Mexico đòi Madrid và Vatican xin lỗi vì ‘thảm sát 500 năm trước’

Thứ Hai, 01 Tháng Tư 20197:02 SA(Xem: 3670)
Mexico đòi Madrid và Vatican xin lỗi vì ‘thảm sát 500 năm trước’

Mexico đòi Madrid và Vatican xin lỗi vì ‘thảm sát 500 năm trước’

Tổng thống Mexico gửi thư cho nhà vua Tây Ban Nha và Giáo hoàng Francis đòi họ xin lỗi vì vi phạm nhân quyền xảy ra 500 năm trước.

In this file photo taken on January 30, 2019 Mexico's President Andres Manuel Lopez Obrador (R) welcomes Spain's Prime Minister Pedro Sánchez at the National Palace in Mexico City.

Tổng thống Andrés Manuel López Obrador nói các dân tộc ở Mexico đã bị thảm sát khi Tây Ban Nha chinh phục châu Mỹ.

Nhưng Tây Ban Nha bác bỏ lá thư, nói rằng cần có "góc nhìn xây dựng".

Khu vực mà nay làm thành lãnh thổ Mexico đã bị Tây Ban Nha cai trị đến 300 năm, trước khi có độc lập vào thế kỷ 19.

Trong nhiều thế kỷ, Tây Ban Nha theo Thiên Chúa giáo La Mã và tự coi là có sứ mạng đem Cơ Đốc giáo đến cải đạo cho các tộc người bản địa ở châu Mỹ.

Quá trình này được gọi là "Khai hóa bằng lưỡi gươm và cây thánh giá".

Andrés Manuel López Obrador là tổng thống cánh tả đầu tiên ở Mexico sau 70 năm, và theo đuổi nghị trình riêng từ khi nhậm chức tháng 12/2018.

Ông cam kết chống tham ô, giảm bất bình đẳng và giúp người nghèo.

Ông tuyên bố đã gửi thư cho vua Tây Ban Nha và Giáo hoàng để đòi họ phải thừa nhận vi phạm nhân quyền và phải xin lỗi các dân tộc thiểu số.

"Đã đến lúc hòa giải nhưng đầu tiên họ cần xin tha thứ."

Mexico có dân số theo Thiên Chúa giáo lớn thứ hai thế giới, sau Brazil.

Nhưng chính phủ Tây Ban Nha ra tuyên bố nói sự có mặt của người Tây Ban Nha 500 năm trước không thể bị đánh giá theo góc nhìn hôm nay.

Nhà hàng hải Christopher Columbus mở đầu cuộc khai phá châu Mỹ với chuyến đi năm 1492.

Cuộc chinh phục Mexico năm 1519 xảy ra khi Hernán Cortés dẫn đầu nhóm quân đổ bộ xuống nơi bây giờ là Veracruz.

Chỉ trong hai năm, Tây Ban Nha đã thu phục đế chế Aztec.

Hernán Cortés được ca ngợi là lãnh đạo tài năng giúp chinh phục thành công.

Nhưng nhiều người dân bản địa đã thiệt mạng trong chiến tranh, các vụ thảm sát hoặc chết vì không có sức đề kháng trước bệnh dịch mà người châu Âu mang tới.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn