Nguồn gốc tên gọi các ngày lễ trong Tuần Thánh

Thứ Năm, 18 Tháng Tư 20196:00 CH(Xem: 4074)
Nguồn gốc tên gọi các ngày lễ trong Tuần Thánh

holy-week

Nguồn:The weirdness of Holy Week”, The Economist, 02/04/2015.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên

Lời người dịch: Bài này xem xét nguồn gốc của tên gọi Tam nhật phục sinh (hay còn gọi là Tam nhật vượt qua) trong tiếng Anh. Theo tiếng Việt, và theo lịch phụng vụ tiếng Việt của Giáo hội Công giáo Việt Nam, thì ba ngày này được gọi là Thứ năm Tuần Thánh (Maundy Thursday), Thứ sáu Tuần Thánh (Good Friday), và Chủ Nhật Phục Sinh (Easter Sunday). Để bạn đọc tiện theo dõi, các tên tiếng Anh của ba ngày trên sẽ được sử dụng khi nhắc đến lần đầu, sau đó sẽ được nhắc đến bằng tên tiếng Việt thông dụng trừ khi tên tiếng Anh cần thiết trong ngữ cảnh.

Người Ki-tô giáo dòng Chính thống tới ngày 12/04 (năm 2015) mới mừng lễ Phục sinh. Nhưng với những người Ki-tô giáo phương Tây thì Tuần Thánh đã gần chấm dứt, và ngày hôm nay đánh dấu sự mở đầu cao điểm của năm: triduum (Tam nhật vượt qua), tên tiếng Latin chỉ ba ngày bao gồm cuộc khổ nạn, đóng đinh và phục sinh của Đức Giê-su. Bởi vì kỳ lễ có nguồn gốc Do thái – với quan điểm Giê-su là người Do Thái – nên ba ngày lễ bắt đầu từ tối Thứ năm và chấm dứt vào tối Chủ nhật. Nhưng tại sao chúng ta lại có ba tên gọi “kỳ lạ” cho ba ngày quan trọng này? Tại sao chúng ta lại đón lễ Thứ năm “Maundy” (Maundy Thursday), thứ sáu “Good” (Good Friday), và Chủ nhật “Easter” (Easter Sunday)?

“Maundy” trong “Maundy Thursday” là cái tên lạ nhất. (Nhiều tiếng Châu Âu khác đơn thuần gọi nó là Thứ năm Thánh – Holy Thursday, mặc dù trong một số trường hợp nó được gọi là Thứ năm nhiệm mầu – Thursday of Mysteries.) Wikipedia tóm tắt hai hướng lập luận khác nhau cho nguồn gốc của tên gọi tiếng Anh. Lập luận thường được nhắc đến là trong Phúc âm theo thánh Mác-cô phiên bản tiếng Latin, Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ trong Tiệc Ly và nói rằng “Mandatum novum do vobis ut diligatis invicem sicut dilexi vos.” (“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương[1] anh em.”) (Gioan 13:34). Từ chữ đầu tiên, chúng ta có chữ “Maundy”.

Tuy vậy, điều này hơi kỳ quặc. Một phần là bởi vì câu trên là câu bắt đầu cho một đoạn nổi tiếng được đọc trong các nghi thức của ngày Thứ năm Tuần Thánh, nhưng sau khi nghe các tu sĩ đọc nó, khó có thể nghĩ là các tín hữu sẽ lấy từ đầu tiên đổi sang “Maundy” rồi đặt tên cho ngày lễ. Một số từ điển nói rằng nó có thể bắt nguồn từ chữ “mande” trong tiếng Pháp cổ (thời đó tiếng Pháp vẫn phát âm chữ “e” ở cuối). Nhưng tất cả các nghi lễ nhà thờ thời trung cổ ở Châu Âu đều dùng tiếng Latin, vậy thì vì sao không gọi là Thứ năm “mandatum” (hay đơn giản là Thứ năm “mandate”)? Nếu người nói tiếng Pháp đặt tên cho nó thì tên lẽ ra phải hoàn toàn thuần Pháp, tức “jeudi de mande”. (Và tại sao người nói tiếng Pháp ở Châu Âu lại không gọi như vậy?) Cách giải thích từ Thứ năm “Maundy” là sự pha trộn giữa tiếng Anh và tiếng Pháp là cách giải thích kỳ quặc.

Cách giải thích khác cho rằng người nghèo được nhận bố thí từ các vị vua vào ngày Thứ năm Tuần Thánh (ngày mà người nghèo được nâng lên một vai trò đặc biệt, giống như việc Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ một cách khiêm nhường.) Từ “maund” trong tiếng Anh cổ chỉ cái giỏ đan, được các vua chúa dùng để đựng đồ bố thí (ngày nay, hoàng gia Anh vẫn ban phát những đồng xu đặc biệt trong dịp này). Từ “maund” có gốc tiếng Đức, nhưng có thể đã được lọc qua tiếng Pháp trước khi được dùng trong tiếng Anh, điều này giải thích việc nó được đánh vần gần giống tiếng Pháp. Mặc dù nguồn gốc từ Thứ năm “Maundy” vẫn là một điều tương đối bí ẩn, cách giải thích thứ hai có sự cuốn hút thực tế hơn.

Đến điều kỳ quặc tiếp theo, nhiều người theo Ki-tô giáo nói tiếng Anh băn khoăn vì sao ngày đen tối nhất của Tuần Thánh, ngày mà Đức Giê-su chịu nạn và chết, lại được gọi là “Good” Friday (Thứ sáu tốt lành). Dĩ nhiên là câu chuyện về sự hy sinh của Giê-su quan trọng đối với quan điểm của Ki-tô giáo về cứu độ, nhưng từ “good” nhẹ nhàng và nhàm chán không phải là từ đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến. Người Ki-tô hữu dòng Chính thống thường gọi nó là ngày “Great” Friday (Thứ sáu vĩ đại) theo ngôn ngữ của họ, và điều này dường như phù hợp hơn. Nhưng bí ẩn này có thể được giải thích một cách dễ dàng: từ “good” trong thời trung cổ có nghĩa là “thánh/thiêng liêng” hay là “liên quan đến Thiên Chúa” trong tiếng Anh. Vì thế, từ chúng ta dùng để gọi ngày lễ này có liên quan mật thiết với truyền thống Tây Âu của ngày Thứ sáu Tuần Thánh.[2]

Cuối cùng là từ “Easter”. Đa phần các ngôn ngữ châu Âu mượn thẳng một từ trong Kinh Thánh. Lễ vượt qua (Passover theo tiếng Anh – ND), lễ hội mùa xuân chính của người Do Thái nhằm tưởng nhớ sự Xuất hành rời khỏi Ai Cập, được gọi là Pessach trong tiếng Hebrew, hay pascha trong tiếng Aramaic. Nó được lọc qua từ pascha trong tiếng Hy Lạp và Latin để trở thành từ pâques trong tiếng Pháp, pascuas trong tiếng Tây Ban Nha, pascha trong tiếng Nga, vv…. Đây là điều bất ngờ, bởi vì việc giữ lại một từ có gốc Hebrew-Do Thái không phải là một thói quen của Ki-tô giáo (cho dù từ Messiah có gốc Hebrew tồn tại song song với từ Christ có gốc Hy Lạp, cả hai đều có nghĩa là “người được xức dầu”). Trong tiếng Anh, dấu vết duy nhất của từ pascha là từ “paschal lamb” (con chiên vượt qua), đồ hiến tế trong lễ Vượt qua, được hiện thân bởi Đức Giê-su trong truyền thống Ki-tô giáo.

Vậy thì Easter có ý nghĩa gì? Hồi thế kỷ thứ 8, tu sĩ có tên là Bede viết rằng những người nói các ngôn ngữ gốc Đức, như người Anglo-Saxon, sau khi chấp nhận Ki-tô giáo, vẫn tiếp tục gọi tháng bao gồm lễ Phục sinh là Eosturmonath, một cái tên dường như được đặt theo tên nữ thần Eostre. Vị thần này đại diện cho bình minh, và đây là lý do tại sao từ “east” (phía đông), nơi mặt trời mọc, có cùng một gốc từ.

Tất cả những điều này giải mã bí ẩn cuối cùng, đặc biệt là với những đứa trẻ, là tại sao chúng ta (ở phương Tây) lại chào đón lễ Phục sinh bằng các con thỏ và trứng? Đúng là những người Ki-tô hữu ăn chay kiêng thịt vào mùa Chay nên vì vậy họ phải trữ sẵn nhiều trứng và phải ăn nhanh (trước khi trứng bị hư). Nhưng dường như quan trọng hơn là bình minh, mùa xuân, phía đông và phục sinh đều là những biểu tượng của một sự khởi đầu mới. Khả năng sinh sản cũng có thể coi như là một sự khởi đầu mới, vì vậy quả trứng và thỏ, một loài động vật có vú nổi tiếng với tỷ lệ sinh sản cao, là những biểu tượng cho mùa Phục Sinh.

Chúc các bạn một mùa Phục Sinh vui vẻ, bất kể bạn theo tín ngưỡng gì!

————-

[1] “Như Thầy yêu thương” (Sicut dilexi), cũng là khẩu hiệu của Hồng y Gioan Baotixita (Jean-Baptiste) Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (đã về hưu). – ND

[2] Nghĩa cũ của chữ “good” cũng giải thích vai trò của nó trong những câu như là: good God! Good Lord (Thiên Chúa tốt lành) và Would you be good enough to… (bạn có đủ tốt lành để…)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn