Bí Quyết Quản Lý - Minh Văn

Thứ Sáu, 22 Tháng Mười Hai 201710:00 CH(Xem: 5676)
Bí Quyết Quản Lý - Minh Văn

Hẳn ai cũng có thể hình dung được cái cảm giác khi đang đi lạc trong đường hầm ẩm thấp tăm tối, lại được nhìn thấy ánh sáng le lói phía xa xa? Chắc chắn rồi, đó phải là cải cảm giác hạnh phúc vô biên, như khi chết đi được sống lại vậy. Đó chính là sự chuyển đổi đột ngột giữa hai thái cực tâm lý: Tuyệt vọng và hy vọng tràn trề. Dĩ nhiên, cái cảm giác nhìn thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm sung sướng hân hoan hơn nhiều khi bạn đang được nằm phơi mình ngoài bãi biển với ngập tràn ánh nắng trên cao. Cho nên người đời mới có câu: “Nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”, chính là để diễn tả cái tâm trạng đó, thưa quý vị.

Khi người ta sung sướng đã quen, thì sẽ coi cái sướng đó là bình thường. Còn khi đói khổ, được đỡ khổ hơn một chút đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.Nắm bắt được tâm lý đó, người Cộng Sản mới nghĩ ra một phương pháp quản lý có một không hai, ấy là làm cho dân đói khổ và tuyệt vọng.Giống như việc người ta thắt cái dây thừng thòng lọng vào cổngười dân, lâu lâu lại nới ra một tý cho dễ thở hơn. Cái đó được người ta gọi là công laotrời biển của đảng.Hiển nhiên,người Cộng Sản coi đó là bí quyết quản lý tuyệt vời của mình.Xem ra họ cũng lợi hại đấy chứ.Chả trách người ta gọi chế độ Cộng Sản là “Thiên đường” cũng phải lắm.

Dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quênđược thời kỳ bao cấp tem phiếu và ngăn sông cấm chợ.Thời đó, kinh tế tư nhân bị xóa bỏ, mọi thứ đều do nhà nước bao cấp hoàn toàn. Vì thế mà người dân dù có muốn làm ăn buôn bán, hay sản xuất kinh doanh gì cũng không được. Cả đất nước đành phải bất lực mà nhìn nhau đói rách, thê lương.Đúng là dù nhìn thấy con đường sống, con đường hạnh phúc ấm no mà đành phải ngoảnh mặt làm ngơ. Vì nếu anh đi theo con đường đó là “phản động”, là “chống phá chính quyền nhân dân”. Cho nên vào thời điểm đó, cái cảm giác khi được người ta gọi đến tên mình vào cửa hàng quốc doanh mua vài mét vải, mấy lạng thịt hay một ít dầu thắp (sau khi đã chờ đợi cả buổi, thậm chí cả ngày trời) nó hạnh phúc gấp vạn lần khi bạn được tung tăng dạo khắp siêu thị và muốn gì có nấy.Tình cảnh đó kéo dài cho đến tận năm 1986 thì mới bắt đầu chấm dứt.

Còn nhớ hồi đó trong vùng có ông cán bộ ngành lương thực nọ về hưu. Thời đó đây là một ngành khá khẩm, cho nên khi nghỉ hưu ông còn mang theovề nhà một chiếc xe đạp Favorit, một cái đài Orionton quý hiếm. Những lúc thảnh thơi đến chơi nhà hàng xóm, ông khoáctheo cái đài trên vai, mọi người thán phục nhìn theo, như thể ông là vị thần đại diện cho sự văn minh tiến bộ vậy. Còn chiếc xe đạp, những lúc không đi đâu, ông lại lau thật sạch rồi treo lên trên xà nhà. Đối với ông và mọi người, chiếc xe đạp thực sự là một báu vật, nó cũng có phép “rút đất” như Khổng Minh Thừa Tướng khi xưa đó vậy. Ông tự hào lắm, vì khắp làng trên xóm dưới, có ai có được chiếc xe đạp như ông đâu. Muốn đi đâu, người ta đều phải dùng phương tiện truyền thống là xe “hăng cải” (nói lái của từ Hai cẳng), có nghĩa là đi cuốc bộ đó, thưa quý vị.

Mỗi lần rượu say cãi nhau với vợ, ông đều chỉ tay vào cái xe đạp và chiếc đài mà hùng hồn tuyên bố, giống như Thành Cát Tư Hãn sau khi đánh chiếm được hầu hết lục địa Á Âu để sát nhập vào đế chế vĩ đại của mình:

- Tao về hưu thì có xe đạp nhà nước cấp, đài nhà nước cho. Lúc chết thì cũng có sẵn quan tài nhà nước rồi. Không mượn cái mặt chúng mày phải lo nhé!

Đấy, là tôi cứ nhớ câu chuyện đại khái như thế, vì nó cũng đã khá lâu rồi.

Người Cộng Sản cho rằng, phương pháp quản lý của các nước Tư Bản là sai lầm. Vì các nước Tư Bản để cho người dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Mà như vậy thì người dân sẽ sướng quen mà sinh hư. Có tự do thì cái gì cũng đòi, cũng muốn, và rồi ngày càng muốn nhiều hơn nữa mà không chịu ngừng. Có ấm no hạnh phúc rồi thì rảnh rỗi sinh ra nông nổi, suốt ngày hết tuần hành rồi lại biểu tình đòi chính phủ phải đáp ứng yêu sách.Đã thế họ còn vô ơn, la hét chửi bởi và phản đối chính phủ nữa chứ.Rút từ kinh nghiệm đó, cho nên người Cộng Sản làm ngược lại. Họ không cho người dân có được tự do, ấm no và hạnh phúc. Vì vậy mà mỗi khi người dân được nhà nước ban phát cho thứ gì (dù là nhỏ bé) cũng cảm thấy vui mừng và hạnh phúc vô biên, họ sẽ hân hoan mà biết ơn và ca ngợi chế độ. Lâu dần, người dân sẽ quen với cảnh “Khổ quen rồi, sướng chịu không nổi”, họ sẽ đồng hành cùng với nhà nước để mà chống lại cái chế độ tư bản tự do, ấm no, hạnh phúc kia một cách tự nguyện.

Cũng giống như khi no thì dù là sơn hào hải vị cũng không thấy ngon, thậm chí là không muốn ăn nữa. Còn khi đói thì cái gì cũng ngon cả, đã thế lại còn nhai một cách hăng hái nhồm nhoàm với một vẻ sung sướng tột độ nữa chứ. Cái nghệ thuật nó là ở chỗ đó.

Dân gian Việt Nam có câu chuyện “Món ăn mầm đá” như thế này:

“Chúa Trịnh quanh năm ăn toàn sơn hào, hải vị, chả thiếu thức gì, mà vẫn không thấy ngon miệng.

Môt hôm, Quỳnh túc trực, Chúa bảo:

– Ta ăn đủ của thơm vật lạ, mà không biết ngon. Ngươi có biết thứ gì ngon thì nói cho ta hay?

– Tâu Chúa, Chúa đã xơi mầm đá chưa ạ?

– Vị ấy ngon lắm à?

– Dạ, ngon lắm.

– Thật như thế thì làm để ta nếm thử xem?

Quỳnh sai người lập tức đi lấy “mầm đá” về ninh nhừ để làm đồ ngự thực, còn mình thì lủi về nhà lấy một lọ tương ngon, một đĩa muối trắng. Lọ tương thì bịt thật kỹ ngoài đề hai chữ “Đại phong” đem sang giấu một chỗ.

Chúa đợi lâu, thấy đói bụng, hỏi:

– Mầm đá đã chín chưa?

Quỳnh thưa:

– Chưa được.

Chốc chốc, Chúa lại hỏi, Quỳnh tâu:

– Thứ ấy phải cho thật chín, không thì lâu tiêu.

Khuya, Chúa lại hỏi. Quỳnh biết Chúa đói lắm rồi, mới tâu:

– Xin Chúa hãy xơi tạm vài thứ dã vị này, còn mầm đá xin dâng sau.
Rồi truyền dọn cơm tương với muối dâng lên. Chúa đang đói, ăn ngon miệng.

Trông thấy lọ đề hay chữ “Đại phong” lấy làm lạ. Chúa hỏi:

 Mầm “Đại phong” là mầm gì mà ngon thế?

– Bẩm là đồ dã vị thường dùng.

– Là gì, nói lên cho ta biết?

– Bẩm tương ạ?

– Ngươi để hai chữ “Đại phong” là nghĩa là sao?

– Bẩm “Đại phong” là gió lớn, gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tuợng lo là lọ tương.

– Lâu nay ta không ăn, quên mất cả vị, sao ngon thế?

– Tâu Chúa, quả không sai. Lúc đói thì ăn gì cũng ngon, no thì không thấy gì vừa miệng!

Chúa cười bảo:

– Ngươi nói phải. Thế ra ngươi làm cho ta thật đói để ăn cho biết ngon, chứ đợi mầm đá thì biết đến bao giờ cho chín”.

Bí quyết quản lý đất nước của người Cộng Sản chính là áp dụng kiểu “Món ăn mầm đá” của cụ Trạng Quỳnh khi xưa. Với họ là bí quyết, còn đối với người dân thì nó thực sự là một thảm họa kinh hoàng vậy.

Minh Văn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn