Bạo lực học đường, trách nhiệm của ai?

Chủ Nhật, 31 Tháng Ba 20195:16 SA(Xem: 6336)
Bạo lực học đường, trách nhiệm của ai?

FB Hoàng Hải Vân

Bạo lực học đường, cũng như bạo lực trong xã hội, không phải bây giờ mới có, mà là tình trạng vốn có từ rất lâu, nay do thành tựu của công nghệ thông tin và sự phổ cập của mạng xã hội mà phơi bày ra rõ hơn mà thôi. Đổ lỗi cho Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ về tình trạng này là không thỏa đáng. Bất kỳ nhà chánh trị nào, dù đức cao vọng trọng tới đâu, làm Bộ trưởng Giáo dục trong một thể chế giáo dục như thế này thì tình hình vẫn như vậy.

Nền kinh tế bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường từ hơn 30 năm trước, kéo theo thể chế thị trường là một xã hội biến động theo hướng tự do hóa. Nhưng thể chế giáo dục của quốc gia lại không chuyển theo xu hướng này. Còn các bậc phụ huynh như chúng ta thì không có thói quen sống trong một xã hội tự do. Chúng ta vẫn gửi gắm con em của mình cho thiết chế giáo dục của nhà nước. Chúng ta coi nhà nước là đại sư phụ tập thể của con em chúng ta, trong khi nhà nước, bất kể là nhà nước nào, từ cổ đại đến hiện đại, không bao giờ là người có đủ tư cách đứng ra dạy dỗ thế hệ trẻ. Chúng ta kỳ vọng, cho nên chúng ta thất vọng. Chúng ta yêu cầu những điều mà nhà nước không thể làm được, cho nên chúng ta chửi bới.

Chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường là nhà nước đã trả quyền tự do kinh doanh lại cho chúng ta, tức là chúng ta được làm ăn sinh sống trong tất cả những lãnh vực mà luật pháp không cấm. Lẽ ra cùng với việc này, nhà nước phải trả luôn con em của chúng ta lại cho chúng ta để chúng ta tự lựa chọn trường, lựa chọn thầy, lựa chọn cách học tập cho con cái mình, tức là nền giáo dục cũng phải được tự do hóa. Nhưng nhà nước vẫn cứ duy trì một thể chế để ôm con em chúng ta không khác gì thời kỳ bao cấp. Đó là trường công áp đảo, hầu hết lực lượng thầy giáo đều là công chức nhà nước với một ngân sách dành cho giáo dục vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế nhưng không bảo đảm được những phương tiện tối thiểu cho giáo dục và đời sống tối thiểu của người thầy.

Lẽ ra, nhà nước chỉ đảm nhận giáo dục bắt buộc (hiện nay là cấp tiểu học) miễn phí hoàn toàn và chỉ ôm một số trường công từ trung học đến đại học được trang bị hiện đại và tinh nhuệ để đào tạo nhân tài, cũng hoàn toàn miễn phí. Còn lại, để cho trường tư phát triển tự do, nhà nước chỉ kiểm soát bằng việc thống nhất chương trình chủ yếu và kiểm soát chất lượng thông qua thi cử. Các trường tư sẽ được mở rộng theo nhu cầu và tự nâng cao chất lượng bằng cạnh tranh. Người dân có quyền lựa chọn trường cho con, trường nào mà thầy không ra thầy lớp không ra lớp thì tự phá sản. Người dân cũng có thể có cách lựa chọn khác là không cần cho con đến trường mà tự giáo dục tại nhà, các em vẫn có thể có bằng cấp thông qua việc tham gia các kỳ thi của nhà nước. Làm được như vậy thì ngân sách dành cho giáo dục sẽ giảm nhưng chất lượng giao dục sẽ tăng, đời sống của người thầy cũng sẽ được nâng lên.

Bất kỳ cái gì thuộc về giáo dục con người mà do nhà nước quản lý đều có khả năng phát sinh bạo lực. Nhà tù là nơi nhà nước quản lý chặt chẽ không thứ gì chặt chẽ bằng, nhưng bạo lực trong nhà tù là kinh khủng nhất. Một trường công rất khó khắc phục tình trạng bạo lực, vì dù có bạo lực thì nó vẫn cứ tồn tại. Còn trường tư thì khác, nếu để bạo lực diễn ra thì cái trường tư kia sẽ phá sản, cho nên các chủ trường tư sẽ có đủ thông minh không để diễn ra bạo lực.

Chớ có mang nước Mỹ ra làm lý do để duy trì tràn lan trường công. Nước Mỹ, do đặc điểm lịch sử của mình là một “hợp chủng quốc”, người ta phải có một nền giáo dục công lập rộng rãi nhằm san bằng các khác biệt về chủng tộc và văn hóa. Đặc điểm đó không có ở nhiều nước khác, trong đó có nước ta. Tuy nhiên, các trường tư của Mỹ vẫn là những cơ sở giáo dục thuyết phục nhất, điều này ai cũng biết, không cần phải dẫn chứng.

Chúng ta đã quá chậm trong cải cách giáo dục, hậu quả là hơn 1 triệu thầy giáo các cấp đang ăn lương nhà nước. Giải quyết tình trạng này là vô cùng khó khăn nếu thực hiện tư nhân hóa giáo dục. Nhưng không thể tiếp tục kéo dài. Hiện nay, “lợi ích nhóm” trong hệ thống giáo dục là vô cùng trầm trọng, từ độc quyền triển khai các dự án giáo dục hàng tỷ đô la cho đến độc quyền sách giáo khoa. Cho nên, bộ máy giáo dục hiện hành không thể tự mình cải cách được. Vì vậy, cần một ý chí chánh trị từ cấp lãnh đạo cao nhất, nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu nào có một ý chí như vậy.

Nhìn thấy những tệ trạng trong trường học, anh bạn hàng xóm của tôi đã quyết định không cho con mình đến trường nữa. Anh ấy nói với tôi rằng, vợ chồng anh ấy sẽ thay phiên nhau dạy con. Con anh ấy sẽ tham gia các kỳ thi để có bằng cấp (tôi không biết hiện nay nhà nước có cho phép học tại nhà được đi thi chưa). Đó là một trong những thái độ. Có thể còn nhiều thái độ khác nữa. Khi mọi người đều có thái độ, không phải lên bàn phím gõ chữ như tôi, mà bằng hành vi như anh bạn của tôi, thì sẽ tích gió thành bão buộc nhà nước phải cải cách. Con em chúng ta không thể tiếp tục bước vào những lớp học do nhà nước quản lý như những nhà tù.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Ba, 02 Tháng Tư 20195:25 CH
Khách
Đây là một "kiệt tác" của một bồi bút viết đúng theo quy trình và "thấu triệt đường lối của đ." . Miễn phân tích ! Chỉ tiếc là HNPĐ đưa vô là choán chỗ một cách vô ích thay vì đưa nó vô Trang Lá Cải chỗ gần mặt bác Hồ ! Còn có nhiều tin khác đáng đăng lên Mỗi Ngày Một Chuyện hơn !
Chủ Nhật, 31 Tháng Ba 20197:38 CH
Khách
Bài viết của Facebook Hoang hải Vân đầy dẫy những mâu thuẫn không thể chấp nhân được, vì cho rằng đây là "hiện trạng xã hội nếu mà: "Đổ lỗi cho Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ về tình trạng này là không thỏa đáng". Thế thì theo ông Vân, trách nhiệm và chức vụ của Bộ trưởng Văn Hóa Giáo Dục là để làm những gì ? Chắc chỉ là một thương hiệu quảng cáo thôi ư ?
Xã hội Việt Nam học gương "Đạo đức Bác Hồ" trong nhiều năm và bộ Giáo dục cũng theo chỉ tiêu ấy chắc là để học hỏi những thói lưu manh lừa đảo và bạo lực để thống trị người khác, càng gian ác càng có thể đứng cao trong đảng và xã hội. Nền giáo dục ngày xưa làm gì có chuyện học sinh đánh nhau loạn đả lột quần lột áo, thầy cô bán đề, ngã giá học trình và đưa học sinh vào nhà ngủ. Sinh viên sư phạm được bán dâm công khai vài lần, hoặc cô giáo chào rượu và hát phục vụ quán chức cầm quyền. Đừng đổ thừa xã hội tin học tiên bộ và "Nền kinh tế bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường từ hơn 30 năm trước, kéo theo thể chế thị trường là một xã hội biến động theo hướng tự do hóa". Thật sự các nước văn minh theo cơ chế thị trường mới nhâ n bàn bất bạo động, còn nếu như phương cách giáo dục VN 30 năm trước tốt tại sao không giữ lấy, vị nền giáo dục tốt sẽ hỗ trợ cho môi trường xã hội bên ngoài, chỉ khi giáo dục tha hóa thì xã hội mới xấu xa và đó đang là sự kiện trong nước. "Bất kỳ cái gì thuộc về giáo dục con người mà do nhà nước quản lý đều có khả năng phát sinh bạo lực". Thì ra thế, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là người của nhà nước quản lý nên việc học sinh bạo lực là tất nhiên, và vì ông Nhạ là người của nhà nước nên không chịu trách nhiệm chứ gì ?
Khuyên ông và bạn của ông nên giáo dục con tại nhà để có một khả năng kiến thức đạo đức nhân bản, chẳng cần phải tham gia các kỳ thi để có bằng cấp ( mà chính ông không biết hiện nay nhà nước có cho phép), vì mảnh bằng không phải là trí tuệ thật trong đầu: điển hình như Bác học Thomas Edison, hay Tỉ phú Bill Gates, Micheal Dell, Mark Zuckerberg là những nhân vật lỗi lạc trong xã hội, họ không có bằng như gần 30,000 tiến sĩ vài trăm ngàn thạc sĩ trong Việt Nam mà sống vô dụng chỉ cúi đầu làm đầy tớ cho những "thằng lãnh đạo vô học" lưu manh biết dùng bao lực học được từ "đạo đức Bác Hồ" của chúng.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn