sách ngăn chận thời Chiến tranh Lạnh mang nội dung chống sự bành trướng của ý thức hệ Cộng sản và nghiêng hẳn về mặt quân sự.

Lịch sử cho thấy, Thế Chiến thứ Nhất là cuộc chiến giữa các liên minh. Nhiều bài học bang giao quốc tế cũng được rút ra từ cuộc chiến tranh đẫm máu đó để nhìn về tương lai châu Á.

Khi cường độ xung đột gia tăng tới mức chín muồi, để bao vây TC và tạo vây cánh ở Á Châu, Mỹ sẽ không thể tiếp tục đóng vai trò “độc lập” và “khách quan” trong tranh chấp chủ quyền như hiện nay.

Các liên minh kinh tế sẽ dẫn đến các liên minh quân sự và các nước nhỏ sức yếu, thế cô trong vùng sẽ không còn đơn độc trước tham vọng bành trướng TC nữa. Quyền lợi của các gia sẽ tương hợp khi cùng có một kẻ thù là TC.

Chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa lại được đem ra thảo luận phù hợp theo các công ước quốc tế chứ và không còn là trò “thảo luận song phương” như TC đang “câu giờ” và lừa bịp hiện nay.

Nếu chiến tranh Mỹ và Khối Á Rập thân Iran bùng nổ trên phạm vi lớn sẽ kéo Nga vào ăn có như Putin đang làm ở Syria và nhất là chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Cộng buộc phải thay đổi như đã từng thay đổi từ thời Jimmy Carter tới George W. Bush.

Cuối tuần này có một kẻ chuyên trục lợi bằng máu xương người nước khác đang ngồi câu bên hồ Côn Minh, Bắc Kinh, và hồi hộp đợi chờ chiến tranh Vịnh Ba Tư bùng nổ trên phạm vi lớn, bởi vì chỉ có chiến tranh vịnh Ba Tư mới cứu được Trung Cộng qua khỏi cơn nguy khốn này.

Trần Trung Đạo

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn