Trái phiếu Mỹ : Vũ khí hạt nhân "khó dùng" của Trung Quốc

Thứ Bảy, 01 Tháng Sáu 20198:00 CH(Xem: 4340)
Trái phiếu Mỹ : Vũ khí hạt nhân "khó dùng" của Trung Quốc
vi.rfi.fr

Trái phiếu Mỹ : Vũ khí hạt nhân "khó dùng" của Trung Quốc

Minh Anh

mediaẢnh minh họa. Liệu Trung Quốc có thể bán hết trái phiếu Mỹ để trả đũa Washington?AFP/Ali al-Saadi

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn được các nhật báo Pháp ngày 30/05/2019 tiếp tục khai thác. Trong cuộc đối đầu này, Bắc Kinh nắm trong tay một vũ khí lợi hại trị giá hơn một ngàn tỷ đô la : Trái phiếu Mỹ. Tuy nhiên, báo Le Monde cho rằng Bắc Kinh không dễ gì thanh lý số trái phiếu Mỹ để trả đũa Washington.

Khi xuất khẩu ồ ạt sang Hoa Kỳ, Trung Quốc, cho đến giữa thập niên này, vẫn tích trữ nguồn thu có được từ thặng dư mậu dịch bằng cách mua trái phiếu Mỹ. Nhìn trong tổng số nợ vay toàn cầu, nợ của Mỹ chỉ chiếm có 7%. Trong số này, Trung Quốc nắm giữ đến 17% nợ công Mỹ, so với các nhà đầu tư khác.

Đống núi nợ Mỹ mà Trung Quốc cất giữ cho thấy mối quan hệ chặt chẽ và phức tạp đang ràng buộc hai cường quốc hàng đầu thế giới. Rõ ràng với Trung Quốc, đây thật sự là một thứ vũ khí lợi hại, chẳng khác gì « vũ khí hạt nhân ». Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc bán hết số trái phiếu đó ?

Le Monde ghi nhận trong thời gian gần đây, không những Bắc Kinh ngừng mua thêm trái phiếu của Mỹ, mà theo như các số liệu do bộ Tài Chính Mỹ công bố hồi trung tuần tháng 5/2019, trong tháng Ba năm nay, Bắc Kinh còn bán ra hơn 10 tỷ đô la trái phiếu Mỹ. Một dấu hiệu đáp trả đầu tiên của Trung Quốc chăng ?

Trước hết, ông Victor Lequillerier, thuộc cơ quan cố vấn độc lập BSI Economics, lưu ý : Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ là nhằm « ổn định giá đồng nhân dân tệ ». Chính quyền Bắc Kinh thường xuyên trích từ nguồn dự trữ dồi dào 3.200 tỷ đô la để điều chỉnh tỷ giá hối đoái.

Do vậy, báo Le Monde trích dẫn phân tích của nhiều chuyên gia cho rằng « Trung Quốc khó kích hoạt vũ khí trái phiếu Mỹ ». Thứ nhất là vì Bắc Kinh chưa có một giải pháp thay thế nào khác để đáp ứng nhu cầu tích trữ ngoại tệ của mình. Thị trường trái phiếu Mỹ vẫn là nơi duy nhất có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu dự trữ tiền tệ của Trung Quốc. Trái phiếu Mỹ vẫn là nguồn lãi tốt nhất so với bất kỳ phương tiện tài chính nào khác và có giá trị bảo toàn như là Bunds - trái phiếu Đức hay trái phiếu Nhật Bản.

Nếu Bắc Kinh bán tống bán tháo trái phiếu Mỹ, tờ giấy bạc xanh của Hoa Kỳ rớt giá, Trung Quốc sẽ là nạn nhân bị trừng phạt đầu tiên. Một biện pháp trả đũa như thế sẽ làm giảm giá trị của chính nguồn dự trữ bằng đô la của Trung Quốc, theo như giải thích của ông Gregori Volokhine, chủ tịch Meeschaert Capital Markets, ở New York.

Thứ hai, việc bán tháo trái phiếu sẽ làm tăng lãi suất vay ở Mỹ, và những nước mới trỗi dậy, những nước có nợ vay bằng đô la có nguy cơ trả giá đắt cho biện pháp này. « Những nền kinh tế mới trỗi dậy này sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho Trung Quốc nếu họ phải gánh lấy một cuộc khủng hoảng tiền tệ vì lỗi của Trung Quốc », ông Patrick Artus, kinh tế gia trưởng tại Natixis nhấn mạnh.

Cuối cùng, biện pháp gây bất ổn thị trường này sẽ làm mai một hình ảnh « đạo đức » mà Trung Quốc muốn đưa ra : Một cường quốc tích cực đối với nền kinh tế thế giới, trước một nước Mỹ khó lường của Donald Trump.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu : Viên « ngọc quý » ?

Mặt trận giành ghế nghị sĩ tại nghị trường châu Âu đã được khép lại từ ba ngày qua, nhưng một mặt trận mới đang mở ra : « Cuộc chiến bổ nhiệm » (vị trí lãnh đạo) như thông báo của Le Monde trên trang nhất.

Một loạt các vị trí lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu phải được thay mới : Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, chủ tịch Nghị Viện và lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu rồi lãnh đạo Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu… Trước mắt, ai là người thay thế ông Jean-Claude Juncker chủ tịch Ủy Ban Châu Âu sắp hết nhiệm kỳ vào tháng 10/2019 ?

Việc không một nhóm chính trị nào có đủ đa số tuyệt đối ở nghị trường còn khiến cho việc tìm kiếm một đồng thuận trong việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo các định chế quan trọng thêm phần khó khăn. Theo các tiêu chí chọn lãnh đạo do 28 nước thành viên đề ra được Libération trích dẫn, ứng viên được đề cử phải có một chương trình hành động cụ thể xử lý các vấn đề : Tăng trưởng kinh tế và cách tân, môi trường, an ninh, di dân, chính sách quốc phòng và xã hội.

Vấn đề cân bằng nam - nữ là một điểm hoàn toàn mới, cũng như là sự cân đối quyền lực giữa Đông và Tây, Bắc và Nam Âu cũng phải được tôn trọng. Một người mà phải được cả cánh hữu, cánh tả và cánh trung đồng chấp thuận và tôn trọng về mặt ý thức hệ. Với những tiêu chí này, Libération kết luận, « Liên Hiệp Châu Âu đang mò tìm ngọc hiếm để thay thế Juncker ».

Vénézuela « phung phí » một nửa tài sản trong vòng 5 năm

Về tình hình kinh tế - xã hội Venezuela, Le Figaro có bài viết đề tựa « Trong vòng 5 năm, Venezuela đánh mất một nửa tài sản của mình ».

Thứ Ba 28/05, chính quyền Maduro chính thức thừa nhận tình trạng thảm hại của đất nước. Lần đầu tiên, trong vòng ba năm qua, Ngân hàng Trung ương Venezuela công bố số liệu thống kê xác nhận trong giai đoạn 2013-2018, tổng sản phẩm nội địa GDP bị thu hẹp mất 47,6%. Lạm phát tăng vọt từ hơn 274% (2016) lên đến hơn 130.060% (2018). Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ước tính tỷ lệ lạm phát lên đến hàng triệu.

Vì sao một đất nước giầu có như Venezuela, với nguồn dự trữ dầu khí dồi dào lại đến nông nỗi này ? Theo Le Figaro, câu trả lời rất đơn giản : Venezuela không tạo ra của cải nữa mà chỉ sống dựa vào nguồn vàng đen. Tiền thu được từ bán dầu khí dùng để nhập khẩu hàng hóa và vận hành nền kinh tế do Nhà nước chỉ huy.

Rủi ro thay giá dầu thế giới sụt giảm trong năm 2014, cộng thêm với phần quản lý yếu kém, thiếu đầu tư và nạn tham nhũng tại tập đoàn dầu khí PDVSA đã đẩy nhanh đất nước rơi vào khủng hoảng. Vẫn theo Ngân hàng Trung ương Venezuela, xuất khẩu dầu khí, chiếm 96% nguồn thu quốc gia giảm từ 85,6 tỷ đô la (2013) xuống còn 29,8 tỷ (2018).

Trong vòng 10 năm, sản lượng khai thác dầu lửa của Venezuela từ 3,2 triệu thùng/ngày xuống ở mức một triệu thùng vào tháng 4/2019. Đương nhiên, sự sụp đổ này còn trầm trọng thêm phần nào do trừng phạt của Hoa Kỳ và cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ nhiều tháng qua.

Trong tình cảnh thê thảm này, người dân Venezuela không còn giải pháp nào khác là chọn việc bỏ xứ ra đi. Theo các số liệu do Liên Hiệp Quốc công bố, ước tính đã có ba triệu dân rời bỏ đất nước từ năm 2015. Trung bình mỗi ngày có khoảng từ 3000-5000 người rời xa xứ sở.

Liêu Diệc Vũ và những số phận nghiệt ngã của Thiên An Môn

Ngày 04/06/2019 đánh dấu đúng 30 năm vụ thảm sát phong trào đòi dân chủ Thiên An Môn. Với chính quyền Trung Quốc, Thiên An Môn là ba chữ cấm kỵ, cần phải cho rơi vào quên lãng. Nhưng với những người từng trải qua sự kiện đau thương này, đây cũng là dịp để nhắc lại, để tưởng nhớ đến những ai đã ngã xuống và chia sẻ nỗi đau, nỗi thống khổ của những người phải chịu cảnh ngục đày sau sự kiện.

Phụ trang Le Monde nhân dịp này giới thiệu nhiều đầu sách nói về sự kiện bi thương này. Trong số các tập sách, đáng chú ý nhất là quyển « Những viên đạn và nha phiến » của nhà văn Liêu Diệc Vũ, đang sống tị nạn tại Đức.

Tâm sự cùng phóng viên Brice Pedroletti, nhà văn khẳng định ông là một người tị nạn « hạnh phúc ». Bởi vì, không ai ở Berlin có thể tịch thu các bản ghi chép của ông hay chặn bắt ông giữa đêm khuya. Ông thuật lại, để có thể chạy trốn khỏi đất nước năm 2011, từ Vân Nam, qua ngả Việt Nam, trong người ông lúc nào cũng có 4 chiếc điện thoại di động.

Một chiếc để liên lạc với những người dẫn đường vượt biên giới. Một chiếc để liên lạc với những người ủng hộ ông ở Đức. Một chiếc sử dụng hằng ngày mà ông biết rằng bị cảnh sát nghe lén. Và một chiếc để dự phòng.

Tập sách « Những viên đạn và nha phiến » phát hành lần đầu tiên tại Pháp và tại nhiều nước khác trên thế giới mô tả những mảng đời mà chính quyền Bắc Kinh liệt vào hạng « những kẻ bạo động xúi giục gây rối » sau ngày xảy ra vụ thảm sát phong trào Thiên An Môn.

Theo ông, họ đã bị trừng phạt với một sự bạo tàn phi lý chưa từng thấy, những người bị gán tội tham gia các cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh từ ngày 15/04 - 04/06/1989. Nhiều người trong số họ là những công dân tầm thường, bất bình trước sự can thiệp của quân đội, tìm cách ngăn chặn xe tăng, hay chửi mắng các lãnh đạo cầm quyền.

Những câu chuyện của ông cho thấy rõ một cái nhìn bao quát về sự tiến triển của xã hội Trung Quốc sau biến cố. Ông viết : « Vụ đại thảm sát ngày 04/06 đã vạch ra một lằn ranh giới. Trước đó, tất cả mọi người, như một đàn ong vỡ tổ, sôi sục tinh thần yêu nước. Giờ thì ai cũng xếp hàng ngay ngắn, vây quanh ôm chặt đồng tiền »
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn