Thủ đô của Kosovo xấu nhất châu Âu

Thứ Ba, 26 Tháng Ba 20195:00 SA(Xem: 5145)
Thủ đô của Kosovo xấu nhất châu Âu
bbc.com

Thủ đô xấu nhất châu Âu

Deborah Huso BBC Travel

Tượng đài NEWBORN của thành phố Pristina kỷ niệm nền độc lập của Kosovo, và mỗi năm, nó được trang trí lại Bản quyền hình ảnh Deborah Huso
Image caption Tượng đài NEWBORN của thành phố Pristina kỷ niệm nền độc lập của Kosovo, và mỗi năm, nó được trang trí lại

Pristina, Kosovo, có điểm khác biệt là thường bị coi là một trong những thủ đô xấu nhất Châu Âu. Nó chắc chắn là một nơi mà tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ ghé thăm.

Điểm tham chiếu duy nhất của tôi về nơi này là từ một góc tối, xa xôi trong tâm trí tôi, khi nhớ về tin tức bi thảm của Chiến Tranh Kosovo vào cuối những năm 1990 sau nhiều năm thanh lọc sắc tộc làm cho khoảng 750.000 người Albani phải di dời.

Trong nhiều năm, người sắc tộc Albania chiếm đa số của Kosovo đã tranh giành quyền kiểm soát khu vực này với người Serbia, mặc dù họ chỉ chiếm 10% dân số, đã coi Kosovo là cái nôi của bản sắc văn hóa của họ.


Người Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào tháng 2/2008.

Mười năm sau, tôi đột nhiên có mặt ở thành phố hỗn độn này. Nhìn về một hướng là những ngọn tháp vươn lên trời của các nhà thờ Hồi giáo hàng thế kỷ và những bức tượng cao mới được đặt làm của các anh hùng trong và ngoài nước.

Nhìn theo hướng khác, là các địa danh nổi tiếng một thời như Grand Hotel thuộc sở hữu nhà nước hiện đang bỏ trống phần lớn với các cửa sổ bị vỡ. "Tôi không nghĩ nó là khách sạn tồi tệ nhất trên thế giới," tổng thống Kosovo, Hashim Thaçi, nói với một phóng viên từ tờ New York Times. "Nhưng đó là vì thế giới là rất lớn."

Tuy nhiên, tôi đang ở vào một buổi tối mùa hè ấm áp và chọn đi con đường dọc theo một con hẻm cách vài khối nhà phía nam Tòa Thánh Mẹ Teresa gần đại lộ Bill Clinton và George Bush.

Tôi chỉ đến Pristina là để đi qua Balkan sau chuyến đi bộ 10 ngày ở dãy Alps Alps. Sau khi vào căn hộ thuê không có nước máy (là vấn đề của toàn khu phố mà chủ nhà tôi không thể giải thích được), tôi lên đường, quyết tâm tận dụng tối đa hai ngày nghỉ ngắn này.

Với những khối bê tông vuông vức, những tòa nhà kiểu cộng sản và những đường phố bụi bặm, ta rõ ràng thấy ngay vì sao Pristina bị nhìn nhận xấu.

Cẩm nang Lonely Planet gọi nó "không phải là thành phố thẩm mỹ nhất mà bạn từng gặp," và tờ The Boston Globe từng nói, "thành phố Balkan này có lẽ là thủ đô xấu xí và thú vị nhất ở châu Âu".

Nhưng xét quá khứ mới đây đẫm máu và rối ren về chính trị, thì việc so sánh Pristina với một nơi như Paris hay Rome thì thực sự không công bằng. Xét cho cùng, chỉ riêng trong thế kỷ qua, chiến tranh ở Balkan đã khiến Kosovo bị cai trị bởi Đế chế Ottoman, vương quốc Serbia, Nam Tư, thậm chí là Ý (như một phần của Đại Albania trong Thế Chiến II) và Serbia một lần nữa.

Ngày nay, mặc dù tự hào với một số nhà thờ Hồi Giáo lâu đời nhất ở châu Âu, phần lớn kiến trúc Ottoman một thời tự hào đã bị thay thế bởi các cấu trúc cộng sản từ thời Nam Tư.

Trên thực tế, mục tiêu của tôi khi ở trong thành phố là để thấy những công trình khét tiếng nhất trong thời kỳ cộng sản này: Thư viện Quốc gia Kosovo, một mớ lộn xộn các khối bê tông bị báo Virtual Travel gọi là một trong những tòa nhà xấu nhất thế giới.

Khai trương vào năm 1982, Thư viện Quốc gia là công trình kiến trúc nổi bật nhất của Pristina: một công trình khổng lồ theo trường phái thô bạo mà phần bề ngoài bằng kim loại như rào sắt gợi ta nghĩ đến nhà tù.


Tuy nhiên, khi đẩy cửa vào bằng kính ẩn bên dưới mặt tiền kim loại của thư viện, tôi thấy có một vẻ đẹp đặc biệt trong tòa nhà này, với 99 mái vòm và các cửa sổ rộng lớn.

Cả phần bên ngoài khác thường và mặt sàn chính bằng đá cẩm thạch khảm, tắm trong một luồng ánh sáng tự nhiên rộng lớn từ mái vòm lớn nhất của tòa nhà, gợi lên sự liên kết với kiến trúc Byzantine và Hồi giáo đã biến mất của Pristina.

Nhưng sau đó, chỉ cách vài khối nhà, là ngọn tháp trắng tươi của Tòa Thánh Thánh Mẹ Teresa, được hoàn thành vào năm 2017, 14 năm sau khi Giáo Hoàng John Paul II phong chân phước cho người Albany trùng tên mình.

Cấu trúc cao 76m là một địa điểm mỉa mai ở đây - vì Vatican City không công nhận chủ quyền của Kosovo và cũng vì 90% dân số Kosovo là người Hồi giáo.

Cũng là điều đúng công lý. Trước khi Đế quốc Ottoman nắm quyền cai trị Kosovo kéo dài hàng thế kỷ bắt đầu từ Thế kỷ 14, hầu hết người Albani theo Công Giáo.

Với sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ, đa số chuyển đổi sang Hồi giáo để trốn thuế đánh vào những người Công Giáo. Hướng dẫn viên của tôi, Bekim Xhemili, người phụ trách và nhà dân tộc học tại Bảo Tàng Dân Tộc Học Kosovo, nói rằng ngày nay chỉ có 3% người Kosovo theo Công Giáo.

Lịch sử xây dựng Tòa Thánh Mẹ Teresa phản ánh mong muốn của người Kosovo đưa hàng thập kỷ xung đột (hầu hết là xung đột dân tộc chứ không phải tôn giáo) vào quá khứ. Theo Xhemili, người Hồi Giáo cũng như Công Giáo đã quyên góp tiền cho việc xây dựng tòa thánh, với nhiều khoản tiền đến từ chủng tộc Albani sống ở Hoa Kỳ.

Nhưng con đường đến với hòa bình và độc lập của Kosovo không nhất thiết dẫn đến thịnh vượng.

Ngày nay, chỉ có 114 trong số 193 thành viên Liên Hợp Quốc công nhận chủ quyền của Kosovo, và như Xhemili đã nhanh chóng chỉ ra, phần lớn nền kinh tế của nước này được hỗ trợ bằng tiền từ những người họ hàng làm việc ở Tây Âu. "Nếu không có tất cả số tiền từ bên ngoài vào Kosovo," ông nói, "thì nền kinh tế sẽ sụp đổ."

Theo Ngân Hàng Trung Ương Kosovo, người Kosovo làm việc ở nước ngoài đã gửi về nước khoảng 752 triệu euro năm 2015. Vào đầu năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp của Kosovo ở mức khoảng 27% và sự tham gia lực lượng lao động của người Kosovo trong độ tuổi lao động (15-64) thấp đến mức đáng kinh ngạc, 39%.

Bạn sẽ không thể biết những điều thê thảm khi đi dạo ở đường phố Pristina, đặc biệt là đường chính dành cho người đi bộ, Bulevardi Nënë Tereza.

Đầy các quán cà phê và mọi thứ trưng bày, từ đài tưởng niệm Spomenik bằng bê tông để tưởng nhớ việc giải phóng Nam Tư trong Thế Chiến II đến những hình bằng đồng được vẽ cờ Mỹ và Anh, đường phố có vẻ nhộn nhịp suốt ngày. Cha mẹ đẩy xe trẻ em, khách du lịch liếm kem gelato và học sinh nói huyên náo ở hết quán cà phê này sang quán khác.

Trên thực tế, một trong những điều tuyệt vời nhất tôi tìm thấy ở Pristina là văn hóa café. Hãy đi bộ một hoặc hai khối nhà, và bạn sẽ gặp ít nhất 6-7 quán nước, và theo Hiệp Hội Ẩm Thực Pristina, có hơn 100 quán trong một thành phố chỉ 200.000 người.

Giống như Pristina, các quán nước của nó phản ánh sự pha trộn ảnh hưởng của vùng Balkan, Châu Âu và Trung Đông, với một số loại cà phê macchiatos ngon đến mức là đối thủ với bất kỳ cà phê nào ở Ý và những thứ khác chuyên về bia ngòn ngọt mằn mặn Thổ Nhĩ Kỳ.

Gác cà phê sang một bên, điều làm cho những quán nước này trở nên độc đáo là ý nghĩa của chúng đối với những người mà họ gọi vùng đất sâu trong lục địa này là nhà.

Quán cà phê là một nỗ lực toan tính tự nhiên trong một khu vực có ít triển vọng kinh tế - hầu hết mọi người đều uống cà phê. Quán cũng là nơi tụ tập của các nhân viên chính phủ, những người không có việc làm và trí thức trẻ. Nói cho cùng, nghe nói các quán cà phê Kosovo chính là nơi bắt đầu lập ra kế hoạch ban đầu cho phong trào độc lập.

Đi bộ 5 phút khỏi đại lộ Boulevardi Nënë Tereza nhộn nhịp, tôi tình cờ thấy tượng đài NEWBORN kỷ niệm 11 năm độc lập của Kosovo khỏi Serbia.

Hàng năm, vào ngày độc lập của họ (17 tháng 2), người dân Kosovo trang trí lại tượng đài này theo diện mạo mới. Có một số năm, các chữ khổng lồ của nó được vẽ hình đầy màu sắc. Ở các lần khác, chúng được người dân ký lên.

Theo một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Kosovo, sự thay đổi hàng năm này phản ánh sự tìm kiếm không ngừng tiến triển của Kosovo về danh tính của nó và tượng trưng cho sự phát triển - cho dù đó là dây thép gai để mô phỏng việc thoát khỏi quá khứ, hay là cờ của các quốc gia đã công nhận chủ quyền của Kosovo.

Ở phía bên kia đường so với NEWBORN, tôi thấy Đài Tưởng Niệm Heroinat bi thảm hơn, được khánh thành vào năm 2015 để tôn kính 20.000 phụ nữ bị hãm hiếp trong Chiến Tranh Kosovo 1998-99.

Mỗi kim cài tóc của tượng đài đại diện cho một trong những người phụ nữ đó, và, ở các chiều cao khác nhau, chúng tạo thành hình nổi gương mặt một người phụ nữ. Tượng đài này làm tôi đặc biệt mủi lòng.

Vào những ngày trước khi đến Pristina, tôi đã ở nhà của những người chủng tộc Albani gốc Kosovo, nơi tôi thường ngồi uống cà phê Thổ Nhĩ Kỳ với các bà lớn tuổi, mà họ bắt đầu kể cho tôi nghe những thông tin kín về những gì xảy ra với bạn bè, chị em và con gái của họ trong tay lính Serbia - thể hiện một trong những chiến thuật bi thảm và tàn bạo nhất được thực hiện bởi cả hai lực lượng của Serbia, và, theo Tổ chức Nhân quyền phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ, Quân Đội Giải Phóng Kosovo chống lại phụ nữ Serbia, Albania và Roma.

Có lẽ là để phù hợp nên con đường dẫn về phía trước đi từ một địa điểm tưởng nhớ về một trong những thời kỳ đen tối nhất của Kosovo được đặt theo tên của cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright. Thực tế, ngay cả trong năm 2019, nhiều người Kosovo vẫn yêu thích gia đình Clintons, Bush và các chính trị gia Mỹ khác, những người mà họ cảm thấy đã giúp họ tạo nên nền độc lập của Kosovo.

Người dân Kosovo còn nhớ vụ ném bom của Nato do Hoa Kỳ lãnh đạo năm 1999 mà cuối cùng đã giải thoát họ khỏi sự kiềm chế của người Serbia và chấm dứt chiến tranh tàn bạo ở cả hai bên. "Chúng tôi yêu nước Mỹ; yêu Bill Clinton," Xhemili nói thêm. "Người Mỹ là người hùng của chúng tôi."

Giống như thành phố Pristina, đôi khi tình yêu đó không đẹp. "Có lẽ chúng ta có bức tượng Bill Clinton xấu nhất thế giới," thị trưởng Shpend Ahmeti của Pristina nói trong một cuộc phỏng vấn với Osservatorio Balcani Caucaso Transeuropa năm ngoái. "Vợ Hillary của ông đã khánh thành tượng này, khuôn mặt bà như muốn nói 'không giống chồng tôi.'

Và, chắc chắn rằng, Pristina không giống Paris hay Rome. Nhưng tôi thấy rằng nếu bạn nhớ về quá khứ và lạc trong hiện tại của nó, thì bạn sẽ tìm thấy một dân tộc kiên cường và một thủ đô trẻ mong muốn viết chương tiếp theo. Và đó là cái đẹp không thể phủ nhận.

Bài tiếng Anh trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn