Ngôi cổ mộ trong vườn Ông Thượng

Thứ Tư, 20 Tháng Ba 20194:00 SA(Xem: 5865)
Ngôi cổ mộ trong vườn Ông Thượng

Nhà văn Bình Nguyên Lộc thuở lang thang tìm hiểu đất Sài Gòn, có viết bài tản văn Mả cũ bên đường sau một lần ghé đến ngôi chùa ở khu Tân Định. Sài Gòn lúc ấy đã có các quận ngoại thành từ lâu, dân chúng khắp nơi kéo nhau về cư ngụ. Nhà cửa xen lẫn mồ mả vô chủ. Ông viết: “Ngôi mộ có vẻ đẹp của những vật điêu tàn hay ít ra, của những vật cổ kính, mặc dầu chưa chắc nó đã xây lên được tám mươi năm”.

ngoi-mo-co-trong-vuon-ong-thuong3
Tranh ký họa ngôi mộ cổ trong vườn Tao Đàn của trường Mỹ thuật Sài Gòn. Ảnh: Internet

Hình ảnh đó chỉ là một góc cạnh nhỏ của Sài Gòn đang mở rộng, là những mồ mả cũ của người đã khuất xen kẽ khu gia cư của người sống. Đến thế hệ của tôi, những năm của thập niên sáu mươi thì hình ảnh nê địa đó đã mất dần nhưng vẫn còn sót lại đây đó vài ba nấm mồ lạnh lẽo không nhang khói. Người thân của những mồ mả ấy đâu rồi chẳng biết, chỉ còn lại người lạ không quen sống cạnh cái mả làm bằng xi măng hoặc cũ hơn là đá tổ ong xám màu rêu phủ. Người xa lạ sống bên cạnh riết rồi quen, xem như một thành viên trong nhà, ngày rằm, lễ Tết đều có nén hương sưởi ấm lòng người nằm dưới mồ hoang lạnh.

Bên cạnh những nấm mồ của người dân vô danh, cũng có những ngôi mộ cổ của những người giàu có hoặc làm quan thời Pháp thuộc. Những ngôi mộ này đều có bia ghi tên tuổi của người đã mất. Thường thì các mộ này rộng lớn, xây cất đúng theo phong tục, tín ngưỡng. Chúng ta có thể điểm qua vài ba ngôi mộ mà người dân Sài Gòn có thể biết đến từ đời này qua đời khác. Mộ Long Vân hầu Trương Tấn Bửu ở Phú Nhuận; mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh, người lập ra chợ Thủ Đức; Mả đá của một nhân vật giàu có bên lề đường Nguyễn Tri Phương gần ngã tư Trần Quốc Toản và còn nhiều nấm mộ khác rải rác khắp nơi.

ngoi-mo-co-trong-vuon-ong-thuong1
Con đường Trương Định cắt ngang Vườn Tao Đàn vào đầu thập niên sáu mươi. Nguồn: Manhhaiflicks

Thuở nhỏ, có lần ba tôi dẫn tôi đi Sài Gòn chơi bằng xe ngựa. Bến xe ngựa cuối cùng dừng tại góc đường Lê Văn Duyệt và Hồng Thập Tự. Từ đây đi thẳng là đến ngã sáu Sài Gòn nhưng ba tôi muốn cho tôi biết công viên vườn Bờ-rô (Jardin de Beau Jeux) và từ đây đi tắt đường Trương Định xuyên qua vườn ra Nguyễn Du, xuôi theo Thủ Khoa Huân đến Lê Thánh Tôn là đến cửa Bắc chợ Bến Thành. Vườn Bờ-rô là tên gọi thời Pháp chứ vào tuổi tôi thì công viên này gọi là Vườn Tao Đàn, lấy theo tên Tao Đàn Nhị thập bát tú – một hội xướng họa thi ca tập hợp 28 vị tiến sĩ văn chương dưới thời vua Lê Thánh Tông. Tuy nhiên Vườn Tao Đàn ở đây không phải là nơi xướng họa thi ca mà là một vườn cây cảnh thiên nhiên, có hồ nước công viên tao nhã để dân Sài Gòn đến hít thở không khí trong lành.

Vườn Tao Đàn rộng lớn, trồng nhiều cây dầu cao vút mà trái dầu là những cánh hoa xoay tít khi ba tôi bảo tôi thử quăng nó lên không trung. Đó là lần đầu tiên tôi biết trái dầu và công dụng của cây dầu sau khi nghe ba tôi giải thích. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi biết cây trâm rừng to lớn phủ tàn lá sà thấp che mát cả một khu cổ mộ có viền mái ngói lưu ly đỏ. Trái trâm rừng mùa hè chín tím, khiến tôi không cầm lòng kiễng chân lên bờ mộ vói tay bứt nắm trâm rừng. Ba tôi nghiêm giọng trách: “Mồ mả là nhà của người đã khuất, không nên tự ý bước vào khuôn viên, huống hồ leo trèo lên mộ, làm như thế là phạm tội với các vong linh, lần sau nhớ tránh”.

Tuổi nhỏ tôi nào biết gì, ham vui mà gây họa, lòng lo sợ, lỡ các vong linh quở trách, bẻ lọi giò làm sao đi học, đang vui bỗng chốc thành buồn. Tôi đứng trước ngôi mộ cổ, lòng khấn thầm tạ tội, tai lắng nghe tiếng ba tôi giảng giải. Thì ra, ngôi cổ mộ này có từ đời cố hỉ nhưng không biết tại sao lại nằm trong một công viên rộng lớn khi xưa từng được gọi là Vườn Ông Thượng, nơi Tả quân Lê Văn Duyệt dùng làm chỗ duyệt binh khi xây dựng Thành Gia Định gần đó.

ngoi-mo-co-trong-vuon-ong-thuong
Công viên Tao Đàn sau khi Pháp rời khỏi Sài Gòn, là nơi dạo chơi của dân Sài Gòn. Ảnh: LIFE

Sau này, đọc các sách lịch sử thì tôi mới biết khu đất này nằm trong thành Gia Định. Khi Pháp phá tan thành, xây dựng Sài Gòn lấy phần đất dọc về hướng Tây cất Dinh Toàn quyền (sau này là Dinh Tổng thống) bên cạnh có cả một khu vườn rộng lớn mà ngày xưa vào thời Gia Long, Minh Mạng gọi là vườn của ngài Tả quân. Người Pháp cho làm một con đường (Miss Clavell) tách rời khuôn viên vườn (nay là đường Huyền Trân Công chúa). Vườn Bờ-rô hình thành bao bọc bởi đường Chasseloup-Laubat (Hồng Thập Tự), Rue Verdun (Lê Văn Duyệt) và Rue Taberd (Nguyễn Du). Năm 1896, Pháp cho cất Hội Hiếu nhạc – Société philharmonique (sau này, vào năm 1956, Ban Kịch nghệ của trường Mỹ thuật Gia Định tách ra về đây lập nên trường Quốc Gia Âm Nhạc). Tiếp theo năm 1897, cất thêm Hội Tam Điểm (Franc-maçonnerie), sang năm 1902 xây dựng Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn (Cercle Sportif Saigonnais), phía sau Câu lạc bộ có sân bóng bầu dục, sau thành sân bóng tròn. Năm 1926, Pháp tiếp tục cho xây Viện Dục nhi (Institut de puériculture) ở góc đường Chasseloup-Laubat và Verdun (sau này vào thời Cộng hoà dùng làm Bộ Y tế).

Tất cả các công trình này đều cất trên phần đất của Vườn Tao Đàn. Nhưng tôi thắc mắc là tại sao trong Vườn Tao Đàn lại có một ngôi cổ mộ mà theo biên khảo nhiều tư liệu thì ngôi mộ này được xây từ thời vua Minh Mạng. Khảo sát bia đá bên trái cho thấy dòng chữ Hán (dịch nghĩa): “Đại Nam. Hiển khảo trọng giang. Ất Mão (1795) thu quyên. Chủ húy tự trường Lâm Tam Lang chi mộ” (mộ cha là con trai thứ ba Lâm gia). Trên tấm bia đá bên phải ghi: “Mộ mẹ, vợ nhà họ Lâm”.

Ông Lâm Tam Lang từ đâu đến? Gia phả họ Lâm tại Rạch Giá ghi nhận, ông người gốc Quảng Đông, di cư sang Việt Nam, cư ngụ tại Sài Gòn, tự là Nguyên Thất, không biết năm sinh, mất vào mùa thu năm Ất Mão (1795). Ông có vợ là bà Mai Thị Xá (không ghi năm sinh năm mất). Xem ra, qua ghi chép gia phả họ Lâm, có thể xác định ngôi mộ cổ trong Vườn Ông Thượng là của gia đình Lâm gia đời thứ nhất. Như vậy, có thể chứng minh, ông Lâm Tam Lang đã sống ở khu vực Vườn Ông Thượng từ trước đó khi chưa có thành Gia Định. Đến khi Pháp chiếm Sài Gòn, các con cháu của ông theo nghĩa quân về miền Tây chống Pháp. Điển hình là cháu đời thứ tư (cháu cố) Lâm Quang Ky, người được xem “Lê Lai cứu chúa”, hy sinh vào năm 1868 (hưởng dương 29 tuổi) thay cho anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đánh chiếm đồn Kiên Giang. Thành chiếm giữ được năm ngày nhưng quân chi viện Pháp phản công mãnh liệt, Lâm Quang Ky làm phó tướng giữ thành đến giờ phút cuối cùng để cho Nguyễn Trung Trực rút lực lượng về Hòn Chông an toàn.

ngoi-mo-co-trong-vuon-ong-thuong2
Ngôi mộ cổ trong vườn Tao Đàn ngày nay là Di tích Văn hoá Lịch sử cấp thành phố. Ảnh: Dansaigon

Danh tướng Lâm Quang Ky có cha là Lâm Kim Diêu, nội là Lâm Phong Quang là con thứ ba trong bốn người con của ông Lâm Tam Lang. Ngày nay, tại thành phố Rạch Giá có con đường mang tên Lâm Quang Ky song song với đường Nguyễn Trung Trực. Riêng các con cháu khác, không nghe nhắc đến, chỉ có một Lâm Quang Ky trở nên nổi tiếng. Mãi cho đến đời thứ 7, vào năm 1937 một nhân vật khác xuất hiện sinh ra tại quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá. Đó là Lâm Đình Phùng tức nhạc sĩ nổi tiếng Lam Phương sau này. Ông là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với gần 160 tác phẩm âm nhạc mà cho đến hiện nay vẫn được nhiều người yêu mến.

Tóm lại, ngôi mộ cổ vợ chồng ông bà Lâm Tam Lang và Mai Thị Xá trong Vườn Ông Thượng chính là ông tằng cố tổ của hậu duệ nhạc sĩ Lam Phương. Ngôi mộ hiện nay được công nhận là Di tích Văn hoá Lịch sử cấp thành phố.

Sài Gòn thuở còn hoang vu của hai thế kỷ trước, người chết vẫn còn được chôn cất bên cạnh gia đình như là một phong tục tập quán để người thân gắn bó với nhau. Thời gian trôi qua, cho đến những thập niên sáu mươi vẫn còn đây đó những ngôi mộ xa vắng người thân vì chiến tranh loạn lạc kéo dài từ thời Pháp thuộc cho đến nền Đệ Nhị Cộng Hoà hay vì một lý do nào đó. Những mả cũ bên đường phố Sài Gòn thời nhà văn Bình Nguyên Lộc đã biến mất, thay vào đó là những ngôi nhà dành cho người sống, những con đường mới mở.

TN

Fort Worth, TX

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn